Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nước Anh soi tìm "nô lệ" Việt Nam

nails - reuters


Gần 100 người Việt bị bắt giữ trong đợt kiểm tra gần 300 tiệm làm móng tại Anh. Ảnh minh họa.
REUTERS/Eric Thayer

Gần 100 người Việt bị bắt giữ trong một chiến dịch toàn nước Anh kiểm tra gần 300 tiệm làm móng (nail) để chống tệ nạn lao động nô lệ.
Đó là thông tin được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn ở Anh trong mấy ngày trở lại đây.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết :

Lê Hải : Đây là thông tin được cơ quan chuyên trách về di trú của bộ nội vụ Anh cung cấp trong cuộc họp báo hồi đầu tuần và mỗi tờ báo tùy theo góc độ quan tâm và khu vực độc giả thì khai thác thêm ra, nhưng điểm chung đều nhắc đến thông điệp của chính phủ Anh muốn xóa bỏ chế độ nô lệ thời hiện đại.

Ở Anh, sau phóng sự đặc biệt của tờ The Times hồi năm 2013, hai chữ nô lệ và tiệm nails Việt Nam đã hằn sâu trong tâm thức người Anh, và sau báo cáo mới này thì chắc sẽ còn ấn tượng hơn nữa.

Đối với chính phủ Anh, thì các tiệm nails của người Việt là địa chỉ dễ kiểm tra, vì luôn nằm ở các khu trung tâm tiện đường giao thông, và hầu như là tiệm nào cũng có lao động là người vượt biên mới nhập cư trái phép chưa có giấy tờ cư trú hợp lệ.

Thường thì mùa đông vắng khách, các tiệm nails cho thợ nghỉ bớt và chỉ duy trì những người có giấy tờ đầy đủ. Vậy mà tỉ lệ số người bị bắt giữ vẫn rất cao, cứ 3 tiệm thì có 1 người bị tạm giữ để thẩm vấn.

 Tuy nhiên, các điểm bị kiểm tra chỉ là một phần nhỏ trong số hàng ngàn tiệm nails Việt có mặt ở khắp mọi nơi trên nước Anh.

Giới hạn của đợt kiểm tra này là cần phải được chủ tiệm đồng ý thì các lực lượng chức năng mới được phép kiểm tra giấy tờ của những người đang làm việc tại đó, cho nên các con số thống kê chỉ thể hiện phần nào bức tranh thực tế.

Về phía người Việt, đợt kiểm tra vừa rồi chính là một hồi chuông cảnh tỉnh để họ phải biết sống theo pháp luật, để khỏi bị phạt 20.000 bảng cho việc thuê người trái phép, và phần nào thấy được uy lực của chính phủ Anh, một khi đã ra tay thì phải đạt được mục tiêu đã đề ra.

RFI : Như vậy thì chính phủ Anh đặt mục tiêu gì đối với cộng đồng người Việt ở Anh ?

Lê Hải : Thực sự ra thì cộng đồng người Việt không phải là mục tiêu quá quan trọng đối với cơ quan di trú Anh, vì chỉ là một nhóm di dân nhỏ so với nhiều sắc dân khác.
Thế nhưng, điều khiến cho các cơ quan chức năng của chính phủ Anh lo ngại là tội phạm có tổ chức hoạt động trong cộng đồng này, và đây là một chương trình phòng chống kéo dài từ nhiều năm qua.

Các đường dây đưa người từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong vài năm trở lại đây có nguy cơ biến thành các tổ chức tội phạm liên quan đến rửa tiền hay trồng cần sa, hoạt động liên kết xuyên qua nhiều nước như Pháp, Ba Lan và đặc biệt là Nga, nơi có các xưởng may nhốt người lao động như trong tù.

Gần đây, các chuyến bay từ Việt Nam sang Anh liên tục bị kiểm tra theo đợt để nhanh chóng phát hiện người nhập cư bằng giấy tờ hay lời khai giả, không đúng với lý do thực.
Các chuyến bay rời nước Anh cũng thường xuyên bị kiểm tra tiền để phát hiện các nguồn tài chính bất hợp pháp.

Nạn nô lệ được mô tả như một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận thời hiện đại, mà buôn người chính là một ví dụ rõ ràng nhất, khi các đường dây dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài,  thu phí cắt cổ, cho vay nặng lãi, giữ nhà cửa mà người lao động đã cầm cố thế chấp, để ép họ phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, từ nơi ở cho đến thời gian và không gian lao động.

Đó là một nét cận cảnh trong bức tranh toàn cảnh của chiến dịch liên ngành được chính phủ Anh đặt tên là Magnify, nghĩa là soi kính lúp để diệt trừ hoàn toàn nạn nô lệ thời hiện đại trên đất Anh.

Đợt kiểm tra các tiệm nails Việt Nam chỉ là một tuần lễ trong một chiến dịch lớn kéo dài suốt gần một năm trời, nhắm vào tất cả mọi cộng đồng di dân có nguy cơ bóc lột cao.

 Những chiếc xe bắt người của cục di trú liên tục đến kiểm tra nhà hàng, nông trại, công trường xây dựng, xưởng chế biến thực phẩm hay kể cả siêu thị và các công ty lớn đa quốc gia, để bảo đảm cho người lao động được quyền làm việc trong môi trường nhân bản.

RFI : Nước Anh hiện đang có gần 1 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, vậy những chiến dịch kiểu này có giúp giảm bớt con số người nhập lậu vào Anh hay không ?

Lê Hải : Mặc dù là việc truy quét có thể khiến người dân có cảm giác như vậy, nhưng thực ra, trong các cuộc họp báo, quan chức chính phủ Anh chỉ muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa cho các hoạt động này là nhằm truyền tải một thông điệp dứt khoát tới các chủ doanh nghiệp là họ không thể thuê mướn nhân công trái phép và càng không thể o ép người lao động phải làm việc trong các điều kiện bị coi là nô lệ thời hiện đại.

Trên thực tế, việc trục xuất một di dân ra khỏi nước Anh không dễ dàng, tốn kém nhiều thời gian và tiền của, do phải xét hết tất cả mọi vấn đề nhân đạo và thủ tục giấy tờ theo công pháp quốc tế. Ngay cả với con số 97 thợ nails Việt bị bắt giữ thì có nhiều người chỉ cần về đến văn phòng bộ Nội Vụ là được thả ra và sau đó đi trình diện hay nhận trợ cấp và cả nhà ở nếu xin tị nạn.

 Quy trình này kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm cho đến ngày hồ sơ bị bác, hoặc được chấp nhận ở lại theo các lý do nhân đạo như con cái, bệnh tật và tuổi tác.

Cộng đồng người Việt là một phần nhỏ trong một bức tranh lớn hơn của nhiều sắc dân nhập cư trái phép vào Anh và họ luôn tìm ra phương kế mới để hợp pháp hóa giấy tờ, cũng như là kiếm tiền để trả lại khoản vay đã bỏ ra để vượt biên.
 Một số người có thể chuyển sang làm nghề trông trẻ, hay giúp việc nhà, hay những công việc nhỏ lẻ tránh xa nơi công cộng.

Các đợt kiểm tra ở cửa khẩu gần đây cũng ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhận con giả hay kết hôn giả để hợp pháp hóa giấy tờ.

Từ những chiến dịch bao quát và sâu sát như thế này, chính phủ Anh sẽ có thêm nhiều thông tin để tổng hợp lại và có đối sách phù hợp đối với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, vừa bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng bảo vệ được quyền lợi của người lao động hợp pháp ở Anh.


Switch mode views: