Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-12-2016

Biển Đông: Trung Quốc tận diệt trai tượng khổng lồ

giant clam



Một trai tượng khổng lồ vùng Đông Timor
Ảnh : Wikipedia

Với sự khuyến khích của chính quyền, trong một thời gian rất dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông mà nước này đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Indonesia, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở Biển Đông bị tàn phá nặng nề.

Trong bài viết có tiêu đề « Đổ xô đánh bắt « ngà voi » của Biển Đông », nhật báo Le Monde cho biết trai tượng khổng lồ sống dưới đáy biển, có thể dài tới hơn 1m và nặng tới 200 kg.

Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là « vàng trắng », hay « ngà voi biển ».

Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, tượng cá hay cả một đàn ngựa.
Những tác phẩm nghệ thuật này được bán với giá vài ngàn euro cho du khách nước ngoài, hoặc cho khách hàng Trung Quốc giàu có.

Hiện nay, tại Trung Quốc có tới vài trăm trang Internet bán đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng làm từ vỏ trai tượng.
Tuy nhiên, Le Monde cho biết, hậu quả của việc tận diệt loài nhuyễn thể quý hiếm ở các đảo san hô và quần đảo Trường Sa là các rạn san hô bị tàn phá nghiệm trọng.

Trong phán quyết ngày 12/07 về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đã chỉ rõ là Trung Quốc đã có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái Biển Đông, đặc biệt là các rạn san hô do các hoạt động đánh bắt trai tượng, san hô trái phép.

Trong một bức thư gửi Tòa Trọng Tài, ông John McManus, chuyên gia sinh vật biển thuộc Đại học Miami, cho biết quy mô tàn phá hệ sinh thái biển Đông đã vượt quá những gì ông đã từng chứng kiến trong suốt hơn 4 thập kỷ nghiên cứu về sự tàn phá rạn san hô.

Hoạt động đánh bắt, tận diệt trai tượng khổng lồ đã diễn ra trên toàn quần đảo Trường Sa.
Giáo sư McManus cho biết ngư dân Trung Quốc đã thả chân vịt cỡ lớn xuống rặng san hô rồi cho thuyền đi vòng xung quanh.
 Các chân vịt này nghiền nát rặng san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới rặng san hô.

69 km2 san hô trên quần đảo Trường Sa đã bị phá hủy bởi phương pháp tận diệt này. Trong khi đây là một trong những rạn san hô có đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, với hơn 400 loài san hô.

Tuy nhiên, ẩn sau câu chuyện về sinh thái còn là câu chuyện về địa chính trị.
Việc săn bắt trai tượng không phải là một hoạt động mới của ngư dân Trung Quốc mà đã tồn tại từ nhiều thập kỷ.
Nhưng nó chính thức bùng nổ vào năm 2012, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc và tăng cường hoạt động trên quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền.

Vào thời điểm đó, ngư dân Trung Quốc đã được cho phép, thậm chí là được chính quyền khuyến khích tăng cường đánh bắt trai tượng với danh nghĩa là để « bảo vệ chủ quyền quốc gia ».
Nhiều ngư dân cho biết họ đã kiếm được cả một gia tài nhờ đánh bắt trai tượng.

Sau 4 năm cho phép ngư dân tận diệt trai tượng, vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã ra quy định mới, theo đó, hoạt động đánh bắt và buôn bán trai tượng có giá trên 500.000 nhân dân tệ (69.000 euro) bị coi là phạm tội.

Trên quần đảo Scarborough, đánh bắt trai tượng và rùa biển cũng đã chính thức bị cấm từ năm 2015.
Nhưng theo đánh giá của tờ Le Monde, nhìn vào những gì mà trước đây nhà chức trách Trung Quốc cho phép và khuyến khích ngư dân làm, thì quy định mới này chỉ « mang tính đạo đức giả ».

Trung Quốc: Đánh thuế chất thải gây ô nhiễm

Ngày 25/12, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc Hội Trung Quốc thông qua dự luật đánh thuế xả thải các chất gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2017, và sẽ được áp dụng cho hoạt động xả chất thải vào nước, không khí, đất và cả các hoạt động gây ô nhiễm âm thanh.

Theo nhật báo Le Monde, đây là một tiến bộ nhưng có lẽ chưa đủ vì luật này không đề cập tới chất CO2 - tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính và rác thải hạt nhân.
Theo bộ trưởng Môi Trường Trung Quốc, thuế xả chất thải gây ô nhiễm môi trường có thể mang về cho chính quyền tới 30 tỉ nhân dân tệ/năm.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết mục đích chính của luật này không phải là tăng thuế mà là để khuyến khích các doanh nghiệp giảm xả chất thải: xả thải nhiều thì phải trả tiền nhiều, xả thải ít thì chỉ phải đóng ít tiền.

Một giáo sư về công nghiệp và môi trường ở Bắc Kinh đánh giá đây là một bước ngoặt: “Thông điệp gửi tới các doanh nghiệp là rất rõ ràng: hoặc là thay đổi, hoặc là chết”.

Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Hòa Bình Xanh thì đánh giá mức thuế quá thấp nên sẽ không phát huy hiệu quả, nhưng dẫu sao đây cũng là một tiến bộ đáng kể trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường.

 Trước tiên, đó là vì không dễ để dung hòa lợi ích địa phương, lợi ích quốc gia và lợi ích của các cấp chính quyền. Hơn nữa, việc để chính quyền địa phương hưởng số tiền thuế đó sẽ thúc đẩy địa phương kiểm soát hiệu quả hơn việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Mossoul : Thường dân sống giữa hai làn đạn

Quân đội Iraq đang tiến vào thành phố Mossoul, Iraq. Đi hay ở ?
Đây là câu hỏi mà thường dân Mossoul, Iraq đang phải đối mặt.

Nếu di tản giống như vài chục ngàn người dân Mossoul khác, họ sẽ phải đi trong mưa gió, những con đường đầy bùn đất, đến các trại tị nạn, và có nguy cơ mất hết nhà cửa, tài sản.
Còn nếu ở lại Mossoul, họ sẽ phải sống nhiều tuần lễ nơi chiến trường, giữa các trận oanh kích của đồng minh phương Tây, xe hơi bị cài bom và đạn pháo của Hồi Giáo cực đoan và những đợt tiến quân của binh lính Iraq.

Trong bài viết “Ở Mossoul, thường dân sống giữa hai làn đạn”, nhật báo Le Figaro cho biết người dân Mossoul sợ hãi, nhưng không bỏ trốn.
Một người dân sống cùng vợ và hai con gái ở Al-Muharibina kể lại: “90% những người sống cùng khu phố với tôi vẫn ở lại.
 Một quả đạn pháo đã làm thủng bức tường sau của ngôi nhà. Chúng tôi không còn nước, và rất ít nhiên liệu để chạy máy phát điện.

Chúng tôi sợ, nhưng ra đi thì còn khủng khiếp hơn nữa. Dẫu sao thì đây vẫn là nhà của chúng tôi. Tôi không muốn hai con gái tôi sống ở trại tị nạn và tôi sợ khi về thì không còn nhận ra nhà mình ở đâu nữa.”
 Điều an ủi là giờ đây, sống giữa hai làn đạn, người dân Mossoul lại rất đoàn kết, bao bọc nhau.

Nhiều người sợ rằng, sau thất bại tạm thời, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ quay trở lại. Một người dân ngao ngán, thở dài nói dù có tên là gì đi chăng nữa, Al-Qaida hay Daech, thì rồi bọn chúng sẽ quay trở lại, vì bọn chúng là người của Mossoul, và chiến tranh ở Iraq sẽ chẳng bao giờ kết thúc.

Trang nhất các báo Pháp

“Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đã làm sống dậy nền công nghiệp âm nhạc” là tít lớn trên trang nhất nhật báo Le Monde.
Số người đăng ký thuê bao dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trên mạng internet đã bùng nổ, tăng từ 8 triệu lên 68 triệu người trên toàn thế giới, chỉ sau có 5 năm.

Xu hướng nghe nhạc trực tuyến tăng đột biến vào năm 2016, với sự phát triển của các trang Spotify, Pandora, Apple Music, Deezer ... Chẳng hạn, đối với hãng nhạc Warner Music, tính từ tháng Năm, doanh thu trên toàn thế giới từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đã vượt qua doanh thu từ kinh doanh băng đĩa nhạc.
Tờ Le Monde cũng cho biết hiện nay, 1/3 số người Pháp nghe nhạc trực tuyến, trong đó có 4 triệu người sử dụng dịch vụ mất phí.

Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo Libératon quan tâm tới điều kiện làm việc của nhân viên siêu thị Auchan của Pháp qua hàng tựa “Mặt tối của siêu thị Auchan”.
Một bi kịch đã xảy ra với một nhân viên thu ngân của siêu thị Auchan: cô bị sảy thai ngay tại quầy thu ngân, trong giờ làm việc.
Chuyện này đã gióng lên một hồi chuông báo động về điều kiện lao động ngặt nghèo “vô nhân tính” ở chuỗi siêu thị Auchan.

Trên lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhật báo kinh tế Les Echos dự báo trong cả năm 2016, tổng số tiền ngân hàng Pháp cho người dân vay để mua nhà sẽ vượt quá 200 tỉ euro, với lãi suất siêu thấp, trung bình vào giữa tháng 11 chỉ là 1,31%.
Quả đúng như dòng tựa trang nhất, “Vay tiền ngân hàng mua nhà đã phá mọi kỷ lục”.

Trong khi đó, Le Figaro chạy tựa trang nhất “Người xin tị nạn, nước Pháp đang chịu sức ép”.
Năm 2016, có gần 90.000 đã nộp hồ sơ xin tị nạn tại Pháp, con số này đã tăng 10% so với năm ngoái. Và hầu như tất cả đều sẽ được tị nạn, tỉ lệ người bị từ chối đơn xin tị nạn sẽ chỉ dưới 10%.

Cũng về đề tài di dân và người tị nạn, nhưng liên quan tới nước Đức, nhật báo công giáo La Croix nhận định: “Năm 2016 làm nước Đức thay đổi”.
Từ vụ tấn công ở Cologne cho tới vụ khủng bố ở chợ Noel tại Berlin, nước Đức đang phải đối đầu với vấn đề hòa nhập của di dân.

Switch mode views: