Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-012-2015
- Thứ Bảy, 26 tháng Mười Hai năm 2015 03:24
- Tác Giả: Minh Anh
Teheran : Phương Tây không phải là bạn của Iran
Áp phích bài Mỹ trên quảng trường Vali-Asr tại Tehran 16/12/2015
REUTERS /Raheb Homavandi/TIMA
Hôm nay là ngày lễ Giáng sinh 25/12/2015, nên hầu hết các sạp báo đều đóng cửa.
Riêng nhật báo Le Monde, số đề ngày hôm nay được phát hành ngay chiều hôm qua và nhiều tuần san đã ra ngày hôm qua là có thể đến tay độc giả.
Chủ đề thời sự quốc tế khá tản mạn. Tuần san L’Obs mở một hồ sơ lớn dài 12 trang để nói về : « Sự trở về ngoạn mục của Iran ».
Theo tuần báo, thỏa thuận hạt nhân giữa lục cường với Iran được ký kết vào ngày 14/07/2015 và việc gỡ bỏ lệnh cấm vận sắp tới có dẫn đất nước đến con đường mở cửa kinh tế. Iran có lẽ sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong ván cờ ngoại giao Trung Đông.
Đây cũng là những gì phương Tây hy vọng. Nhưng lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei lại không muốn liều lĩnh làm suy yếu đất nước.
Hoa Kỳ và các đồng minh cùng với Israel vẫn là « những con quỷ dữ » trong con mắt giáo chủ Khamenei, đó là cảm nhận đầu tiên của hai đặc phái viên của tuần báo Sara Daniel và Sophie Fay.
Bằng chứng là tấm bích chương lớn trên mặt tiền một thương xá cho thấy cảnh các lính thủy Mỹ, tay đầy máu, bước trên đống xác các lính Nhật trong trận đánh Iwo Jima tại Nhật, vẫy vẫy lá cờ Hoa Kỳ.
Một thông điệp rất rõ ràng đầu tiên nhắm vào người dân, tiếp đến là vào các doanh nhân nước ngoài đang tìm kiếm một cơ hội mới ở đây : « Iran không phải là bạn của phương Tây ».
Về phần người dân, mối bận tâm hàng đầu không phải là chính trị mà là kinh tế. Người dân Iran ngày càng mất hy vọng trong việc cải thiện kinh tế.
Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Lạm phát vẫn ở mức phi mã, cho dù chính phủ của ông Rohani đã cố gắng giảm từ 45% xuống còn 15%, do giá điện, nước và nhiên liệu vẫn tăng đều đều.
Đây chính là hậu quả của những chính sách kinh tế thiên vị dưới thời cựu Tổng thống Ahmadinejad.
Nguồn dầu hỏa bị lãng phí, ưu tiên nhập khẩu hàng Trung Quốc, thay vì phát triển các dự án công nghiệp và nạn buôn lậu của các vệ binh hoành hành.
Nguồn xuất khẩu dầu khí tụt giảm thê thảm từ mức 120 tỷ đô-la cách đây sáu năm xuống còn có 25 tỷ.
Thị trường lao động bế tắc, 60% lao động Iran là dưới 30 tuổi, giới trẻ buộc phải học hết từ bằng cấp này sang bằng cấp khác hoặc phải ra đi. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 20% và nạn thất thoát chất xám không ngừng : Mỗi năm Iran mất đến 100.000 trí thức.
Xã hội dân sự vẫn bị bóp nghẹt
Điều đáng chú ý là mặc dù Tổng thống Rohani, một người theo chủ trương ôn hòa, thành công trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân, nhưng tự do ngôn luận tại đây vẫn bị siết chặt.
Nhiều nghệ sĩ, phóng viên ủng hộ cải cách bị bắt giam, chính khách thì bị quản thúc tại gia…
Dù vậy, một cựu bộ trưởng chủ trương tiến bộ cũng tỏ ra lạc quan tin là tiến trình mở cửa là điều chắc chắn.
Chính phủ cần phải có thời gian để thực hiện tiến trình đó. Do bởi, việc mở cửa sẽ có lợi cho rất nhiều phía, kể cả những quân đội vệ binh cộng hòa, đặc biệt là các "bonyad", những cơ sở tôn giáo của giáo chủ, hiện đang kiểm soát phần lớn nền kinh tế đất nước.
Cố vấn cho các "bonyad" là do đích thân giáo chủ bổ nhiệm. Và lãnh đạo các bonyad cũng có thể là những cựu vệ binh. Nhưng theo cảnh báo của vị cố vấn, các doanh nhân nước ngoài nên hợp tác đầu tư với bonyad hơn là với rentkharan, những doanh nghiệp tư nhân do các cựu vệ binh hay người thân cận của cựu tổng thống Ahmadinejad điều hành.
Lời cảnh báo trên không phải là thừa. Do bởi nhiều lãnh vực quan trọng như ngân hàng, xây dựng, thiết kế tổng hợp và dầu hỏa, tuy là do các bonyad điều hành nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của các vệ binh cộng hòa, đặc biệt là trong lãnh vực viễn thông.
Lĩnh vực này trong tương lai sẽ là sàn đấu chính trường. Các vệ binh cộng hòa sẽ không chấp nhận buông công cụ hái ra tiền cũng như là một công cụ giám sát hiệu quả. Trong khi mà, Tổng thống Rohani muốn đầu tư nhiều vào đó để có thể đặt nền tảng cho một nền kinh tế kỹ thuật số, tạo ra việc làm và thu hút chất xám trở lại. Một cuộc hẹn đã được tổ chức với nhiều công ty khởi nghiệp trong lãnh vực này.
Câu hỏi đặt ra liệu lòng nhiệt tình đó có làm thay đổi được chế độ ? Buộc chế độ đi đến một sự cải cách không thể nào tránh được ?
Đó cũng chính là nỗi ám ảnh lớn đối với giáo chủ, và niềm hy vọng của một số nhà tư sản Iran. Trong trước mắt, giáo chủ vẫn lãnh đạo đất nước đi theo hướng chủ nghĩa tư bản.
Hôn nhân tại Iran : Cha mẹ chưa phải là người quyết định cuối cùng
Tại Iran, cưới vợ hay lấy chồng cũng đồng nghĩa là « lấy luôn cả gia đình ». Do bởi con rể hay con dâu tương lại phải hợp nhãn cha mẹ đôi bên. Các cuộc hôn nhân của đôi trẻ thường do cha mẹ sắp đặt từ việc chọn người, ra mắt, thương lượng của hồi môn và tổ chức đám cưới. Phải chăng giới trẻ Iran ngày nay đang dần thoát khỏi cái bóng gia đình ?
Cũng theo tuần san L’Obs, mẹ giới thiệu hôn phu, nhưng chính các cô gái trẻ mới là người quyết định.
Các cuộc ra mắt đôi bên giờ không còn tổ chức ở bên nhà gái nữa mà là tại một điểm hẹn trong một khách sạn chuyên tổ chức các sự kiện này. Theo giải thích của một nữ ứng viên, « như vậy sẽ cởi mở hơn, ít bị bối rối hơn, nếu như buổi ra mắt diễn ra không như ý ».
Theo thông tín viên của tuần san, tại đất nước Cộng hòa Hồi giáo này, hôn nhân là một chuyện nghiêm túc và tốn kém nên không có chỗ cho yếu tố may rủi hay vấn đề tình cảm.
Do đó, sau việc xem mắt, các bậc cha mẹ thường để cho đôi bạn trẻ trao đổi với nhau ở một góc riêng nào đó, nhưng vẫn quan sát thấy được. Mục đích của cuộc trao đổi riêng đó là để cho hai người tìm hiểu những sở thích riêng từ ẩm thực cho đến văn hóa, thể thao, mua sắm… và nhất là lập trường chính trị, tôn giáo. Nói tóm lại đôi bên phải có cùng quan điểm.
Một điều nghịch lý là trong một xã hội rất truyền thống đó, phần đông giới trẻ là người ra quyết định cuối cùng sau buổi gặp và hiếm có các cô gái tính tình cứng rắn chịu chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ.
Một nữ ứng viên cho phóng viên tuần báo biết là cô vừa từ chối một thanh niên chỉ vì người đó có lập trường tôn giáo không nghiêm túc, không quá bảo thủ, không tuân thủ các giới luật của giáo chủ.
Những chai rượu Hermann Goring bị lãng quên
Gần đây, một du khách Nga đến từ Matxcơva đã bất ngờ tìm thấy nhiều loại rượu nổi tiếng của Bordeaux trong một hầm rượu Cricova tại Moldova. Câu chuyện ly kỳ này được mô tả trong bài viết được đăng trên tạp chí L’Express có được đề « Rượu vang Hermann Goring bị lãng quên » .
Cricova, nằm tại Chisinau, thủ đô Moldova, một trong những nơi làm rượu vang lớn nhất của nhân loại. Từ thời cổ đại, người dân đã trồng nho và ép thành rượu. Trên ngọn đồi nhỏ, những nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình chiếc lá nho bằng đá có từ thế kỷ III trước Công nguyên.
Đến năm 1914, Cricova trở thành vùng sản xuất rượu vang chính của đế chế Nga. Danh tiếng của loại rượu này nổi tiếng khắp nơi và có mặt tại tất cả các bàn tiệc sang trọng của Châu Âu. Sự nổi tiếng này có được là nhờ vào chất lượng của nho trồng và điều kiện ủ lý tưởng trong các hầm rượu.
Gần đây, một du khách nước ngoài đã khám phá ra một bộ sưu tập lịch sử. Hàng trăm chai rượu được tìm thấy trong một phòng trưng bày, đặc biệt có rượu của Pháp, Moselle, Hungari, Italie, v.v... Valentin Bodiul, Giám đốc của hầm rượu Cricova cho biết : “Những chai rượu này có từ hơn 70 năm, hoặc lâu hơn nữa”.
Một trong số đó có Ierusalim de pasti, sản xuất năm 1902, đến từ Palestine. Một nhà triệu phú người Pháp đã đề nghị mua với giá 100 000 đô la và 4 chiếc xe hạng sang Cadillac. Nhưng ông đã từ chối vì « đây là một phần di sản của Cricova ».
Ông cho biết : « Những chai rượu này thuộc về ông Hermann Goring », một nhà quý tộc, người đã nhắm mắt đi theo Hitler trong Thế chiến Thứ hai.
Sau khi nước Pháp bại trận năm 1940, Hermann Goring, không hài lòng với những gì đã có, ông Goring còn đến cướp bóc các hầm rượu tại Paris và thâu tóm nhiều vùng trồng nho tại Pháp. Nhưng cho đến giờ không ai hiểu làm thế nào những chai rượu đó lại có thể đến tận Moldova.
Theo nhiều lời đồn kể, năm 1945, lính Nga Xô Viết đã tìm thấy nó tại một trong những ngôi nhà nghỉ của ông Goring. Một phần đã bị lính Nga dùng và phần còn lại được chở về Cricova.
Hiện nay, hầm rượu Cricova có đến 638 chai trong bộ sưu tập Goring, trong đó 455 chai đến từ Pháp. Theo ông Jean-Marc Dreyfus, nhiều chai rượu vang trong bộ sưu tập Goring đang bị bỏ quên tại nhiều hầm rượu ở Matxcova hay nhiều nơi khác.
Những biểu tượng làm nên lịch sử nước Pháp
Tinh thần của dân tộc Pháp không chỉ dựa vào những chương Lịch sử phong phú đầy các biến cố. Tinh thần đó có thể thấy được qua những trang tiểu thuyết với của từng giai đoạn, với những vị anh hùng, những giờ phút vinh quang hay những trang sử đen tối. Và qua nhiều biến cố lịch sử đó, nước Pháp tự hào về một nền văn hóa đa dạng.
Tuần san L’Express dành hơn phân nửa số trang báo để mở một hồ sơ đặc biệt về chủ đề này.
Trong bài viết có tựa đề “Sử thi của dân tộc Pháp”, L’Express nhắc lại những cuộc tranh cãi xung quanh màu cờ dân tộc. Ra đời sau cuộc cách mạng, chính xác là ngày 15/02/1794, quốc kỳ Pháp là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong vòng hai thế kỷ.
Bị bôi xấu bởi chế độ dân chủ, rồi bị phê phán dưới con mắt của cánh tả. Cuối cùng, ba màu “xanh, trắng, đỏ” đã trở thành màu cờ quốc gia của Pháp vào ngày 26/02/1848.
Bên cạnh đó, “Grande Dame”, hay còn gọi là Tháp Eiffel, sau nhiều lần tranh luận, ngọn tháp biểu tượng cũng được dựng lên giữa lòng thủ đô Paris.
Ngày 14/02/1887, tờ báo nổi tiếng Le Temps xuất bản một diễn đàn được ký tên tập thể bao gồm những nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ quốc tế nhằm phản đối việc xây dựng tháp Eiffel. Từ nhà kiến trúc sư Charles Garnier và các nhà văn Guy de Maupassant và Alexandre Dumas con, cho đến các nhà họa sĩ Ernest Meissonier và William Bouguereau, tất cả đều đả kích công trình của ông Gustave Eiffel. Nhưng không vì thế mà làm lung lay sự ra đời của công trình nghệ thuật này.
Công trình cao 312 mét, chưa bao giờ được nhìn thấy tại Pháp cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều con số khác cũng gây ngạc nhiên : 7.300 tấn sắt, hơn 18.000 thanh kim loại được kết dính nhờ vào 2,5 triệu đinh tán, những thang máy khổng lồ có thể chở 60 người.
Được đặt tại lối vào khuôn viên Đại lộ Champ de Mars, tòa tháp hứa hẹn sẽ là một nơi Triển lãm Hoàn cầu năm 1889.
Tháp Eiffel được khai trương vào ngày 31/03/1889, một nhóm sĩ quan đã leo lên 1665 bước để vẫy cao lá cờ ba màu với khẩu hiệu “Tháp Eiffel muôn năm! Nước Pháp muôn năm ! Cộng hòa muôn năm !”
Đây cũng là một niềm tự hào của công nghiệp Pháp. Dưới sự thôi thúc của Gustave Eiffel, tháp Eiffel được xem như là xu hướng mới, một kinh nghiệm khoa học về khí tượng, thiên văn và điện lực học.
Sau hơn 3 tháng khai trương, hơn 2 triệu người hiếu kỳ đã đến chiêm ngưỡng công trình chưa từng thấy tại Paris. Ngày nay, mỗi năm tháp tiếp đón khoảng 7 triệu du khách tham quan. Đây còn được xếp vào địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất của Pháp.
Tin mới
- Mỹ khen ngợi Irak chiếm lại được Ramadi - 29/12/2015 20:18
- Trung Quốc điều tàu trinh sát điện tử đến Biển Đông - 29/12/2015 16:54
- Giáo Hoàng kêu gọi giúp tị nạn Cuba - 28/12/2015 18:17
- Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan công du Afghanistan - 28/12/2015 18:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-012-2015 - 28/12/2015 17:09
- Daech kêu gọi nổi dậy tại Ả Rập Xê Út và tấn công Israel - 27/12/2015 23:48
- Áo nâng mức báo động khủng bố - 27/12/2015 23:31
- Úc đề phòng cháy rừng khi nhiệt độ tăng cao - 27/12/2015 20:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-12-2015 - 26/12/2015 18:41
- Thế giới đón mừng lễ Giáng Sinh 2015 - 26/12/2015 03:45
Các tin khác
- Noel trầm lắng tại nơi Chúa Giêsu giáng sinh - 26/12/2015 03:03
- Người Thiên chúa giáo Syria và nỗi sợ thánh chiến Hồi giáo - 26/12/2015 02:55
- Giáo hoàng ủng hộ những nỗ lực của Liên hiệp quốc về Syria và Lybia - 26/12/2015 02:47
- Noel buồn tại Philippines sau thiên tai - 25/12/2015 18:37
- Tấn công mạng gia tăng ở Hồng Kông - 25/12/2015 00:59
- Bắc Kinh vất vả đối phó với các Hội thánh Cơ Đốc Giáo - 25/12/2015 00:32
- Hàng ngàn người Việt đổ ra đường mừng đón Giáng Sinh - 25/12/2015 00:16
- Chính phủ Mỹ mở chiến dịch trục xuất, đối phó nạn nhập cảnh lậu - 24/12/2015 21:59
- Trung Quốc : Kiều dân phương Tây được kêu gọi cảnh giác - 24/12/2015 20:00
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 24-12-2015 - 24/12/2015 19:51