Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nước Anh đau đầu với khủng bố tuổi 15

Mang- xahoi


Mạng xã hội là công cụ tuyên truyền và tuyển dụng hiệu quả của quân khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Brent Lewin/Bloomberg via Getty Images

Ngày 02/10/2015, tòa án nước Anh ra phán quyết về một tội phạm khủng bố ở độ tuổi 15, tạo ra mối quan ngại đặc biệt trong xã hội về hiện tượng này.

Trước đó, một bé gái 16 tuổi cũng nhận tội khủng bố và chờ tòa ra phán quyết cũng trong tháng Mười này.

Các đường dây khủng bố đang tích cực tuyển mộ thành viên qua mạng Internet và trước đây từng có một người Anh gốc Việt bị xử án cũng do tham gia các tổ chức khủng bố quốc tế.

 Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải có thêm chi tiết.

Cậu bé người Anh từ vùng Blackburn ở Lancashire được nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tuyển mộ để lên kế hoạch khủng bố ở Melbourne bên Úc trong dịp lễ Anzac, lên danh sách chặt đầu giáo viên trong trường và bàn chuyện đặt bom trên máy bay.

Đó là một số nội dung được trình bày tại tòa án ở Manchester, mà quan tòa không cho phép nêu tên cậu ta, tính ra chỉ mới 14 tuổi khi có hành vi tội phạm, và hôm qua nhận tội khi 15 tuổi và đang chờ tòa ra phán quyết về mức độ hình phạt.

Ở nhà cậu ta bất hòa với gia đình và đến trường thì dùng kéo dọa giáo viên là ngày chết đã cận kề, hay nói với một giáo viên khác là có tên trong danh sách bị chặt đầu.

Bạn bè trong lớp thậm chí còn đặt cho cậu ta biệt hiệu là Kẻ khủng bố. Cậu bé được mạng lưới khủng bố của Abu Khaled al-Cambodi ở Úc tuyển mộ và hoạt động chung nhóm với một tội phạm khủng bố bị bắt bên đó là Sevdet Besim.

Mọi chuyện chỉ lộ ra khi mẹ cậu lo lắng vì thấy con trai lên mạng suốt đêm để bàn chuyện quốc tế và thông báo với chương trình chống khủng bố của chính phủ Anh vào tháng Mười Một năm ngoái.

Nội dung chi tiết về các hoạt động của nhân vật này được báo chí mô tả cụ thể từ sau ngày cảnh sát Anh bắt giữ cậu vào cuối tháng Ba năm nay.

Bản tin thời sự trên kênh truyền hình Chanel 5 nói mẹ cậu hối hận vì đã mua tặng cho con điện thoại smart phone và từ đó cậu ta tham gia vào mạng xã hội và liên lạc với các tổ chức khủng bố toàn cầu.

Chỉ trong vòng hai tuần lễ cậu bé này trở thành ngôi sao trong một trang mạng dành riêng cho những người mang tư tưởng cực đoan và được 20.000 người đăng ký theo dõi.

Trong bối cảnh ở nước Anh này hầu như là học sinh cấp hai đều được phụ huynh mua cho điện thoại smartphone và ở nhà thì có sẵn máy tính và thậm chí TV cũng kết nối với Internet để xem youtube, thì những lời chia sẻ của bà mẹ khiến các bậc phụ huynh và giáo viên ở trường lo lắng về nguy cơ tư tưởng khủng bố đang trên chính lãnh thổ của nước Anh, không bị rào cản biên giới ngăn chặn.

Trước đây người ta cũng chỉ nghĩ đơn giản là chỉ những cộng đồng Hồi giáo nhập cư mới có nguy cơ bị khủng bố tuyển mộ, nhưng trong một vụ án gần đây có cả người Anh gốc Việt, sau khi tham gia lực lượng khủng bố mới cải đạo sang Hồi giáo cực đoan, thì mối lo ngại thêm gia tăng.

Tội danh khủng bố bao gồm không chỉ những hành vi nghiêm trọng như lên kế hoạch khủng bố, mà còn kể cả việc tuyên truyền và thiết lập mạng lưới tổ chức khủng bố.

 Đặc biệt là các hành vi tài chính trái phép có liên quan tới các tổ chức khủng bố. Những đứa bé chưa chín chắn trong suy nghĩ nhưng lại muốn chứng tỏ khả năng đặc biệt tài giỏi nào đó của mình lẽ đương nhiên là sẽ trở thành đối tượng để các tổ chức khủng bố tuyển mộ thông qua các mối liên hệ trên mạng xã hội và phim ảnh tuyên truyền khủng bố trên Internet.

Hồi tháng Bảy vừa rồi một bé gái 15 tuổi ở phía đông Luân Đôn vừa bị bắt vì tội khủng bố.
 Cô ta cùng hai cô bạn cùng học ở trường Bethnal Green lên kế hoạch trốn sang Syria để tham gia lực lượng khủng bố ở bên đó.

Liên quan trực tiếp với phiên tòa khủng bố ở Manchester, một cô bé khác 16 tuổi cũng nhận tội khủng bố trước tòa, sử dụng đường truyền Internet ở trường để tìm hiểu về nhóm khủng bố Jihadi John cũng như là nhân vật Michael Adebolajo từng giết chết một người lính Anh ngay giữa ban ngày ở khu Woolich phía đông Luân Đôn hồi năm 2013.

Lo ngại về các vấn đề an ninh, mới đây Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng về các phần mềm mã hóa nội dung trao đổi trên điện thoại, mà một trong số những công ty được nhắc tên là Telegram, để kiểm soát và theo dõi các mạng lưới khủng bố quốc tế liên lạc với nhau và phối hợp hành động.

 Đó là chưa kể đến việc chia sẻ tin tức tình báo như trong vụ việc này liên quan giữa Anh và Úc và cả Syria nữa.

Từ góc độ của các phụ huynh ở Việt Nam đang cho con sang Anh du học, đặc biệt là những gia đình cho các em bé đi theo đường dây vượt biên sang đây để hưởng chế độ trợ cấp của nước Anh, thì nguy cơ bị dính líu vào các mạng lưới khủng bố là rất cao, bên cạnh nguy cơ làm thành viên của các tổ chức tội phạm hay băng đảng.

Gần đây có hiện tượng các nhóm học sinh di dân kết băng đảng và gây ảnh hưởng xấu trong một số trường trung học ở phía nam Luân Đôn và làm ảnh hưởng đến tất cả các nhóm học sinh di dân trong trường.

Hồi tháng Bảy tòa án nước Anh vừa tuyên án một học sinh người Anh năm nay 19 tuổi, 40 tháng tù về tội lên mạng tìm hiểu và kết nối với các tổ chức khủng bố quốc tế.


Switch mode views: