Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tàu hải quân đâm vỡ tàu ngư dân, dân Cam Ranh nổi dậy

KHÁNH HÒA (NV) - Trong hai ngày liên tiếp 30 tháng 9 và ngày 1 tháng 10 năm 2015, người dân vùng ven biển, thuộc phường Cam Phúc Bắc, Cam Ranh, Khánh Hòa, đã liên tiếp biểu tình chống chủ trương của nhà nước.

Họ cho rằng chính quyền đã không lắng nghe ý kiến mà ngược lại còn cho tàu Hải Quân đâm chìm tàu cá của họ. Khu này còn gọi là ngư dân số 9, vì địa điểm này cách trung tâm thành phố Cam Ranh 9 km về phía Bắc.

GheBe


Chiếc ghe rách nát, mà ngư dân cho rằng chính quyền đã cho tàu Hải Quân đâm chìm. (Hình: FB Hai Cửa Lò)

Người dân nói: có; Chính quyền nói: không?

Hôm 29 tháng 9, khoảng 60 ghe, xuồng của những người nuôi tôm, cá quanh đầm Thủy Triều đã đổ ra đầm nhằm ngăn chặn Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân nạo, vét luồng lạch.
Phía Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân cũng như nhà thầu không nhân nhượng. Họ đã tấn công những người phản đối.

Có ít nhất hai trong 60 chiếc ghe, xuồng tham gia phản đối bị chìm. Ðó cũng là lý do những người phản đối ném gạch đá, chai lọ vào các tàu của hải quân và nhà thầu.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch thành phố Cam Ranh, kêu rằng, xung đột giữa Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 và dân khiến hai quân nhân bị thương, một số phương tiện của quân đội bị hư hỏng.
Ông Sơn giải thích, sở dĩ có tới hai chiếc ghe của những người phản đối bị chìm là vì những chiếc ghe này “tự va vào tàu kéo”...

Trưa ngày 30 tháng 9, những người phản đối việc nạo, vét luồng lạch trong đầm Thủy Triều đã kéo đến trụ sở phường Cam Phúc Bắc, yêu cầu chính quyền phải giải quyết chuyện Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân trở mặt, nạo vét đầm Thủy Triều trở lại và làm chìm ghe của họ.

Theo quan sát của chúng tôi vào sáng ngày 1 tháng 10 năm 2015, thì khoảng 300 ngư dân, họ mang theo cả chiếc tàu cá bị đâm chìm đưa ra đường Quốc Lộ 1A, đoạn đi ngang qua khu phố Hòa Do 3, phường Cam Phúc Bắc để phản đối việc đâm chìm tàu cá của ngư dân.

Theo ông Phan Trọng Thắng, ngư dân thuộc khu phố Hòa Do cho biết: “Sự kiện bắt đầu từ năm 2014 khi Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 đã cho các xáng cạp nạo vét cát ồ ạt chung quanh khu vực nuôi Thủy Sản của Ngư Dân, đã gây ô nhiễm và làm chết hết tôm, cá của ngư dân.”
ghebe-2



Lực lượng công an đã giành giật xô đẩy không cho người dân kiếm soát chiếc ghe để mang đi biểu tình. (Hình: FB Hai Cửa Lò)

Nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết vì cho rằng liên quan tới “Quốc Phòng.”

Cách đây vài tháng, vào tháng 4 năm 2015 người dân đã một lần biểu tình, đổ cá chết trước cơ sở công quyền, để buộc chính quyền phải có biện pháp ngăn chặn. Vậy nhưng vụ việc ngày một trầm trọng hơn.

Theo những người dân ở vùng này cho biết, rất nhiều lần đám du côn, cầm mã tấu hăm dọa ngư dân nếu họ dám đến gần những chiếc xáng cạp.
Và gần đây nhất, tàu quân đội đã tung bể tàu của ngư dân.

Anh Vũ Thanh An, ngụ ở khu phố Hòa Do 2 cho biết: “Có ít nhất 2 chiếc tàu đã bị đâm chìm vì bị xịt vòi rồng và do xuồng cao tốc đâm.

Rất nhiều ngư dân đã phải nhảy xuống biển để thoát khỏi lưỡi hái tử thần.”
“Chúng tôi chỉ muốn tiến gần tới các xáng cạp, để mong họ lắng nghe ý kiến của chúng tôi mà dừng lại. Vì tôm cá của chúng tôi nuôi đã chết hết rồi. Thế mà không ngờ họ lại phũ phàng ra tay tàn nhẫn như vậy?,” anh An bức xúc.

Vụ việc rất trầm trọng và gây xôn xao dư luận, thế nhưng không có tờ báo nào trong nước được đưa tin, ngoại trừ tờ báo Khánh Hòa có đưa bản tin: “Người dân cản trở hoạt động nạo vét trên vịnh Cam Ranh: Ðã vượt quá giới hạn” vào ngày 1 tháng 10, nhưng hoàn toàn bênh vực chính quyền.

Theo bài báo, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết: “Việc người dân ra ngăn cản thi công là không đúng, trái với quy định của pháp luật, gây hấn với lực lượng quân đội lại càng sai, bởi việc nạo vét trong vùng nước Hải quân thuộc sự quản lý của quân đội.
 Dự án này nhằm mục đích quân sự nên phải thực hiện.”

Cũng theo ông Sơn: “Ðây là dự án phục vụ an ninh quốc phòng nên dứt khoát phải tiến hành. Nếu người dân không hợp tác sẽ bị cưỡng chế di dời.
Trước mắt, UBND TP Cam Ranh chỉ đạo cơ quan công an làm rõ những đối tượng gây rối để có hình thức xử lý theo pháp luật.”

TranAp

 


Ðến trưa ngày 1 tháng 10, 2015, nhà cầm quyền đã huy động hơn 300 công an đến để trấn áp đoàn biểu tình. (Hình: FB Hai Cửa Lò)

Mọi khó khăn lại đổ dồn lên đầu người ngư dân

Chị Hà Thị Thắm, ngư dân thuộc tổ dân phố 1, Hòa Do cho biết: “Gia đình cô nuôi tám lồng tôm với gần 800 con tôm hùm trong đầm Thủy Triều thuộc phường Cam Phúc Bắc, mỗi con có giá trị gần 1 triệu đồng (khoảng $50 đô la).

Nhưng trong những ngày trung tuần tháng 4, 2015, tôm liên tục chết với số lượng ngày càng nhiều và cho đến nay thì đã chết hết.”
“Người ngư dân chúng tôi chỉ biết lo làm ăn, nuôi trồng thủy sản. Nhưng bây giờ chính quyền viện lý do quân sự, nên làm hư hại hết môi trường sống của tôm cá. Phản đối thì họ nói là sẽ cưỡng chế đi dời đi nơi khác. Thời gian tới không biết gia đình tôi phải sống ra sao?,” chị Thắm nghẹn ngào khóc sụt sịt.

Còn ông Phạm Văn Khải, thì nói trong uất ức: “Tiền mồ hôi nước mắt của dân đi vay đi mượn, làm vốn để nuôi tôm cá, bây giờ chết hết vầy ai không đau xót?
 Vậy mà khiếu nại nhiều lần lên chính quyền các cấp cũng như không. Từ tôm hùm, tôm, cá mú, cá bớp đều không sống nổi với môi trường nước đầy ô nhiễm này.”

Còn ông Nguyễn Mạnh thì cho biết: “Các xáng cạp hoạt động ngày đêm. Họ hoạt động cách bè nuôi tôm, cá của dân chỉ vài trăm mét, moi sâu xuống đáy đầm, hốt cát hốt bùn lên sà lan rồi bốc thả xuống đầm lại để ‘rửa’ cho cát sạch trước khi múc lên đưa ra tàu lớn ngoài cửa vịnh, mà làm suốt ngày đêm, nước đục đen, bốc mùi hôi thối, không cá tôm nào chịu nổi?”

Theo quan sát của chúng tôi đến trưa ngày 1 tháng 10, 2015, chính quyền đã huy động hơn 300 công an để kiểm soát tình hình. Họ trang bị vũ khí và không cho bất cứ người dân nào tiếp xúc với các phóng viên báo chí.
Thậm chí chỉ cầm điện thoại lên chụp hình cũng bị ngăn cản.

Mặc dầu vậy, người dân ở đây vẫn rất kiên cường. Họ mong các hãng tin quốc tế lên tiếng giúp họ. Và họ “sẵn sàng đấu tranh đến cùng để đòi cho được quyền lợi chính đáng.

Nếu có đổ máu chúng tôi cũng chấp nhận, vì bây giờ sống mà không có phương tiện làm ăn thì cũng như chết,” anh Mạnh hùng hồn tuyên bố.


Switch mode views: