Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-09-2015

   Làn sóng tị nạn làm vỡ đê Schengen

MIGRANTS-HUNGARY-DETENTIONS
ại biên giới giữa Hungary và Serbia ngày 15/09/2015.
REUTERS/Bernadett Szabo

Làn sóng tị nạn ngập tràn Châu Âu là vấn đề nổi cộm trên trang nhất của hầu hết các tờ báo Pháp hôm nay. Báo chí Pháp dùng hình tượng so sánh không gian Schengen như một bờ đê bị vỡ sập, trước sức ép của làn sóng di dân đổ ập vào như một dòng nước lũ.

Báo Le Figaro chạy hàng tựa đậm trên trang đầu : Làn sóng tị nạn làm vỡ tung khu vực Schengen. Berlin làm xáo trộn nguyên tắc của Schengen, tít lớn của báo Le Monde.
 Còn Libération nhận định : Khủng hoảng di dân, khối Châu Âu bị rạn nứt. Đa số người tị nạn bị mắc kẹt sau khi các nước Châu Âu quyết định đóng cửa biên giới.

Trong bài xã luận, báo Le Figaro đánh giá tình thế của Châu Âu hiện giờ giống như ‘‘một mớ hỗn độn’’, vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thái độ hào phóng ban đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel nay lại đâm ra phản tác dụng. Các nước Châu Âu, từ Rumani, Áo cho tới Hà Lan đều lần lượt tái lập việc kiểm soát vùng biên giới.

Như vậy, hiệp ước Schengen vốn bảo đảm quyền tự do đi lại trong các nước thành viên Châu Âu, không còn có hiệu lực.
Theo Le Figaro, ngoại trừ nước Đức tuyên bố sẵn sàng đón nhận 800.000 di dân, hiện giờ không một quốc gia nào muốn tiếp đón nhiều người tị nạn đến như vậy.

Ngay cả nước Pháp chỉ mới đồng ý chấp nhận khoảng 30.000 di dân. Các bộ trưởng Châu Âu một mặt đề nghị giúp đỡ các nước như Ý, Hy Lạp và thậm chí Hungary vốn nằm ở tuyến đầu. Mặt khác, Châu Âu muốn tăng cường lực lượng hải quân trong vùng Địa Trung Hải.

Tuy nhiên theo tờ báo, những biện pháp ‘‘chấp vá’’ ấy chỉ giống như là thuốc bôi ngoài da. Chừng nào Liên Hiệp Châu Âu chưa xem xét lại toàn bộ hiệp ước Schengen, và quan trọng hơn nữa là can thiệp vào hồ sơ Syria, thì cuộc khủng hoảng di dân sẽ khó thể nào mà được giải quyết dứt điểm.

Về phần mình báo Le Monde cho rằng cuộc khủng hoảng di dân làm rạn nứt khối Châu Âu, cho thấy các mối bất đồng sâu đậm giữa các nước thành viên trong Liên Hiệp.
 Hồ sơ này trở thành một cuộc đọ sức, nếu không nói là đối đầu giữa hai thái cực : một bên là các nước chủ trương đón nhận người tị nạn, và bên kia là các nước nhất quyết không chịu để cho di dân vào lãnh thổ của mình.

Trường hợp tiêu biểu nhất là Hungary, sau khi lập hàng rào kẽm gai, xúc tiến xây dựng bức tường chắn từ đây cho tới cuối năm, triển khai 4.000 quân ở vùng biên giới, Hungary còn muốn tiến thêm một bước.

Kể từ hôm nay 15/09/2015, chính quyền Hungary tăng cường hệ thống luật pháp và sẽ kết án tù giam (tối đa là ba năm) tất cả những ai vượt qua hàng rào, vào lãnh thổ Hungary một cách trái phép.

Theo báo Libération, làn sóng di dân không những làm rạn nứt khối Châu Âu, mà còn tạo thêm chia rẽ trong nội bộ nước Đức.
Sự kiện Thủ tướng Đức sau một thời gian ngắn mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn, nay lại bất ngờ quyết định tái lập kiểm soát biên giới với nước Áo và như vậy đi ngược lại với nguyên tắc Schengen. Điều đó khiến cho người ta có cảm tưởng là Thủ tướng Angela Merkel thiếu sáng suốt và không nghiêm túc trên vấn đề này.

Theo Libération, dường như Thủ tướng Đức đang muốn giành lại thế chủ động, sau khi tình hình bất ngờ vượt khỏi tầm kiểm soát. Bà Angela Merkel hiện đang phải đối đầu với những lời chỉ trích mạnh mẽ đến từ Bộ trưởng Giao thông Alexander Dobrindt, thuộc đảng bảo thủ CSU, cũng như ông Horst Seehofer, Thống đốc bang Bayern.
Theo đó, làn sóng di dân đã tạo sức ép như là nén hơi trong chai rượu sủi bọt, bà Merkel đã phạm ‘‘sai lầm’’ khi đột ngột khui nút chai, và bây giờ không biết phải đóng nút lại như thế nào ?

Theo thăm dò dư luận gần đây nhất, 66% người Đức vẫn ủng hộ chủ trương đón nhận người tị nạn. Nhưng bà Merkel vẫn phải tìm cách dàn xếp các vấn đề chính trị nội bộ. Hôm qua, phát ngôn viên phủ Thủ tướng Steffen Siebert đã cho biết là Berlin chỉ tạm thời tái lập kiểm soát vùng biên giới, chứ không phải là hoàn toàn đóng cửa biên giới.
Trong tương lai, nước Đức vẫn đón nhận người tị nạn, nhưng sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Berlin đang điều chỉnh lại chính sách đón nhận di dân sao cho hợp lý, điều đó có nghĩa là hàng trăm ngàn người tị nạn còn bị kẹt tại vùng biên giới, sẽ phải nhẫn nại chịu đựng một thời gian dài, nếu muốn đến định cư tại Đức.

Mỹ nên giúp Nga tại Syria

Liên quan đến tình hình Trung Đông, mục "ý kiến" của báo Le Monde có bài "Cần giúp đỡ Nga tại Syria" của Renaud Girard, nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Trung Đông.

Tại Syria, từ lâu nay, Nga vẫn duy trì căn cứ quân sự ở Tartous và vừa qua, Matxcơva đã lập cầu không vận tới sân bay Lattaquié, cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội Syria, hiện đang bị tấn công tứ bề, từ phía lực lượng nổi dậy và từ phía lực lượng thánh chiến của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Để giúp cho Damas không sụp đổ, Nga còn đưa nhiều cố vấn quân sự sang Syria.

Nhân lễ tưởng niệm các nạn nhân trong loạt khủng bố tại New York, cách nay 14 năm, hôm 11/09/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Nga tăng cường hỗ trợ hậu cần và quân sự cho chế độ Damas của Tổng thống Bachar al-Assad.

Nguyên thủ Hoa Kỳ còn mỉa mai chiến lược của Matxcơva tại Trung Đông là lẽ ra, Nga nên bắt đầu tỏ ra thông minh hơn một chút.

Đối với nhà báo Renaud Girard, lời chỉ trích này của Tổng thống Mỹ không dí dỏm chút nào cả và ông nêu ra một loạt câu hỏi : Phải chăng, từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay, chính sách Trung Đông của Mỹ đã thành công và thể hiện sự thông minh ?

 Phải chăng Trung Đông là khu vực thể hiện tinh thần bài Mỹ mạnh nhất ?
Phải chăng qua các cuộc can thiệp không đúng lúc, Hoa Kỳ đã để cho khu vực này chìm trong máu và khói lửa chiến tranh từ nhiều thập niên qua ?

Theo tác giả, lẽ ra, ông Obama nên khiêm tốn hơn khi nói đến chủ đề này. Tổng thống Mỹ đã thành công, ký được hiệp định hạt nhân với Iran, nhưng khi rút quân ra khỏi Irak, năm 2010, ông Obama đã phạm một sai lầm chiến lược, không khác gì sai lầm của George Bush quyết định đưa quân xâm chiếm Irak năm 2003.

Hoa Kỳ có lý khi phê phán chính sách của Nga tại Châu Âu, kể từ sau đệ nhị thế chiến, nhưng Washington lại thể hiện sự phi lý trên thực địa tại Trung Đông. Thay vì chỉ trích, lẽ ra, Hoa Kỳ nên giúp Nga trong hồ sơ Syria. Bởi vì, theo tác giả, Nga hiểu biết rõ Syria, duy trì hợp tác quân sự và dân sự với chế độ Damas từ gần nửa thế kỷ qua.

Có hàng chục ngàn cặp vợ chồng Nga-Syria. Trong thời gian qua, Matxcơva khuyến khích Damas giảm bớt quyền lực của Tổng thống, ủng hộ một chính phủ đoàn kết dân tộc, bao gồm mọi thành phần, ngoại trừ những phần tử khủng bố, Hồi giáo cực đoan.

Renaud Girard nhắc lại chuyện mới xẩy ra gần đây để thấy rõ sự tính toán của Hoa Kỳ : Năm 2012, người công giáo Syria lo ngại cho số phận của họ đã quay sang Nga xin được bảo vệ và Matxcơva đã dũng cảm giang tay giúp đỡ. Hành động này tương tự như kế hoạch của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào năm 1975, đã điều tàu tới cứu tất cả những người công giáo Liban và đưa sang Canada, khi những dân công giáo này nghĩ rằng họ sẽ thua trong cuộc chiến với lực lượng dân quân Palestine và cái gọi là "lực lượng Hồi giáo - Tiến bộ".

Vậy, tại sao, Hoa Kỳ, nước phương Tây sùng đạo Chúa nhất, lại thờ ơ với số phận những người Thiên Chúa giáo ở Trung Đông ? Phải chăng vì đa số những người này theo Chính thống giáo ? Cuộc xâm chiếm Irak năm 2003 đã xua đuổi đa số người theo Thiên chúa giáo ở nước này.Phải chăng Hoa Kỳ lại muốn có một kết quả tương tự ở Syria ?

Theo tác giả, năm 1942, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã đưa ra một quyết định chiến lược : đó là cung cấp vũ khí cho Liên Xô của Staline để chống phát xít. Trước hiểm họa cực kỳ nguy hiểm, chủ nghĩa phát xít, thì liên minh là cần thiết. Tình hình hiện nay tương tự với mối hiểm họa là tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Tình hình tại Ukraina hiện nay cho phép tạm thời gác hồ sơ này sang một bên và tập trung đối phó với hiểm họa khủng bố. Nga đã phạm sai lầm và cần phải giúp họ rút ra khỏi vũng lầy Ukraina, để có thể kết hợp với Matxcơva đối phó với hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Tác giả kết luận, về mặt lịch sử và địa chính trị, thật là phi lý khi phương Tây và Nga không liên kết với nhau để chống Hồi giáo cực đoan.

Nạn buôn thuốc giả kiếm lời nhanh hơn buôn ma túy

Hôm qua là ngày Thế giới chống nạn thuốc giả. Báo Le Figaro dành tới ba bài viết nói về hiện tượng đáng lo ngại này. Kể từ năm 2013, từ khi nước Pháp cho phép kinh doanh trên mạng các loại dược phẩm, nạn thuốc giả đã nhân lên gấp đôi tại Pháp và thường thì thuốc giả đến từ Ấn Độ, Brazil và nhất là từ Trung Quốc.

Theo bác sĩ Bernard Leroy, giám đốc viện nghiên cứu IRACM, sở dĩ nạn thuốc giả tăng vọt là vì các đường dây buôn lậu kiếm lời nhanh gấp 10 lần so với buôn ma túy. Hiện giờ trên tổng số dược phẩm được lưu hành phân phối trên thế giới, có tới khoảng 10% là thuốc giả. Đó chỉ là một con số trung bình, vì tại Châu Âu chỉ có 1% dược phẩm lưu hành là thuốc giả, trong khi con số này lên tới 30% tại Nam Mỹ, 60% tại châu Phi.

Tháng Sáu vừa qua, cảnh sát quốc tế Interpol đã phá vỡ một mạng lưới buôn lậu tịch thu các khối hàng tương đương với 72 triệu euro.

Còn Theo giáo sư Marc Gentelini, chuyên gia tư vấn cho Fondation Chirac, chuyên tài trợ các dự án y tế và phát triển, thì hàng năm trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong vì bệnh sốt rét, nhưng trong đó, có tới 1/3 tức là 200.000 người đã chết vì dùng thuốc giả, không có tác dụng trị bệnh sốt rét. Hiện giờ loại thuốc giả bán chạy nhất trên mạng vẫn là Viagra.

Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là người tiêu dùng có thể tìm thấy trên mạng đủ loại thuốc, từ thuốc ngừa tới trụ sinh, từ thuốc trị viêm gan cho tới trị ung thư. Người dùng thuốc cứ tưởng rằng mình đang chữa bệnh, nhưng thật ra trong trường hợp tốt nhất thì bệnh vẫn như cũ vì thuốc giả không hề hiệu nghiệm.

Còn trong trường hợp xấu nhất, thì bệnh sẽ nặng thêm. Có lẽ vì thế mà khẩu hiệu đấu tranh năm nay là ‘‘Thuốc giả mua ngoài đường không cứu ai mà chỉ đi hại người’’.

Cam Bốt thu hút giới ghiền cờ bạc Trung Quốc

Về châu Á, kể từ cuối năm 2014, một hãng hàng không mới tên là Bassaka Air mở đường bay trực tiếp từ Macao tới Phnom Penh. Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường kiểm soát các sòng bài tại Macao, thì khách Trung Quốc ít còn đến Macao mà lại sang Cam Bốt không phải là để tham quan đền đài Angkor mà chủ yếu là để chơi cờ bạc.

Tuần báo Courrier International trích dẫn tờ Phnom Penh Post cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, đã có hơn 335.000 du khách Trung Quốc vào Cam Bốt, tức đã tăng thêm 22% so với cùng thời kỳ năm trước. Tại NagaWorld, sòng bạc lớn nhất vương quốc khmer, số khách hàng cũng đã tăng thêm 25%.

Theo Phnom Penh Post, Cam Bốt đang trở thành điểm đến ưa thích của giới ghiền cờ bạc Trung Quốc. Chính quyền Phnom Penh cũng muốn khuyến khích đối tượng du khách này, tìm cách thu hút họ qua việc tổ chức các tour du lịch với sự hợp tác của các công ty lữ hành và các sòng bài.

Theo lời chuyên gia Wolfgang Georg Arlt, thế mạnh của Cam Bốt là nước này nằm gần Trung Quốc và nhất là về mặt luật pháp, Cam Bốt dễ dãi hơn nhiều so với Macao. Các tour ‘‘du lịch cờ bạc’’ được tổ chức rất khéo, trong cách luồn lách luật lệ.

Trung Quốc hạn chế công dân Hoa lục chuyển nhiều tiền ra nước ngoài. Các công ty du lịch lách luật bằng cách mở ra nhiều công ty môi giới, du khách bỏ tiền vào các tài khoản, khi đến Cam Bốt họ sẽ rút tiền mặt từ những quỹ trung gian ấy mà không cần dùng tới thẻ tín dụng ngân hàng.

Trước sự phát triển của các tour du lịch cờ bạc, sòng bài NagaWorld bắt đầu tổ chức trực tiếp nhiều tour du lịch cũng như các dịch vụ rước đón du khách từ phi trường về thẳng sòng bài.

Chỉ tiếc một điều theo báo Phnom Penh Post, tiền của du khách chỉ vào túi các sòng bạc chứ các ngành dịch vụ khác ít được hưởng lợi. Thành phần du khách này sẽ ít khi nào mà rời khỏi sòng bạc và mọi chi phí ăn ở đều được thanh toán cho các tập đoàn casino.


Switch mode views: