Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-09-2015

Tại sao Hungary « chán ngán » người nhập cư ?

MIGRANTS-HUNGARY 5

Người tị nạn phía sau hàng rào kẽm gai ở vùng biên giới Roszke, Hungary, 10/09/ 2015.
REUTERS/Laszlo Balogh

Từ hai năm nay, người dân những ngôi làng gần biên giới Hungary-Serbia chứng kiến cùng một cảnh tượng buồn thương : hàng đoàn người tị nạn gồng gánh, từ trẻ em tới người già ngồi xe lăn, mệt mỏi kéo về đường biên giới.

Bài phóng sự trên báo Le Figaro số ra ngày hôm nay phản ánh sự chán nản của người dân Hungary trước sự kiện chưa biết hồi kết thúc này.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng Chín tới nay, hơn 22.000 người đã đi qua lãnh thổ Hungary, đất nước biên giới của khối Schengen và là trạm trung chuyển của di dân từ Trung Đông. Bất chấp những lời chỉ trích, Thủ tướng bảo thủ Viktor Orban vẫn cho tiến hành xây hàng rào kẽm gai cao 1,5 m và đang xây lớp tường thứ hai, cao tới 4 m, cùng với việc cử quân đội tới bảo vệ đường biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư. Và 2/3 người dân Hungary ủng hộ chính sách xây tường rào biên giới của Budapest.

Zoltan Nogradi, thị trưởng thị trấn Morahalom với 6.000 dân, nằm sát biên giới với Serbia, chán nản phát biểu : « Phải hiểu là chúng tôi đã chịu đựng cảnh này từ hai năm nay rồi. Lúc đầu, hàng ngày chỉ có khoảng 50 người đi qua đây, giờ có tới 2.000 người mỗi ngày. Người ta vừa mới thông báo cho tôi là họ đang xếp hàng, dài tới 8 km bên phía Serbia. Ngày mai, tôi phải xử lý như thế nào ? ».

Một người dân địa phương quản lý một siêu thị nhỏ tâm sự : « Lúc đầu, khi thấy những gia đình chịu đau khổ, chúng tôi cũng thương hại. Giờ là một đám người khổng lồ, ngày càng hung dữ hơn, tràn ngập trên những cánh đồng khiến chúng tôi lo sợ ».

« Họ coi thường luật lệ của chúng ta »

Từ một năm nay, người đứng đầu (thuộc đảng cực hữu Jobbik) ngôi làng Asotthalom, nằm ngay tại biên giới, đăng lên trang Facebook hình ảnh những thiệt hại do di dân gây ra cho người dân địa phương : nhà ở phụ bị phá hoại, những cánh đồng bị giẫm nát, rác xả bừa bãi khắp nơi, hàng rào bị tháo dỡ để làm củi đốt lửa…

Chưa kể tới, « nửa đêm, họ bấm chuông để hỏi đường, để xin nước uống hay sạc điện thoại », theo lời than phiền của một quan chức địa phương. Còn một phụ nữ trẻ sống tại làng cho biết : « Người nhập cư ngày càng hung hăng hơn. Họ cho rằng chúng tôi không khẩn trương và chăm sóc họ chưa đủ ».

Thế nhưng, theo lời kể của một người dân khác, « Khi chúng tôi cung cấp nước uống đóng chai và thức ăn cho người nhập cư, họ vứt xuống đất và lấy chân di nát chúng. Thật đáng xấu hổ ! Cần phải biết rằng, tại Asotthalom, hơn một nửa trẻ em sống dưới ngưỡng nghèo khổ ».

Người dân địa phương cho rằng, người nhập cư không đếm xỉa tới luật lệ của Châu Âu và điều này chứng tỏ họ không thể sống tại đây.

Nỗi lo khủng bố

Báo chí Hungary đã đăng một số hình ảnh được cho là những chiến binh thánh chiến, cải trang thành « người tị nạn » tới Châu Âu. Truyền hình đưa tin là tình báo đã phát hiện được hai « kẻ khủng bố ».

Trưởng làng Asotthalom phát biểu với vẻ thất vọng : « Rất dễ để có thể thoát khỏi những biện pháp kiểm soát an ninh, họ có thể mang vũ khí tự động, thậm chí mang được cả xe tăng vào đây ! »

Một sĩ quan Hungary, đứng theo dõi người nhập cư đi đúng đường đã được lên kế hoạch trước, cho biết : « Đừng tưởng là chỉ nhìn thấy người nghèo Syria đi qua đây. Chẳng phải người nghèo, cũng chẳng phải chỉ có người Syria. Họ đeo đầy dây chuyền vàng, điện thoại thông minh đời mới nhất. Và hàng ngày, chúng tôi thu dọn giấy tờ tùy thân, hộ chiếu bị xé ảnh. Tôi nhặt được rất nhiều giấy tờ tùy thân của Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo. Đơn giản là từ khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố đón nhận người Syria, thì ai cũng là người Syria, thậm chí người da đen cũng là người Syria ».

Hệ phái Hồi giáo Salafi tại Đức « tuyển tân binh » trong số người tị nạn

Cảnh báo trên đang gây lo sợ tại Đức. Chủ đề này được thông tín viên tại Berlin của nhật báo Le Figaro phản ánh.

Hệ phái Hồi giáo cực đoan đang tuyển thêm những tín đồ mới trong số những người tị nạn mới đặt chân tới Đức. Hàng nghìn người theo hệ phái Salafi có thể đã hòa trộn trong đám đông tới nhà ga Muchen cuối tuần vừa qua.

Một quan chức tình báo tại xứ Bavière cho biết mục tiêu tuyển mộ của tổ chức này rất rõ ràng : « Những thanh niên tị nạn đi một mình, không gia đình, và đang tìm một chỗ dung thân hay mối quan hệ tương trợ ». Thông tin này được một số vùng khác khẳng định, như tại bang Nordrhein-Westfalen.

Trong một đoạn video được tải lên internet, người thuyết giáo Salafi Pierre Vogel đã kêu gọi tín đồ hãy tập trung thành từng nhóm, nhân danh một tổ chức thiện nguyện, mang quà tới các khu tiếp đón tị nạn để thu hút những tân binh. Mới đây, tại Francfort hay Hambourg, những tín đồ Salafi đã cố gắng thâm nhập vào một trung tâm tạm trú để lôi kéo người tị nạn.

Theo một nghiên cứu được công bố tuần này của quỹ Konrad Adenauer, tại Đức có khoảng 7.000 tín đồ Hồi giáo theo hệ phái Salafi, trong đó có khoảng 700 thành phần cực đoan có lẽ đã từng sang Syria chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Ý nghĩ những kẻ Hồi giáo cực đoan có thể sẽ tận dụng làn sóng nhập cư đang khiến công luận lo ngại trước chính sách tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel. Thế nhưng, người đứng đầu chính phủ Đức tỏ ra lạc quan khi tuyên bố những người mới đến sẽ phải tôn trọng luật lệ tại Đức.

Tham vọng thao túng Venezuela của Trung Quốc

Tham vọng của người Trung Quốc là khai thác những mỏ vàng, trở thành những nhà thầu xây dựng lớn và biến Venezuela thành thị trường xuất khẩu của họ. Thế nhưng, theo tuần báo L’Obs, tại quốc gia Nam Mỹ này, bất ổn và tham nhũng đang đe dọa những công ty của Trung Quốc.

Từ khi nhà cách mạng quá cố Hugo Chavez lên cầm quyền vào năm 1999, Trung Quốc và các doanh nghiệp của mình đầu tư rất nhiều vào Venezuela. Chỉ chưa đầy một thập niên, Bắc Kinh đã cho Caracas vay hơn 50 tỉ đô la để đầu tư cho gần 300 dự án hợp tác kinh tế và văn hóa. Nhưng khoản đầu tư không hẳn là mất trắng, vì phần lớn số tiền này được chính phủ Venezuela dùng để nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Chính phủ chưa bao giờ công bố khoản tiền xuất khẩu 600.000 baril dầu mỗi ngày cho đối tác Trung Quốc, chỉ biết một phần khoản tiền này được dùng để nhập khẩu mặt hàng thông dụng, hay hàng nghìn xe buýt công cộng và hai vệ tinh dân sự hay trang thiết bị an ninh.

Tháng 01/2013, Venezuela đã mua các xe chống bạo động do Trung Quốc sản xuất. Một phần khác trong khoản tiền xuất khẩu dầu được dùng để thành lập 9 doanh nghiệp hỗn hợp, trong đó có hai tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và ZTE nhằm lắp ráp hàng triệu chiếc điện thoại di động tại chỗ. Phần còn lại giành cho các dự án trong khuôn khổ « hiệp định Trung Quốc-Venezuela » gồm các doanh nghiệp nhà nước sử dụng quỹ, trang thiết bị và các cố vấn Trung Quốc.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại thứ hai của đất nước có những nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước vẫn chỉ tương đương 1/3 so với trao đổi giữa Mỹ và Venezuela, song thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra rất rõ ràng : « Trung Quốc muốn cho thế giới thấy, không cần phải là một đế quốc để trở thành một quốc gia lớn.

Trung Quốc không đàn áp, không xâm lược và không dội bom, mà vẫn trở thành một cường quốc của thế kỷ XXI », như lời tuyên bố của cựu Tổng thống Chavez vào năm 2012.

Sau khi nhà cách mạng qua đời, Tổng thống mới Nicolas Maduro tiếp tục chính sách trao đổi song phương. Cuộc khủng hoảng mà quốc gia Nam Mỹ phải trải qua từ đầu năm nay khiến nhiều quốc gia « đồng minh » phải chùn bước như Nga, Iran và thậm chí cả Cuba.

Nhưng Trung Quốc không bỏ rơi, vẫn sẵn sàng rót thêm 15 tỉ đô la vào nền kinh tế, mà theo nhận định của nhiều chuyên gia, mất khả năng thanh toán vào năm 2016. Khoản đầu tư trên tập trung chủ yếu tập trung vào các dự án khai thác dầu mỏ dài hạn.

Tuy nhiên, trước những rủi ro có thể xảy ra, trong cuộc gặp gỡ song phương nhân lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật, một « kế hoạch phát triển chung mới cho giai đoạn 2015-2025 » đã được kí kết. Bắc Kinh đã ra thêm điều kiện để có thể tiếp tục hợp tác là Venezuela phải trả đủ toàn bộ các khoản vay trước đó. Một điều khoản được cho là trái ngược hoàn toàn với chính sách hào phóng rót tiền mặt vào các quốc gia Mỹ La tinh khác, mà theo lời phân tích của giáo sư quan hệ quốc tế Angelina Jaffre : « Những người tự cho là « vị cứu tinh » đã vơ vét đủ và giờ họ bỏ rơi chúng tôi đúng lúc khủng hoảng ».

Pháp và thực trạng tiêu thụ chất gây nghiện tại nơi làm việc

Tại Pháp, 5,6% người lớn và 3% thiếu niên dưới 17 tuổi nói rằng đã hút thử cocain. Dù họ làm các ngành nghề khác nhau, đầu bếp hay buôn bán, công nhân hay luật sư…, họ đều hút thuốc phiện tại nơi làm việc. Tuần báo L’Obs điều tra hiện tượng rất phổ biến nhưng cũng rất bí ẩn này dưới dòng tựa : « Vừa làm vừa hít ».
Khi được hỏi, người hút thuốc phiện tại nơi làm việc đưa ra rất nhiều lý, trong đó phần đồng cho rằng ma túy giúp họ « làm việc tốt hơn », đầu óc tỉnh táo và nhạy bén hơn, đồng thời làm giảm áp lực công việc và sự khác biệt giữa cách nhận thức với tính chất thực tế của công việc.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra được những biện pháp xử lý và ngăn chặn và thường phải nhắm mắt làm ngơ, mặc dù các nội quy vẫn tồn tại và nhân viên thường được yêu cầu tôn trọng các cam kết bắt buộc.


Switch mode views: