Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-09-2014
- Thứ Ba, 16 tháng Chín năm 2014 15:49
- Tác Giả: Thu Hằng
Dự luật chống khủng bố vi phạm quyền cá nhân ?
Nghi can Mehdi Nemmouche ra hầu toà Versailles - Reuters /Benoit Tessier
Ngày làm việc đầu tiên của hội nghị về an ninh Irak đã diễn ra tại Paris hôm qua.
Khoảng ba mươi nước Ả Rập và phương Tây nhất trí thành lập khẩn cấp một liên minh rộng lớn chống phe Nhà nước hồi giáo.
Với sự tham gia của hàng chục nghìn công dân phương Tây, các quốc gia này đang suy nghĩ đưa ra những biện pháp an ninh nhằm ngăn cản công dân nước mình tham gia thánh chiến.
Thế nhưng, mặt trái của những biện pháp này là gì ?
Bài xã luận trên trang nhất báo Le Monde phân tích dưới tựa đề : « Chống khủng bố : một dự luật nguy hiểm ».
Theo bài báo, dù con tin phương Tây thứ ba bị hành quyết và hiện đang có hàng nghìn công dân Pháp đứng trong hàng ngũ quân thánh chiến, liệu có cần phải, thêm lần nữa, vi phạm quyền cá nhân để chống khủng bố ? Đây chẳng phải là một chiến thắng nhỏ cho khủng bố ?
Minh chứng cụ thể nhất chính là vụ NSA của Mỹ theo dõi công dân nước mình để cô lập những kẻ khủng bố. Nước Pháp đang từng bước đi theo hướng này bằng cách tăng cường kho luật đặc biệt, mà hiệu quả còn đang gây nhiều tranh cãi.
Bài xã luận đặt câu hỏi liệu có phải do thiếu luật trấn áp mà Pháp đã sản sinh ra một Mohamed Merah hay một Mehdi Nemmouche không ?
Ngay từ năm 1978, Tòa án châu Âu đã cảnh báo về những lệch lạc của Nhà nước cánh hữu, với phán quyết Klass phản đối nước Đức :
« Ý thức về mối nguy hiểm gắn liền với một luật theo dõi làm hỏng, thậm chí phá hoại nền dân chủ với lý do bảo vệ nó, Tòa án khẳng định rằng, những quốc gia thành viên này, không nên lấy danh nghĩa đấu tranh chống do thám và khủng bố mà đưa ra bất kì biện pháp nào bị cho là không phù hợp ».
Phe xã hội thả lỏng. Tháng 5 năm 2013, bản báo cáo của chủ tịch Ủy ban Luật của Hạ viện, Jean-Jacques Urvoas, chính trị gia đảng Xã hội, và người đồng nghiệp Christophe Cavard đã loại bỏ dự định tạo thêm tội âm mưu khủng bố cá lẻ.
Một năm sau, họ lại liên minh với nhau, nhất trí với phe đối lập, đưa tội danh này vào luật chống khủng bố. Tệ hại hơn, dự luật còn định cho phép cơ quan hành chính khả năng cấm một công dân Pháp quyền được rời lãnh thổ ngay cả trước khi thẩm vấn họ.
Thêm lần nữa, những biện pháp miễn trừ được gắn với hành động chống khủng bố ảnh hưởng tới luật chung : các điều khoản 10 và 15 của luật này không liên quan tới khủng bố, nó nhắm vào việc mở rộng quyền hạn điều tra để chống lại tội phạm có tổ chức.
Ngoài ra, nó còn cho phép giải mã hay tịch thu dữ liệu tin học mà không cần sự cho phép của thẩm phán. Cuối cùng, luật trên cũng nhắm vào việc kéo dài thời gian lưu giữ các cuộc thu âm hành chính, vân vân.
Sau khi luật về an ninh hàng ngày được thông qua vào năm 2001, thượng nghị sĩ xã hội Michel Dreyfus-Schmidt nhận xét : « Có nhiều biện pháp gây khó khăn cho công dân được khẩn cấp đưa ra, nhưng tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ có thể quay lại pháp chế cộng hòa thời kì trước cuối năm 2003 ». Bài báo kết luận còn xa vời lắm.
Hình thành liên minh chống « Nhà nước Hồi giáo » tại Paris
Chiến dịch không quân của Pháp trên bầu trời Irak đã bắt đầu từ thứ 2 vừa qua, cùng thời điểm tổng thống François Hollande khai mạc « hội nghị quốc tế vì hòa bình và an ninh tại Irak » với sự tham gia của 24 nước.
Hình thành liên minh chống « Nhà nước Hồi giáo » là chủ đề được báo chí Pháp đồng loạt phản ánh trong số ra ngày hôm nay.
Báo Le Monde cho biết hội nghị Paris nhắm tới việc hình thành một liên minh quốc tế để hỗ trợ Irak trong cuộc chiến chống những phần tử hồi giáo cực đoan. Tổng thống Pháp nhận định : « Cuộc chiến của dân Irak chống khủng bố cũng là cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta phải sát cánh bên họ ».
Báo Le Figaro cũng chia sẽ ý kiến dưới tựa đề trên trang nhất : « Tại Paris, đồng minh tuyên chiến với Nhà nước hồi giáo ».
Tuy nhiên, các nước tham gia hội nghị mới chỉ tập trung hành động trên lãnh thổ Irak với khoảng 40% lãnh thổ bị quân Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ
Liên minh chưa nêu ra hành động tập thể nào trên lãnh thổ của Syria, nơi khoảng 1/4 lãnh thổ nằm trong vòng kiểm soát của quân Nhà nước Hồi giáo. Ngoài ra, chuyên mục « Sự kiện » của tờ báo cũng quan tâm tới chiến lược của tổng thống Mỹ.
Tờ báo đánh giá : « Chiến lược của tổng thống Barack Obama gây lo ngại trong giới chuyên gia ». Theo đó, nước Mỹ quay lại cuộc chiến tại Trung Đông. Chiến lược hiện nay khác hoàn toàn với chiến lược của tướng Lloyd Austin đã trình trước tổng thống trước đó.
Theo báo cáo của ông, nước Mỹ nên gửi một đội ngũ khiêm tốn lính Mỹ, chủ yếu là lực lượng thiện chiến để cố vấn và hỗ trợ quân đội Irak .
Thế nhưng, Tham mưu trưởng Martin Dempsey loại bỏ tham luận đưa bộ binh vào chiến tuyến. Nhận xét về việc thay đổi chiến lược trên, một chuyên gia cho biết : « Bất kỳ nhà phân tích quân sự được đào tạo bài bản nào đều biết không thể chiến thắng « Nhà nước Hồi giáo » nếu không có lực lượng bộ binh đáng kể nào tại chỗ ».
Một chuyên gia khác thì dự đoán rằng : « Khi chúng ta nhận thấy hành động trên không không mang lại hiệu quả, chúng ta buộc phải tiến hành trên bộ ».
Tờ La Croix giải thích ý nghĩa chuyến bay trinh sát của hai máy bay Rafale của Pháp đóng tại Abou Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trong bài : « Đóng góp quân sự của Pháp trong liên minh Irak ». Theo đó, Paris muốn liên minh với kế hoạch chiến lược của Mỹ song vẫn giữ độc lập trong việc tiếp nhận thông tin và lựa chọn mục tiêu của mình.
Ngoài ra, bài báo cho biết thêm chiến dịch quân sự do Mỹ điều phối có thể kéo dài ba năm, kết hợp giữa không kích và hỗ trợ các lực lượng Irak đồng minh bằng việc cung cấp quân nhu, thông tin và đào tạo thông qua cố vấn quân sự.
Về thái độ của các quốc gia Ả Rập, riêng tờ Libération nhận định : « Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo : sự rút lui ngạc nhiên của các nước Ả Rập ».
Bài báo phân tích Ả Rập Xê Út đồng ý tập hợp các chiến binh Syria thành các nhóm « ôn hòa », trong khi đó các lực lượng này vẫn còn đang lúng túng.
Nước Qatar còn lập lờ hơn. Dù là đồng minh của Washington, nhưng nước này tuyên bố vẫn còn « sớm » để tiểu vương quốc này đưa ra quyết định cho phép máy bay của Mỹ cất cánh từ căn cứ Al-Udeid để ném bom tại Irak và sau này có thể là tại Syria.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Koweit cũng chưa cho biết là sẽ tham chiến hay không. Ai Cập cũng là một quốc gia bị các nhóm thân cận với « Nhà nước Hồi giáo » kiểm soát khu vực Sinai.
Thế nhưng, quốc gia này quyết định đứng xa khỏi liên minh. Tờ báo cũng ngạc nhiên về sự vắng mặt của các quốc gia Bắc Phi, nơi có rất nhiều công dân tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Pháp : Đề xuất tạo việc làm của tổ chức Medef
Quay lại thời sự nước Pháp, hôm qua, tờ Les Echos đăng tài liệu công bố các đề xuất của tổ chức của giới chủ Medef để tạo một triệu việc làm trong vòng 5 năm. Chủ đề này được nhiều báo phân tích và bình luận trong số ra ngày hôm nay.
Báo La Croix liệt kê 1 triệu việc làm theo đề xướng của Medef sẽ nhờ vào việc xóa bỏ hai ngày nghỉ lễ, lập lại mức lương tối thiểu dưới ngưỡng tối thiểu hiện nay, hay đưa ra các hợp đồng theo dự án và cho phép làm việc ngày chủ nhật hay làm đêm, vân vân.
Tờ Les Echos nhận định : « Những đề xuất của Medef khiến nghiệp đoàn tức giận ». Tờ báo cho rằng những đề xuất của Medef được đưa ra không đúng thời điểm cho chính phủ.
Còn tờ Libération bất bình trước các đề xuất trên của Medef và đánh giá đây là « Trò tẩy não của Medef ». Tờ báo nhấn mạnh giới chủ chỉ nói nhiều hơn là hành động trong việc đánh đổi nới lỏng các điều luật để tạo thêm việc làm mới.
Báo L’Humanité buông lửng : « Khi Medef nể nang chính phủ » vì, tránh gây khó dễ cho bên hành pháp trong tuần khá nhạy cảm này, tổ chức này quyết định lùi ngày công bố những đề xuất của mình để tạo thêm 1 triệu việc làm.
Tờ báo cho biết chính Medef công nhận rằng « chắc chắn những đề xuất trên sẽ có vẻ hung hăng hay nhạo báng đối với một số người ».
Người Pháp vẫn bị phụ thuộc vào thuốc ngủ
Vẫn liên qua tới thời sự Pháp, trên phương diện xã hội, báo La Croix phản ánh : « Người Pháp vẫn bị phụ thuộc vào thuốc ngủ ». Với khoảng 4 triệu người sử dụng thuốc ngủ, người Pháp nằm trong top những người tiêu thụ nhiều thuốc ngủ nhất châu Âu.
Theo các chuyên gia, thuốc ngủ có hiệu quả khá hạn chế. Một chuyên gia cho biết : « Chắc chắn nó có thể gây buồn ngủ nhưng nó chỉ đảm bảo thêm một giờ ngủ thôi. Một người bệnh ngủ 5 giờ mỗi ngày sẽ ngủ được 6 tiếng nhờ thuốc ».
Một giáo sư khác nhận xét : « Thế nhưng, một giờ này cũng rất đáng quý với những người bị mất ngủ trầm trọng. Dĩ nhiên là với liều lượng đều đặn, thuốc cũng bớt hiệu nghiệm theo thời gian ».
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp cũng nhấn mạnh về phản ứng phụ của thuốc ngủ. Uống loại thuốc này gây rối loạn hành vi và gây phụ thuộc vào thuốc. Uống trên ba tháng sẽ kéo theo nguy cơ phát triển bệnh mất trí Alzheimer.
Dù trên nguyên tắc, loại thuốc này chỉ được kê cho thời hạn bốn tuần, nhưng rất nhiều người dùng hàng tháng, thậm chí hàng năm. Trước những Bộ Y tế Pháp sẽ xem xét đề xuất của Cơ quan Ý tế quốc gia Pháp giảm tiền hỗ trợ cho người mua loại thuốc này từ 65% xuống còn 15%.
Tin mới
- Dân Scotland không muốn ra khỏi Liên Hiệp Anh - 19/09/2014 05:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-09-2014 - 18/09/2014 22:34
- Trưng cầu dân ý : Ngày quyết định cho tương lai Scotland - 18/09/2014 19:24
- Irak : "Không kích chỉ hữu hiệu nếu kèm theo tấn công trên bộ" - 17/09/2014 22:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-09-2014 - 17/09/2014 21:32
- Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ, hứa hẹn nhiều đầu tư - 17/09/2014 15:40
- Đại Giáo sĩ Do Thái ở Pháp báo động về chủ nghĩa bài Do Thái - 16/09/2014 21:34
- Ukraine cho khu vực đòi ly khai ở miền đông quyền tự trị - 16/09/2014 20:59
- Bốn triệu iPhone mới được đặt mua trong 24 giờ - 16/09/2014 20:11
- Việt Nam đàm phán mua hỏa tiễn siêu thanh của Ấn Độ - 16/09/2014 19:47
Các tin khác
- Việt Nam : HRW tố cáo nạn bạo hành trong tù - 16/09/2014 15:10
- Maldives ủng hộ « con đường tơ lụa trên biển » của Trung Quốc - 16/09/2014 00:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-09-2014 - 15/09/2014 19:18
- Nhân sỉ trí thức yêu cầu Bộ Công an trả tự do ngay cho nh Ba Sàm - 15/09/2014 18:11
- Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng qua đời - 14/09/2014 23:05
- Malaysia cho Mỹ lập căn cứ máy bay do thám trên lãnh thổ quốc gia - 14/09/2014 19:49
- Một nhân viên thiện nguyện Anh quốc bị ISIS cắt đầu - 14/09/2014 06:25
- Đức Giáo hoàng cảnh báo về Đệ Tam Thế Chiến - 14/09/2014 06:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2014 - 13/09/2014 21:52
- Bắc Kinh kêu gọi các nước Trung Á chống khủng bố - 13/09/2014 17:46