Putin làm chủ Syria
- Chúa Nhật, 20 tháng Mười năm 2019 20:09
- Tác Giả: Ngô Nhân Dụng
Người biểu tình tập trung bên ngoài đại sứ quán Nga ờ Washington, D.C, để phản đối Tổng Thống Vladamir Putin khi Nga can dự vào Syria. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Ngày Thứ Ba tuần trước, Đại Tá Myles B. Caggins III, phát ngôn viên quân đội Mỹ và đồng minh (trên nguyên tắc có 22 nước) ở miền Bắc Syria, gửi đi một thông điệp “Tweet”:
“Chúng ta rút khỏi Manbij.” Manbij, cùng với Tal Tamr, Tabqa và Kobani là những thị xã quân Kurd từng làm chủ.
Nay quân Kurd cũng rút đi hết, khi quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến qua biên giới.
Cũng trong ngày Thứ Ba, hãng thông tấn Anna News của Nga phát hình một đoạn video mời khán giả đi một vòng trong thị xã Manbij.
Họ tới thăm căn cứ quân Mỹ đã bỏ, với những bề chứa nước trên cao, các đài viễn thông và các căn lều bỏ trống.
Phóng viên Anna chiếu cảnh một văn phòng quân Mỹ để lại, với những sợi dây cáp (cable) từ trên trần thả xuống; trên bàn giấy còn cái máy dẫn “router” cho mạng wifi; mấy gói thức ăn cho chó mèo.
Qua khu nhà ăn, còn chất đầy những hộp “cereal,” nhiều gói bánh bagel, và bốn cái tủ lạnh đầy nước ngọt và nước trái cây.
Phóng viên người Nga bình phẩm: “Coi quân Mỹ đã trang bị doanh trại của họ như thế nào. Họ tưởng sẽ đóng quân lâu dài.”
Đoạn video kết luận bằng tiếng Nga: “Manbij bây giờ thuộc quân ta!”
Trong năm năm qua, Mỹ đã hỗ trợ quân Kurd đạt được những thành quả lớn mà không tốn mất bao nhiêu sinh mạng người Mỹ.
Khi tổng thống Mỹ rút một trăm quân ra khỏi miền Bắc Syria ngày 6 Tháng Mười, cán cân lực lượng hoàn toàn thay đổi.
Từ năm 2012, dân Kurd sống trong nước Syria đã thành lập một khu tự trị ở miền Bắc, hai bên bờ sông Euphrates.
Họ thành lập đoàn quân Tự Vệ Nhân Dân Kurd (YPG) chống chính quyền của nhà độc tài Bashar al Assad.
Họ thâu nhận cả các toán dân quân gốc Ả Rập theo Hồi Giáo Sun Ni và gốc người Assyrian theo Thiên Chúa Giáo đang nổi dậy.
Tổng cộng 100,000 quân tập hợp dưới bóng cờ một tổ chức chính trị, Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) do người Kurd cầm đầu.
Quân Kurd được không quân Mỹ yểm trợ đã đánh chiếm những thành phố căn cứ của quân khủng bố.
Hơn 10,000 chiến sĩ đã hy sinh nhưng họ đã đánh bại ISIS, là một lực lượng nổi lên với mục đích ban đầu là lật đổ chính quyền Assad.
Quân Kurd đã làm chủ cả miền Bắc, bằng một phần tư lãnh thổ Syria, tại mỗi nơi họ lập ra chính quyền mới. Và họ bắt giữ hàng chục ngàn quân khng bố ISIS cùng với thân nhân.
Trong khi đó, Nga và Iran cố bảo vệ chế độ độc tài của Assad, vốn là một nhóm thiểu số ở Syria theo phái Shia.
Đa số dân Syria theo phái Sun Ni nổi lên tính lật đổ Assad từ năm 2011, gây nên cuộc nội chiến rất nhiều phe; Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham dự.
Bỗng chốc, quân Mỹ rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lập một “vòng đai an toàn 30km” để tiễu trừ quân Kurd, lấy cớ họ giúp lực lượng PKK của người Kurd trong nước Thổ chống chính quyền.
Quân Kurd phải rút lui, 150 ngàn thường dân Kurd chạy theo. Trong thế đường cùng, người Kurd phải nhờ Nga đứng trung gian, bắt tay với Bashar al-Assad; nhờ đem quân tới ngăn đường quân Thổ.
Cùng với đám lính của Assad, quân Nga tiến vào các doanh trại cũ của Mỹ. Không quân Nga thay thế Mỹ làm chủ bầu trời Bắc Syria; đã thiết lập một “Vùng không oanh kích” để ngăn không cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đánh quân Kurd.
Quân cảnh Nga đang tuần tiễu trong vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Lực lượng Nga ngăn cách các đám quân Thổ Nhĩ Kỳ, quân Kurd và những nhóm dân quân người Syria, có nhóm theo Assad, có nhóm theo Thổ Nhĩ Kỳ, có nhóm từng do quân Mỹ thành lập và viện trợ. Trước đây, quân Mỹ đóng vai trò này.
Người Kurd chịu thua thiệt nhất. Thỏa hiệp với Assad khiến họ phải từ bỏ ý định lập một vùng tự trị mà họ vẫn ao ước.
Lực lượng SDF bị giải tán. Quân sĩ Kurd từ nay được sáp nhập vào quân đoàn số 5 của Assad, dưới sự chỉ huy của người Nga.
Quân đội và chính quyền Syria từ mấy năm qua đã chịu cho Nga “bảo hộ.” Một phóng viên báo Wall Street Journal, Jonathan Spyer, kể lại ông đã chứng kiến cảnh người Nga, quân và dân sự, sống ở thủ đô Damascus như là trong một thuộc địa.
Chính quyền địa phương không dám dụng tới họ, và quân đội của Assad hiện nay do người Nga thao túng.
Cuộc nội chiến tám năm tại Syria sắp kết thúc. Nga đang thay thế Mỹ đóng vai trò trọng tài giữa các thế lực trong nước Syria và trong cả vùng Trung Đông.Chỉ đem một ít quân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt và máy bay tới Syria từ năm 2015, với một món đầu tư rất nhỏ nhưng lời rất lớn.
Nhờ Nga và Iran giúp nên Assad đang dần dần làm chủ cả nước Syria, tái lập chế độ độc tài từ thời ông bố truyền lại.
Từ nay Putin đóng vai trọng tài cho cả miền Trung Đông.
Bất cứ giải pháp tái lập hòa bình nào ở Syria đều phải do Nga đứng chủ trì.
Putin đang chứng tỏ cho thế giới Ả Rập thấy Nga là nước bạn trung thành và an toàn nhất.
Putin chỉ tốn một ít bom đạn, bây giờ tất cả các con đường đi tới Syria phải đi qua Điện Kremlin!
Vladimir Putin còn một mục tiêu rộng lớn hơn nữa: Kéo Thổ Nhĩ Kỳ tách xa Minh Ước NATO và làm bạn với Nga.
Hành động tiến quân Thổ qua biên giới của ông Recep Tayyip Erdogan, ngay sau khi quân Mỹ rút, đã tạo cơ hội cho Putin đưa máy bay tới làm chủ bầu trời Bắc Syria, với lý do chính đáng!
Nga sẽ nước duy nhất để đóng vai trung gian nếu quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Syria của Assad đụng nhau trong vùng phía Đông sông Euphrates.
Nga là lực lượng duy nhất có thể ngăn chặn tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ muốn diệt trừ quân Kurd ở Syria để họ không thể giúp người Kurd vùng lên ở nước Thổ.
Putin sẽ dùng thế cờ này để trao đổi với Erdogan, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ xa dần NATO và liên kết với Nga.
Các quốc gia khác trong vùng cũng nhìn thấy thế cờ đang thay đổi.
Ngày Thứ Ba trước, trong khi Mỹ đang rút quân thì Putin chính thức thăm viếng các vương quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates) sau khi đã tới bắt tay các ông hoàng ở Saudi Arabia – cả hai vốn là đồng minh lâu đời của Mỹ và nay đang lo có ngày cũng sẽ bị bỏ rơi.
Ông hoàng Mohammed bin Zayed, người đang nắm quyền tại các nước Emirates, đã nói với ông Putin một câu (không khác gì Lê Duẩn nói ngày xưa):
“Tôi nghĩ nước Nga như là quê hương thứ hai của tôi” và nhấn mạnh thêm, “Chúng ta kết nối bằng một mối quan hệ chiến lược sâu bền.”
Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran chắc hài lòng. Quân Mỹ rút khỏi Syria rồi thì giấc mộng lập một “Vòng đai Shia” từ Tehran đến bờ Địa Trung Hải sẽ dễ thực hiện hơn.
Iran đã lập những đạo quân giúp Assad trong cuộc nội chiến, do các tướng lãnh Iran chỉ huy.
Những nhóm này, cùng với lực lượng Hezbollah từ Lebanon đã tiến sang, sẽ là mối đe dọa thường trực cho vùng Golan Heights đang do Israel chiếm đóng.
Nhật báo The Wall Street Journal nghe ngóng ở Jerusalem cho biết rằng chính phủ Israel không được báo trước về hành động rút quân của Mỹ.
Tờ báo Yedioth Ahronoth tại thủ đô Israel, bình luận rằng, “Tổng Thống Trump bỏ rơi một đồng minh ‘không chớp mắt’ và có thể lần tới sẽ là Israel.”
Tờ báo viết, “Thế cân bằng lực lượng ở Trung Đông dựa trên một mạng lưới tế nhị bao gồm các hỗ trợ, áp lực, thỏa hiệp cũng như hiểu ngầm – và ông Trump đang làm cho cả mạng lưới đó vỡ ra.”
Ông Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân sự Israel, nhận xét:
“Xưa nay nước Mỹ đóng vai siêu cường trong vùng Trung Đông. Nếu Mỹ rút đi, những thế lực như Iran, ông Bashar al-Assad, hay quân Hezbolla sẽ được tự do hành động. Tất cả đều là thù nghịch của chúng ta.”
Trước đây Israel từng nhiều lần bí mật tấn công ngăn vào Syria không cho Iran chuyển vũ khí và xây dựng hạ tầng cơ sở trong vùng giáp với Israel.
Khi quân Mỹ rút hết, nếu Israel muốn tiếp tục hành động tự vệ đó, chắc họ sẽ phải xin phép Vladimir Putin trước.
Một lực lượng có thể sẽ gây trở ngại cho việc bành trướng ảnh hưởng của Nga trong nước Syria và cả vùng Trung Đông là những tàn quân ISIS đang ẩn náu, nếu họ có cơ hội tái xuất hiện ở miền Bắc Syria, sau khi quân Kurd bỏ đi.
Trước khi rút quân, chính phủ Mỹ đã yêu cầu người Kurd chuyển giao một số tù binh là lãnh tụ quan trọng của ISIS, nhưng không có kế hoạch nào để chuyển giao số tù còn lại cho ai cả.
Trại tù giam nhiều quân ISIS nhất do người Kurd quản trị lại không nằm trong vòng đai mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn thành lập, cho nên họ không chịu trách nhiệm.
Hàng ngàn tù binh đã chạy trốn khi lính gác người Kurd bận lo chống quân Thổ và di tản.
Nếu lực lượng ISIS ngóc đầu sống lại thì Bashar al-Assad và Vladimir Putin sẽ lo lấy, không chắc Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd sẽ nhúng tay vào.
Tin mới
- Chuyên gia Mỹ: Việt Nam cần đấu tranh mạnh hơn trong đối sách chống Trung Quốc - 20/11/2019 02:27
- Bóng ma Thiên An Môn lởn vởn trên khu Đại Học Bách Khoa Hồng Kông - 19/11/2019 18:27
- Tại sao chính quyền Hồng Kông lo sợ bầu cử địa phương ngày 24/11? - 17/11/2019 22:53
- Hồng Kông: Giới tranh đấu chuyển sang chiến thuật ''du kích'' - 15/11/2019 23:25
- Tập Cận Bình đến Hy Lạp để củng cố đầu cầu thâm nhập vào LHCA - 14/11/2019 03:44
- Điều tra luận tội Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn mới - 12/11/2019 01:06
- ĐCSTQ: Hội Nghị Trung Ương 4 chỉ để củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối - 29/10/2019 18:07
- Thủ lĩnh Daech bị tiêu diệt, nguy cơ khủng bố vẫn nguyên vẹn - 28/10/2019 14:28
- Phớt lờ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga bàn về số phận người Kurdistan - 22/10/2019 17:23
- Chính quyền Hồng Kông khó có giải pháp cho khủng hoảng - 21/10/2019 22:15
Các tin khác
- Syria : Donald Trump chà đạp lên các mục tiêu truyền thống của Mỹ - 15/10/2019 19:22
- Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan làm thay đổi « thế cờ » tại Syria - 14/10/2019 20:42
- Donald Trump và 2 năm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương - 11/10/2019 22:59
- Syria: Vì sao Donald Trump muốn bỏ rơi Kurdistan? - 08/10/2019 14:20
- Cuộc đọ sức Boeing - Airbus khơi mào thương chiến Mỹ-Âu - 03/10/2019 22:30
- Tập Cận Bình, « Người cầm lái vĩ đại » phiên bản 2.0 - 30/09/2019 17:44
- Biển Đông : Việt Nam « đơn độc » chống Trung Quốc - 27/09/2019 22:05
- Bolton ra đi, bế tắc Mỹ-Iran sẽ được khai thông ? - 11/09/2019 19:02
- Trao đổi tù nhân : Zelensky chiến thắng hay sập bẫy của Putin ? - 10/09/2019 15:07
- Fox và Trump - 02/09/2019 00:45