Vị trí then chốt của Pháp trên thị trường vũ khí
- Thứ Ba, 17 tháng Năm năm 2016 19:01
- Tác Giả: Thanh Hà
Tàu ngầm tàng hình Barracuda mà Pháp sẽ bán cho Úc.
Ảnh : DCNS cung cấp cho Reuters
Pháp đứng thứ ba trong số các nhà xuất khẩu vũ khí của thế giới, thua xa Hoa Kỳ nhưng ngang ngửa với Nga.
Hiện diện trong nhiều lĩnh vực từ trực thăng đến chiến đấu cơ, từ hàng không mẫu hạm đến xe bọc thép, tổng kim ngạch xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Pháp không ngừng gia tăng.
Đâu là chìa khóa thành công của ngành công nghệ chế tạo vũ khí trên xứ của các chú "gà trống Gaulois" ?
Hợp đồng với Canberra thể hiện « sức mạnh kinh tế, tiềm lực của nền công nghiệp và kỹ thuật của Pháp , mở ra một giai đoạn hợp tác trong 50 năm » trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng.
Thủ tướng Manuel Valls không khỏi tự hào tuyên bố như trên sau khi Paris giành được hợp đồng 34 tỷ đô la, cung cấp 12 tàu ngầm Barracuda cho Hải Quân Úc.
Đây là một bước tiến mới trên con đường chinh phục thị trường vũ khí thế giới của các nhà sản xuất Pháp.
Từ 4 năm qua, xuất khẩu vũ khí của Pháp không ngừng gia tăng. 2015 thậm chí còn là một năm kỷ lục khi ngành công nghệ trang thiết bị quân sự thu vào 16 tỷ euro hợp đồng, cao gấp đôi so với kết quả của 2014 và tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm 2012 khi tổng thống François Hollande bước vào điện Elysée.
2016 tiếp tục là một năm thuận lợi đối với các tập đoàn sản xuất vũ khí Pháp, bởi chỉ riêng nước Úc đồng ý mua vào 12 chiếc tàu ngầm do tập đoàn DCNS thiết kế, tổng trị giá lên tới 34 tỷ euro.
Trong bảng xếp hạng thế giới Pháp đang vươn lên hàng thứ 3, sau Mỹ và gần bằng Nga.
Những khách hàng quan trọng nhất của Pháp tập trung ở khu vực Trung Cận Đông, từ Ả Rập Xê Út đến Ai Cập, Qatar.
Còn trong vùng châu Á và châu Đại Dương, có Indonesia, Ấn Độ và nhất là Úc là những miền đất hứa.
Ngành công nghệ vũ khí không hề biết khủng hoảng
Theo thẩm định của bộ Quốc Phòng Pháp được công bố vào tháng 1/2016, ngành công nghiệp vũ trang bảo đảm công việc làm cho 165.000 nhân viên và khối lượng này ước tính tăng lên tới 200.000 vào năm 2018.
Còn căn cứ vào bản nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2014, trong thời gian từ 2009 đến 2013 xuất khẩu vũ khí của Pháp chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và cũng nhờ lĩnh vực mũi nhọn này nhập siêu của Paris được thu hẹp từ 5 đến 8 % trong cùng thời gian. Doanh thu của các tập đoàn trong ngành lên tới trên 17 tỷ euro.
Bối cảnh địa chính trị bấp bênh gần như đã lan rộng ra cả khu vực Trung Cận Đông, một phần lớn ở châu Phi và một số điểm nóng tại châu Á, đe dọa khủng bố nhắm vào nhiều quốc gia tại châu Âu đã đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Tháng 5/2015 quân đội Qatar chính thức đặt mua 24 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, trị giá hợp đồng hơn 6 tỷ euro.
Tập đoàn đóng tàu quân sự DCNS ngấp nghé để bán 3 khu trục hạm có trang bị tên lửa chống tên lửa cho Doha.
Lại cũng chính quyền Quatar có kế hoạch trang bị 22 trực thăng chiến dấu loại NH90 do liên doanh châu Âu chế tạo và được sản xuất tại Pháp và Ý, trị giá hợp đồng 2 tỷ euro.
Cùng mùa xuân năm ngoái, sau nhiều năm lận đận, tập đoàn Dassaut Aviation lần đầu tiên xuất khẩu được loại chiến đấu cơ cực kỳ tối tân Rafale cho Ai Cập trị giá hơn 4 tỷ euro.
Thế rồi, Cairo đã chi ra chưa đầy 1 tỷ euro để mua hai chiến hạm Mistral mà Pháp nhận thiết kế cho Nga nhưng cuối cùng, do Matxcơva can thiệp vào Ukraina, nên Paris đã ngậm bồ hòn làm ngọt, hủy hợp đồng với điện Kremly.
Tại châu Âu sau nhiều tháng do dự, Ba Lan tiếp tục đàm phán để mua vào khoảng 50 chiếc trực thăng loại Caracal do Airbus sản xuất.
Nhìn sang châu Mỹ, từ 2008 Pháp đã ký kết với Brazil hợp đồng hơn 6 tỷ euro để cung cấp cho Brasilia trực thăng quân sự, tàu ngầm tấn công và chuyển giao công nghệ cho xứ này trong lĩnh vực thiết kế tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử
Tại Châu Á, đầu năm nay, đến lượt Ấn Độ đạt thỏa thuận để mua 36 chiếc Rafale (5 tỷ euro) cho dù tiến trình đàm phán vẫn chưa tới hồi kết. Đôi bên còn bất đồng về giá cả.
Máy bay Pháp bị New Delhi chê là quá đắt và chính phủ của thủ tướng Modi còn thưng lượng thêm đòi Paris « mạnh dạn hơn » trong việc chuyển giao công nghệ cho phía Ấn Độ.
Ả Rập Xê Út, mục tiêu Paris đang hướng tới
Nhưng trên bàn cờ mua bán vũ khí, Ả Rập Xê Út là lá chủ bài của Paris.
Năm 2014 vương quốc này trở thành nguồn nhập khẩu trang thiết bị quân sự số 1 của thế giới.
Tháng 10/2014 chính phủ Pháp thông báo đã ký kết nhiều hợp đồng lên tới 10 tỷ euro với Riyad, trong đó có cả dự án hợp tác hàng hải.
Kể từ ngày quốc vương Abdelaziz ben Abderrahman al Saoud « dựng nước » năm 1926 cho đến cuối 2014, nguyên thủ và các lãnh đạo Pháp đã 39 lần dừng chân tại xứ dầu hỏa, và 15 chuyến công tác đó diễn ra trong vòng 3 năm kể từ khi tổng thống Hollande lên cầm quyền.
Cũng đích thân tổng thống Pháp đã 3 lần công du Riyad, một sự quan tâm hiếm có từ phía Paris.
Về phần mình, sứ giả của ngành công nghệ sản xuất vũ khí Pháp, bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian chỉ riêng trong năm 2013 đã 3 lần đến Ả Rập Xê Út. 2013 cũng là thời điểm quyết định để Riyad chấp bút ký thỏa thuận khung mua vũ khí của Pháp với giá 10 tỷ euro nói trên.
Các tập đoàn từ sản xuất vũ khí đến hệ thống phòng không, đóng tàu, xe bọc thép, vận tải đã bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên sau nhiều năm kiên nhẫn thuyết phục nhiều thế hệ các ông vua dầu hỏa ở Riyad.
Chủ bài của ngành công nghệ vũ khí Pháp ?
Sự kiện trong tháng 4/2016 Úc chọn Pháp là đối tác trang bị tàu ngầm cho lực lượng Hải quân lại càng là bằng chứng cụ thể cho thấy công nghệ quốc phòng của Pháp đang có những bước đột phá.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, cựu quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng, Pierre Conesa nêu bật những điểm son của các tập đoàn Pháp :
« Tôi nghĩ là có rất nhiều yếu tố hội tụ trong vụ Úc mua tàu ngầm của Pháp.
Thứ nhất, bên mua vào là một nhà nước, kèm theo đó là những tính toán chiến lược phức tạp, cùng với vế chuyển giao công nghệ, an ninh quốc phòng và mức độ tin cậy giữa bên mua và nguồn cung cấp.
Thứ hai là tới nay Úc mới chỉ quyết định ‘độc quyền đàm phán với Pháp’. Đôi bên chưa chính thức ký kết giao kèo mua bán.
Paris và Canberra bước vào giai đoạn thương lượng, không về giá cả nữa mà sẽ tập trung vào nội dung của hợp đồng.
Nhưng chúng ta phải nhìn nhận là nước Pháp chiếm thế thượng phong và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tàu ngầm hơn hẳn các đối thủ khác như là Đức hay Nhật Bản.
Đức thì mới chỉ vừa bước vào lĩnh vực này, còn Nhật tuy có kinh nghiệm đóng tàu ngầm, nhưng chưa bao giờ xuất khẩu mặt hàng này cho bất kỳ một ai.
Trong khi đó thì tàu ngầm cỡ lớn của Pháp và phía các nhà sản xuất không còn phải chứng minh về hiệu quả của lớp Barracuda.
Về mặt kỹ thuật, trong lĩnh vực này Pháp đang dẫn đầu. Đương nhiên là với hợp đồng mang tính chiến lược như vậy thì đối thoại đã phải diễn ra ở cấp nhà nước.
Ngành công nghệ quốc phòng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà trước khi xuất khẩu, nhà sản xuất cần được chính phủ cho phép ».
Hợp đồng « sur mesure » cho Úc ?
Riêng trong hợp đồng với Canberra, cũng chuyên gia về quốc phòng Pierre Conesa nêu lên một số nét đặc thù để Paris giành được lợi thế :
« Đúng là Pháp đã bám theo sát để thích nghi với những đòi hỏi của Úc. Nhưng ở đây có nhiều yếu tố cần được quan tâm.
Một là Pháp có những sản phẩm ‘rộng hơn’ so với Mỹ. Cụ thể là Hoa Kỳ không xuất khẩu tàu ngầm và vệ tinh.
Hai là Pháp đã khẳng định được vị trí của mình trên cả hai lĩnh vực này.
Điều đó cho thấy, trong thế giới công nghệ quốc phòng, tuy không là nhà cung cấp số 1 của thế giới, nhưng Pháp khéo léo khoanh vùng một số mảng để tập trung đầu tư và làm chủ một vài lĩnh vực nhỏ đó, bên cạnh rất nhiều nguồn cạnh tranh, từ Nga đến Anh hay Đức.
Cho đến gần đây Pháp chủ yếu nhắm tới một số nước nhỏ như Qatar và đã gần như độc quyền thương lượng với một vài đối tác này.
Nhưng trong thời gian qua, không kèn không trống, Anh và nhất là Đức đã tấn công luôn cả các thị trường này, cho nên Pháp lại càng phải phát triển công nghệ tinh vi.
Về câu hỏi liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ, đây là một chủ đề xưa như trái đất và luôn gây lo ngại.
Có điều Pháp không dễ dãi hơn các nhà sản xuất vũ khí khác trong việc chuyển giao công nghệ cho khách hàng.
Thêm vào đó khi Paris bắt đầu bán và chuyển giao công nghệ chế tạo chiến đấu cơ cho Nhật, mọi người đã sợ rằng Nhật Bản trở thành một đối thủ cạnh tranh, có thể đe dọa quyền lợi của Pháp.
Thực tế không hẳn là như vậy. Tới nay, chiến đấu cơ Rafale vẫn hơn hẳn các loại chiến đấu cơ và máy bay tàng hình của Nhật.
Trên thực tế Pháp không chỉ bán ra một sản phẩm mà còn rất nhiều thứ kèm theo đó và về điểm này thì thực sự ngành công nghệ của Pháp có nhiều ưu thế ».
Một số các nhà phân tích khác cho rằng, có 5 yếu tố giải thích cho thành công của ngành công nghệ vũ khí Pháp hiện tại.
Thứ nhất là Paris đang đưa quân tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mali đến Trung Phi, Irak… và vô hình chung, các mặt trận đó lại trở thành tủ kính của những sản phẩm « made in France ».
Trong hai năm liên tiếp, 2013 và 2014 doanh thu của các hãng sản xuất vũ khí Pháp đã tăng theo thứ tự là 40% và 17%.
Thứ nhì là ngoại trừ hợp đồng vừa đạt được với Úc, phần còn lại hầu hết với các đối tác ở Trung Cận Đông, thường là những hợp đồng « cò con » trị giá vài tỷ đô la nhưng cũng đủ để nuôi sống bộ máy sản xuất của Pháp.
Yếu tố thứ ba tạo nên hào quang cho Pháp là một số các đối tác trên thế giới tìm một nguồn cung cấp mới để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Mỹ hay Nga và kể cả Trung Quốc, một ông khổng lồ khác trong ngành.
Nguyên nhân thứ tư đẩy xuất khẩu vũ khí Pháp tăng nhanh là khoản đầu tư rất lớn của bộ Quốc Phòng để luôn đi trước các đối thủ khác – kể cả Mỹ trong một số lĩnh vực vài bước.
Sau cùng, những thành công rực rỡ mà nước Pháp có được từ năm 2013 tới nay, chủ yếu là nhờ vai trò hàng đầu của bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian.
Không phải ngẫu nhiên mà báo chí mệnh danh ông là « sứ giả » của ngành công nghệ quốc phòng.
Từ Ba Lan đến Qatar, từ Ấn Độ đến Ai Cập, Brazil chỗ nào có các dự án đấu thầu, đều có sự hiện diện của ông Le Drian, cánh tay mặt của tổng thống Pháp, François Hollande.
Đành rằng trên thị trường vũ khí, Mỹ vẫn chiếm thế áp đảo với doanh thu co dãn từ 60 đến 80 tỷ đô la một năm, kế tới là Nga với từ 25 đến 30 tỷ nhưng Pháp đang nhập cuộc để làm đảo lộn trật tự đó.
Related news items:
Tin mới
- Mỹ- Trung kêu gọi hợp tác song phương - 06/06/2016 22:23
- Trung Quốc thực sự muốn lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông ? - 02/06/2016 13:52
- Bốn lý do khiến ông Obama bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam - 01/06/2016 17:17
- Dưới con mắt người Nhật: “Trung Quốc chiếm trọn Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian?” - 30/05/2016 01:39
- Vụ Formosa sắp bùng nổ lớn ? - 27/05/2016 22:20
- Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, Trung Quốc đau đầu - 27/05/2016 16:14
- Tại sao Obama lùi bước trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ? - 26/05/2016 18:31
- Trung Quốc liên tiếp trúng đòn ngoại giao của Obama và G7 - 25/05/2016 17:00
- Nga muốn can thiệp vào tranh chấp Biển Đông thông qua ASEAN - 19/05/2016 20:17
- Việt Nam : Ô nhiễm biển và cái giá phải trả - 18/05/2016 15:49
Các tin khác
- Việt-Mỹ: Vũ khí nặng hơn nhân quyền? - 17/05/2016 16:03
- Phán quyết về Biển Đông : Trung Quốc và Mỹ đua nhau tìm hậu thuẫn - 13/05/2016 17:40
- Mấy suy nghĩ quanh thông báo 'cá chết' của HĐGMVN - 12/05/2016 15:54
- Tuần tra Biển Đông : Mỹ vẫn quá rụt rè? - 11/05/2016 17:23
- Bắc Triều Tiên: Năm điều ghi nhận từ Đại Hội Đảng Lao Động - 10/05/2016 21:24
- Làm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạch - 10/05/2016 21:16
- Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại Biển Đông : Lợi bất cập hại - 05/05/2016 22:33
- Sao người dân lại bắt Ông Trọng từ chức ??? - 04/05/2016 22:56
- Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Vì sao? - 02/05/2016 03:52
- Bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ - 29/04/2016 00:18