Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tuần tra Biển Đông : Mỹ vẫn quá rụt rè?

USS Curtis Wilbur  3

Chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur từng đi qua vùng 12 hải lý của một đảo do Trung Quốc ngày 30/01/2016. Ảnh chụp hồi tháng 8/2013.
REUTERS/U.S. Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Declan

Chiến dịch tuần tra vừa được chiến hạm USS William P. Lawrence tiến hành hôm qua, 10/05/2016, trong khu vực Đá Chữ Thập (Trường Sa) đã được Lầu Năm Góc xác nhận là một sự khẳng định mạnh mẽ quyền tự do hàng hải, nhằm phản bác các yêu sách "quá đáng" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng thủ tục tàu Mỹ áp dụng lại quá rụt rè, cho nên đã phản tác dụng, với hệ quả là củng cố thêm các đòi hỏi của Bắc Kinh.

Theo báo Nhật Bản The Japan Times ngày 11/05, trong một bản thông báo gởi bằng email tối hôm qua, trung tá Bill Urban, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đã xác định rõ là khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập, khu trục hạm USS William P. Lawrence của Mỹ đã « hành xử quyền đi qua vô hại (innocent passage) ».

Đối với phát ngôn viên kể trên, hành động của chiến hạm Mỹ nhằm « thách thức các nỗ lực của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam muốn hạn chế quyền tự do hàng hải xung quanh các thực thể địa lý mà họ đòi chủ quyền, cụ thể là việc yêu cầu phải xin phép hay thông báo trước, mỗi khi quá cảnh lãnh hải những nơi này, một yêu cầu trái với luật pháp quốc tế ».

Khi tung ra các chiến dịch tuần tra được mệnh danh là vì quyền tự do hàng hải tại Trường Sa và Hoàng Sa, Washington muốn khẳng định lập trường phản đối các yêu sách "quá đáng" của Bắc Kinh tại Biển Đông, đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ khu vực, mà cụ thể là chống lại việc khoanh vùng lãnh hải, gây khó khăn cho lưu thông trên không và trên biển, tại những nơi mà Trung Quốc cho là của họ.

Từ năm ngoái đến nay, như vậy là Hải Quân Mỹ đã ba lần cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông, đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, cũng như và Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Vấn đề được nhiều nhà quan sát nêu bật, trong cả ba lần áp sát các đảo mà Bắc Kinh trấn giữ, Washington đều chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng nhất, được cho là để khỏi chọc giận Trung Quốc quá lố. Đó là áp dụng thủ tục đi qua vô hại, tuyệt đối tránh những hoạt động như là diễn tập quân sự, phô trương vũ khí…

Theo chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương Trình An Ninh Quốc Tế tại Viện Lowy ở Sydney, việc cả ba chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đều áp dụng thủ tục đi qua vô hại mà không thông báo trước đã chứng tỏ rằng chính quyền chủ trương « một cách tiếp cận ‘tối giản’ trong việc khẳng định quyền tự do hàng hải » để tránh tối đa việc gây căng thẳng với Trung Quốc.

Đối với ông Graham, khi quyết định như vậy, Washington đã không đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho rằng cần phải áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn mới ngăn chặn được Bắc Kinh tại Biển Đông.
Thậm chí có tin cho rằng, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã hoàn toàn bị bịt miệng trên vấn đề này.

Theo báo The Japan Times, một số nhà phân tích đã cho rằng cách hành xử rụt rè của Mỹ tại Biển Đông đã phản tác dụng, và củng cố thêm cho các yêu sách của Trung Quốc.

Chiến dịch tiến hành hôm qua tại khu vực Đá Chữ Thập chẳng hạn nguy cơ là đã gián tiếp xác nhận vùng lãnh hải xung quanh thực thể này, vốn là một bãi nổi trước lúc được bồi đắp, nên có quyền được hưởng lãnh hải 12 hải lý, và chiến hạm Mỹ, khi áp dụng thủ tục đi qua vô hại, đã vô tình công nhận điều đó.

Trong bối cảnh đó, các chiến dịch khẳng định quyền tự do hàng hải mà Hải Quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông được cho là đã không mang lại hiệu quả răn đe Bắc Kinh như Washington mong muốn.
Đó cũng chính là lý do vì sao mà phái chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, từ Thượng nghị sĩ John McCain đến giới lãnh đạo Hải Quân Mỹ đều muốn được quyền áp dụng những thủ tục mạnh mẽ hơn.

Switch mode views: