Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mùa hè và dịch bệnh bùng phát


bodauden
Bọ đầu đen tại Bình Phước. RFA

Thời gian gần đây, thông tin về việc xuất hiện bệnh lạ tại Bình Phước làm ít nhất 3 người tử vong, khiến nhiều người tỏ ra bất an. Trong khi tỉnh Bình Phước công bố bệnh lạ là bạch hầu và công bố dịch bạch hầu tại một số nơi thì nhiều người dân ở Bù Đăng, Bù Đốp lại đang phải đối mặt với nạn bọ đen hoành hành. Có thể nói chưa bao giờ, Bình Phước lại đang đối mặt với nhiều vấn nạn như hiện tại.

Người người bất an

Ông Cà, sống ở Bù Đăng, Bù Đốp chia sẻ:

“Khó chịu lắm, cái hơi nó cay lắm. Có lúc tôi hốt trong nhà ra cả mấy bao, phải dùng dầu hôi mới hết. Bực bội trong người lắm! Mà đâu có ai đến, y tế cũng vậy mà xã cũng vậy, chẳng có ai đến, tự mình mà xử lý thôi chứ!”

Theo ông Cà, đây không phải là lần đầu tiên bọ đen xuất hiện tại khu vực ông sinh sống. Những lần trước, chỉ cần thấy một bầy bọ đen bắt đầu xuất hiện là ông và bà con nơi đây mua thuốc xịt côn trùng về xịt và có vẻ chúng đã bỏ đi. Nhưng lần này thì khác, hơn một tháng nay, mặc cho ông dùng cách gì để diệt, chúng cũng kéo đến càng lúc càng đông. Chúng bay khắp nơi và bám thành lớp đen dày đặc khắp nơi trong nhà như: trần nhà, tường nhà, cột nhà, khe hở của ván hoặc rơi vãi khắp xuống nền nhà và các vật dụng trong nhà, người hàng xóm của ông còn ăn phải bọ đen lúc nó rơi vào bát cơm mà không biết.

Tuy chúng không làm hại gì đến vườn cây trồng của nhà ông, không cắn người nhưng lại tiết ra mùi hôi rất khó chịu, nhiều thanh niên còn kiếm việc đi vùng khác vì không chịu nổi sự lan rộng của loài bọ này.

    Trẻ em bây giờ được tiêm chủng hết rồi nên có ai nghĩ sẽ bị bạch hầu. Nó mới bùng phát lại đây, nên nếu trẻ nào bị phải đưa đi bệnh viện. Trước có một lô vắc xin của bộ Y tế bị lỗi, nên có nhiều trẻ không được tiêm.
    - Cán bộ y tế tỉnh Bình Phước

Tuần trước, ông Ngà đã phải đưa cháu của mình về lại thành phố với cha mẹ sau khi đưa cháu ông đến trạm y tế để gắp một con bọ đen chui vào tai và điều trị chứng mẩn ngứa do đụng phải chất dịch con bọ này tiết ra lúc đang chơi. Hằng ngày, ông và vợ phải thay phiên nhau quét dọn rồi đem chôn những bầy bọ này chứ không còn cách nào khác. Có hôm, lượng bọ gia đình ông đem chôn lên đến cả bao.

Lý giải về nguyên nhân, ông Cà cho rằng, rất có thể việc biến đổi khí hậu, rừng cũng không còn để có thể tạo ra lớp lọc tự nhiên, thêm vào đó, việc các nhà máy đổ thải, xác heo chết ra các con sông làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Chính sự mất cân bằng sinh thái này đã tạo điều kiện cho loài bọ này sinh sôi.

Ông này cho hay, với đà môi trường không được kiểm soát như hiện tại, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, sẽ có một loài côn trùng hay động vật tý hon nào đó còn ghê gớm hơn cả loài bọ đen này, tấn công cuộc sống của con người.

Bà Nương, một người mẹ đang chăm sóc con bị sốt ở bệnh viện Đồng Phú, Bình Phước cho hay, hai tuần trước, con bà bị sốt và hơi đau cổ, tưởng là viêm amidan nên bà đưa con đi nhập viện để điều trị. Nhưng sau đó, bác sĩ thông báo là con bà bị bạch hầu và cần cách ly.

Bà không hiểu lý do vì sao con mình lại có thể bị bạch hầu vì trước đó, bà đã cho con tiêm phòng đầy đủ. Gần đây, xã của bà cũng tổ chức phun thuốc vệ sinh phòng dịch để đề phòng trong mùa hè.

Bà còn đang bận tâm một mối lo khác, đó là có phải con bà đã chích nhầm vắc xin giả?

Cái khàn cơ chế

Một cán bộ y tế tỉnh Bình Phước cho hay:

“Bệnh bạch hầu buộc mình phải theo dõi ở bệnh viện vì sợ biến chứng. Nhìn thì đơn giản vậy nhưng nguy hiểm lắm. Trẻ em bây giờ được tiêm chủng hết rồi nên có ai nghĩ sẽ bị bạch hầu. Nó mới bùng phát lại đây, nên nếu trẻ nào bị phải đưa đi bệnh viện. Trước có một lô vắc xin của bộ Y tế bị lỗi, nên có nhiều trẻ không được tiêm. Vừa rồi có 29 ca bị nhiễm nhưng có 3 ca tử vong.”


tuyentruyen chongbenhMột bảng tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. RFA

Theo ông này, các dịch bệnh thường bùng phát vào mùa hè. Bởi đây là thời điểm mà nhiệt độ và ẩm độ tăng cao, là mùa sinh sản mạnh của các loại muỗi mòng và côn trùng gây bệnh. Mùa này, cũng là lúc sức đề kháng của con người giảm xuống. Đây cũng là thời gian mà nhiều dịch bệnh có thể bùng phát bởi yếu tố ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh khó có thể kiểm soát được.

Sau khi tỉnh này tuyên bố dịch bạch hầu, các địa phương đều đã sử dụng các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông này, điều đó không có nghĩa là mọi thứ vi khuẩn, vi trùng và ấu trùng đều đã bị tiêu diệt. Hơn nữa, kinh phí cho việc này cũng có hạn, nên vấn đề là người dân phải tự cứu lấy mình bằng cách vệ sinh xunh quanh nơi mình ở, cố gắng tránh xa những vùng đang có dịch để tránh lây nhiễm.

Một cán bộ thuộc sở y tế dự phòng tại Bình Phước cho biết thêm, việc tiêm chủng vắc xin có thể ngăn ngừa các dịch bệnh. Nhưng đều đó không có nghĩa là người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh. Bởi lẽ, trong quá trình vận chuyển và bảo quản vắc xin, nhiều nhân viên không thực hiện đúng qui trình làm ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin, cũng như có vấn đề mù mờ trong việc tiêm vắc xin.

Ông này cũng cho biết thêm, trong một chuyến về quê, ông từng dẫn cháu mình đi tiêm vắc xin dự phòng theo định kỳ của trung tâm y tế. Nhưng vấn đề làm ông ngạc nhiên là các nhân viên y tế ở đây không cho người tiêm kiểm tra hoặc xem vắc xin được tiêm, điều này làm ông nhớ lại nghi vấn trước đây của nhiều người về việc tráo đổi vắc xin trong khi tiêm.

Họ cho rằng, nhân viên y tế đã dùng nước cất tiêm cho con em mình thay vì tiêm vắc xin, bằng chứng là các cháu tiêm xong nhiều mũi lý ra phải có sốt nhẹ để đề kháng, nhưng các cháu vẫn bình thường. Hơn nữa, nếu không có vấn đề bất minh, tại sao nhân viên y tế lại phải giấu vỏ vắc xin và tỏ ra bực tức, cho rằng người dân không có kiến thức chuyên môn nên không cần biết khi được hỏi muốn xem vỏ vắc xin?

Ông này đưa ra kết luận, cần phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ trong vấn đề sử dụng quỹ y tế dự phòng cũng như tiến trình tiêm vắc xin. Ông không muốn tình trạng những con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến chút uy tín nếu còn của ngành y tế tỉnh này cũng như ngành y tế Việt Nam.

Switch mode views: