Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mối đe dọa từ sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc

thuockhangsinh 1
Thuốc kháng sinh (minh họa). File photo

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phát động tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh đầu tiên ở Việt Nam năm trong chiến dịch chung toàn cầu bắt đầu từ ngày 16 tháng 11 đến 22 tháng 11. Theo WHO việc lạm dụng kháng sinh trên thế giới hiện nay đang đặt ra một thách thức lớn tại nhiều nước.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

Tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật tại Việt Nam đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và làm suy yếu hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đó là kết luận được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhân tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh toàn quốc đầu tiên tại Việt Nam kéo dài từ ngày 16 đến 22 tháng 11.

Theo WHO, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật. Đây được coi là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và không hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung. Bên cạnh đó là việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi nông nghiệp và sản xuất thực phẩm cũng làm gia tăng mối nguy kháng thuốc kháng sinh. Theo WHO, dư lượng kháng sinh trong đất, nước và môi trường tiếp tục góp phần tạo nên mối nguy cơ về kháng thuốc kháng vi sinh vật do các quy định chưa nghiêm về tiêu hủy chất thải công nghiệp và chất thải con người.

Ông Cao Huy Thái, Phó cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nói về thực trạng này.

Cao Huy Thái: khi không có nhiễm khuẩn chúng ta cũng dung kháng sinh, khi có đơn của thầy thuốc rồi thì chúng ta lại không dung đúng chỉ dẫn, kê 7 ngày thì chỉ dung 3 hay 4 ngày đã thôi không dùng nữa rồi. Đó là những điều kiện để vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra là các nguyên nhân khác như là trong nông nghiệp, trong chăn nuôi sử dụng bừa bãi.

Phát biểu trong buổi phát động tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc kháng sinh tại Hà Nội hôm 16 tháng 11 vừa qua, đại diện Bộ Y tế Việt nam nhận định Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới và có những căn bệnh không còn kháng sinh để điều trị. Bộ Y tế thừa nhận nguyên nhân chính là do việc bán thuốc kháng sinh bừa bãi. Báo Vnexpress trích lời ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nói tại cuộc họp báo hôm 16 tháng 11 rằng ‘chưa có nước nào mà kháng sinh lại mua dễ như ở Việt Nam. Bộ Y tế đã có quy định yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn của bác sĩ, tuy nhiên nhiều nơi không thực hiện trong khi chế tài xử phạt thấp’. Thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất làm ảnh hưởng đến việc người bệnh sử dụng kháng sinh. Báo Dân trí trích lời của ông Cao Huy Thái cho biết nhiều bệnh viện tuyến trên và hầu hết các bệnh viện tuyến quận huyện trở xuống đều không có phòng xét nghiệm, bác sĩ sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm là chính. Thống kê của Bộ Y tế mới đây cho biết có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Cũng theo Bộ Y tế, trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng kháng sinh thế hẹ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị bệnh đã chiếm tới 17% tổng chi phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

Vi khuẩn kháng thuốc

Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tiến sĩ Lokky Wai, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết ‘tình trạng sử dụng không lý thuốc kháng vi sinh vật đe dọa đến năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, gây ra tỷ lệ tử vọng cao hơn’

Nói về mối đe dọa của tình trạng kháng thuốc kháng sinh nói chung, bác sĩ Lance Price, Giám đốc Trung tâm hành động về kháng thuốc kháng sinh, thuộc viện sức khỏe cộng đồng Milken ở Washington DC, Hoa Kỳ, cho biết:

thuockhangsinh 2
Tình trạng buôn bán và sử dụng các loại thuốc kháng sinh bừa bãi rất đáng báo động, nhất là vùng nông thôn. (Kenhphunu.com)

BS. Lance Price: Vấn đề là bây giờ những loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở người giờ đây đã kháng với hầu hết thậm chí là tất cả các loại thuốc. Khi bạn bị nhiễm khuẩn, loại thuốc tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn để rồi sau đó hệ miễn dịch của chúng ta sẽ làm nhiệm vụ cuối là loại sạch vi khuẩn khỏi cơ thể. Nhưng khi những vi khuẩn đó đã kháng lại các loại thuốc kháng sinh, thì các vi khuẩn đó cứ tiếp tục gây viêm nhiễm trong cơ thể và người bệnh có thể tử vong….Vấn đề là ngày càng có nhiều viêm nhiễm không thể điều trị được nữa. Chúng ta sẽ thấy có nhiều người tử vong hơn.

Thế giới ngày nay đã phát hiện ra những loại vi khuẩn trước kia hoàn toàn có thể được điều trị bởi kháng sinh giờ đây đã trở nên kháng thuốc. Điển hình là các loại vi khuẩn gây viêm đường ruột và bàng quang. Một nghiên cứu vào năm 2014 của các nhà khoa học Mỹ phát hiện một dòng vi khuẩn ecoli kháng thuốc, thủ phạm gây ra những ca nhiễm khuẩn ở phụ nữ và người già trên toàn thế giới trong nhiều năm qua. Đây là loại vi khuẩn có khả năng lan từ nhiễm khuẩn đường tiểu sang máu và gây ra nhiễm khuẩn máu rất nguy hiểm. Bác sĩ Evgeni Sokurenko thuộc trường đại học Y Washington, Mỹ, người tham gia nghiên cứu về dòng vi khuẩn này cho biết:

BS. Evgeni Sokurenko: dòng vi khuẩn này hiện đã là dòng kháng thuốc nguy hiểm nhất… dòng này trở nên  kháng thuốc mạnh hơn với số lượng nhiều hơn những bệnh nhân tử vong vì vi khuẩn này. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 20,000 người chết vì nhiễm khuẩn máu, dòng này có thể chiếm đến 20% các trường hợp này, tức là mỗi ngày dòng vi khuẩn này có thể khiến hàng ngàn người chết….. Dòng vi khuẩn này kháng ít nhất từ 3 kháng sinh trở lên.

Một báo cáo về vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh của WHO được công bố vào năm ngoái cho thấy vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở một số bệnh viêm nhiễm phổ biến đã trở nên nghiêm trọng. Bác sĩ Vivian Lin, Giám đốc bộ phận Sức khỏe của văn phòng khu vực Tây Thái Bình dương, thuộc WHO cho biết:

BS. Vivian Lin: theo báo cáo thì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đường ruột giờ đây đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh điều trị viêm đường tiểu là loại bệnh khá phổ biến cũng đã tăng lên từ 0 trường hợp khoảng 30 năm về trước thành 50% số bệnh nhân. Chúng tôi cũng thấy tình trạng kháng thuốc kháng sinh mức ba trong điều trị bệnh lậu ở 10 nước.

Riêng ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%. Tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn ecoli tại Việt Nam cũng đã lên đến 9%, cao thứ hai trong số 26 nước có báo cáo về tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn này.

Kiểm soát thuốc kháng sinh và ngăn chặn vi khuẩn lây lan

Theo bác sĩ Price, tình trạng lạm dụng thuốc và vệ sinh kém ở những nước kém phát triển đang khiến cho vi khuẩn kháng thuốc lây lan rộng.

Bs. Lance Price:  chúng tôi đã thấy tình trạng kháng kháng sinh ở các vùng khác nhau trên thế giới và có thể là bắt nguồn từ nguyên nhân của việc sử dụng kháng sinh. Càng nhiều kháng sinh được sử dụng thì càng có nhiều vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Việc sử dụng kháng sinh đang làm gia tăng tình trạng này. Ở những cộng đồng mà có tình trạng vệ sinh kém, chất lượng nước không tốt và thiếu tiếp cận với thuốc kháng sinh khi cần sẽ dẫn đến sự lây lan của các loại vi khuẩn kháng thuốc. Cho nên vấn đề vệ sinh và sử dụng thuốc kháng sinh là hai yếu tố kết hợp cùng nhau.   Rất không may là ở những nước nghèo thì chúng ta thường thấy tình trạng vệ sinh công cộng kém, và chúng ta thấy là vi khuẩn bị lan ra trong nước và nếu những vi khuẩn đó kháng thuốc, nó sẽ lan rộng.

Theo WHO, nếu các nước không có hành động ngay từ bây giờ để kiểm soát lạm dụng thuốc và sự lây lan vi khuẩn kháng thuốc, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ. Bác sĩ Vivian Lin nói:

BS. Vivian Lin: tình trạng tồi tệ nhất là nếu chúng ta không có hành động cấp quốc gia và quốc tế, thì tình trạng sẽ càng ngày càng trở nên tồi tệ và chúng ta sẽ có ngày một nhiều hơn các ca kháng thuốc kháng sinh với nhiều loại thuốc kháng sinh hơn. Sẽ đến lúc mà chúng sẽ chẳng còn một loại kháng sinh hiệu quả nào để điều trị bệnh và một số bệnh viêm nhiễm có thể điều trị dễ dàng bây giờ sẽ không còn có thể điều trị được nữa.

Theo bác sĩ Lin, chính phủ ở các nước đang phát triển cần phải ban hành và đẩy mạnh việc thực hiện những quy định trong việc kiểm soát và tiếp cận với thuốc kháng sinh vì hiện vẫn còn tồn tại sự cách biệt giữa chính sách và việc thực thi chính sách. Bên cạnh đó là việc nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thực phẩm để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đây cũng là những cách mà các nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia… đã thực hiện nhằm kiểm soát tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Đối với cá nhân, lời khuyên cơ bản của các bác sĩ là sử dụng nước sạch, rửa tay thường xuyên để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc. Cuối cùng, những người bị bệnh nên thận trọng với khang sinh, chỉ dung kháng sinh theo đúng kê đơn của bác sĩ.

Switch mode views: