Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Công an đã mật báo để ông bỏ trốn

ARRESTDuong chi Dung

 

Cựu lãnh đạo tập đoàn tàu thủy Vinalines Dương Chí Dũng trước khi bị bắt - REUTERS/Stringer


Hôm nay 07/01/2014, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử các bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng cùng với sáu đồng phạm tổ chức cho ông Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.

Xuất hiện tại Tòa với tư cách nhân chứng của vụ án, ông Dương Chí Dũng đã khai ra người “mật báo” tin bị khởi tố và gợi ý nên bỏ trốn là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, từng là trưởng Ban chuyên án điều tra vụ tham ô tài sản ở Vinalines.

Báo chí tại Việt Nam đăng tải chi tiết diễn biến phiên xử hôm nay cho biết, Dương Chí Dũng, người đã bị kết tử hình trong vụ án tham ô tài sản và cố tình làm trái quy định tại Tổng công ty Hàng hải Vinalines, phiên sơ thẩm hôm 16/12 vừa qua, đã khai ra tình tiết quan trọng là người mật báo cho Dương Chí Dũng tin bị khởi tố và gợi ý cho ông nên bỏ trốn chính là thứ trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ.

Một số tờ báo khác còn thuật lại chi tiết Dương Chí Dũng cho biết trước khi bị khởi tố đã đưa cho ông Phạm Quý Ngọ 500 nghìn đô la Mỹ để lo lót “chạy án”.

Buổi trưa hôm nay, được báo điện tử VnExpress liên lạc, ông Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận tin cho rằng ông có liên quan trong vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Báo này dẫn lời ông Ngọ nói: "Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này".

Về phần các bị cáo của phiên tòa hôm nay, ông Dương Tự Trọng bị cáo chính của vụ án vẫn một mực phủ nhận nội dung cáo trạng trong khi tất cả các bị cáo còn lại đều "thừa nhận nội dung truy tố là đúng".

Theo báo mạng VietnamNet, Viện kiểm sát xét thấy bị cáo Dương Tự Trọng « ngoan cố, không khai, thể hiện ý chí coi thường, bất chấp pháp luật, cần xử nghiêm » nên bị đề nghị mức án từ 18 đến 20 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị các mức án từ 5 năm đến 18 năm tù.

Tuy nhiên, thông tin được chú ý nhất trong phiên xử hôm nay lại là lời khai của ông Dương Chí Dũng về danh tính người đã báo tin ông bị khởi tố bắt tạm giam, dẫn đến cuộc trốn chạy ra nước ngoài không thành của ông sau đó.

Cuối phiên xử hôm nay, Viện Kiểm sát cũng đã kiến nghị khởi tố vụ án hình sự người mật báo cho Dương Chí Dũng. Tình tiết mới này của vụ án đặc biệt nghiêm trọng và cũng sẽ được dư luận rất chú ý vì liên quan trực tiếp đến một cán bộ cao cấp trong ngành Công an.

Về những tiết lộ của Dương Chí Dũng tại phiên xử hôm nay, nhà báo Thanh Thảo tại Quảng Ngãi nhận định :

Nhà báo Thanh Thảo : Về việc đó, tôi cũng chỉ đọc trên báo sáng nay thôi. Đương nhiên là thông tin nào cũng phải được kiểm chứng. Nhất là chuyện này, phải án tại hồ sơ. Vì thế, tôi rất mừng là thấy cơ quan pháp luật Việt Nam đã đề nghị khởi tố ngay chuyện này.

Ông Dương Chí Dũng này có thể chưa biết được tầm nghiêm trọng của công việc mình làm. Hoặc là biết rồi, nhưng nghĩ rằng cũng có thể thoát được, che đỡ được phần nào. Nhưng không bao giờ ông nghĩ rằng mình phải bỏ trốn đến mức như một tội phạm như thế. Bởi vì trốn như thế là vô cùng nguy hiểm. Mà phần thoát được là rất ít, phần bị bắt lại là rất nhiều. Vì Việt Nam đã ký nhiều hiệp định dẫn độ với các nước... Nhưng tại sao bỏ trốn, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng, quá sợ nên phải trốn. Và đương nhiên sợ như thế là vì nhận được thông tin từ một cá nhân nào đó, khiến cho nỗi sợ hãi là chắc chắn.

Bây giờ nói ông Phạm Quý Ngọ, thì biết là ông Phạm Quý Ngọ thôi. Mà nếu ông Phạm Quý Ngọ mà nói như thế, thì đương nhiên ông Dương Chí Dũng phải trốn ngay, vì không có ai nói ra điều đấy mà khiến ông Dương Chí Dũng tin vào mối nguy hiểm của mình nó lại hiện thực như ông Ngọ nói. Thế thì ông Dũng trốn là đúng. Ông Dũng cũng nói rất thật là tôi sợ quá, tôi trốn. Lúc đó, cái bản năng tự vệ của con người là khi nguy hiểm thì phải chạy trốn, đây là điều đương nhiên.

Lâu nay, người ta vẫn râm ran về chuyện phải tìm cho ra nhân vật đã báo cho ông Dương Chí Dũng trốn. Như thế bây giờ đã có tên. Mà khi báo chí đã đưa đúng tên ông Phạm Quý Ngọ, đương kim thứ trưởng Bộ Công An, thì chắc cũng có vấn đề gì đó, chứ nếu không đưa thế thì chết với ông ấy.

Tôi nghĩ phía sau đó, báo chí được bật đèn xanh một cách rất chuẩn rồi, chuyện này mới hiện thực như thế. Còn nếu không ông Dũng có thể khai trước tòa, nhưng báo chí không được đưa lên đâu. Hoặc là ông Dũng vu oan cho ông Ngọ, thì báo chí không đời nào dám đăng cả.

Tôi cũng biết như vậy qua báo chí thôi, chứ mình làm sao có thể có thêm thông tin ngoài những gì trên báo. Ở đâu cũng vậy thôi. Có thể ở các nước Phương Tây, báo chí đưa lên nhanh, vì không bị kiểm soát. Nhưng mà, nói vậy, chứ nếu báo chí đưa không đúng, thì cái hậu quả nếu có, báo chí Phương Tây phải gánh gấp nghìn lần. Còn báo chí Việt Nam cùng lắm chỉ bị phê bình, cảnh cáo thôi. Còn báo chí Phương Tây có thể phải đền hàng triệu đô la...

Khi người ta nói là khởi tố vụ án, thì chuyện này cũng có sự thật nào đó. Và chắc chắn vai trò của Ban Nội chính Trung ương Đảng, chỗ ông Nguyễn Bá Thanh, đã phát huy.

Nói như thế, để thấy Việt Nam cũng có những chuyển động. Chuyển động này về mặt pháp luật thôi, nhưng mà cũng là chuyển động để hướng tới một xã hội pháp quyền. Điều đó mình rất ủng hộ. Tức là bất cứ ai, nếu vi phạm pháp luật, đều phải đối diện với pháp luật. Nếu ở Việt Nam mà có cái đó, thì điều đó rất đáng mừng. Mừng cho cái chung, chứ không phải mừng hay sợ cho riêng ai cả. Mừng là xã hội có phát triển, Nhà nước có kỷ cương, có pháp luật, nếu không thì là loạn.

RFI xin cảm ơn nhà báo Thanh Thảo

Switch mode views: