Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hungary: Thủ tướng Viktor Orban mở rộng ảnh hưởng lên truyền thông

hungary-soros-protest

Một cuộc biểu tình phản đối chính phủ thủ tướng Viktor Orban thông qua Luật Giáo dục nhằm đóng cửa Đại học Trung Âu Soros, Budapest, ngày 09/04/2017.
REUTERS/Bernadett Szabo

Một nhật báo lớn của Hungary bị đóng cửa, một tuần báo xưa kia tự do nay chỉ đăng những phụ đính chống Liên Hiệp Châu Âu, một trang mạng thông tin tham khảo giờ là cánh tay phải của chính phủ.
Tại đất nước của thủ tướng Viktor Orban, truyền thông độc lập hơn bao giờ hết vất vả tồn tại.

“Ngày đen cho tự do báo chí Hungary” - đó là những từ mà truyền thông độc lập, cùng xã hội dân sự nước Hung đã dùng vào ngày 8/10 năm ngoái, khi tờ nhật báo chính luận và xã hội lớn nhất của nước này - “Tự do Nhân dân” đã đột ngột tạm ngừng hoạt động, và giới bình luận cho rằng do sức ép và mưu toan của chính quyền.

Đó là một đòn nặng giáng xuống báo giới Hungary, trớ trêu thay, chỉ ít ngày trước dịp đại lễ kỷ niệm 60 năm cách mạng dân chủ 1956 của nước Hung mà một trong những đòi hỏi chính yếu là tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.
Ba ngày sau đó, tờ báo được xem như một cơ quan ngôn luận độc lập rất có uy tín này vĩnh viễn bị đóng cửa.

Tuy nhiên, đó chỉ là một cái mốc, dù là rất lớn và đáng nhớ, trong tổng thể những động thái nhằm khuynh đảo truyền thông của Thủ tướng Orbán Viktor và liên minh cầm quyền cánh hữu, mà họ đã thực hiện liên tục, có hệ thống, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010 và chiếm số ghế rất áp đảo trong Quốc hội với tỷ lệ trên dưới 2/3.

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest: 12/04/2017

Thông qua các đạo luật hạn chế quyền tự do báo chí

Báo chí độc lập Hungary nhận xét, kể từ khi chuyển đổi thể chế chính trị năm 1990, giới chính trị thượng đỉnh vẫn luôn tìm cách gây áp lực lên truyền thông và họ đã đạt được kết quả, khi ít, khi nhiều.
Nền truyền thông công ích bị đánh giá là trong trạng thái tồi tệ, và ngày càng bị chi phối bởi sự chỉ đạo và kìm hãm của chính quyền.

Tuy nhiên, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, trong đó có tự do báo chí thông qua biện pháp hành chính và luật pháp một cách có chủ đích và thường xuyên, thì khởi đầu vào cuối năm 2010, khi liên minh cầm quyền nắm thế thượng phong trong Quốc Hội, và trong thực tế có thể thông qua bất cứ đạo luật nào, kể cả việc tu chính Hiến pháp.

Mở đầu là việc chính quyền Hungary thông qua Đạo luật Truyền thông mới quản lý hết sức chặt chẽ truyền thông theo mô hình các quốc gia độc tài, nặng về cấm đoán, siết chặt.
Cái mà nội các Hung gọi là “Hiến pháp Truyền thông” này đã gây nên một cơn bão lớn trong công luận Hung, cũng như bị sự chỉ trích nặng nề của Châu Âu.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc biểu quyết để thông qua luật, hai dân biểu đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) dán miệng và giơ cao biểu ngữ “Tự do báo chí Hungary chỉ tồn tại 21 năm” để phản đối việc Đạo luật Truyền thông được thông qua theo chiều hướng dễ bề bịt miệng những tiếng nói độc lập và đối lập.

Đạo luật đặt quyền quản lý tối hậu vào một cơ quan đầy quyền năng là Hội đồng Truyền thông, có quyền kiểm soát thông tin, và đưa ra những hình thức phạt tiền rất hà khắc đối với các cơ sở truyền thông, mà luật gọi bằng cái tên “nhà cung cấp dịch vụ truyền thông”, mức tiền phạt có thể lên tới hàng triệu USD, khiến nạn nhân khuynh gia bại sản.

Quyền lực vô biên của Hội đồng Truyền thông cho phép cơ quan này lưu trữ mọi dịch vụ truyền thông, từ các sản phẩm báo giấy, báo điện tử đến mạng tin tức, hoặc đến tận nơi, kiểm tra tại hiện trường mọi hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, dữ liệu liên quan đến các dịch vụ truyền thông, đến việc phát hành sản phẩm báo chí và phát hành chương trình.

Đạo luật Truyền thông còn mang tính quản lý sát sao và chi ly về nội dung truyền thông.
Ngoài ra, Hội đồng có thể thẳng tay phạt những vi phạm được đặt trên cơ sở các quy định mù mờ, không mấy rõ ràng và có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau, như sự vi phạm thuần phong mỹ tục, hoặc xúc phạm các thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc.

Mặc dù đã được chỉnh sửa nhiều lần để qua được những chỉ trích của Liên Âu, nhưng tựu trung Đạo luật Truyền thông đã thực hiện được ý định của chính quyền, là khiến giới ký giả phải luôn sợ hãi mà tự kiểm duyệt, tự bịt miệng trước những điều khoản mang tính đe dọa và cưỡng chế, khiến truyền thông Hungary ngày càng mất đi sự độc lập.

“Nuôi” báo chí “dư luận viên”, bài trừ báo đối lập

Thông qua công cụ tài chính để o ép, đóng cửa những tờ báo đối lập hoặc độc lập, và “nuôi” những tờ thân chính phủ để làm “loa” cho mình là điều mà nội các Orbán thực hiện không ngừng nghỉ từ 7 năm nay, mà đỉnh cao là việc gây sức ép buộc “Tự do Nhân dân” phải đình bản vì lý do tài chính, cho dù chính quyền vẫn luôn chối bỏ điều đó.

Việc thâu tóm báo chí độc lập được đánh dấu vào một sự kiện vào hè năm 2014, khi tổng biên tập Sáling Gergő tờ báo trực tuyến lớn nhất của Hungary là Origo bị sa thải với nguyên nhân bị coi là chỉ trích chính quyền, nhiều nhà báo uy tín thôi việc, các tờ báo trước nay có quan điểm trái ngược đồng thanh lên tiếng phản đối sự vi phạm tự do ngôn luận.

Tất nhiên, lý do được đưa ra để cho thôi việc các nhà báo là “tái tổ chức”, nhưng bàn tay can thiệp của chính quyền được cho là rất rõ ràng, sau loạt bài phóng sự điều tra liên quan đến “gia sản đen”, hoặc việc tiêu xài tiền nhà nước - mà tờ Origo cho là vô độ - của một số chính khách hàng đầu của phe cầm quyền và đảng FIDESZ.

Áp lực và sự can thiệp của chính quyền tới doanh nghiệp là chủ sở hữu tờ báo, khiến Origo bị “thả nổi”, không tiếp tục hướng trung lập của mình.
Một mạng tin độc lập có lượng bạn đọc lớn nhất của Hungary, dần dần trở thành nơi tuyên truyền cho chính phủ, và từ giã vai trò phản biện xã hội cùng chức năng truyền thông trung thực.

Mạng đối lập Index nhận định, không chỉ đối với truyền thông công ích, mà chính quyền Hungary còn tìm cách gây ảnh hưởng đến toàn thể giới báo chí Hungary bằng rất nhiều cách như phân chia quảng cáo cho những tờ thân chính phủ, can thiệp trong vấn đề chủ sở hữu, hăm dọa với khoản thuế quảng cáo, hoặc đơn giản nhất là gọi điện thoại hạch sách, đòi hỏi.

Và màn kịch với Origo, hơn hai năm sau đó được lặp lại với “Tự do Nhân dân” nhưng ở mức độ “bạo liệt” hơn: báo bị đóng cửa vĩnh viễn sau loạt phóng sự điều tra về các bê bối lớn của giới lãnh đạo mà theo như nhận xét của giới bình luận, nếu ở nước khác có thể khiến người có liên quan phải lập tức từ chức, hoặc buộc chính quyền phải có biện pháp nghiêm khắc.

Coi giới truyền thông độc lập là “tội đồ chính” trong một số thất bại chính trị của chính quyền, nội các Orbán không giấu giếm việc họ muốn thâu toán trong tay toàn bộ các cơ quan ngôn luận độc lập.

Theo các bình luận, vương quốc truyền thông trong tay chính phủ Hungary đã vươn rộng tới đa số các tờ báo cấp tỉnh, và nhiều tờ thân nội các.

Chưa bao giờ nền truyền thông Hungary lại có những tờ “vô danh tiểu tốt” nhưng được chính quyền nuôi bằng tiền thuế dân, với giọng điệu tuyên truyền, nịnh bợ kiểu “dư luận viên” tận tụy phục vụ chính quyền như hiện tại.
Họ sống tốt dù không mấy ai đọc, trong khi những tờ báo lớn theo hướng độc lập thì họa hoằn mới có chút quảng cáo từ chính phủ.

Hạn chế tối đa quyền tác nghiệp của ký giả trong nghị trường

Đây cũng là một nét mới trong gần hai chu kỳ nắm quyền của liên minh cầm quyền, với đa số ghế thuộc về các dân biểu cánh hữu.
Một nội quy được đưa ra, hạn chế đến mức tối đa quyền chất vấn của nhà báo trong các cuộc họp của cơ quan lập pháp, và không ngần ngại “đuổi cổ” những ký giả quyết tâm với nghề để tránh bị “hỏi khó”.

Nhà Quốc Hội Hungary, biểu tượng của đất nước và được coi là tòa nhà nghị viện lớn thứ nhì Châu Âu với diện tích 17.745m2, mà giới báo chí chỉ có một hành lang 50m để tác nghiệp, và chính khách thì thường xuyên lẩn trốn, ẩn náu để khỏi phải trả lời báo chí, chính là sự “bịt miệng” truyền thông một cách hợp thức, theo nhận định của xã hội dân sự Hung.

Hàng loạt nhà báo của các mạng tin, các kênh truyền hình độc lập, có uy tín của Hungary, thời gian qua đã bị “cấm cửa” khỏi Nhà Quốc Hội vì vị Chủ tịch Kovér László cho rằng vặn hỏi các nghị sĩ tại nơi không được phép là sự “quấy nhiễu” họ.
Một trường hợp hy hữu là toàn bộ Ban biên tập mạng 444.hu đã bị cấm tác nghiệp trong Quốc Hội.

Đáng nói là mặc dù bị ngăn cản tác nghiệp, và chính quyền thì biến cả khuôn viên tòa nhà Quốc Hội khổng lồ thành một thứ “Tử Cấm Thành” đối với truyền thông, nhưng nhiều phóng viên vẫn kiên trì làm việc, bất chấp sự cấm đoán, vì cho rằng quyền được biết của người dân về những vấn đề trọng đại của đất nước phải được đặt lên vị trí tối thượng.

“Hỏi khó là nhiệm vụ của nhà báo”, với quan niệm như vậy, một nhóm ký giả Hungary bị cấm tác nghiệp tại Quốc Hội đã đệ đơn kiện chính quyền Hung lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu tại Strasbourg, vì cho rằng việc họ bị “tống” khỏi cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là sự vi phạm quyền tự do báo chí một cách bất hợp hiến.

2016 là năm đen tối của báo chí Hungary, không chỉ vì báo chí độc lập dần dần bị xóa sổ, và rơi vào tay những tập đoàn lợi ích thân chính phủ để trở thành những cơ quan tuyên truyền được nuôi sống chủ yếu bằng đồng thuế dân, mà còn vì, giới lãnh đạo Hung không còn để tâm tới thể diện của họ trên báo chí như thế nào.

Họ có thể nói một câu, rồi phủ nhận ngay, như thủ tướng Hungary đã công khai làm.
Họ có thể đưa ra mọi phát biểu tệ hại và chướng nhất, coi thường dư luận nhất, mà không phải đếm xỉa tới đạo đức chính khách hoặc những nguyên tắc bất thành văn của cái gọi là “văn hóa từ chức”.

 Và đó là điều buồn nhất trorng toàn cảnh truyền thông Hungary hiện tại.

Switch mode views: