Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2013
- Thứ Ba, 15 tháng Mười năm 2013 21:48
- Tác Giả: Minh Anh
Chống tham nhũng, Trung Quốc « rung cây nhát khỉ » ?
Nhà máy GlaxoSmithKline tại Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh chụp 11/07/2013)
REUTERS/Carlos Barria
Bắt giam, kết án, tiền phạt kỷ lục… Bắc Kinh tung ra một chiến dịch « trong sạch hóa » giới doanh nghiệp, tác động lên cả các tập đoàn lớn của Nhà nước và các doanh nghiệp nước ngoài.
Mục tiêu chính : Buộc giảm bớt giá bán trong một bối cảnh xã hội căng thẳng và tô bóng lại hình ảnh của chính phủ. Liên quan đến chủ đề này, tờ Le Monde số ra hôm nay 15/10/2013, dành hai trang báo lớn mở một hồ sơ để phân tính và đánh giá chiến dịch « bàn tay sạch » của Trung Quốc qua một loạt các bài viết khá hấp dẫn.
Tại Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia dưới ngọn lửa chống tham nhũng
Với mức tăng trưởng dự đoán 26% trung bình mỗi năm, rõ ràng thị trường thuốc tây tại Trung Quốc có một sức hút mạnh mẽ mà không hãng dược lớn không thấy thèm thuồng. Thế nhưng, thiên đường đó lại đậm màu sắc của vùng Viễn Tây, Le Monde nhận xét. Bầu không khí rất khắc nghiệt. Bởi vì, thiếu Nhà nước pháp quyền, tham nhũng ở mọi cấp độ và xu hướng Nhà nước điểm mặt các doanh nghiệp nước ngoài ngay khi có vấn đề.
Le Monde nhận xét « Tại Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia bị áp lực chống tham nhũng ». Kể từ khi kế hoạch chống tham nhũng giai đoạn 2013-2018, được dàn lãnh đạo mới của Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng Tám này, một loạt các các tập đoàn đa quốc gia lớn tại đây nằm trong vòng điều tra. Không một lãnh vực nào không bị liên can. Từ ngành dược phẩm, công nghiệp, bất động sản, năng lượng, thuốc lá cho đến cả thực phẩm.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc mở các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào các công ty nước ngoài. Trích dữ liệu từ Tổ chức Minh bạch Thế giới, Le Monde dựng một biểu đồ cho thấy tập đoàn đa quốc gia nào bị điều tra vào năm nào và có các mánh khóe hối lộ ra sao trong giai đoạn 2010-2012.
Theo biểu đồ, hình thức hối lộ quan chức chính phủ hay các lãnh đạo quốc doanh rất đa dạng, từ việc đưa bao thư, quà cáp, huê hồng, thanh khoản bí mật, đi du lịch miễn phí dưới dạng tham dự hội nghị khoa học « vịt »… Hầu như là đủ mọi thủ đoạn để có thể hoặc chen chân được vào thị trường trong nước, hoặc dành ký kết các hợp đồng lớn hay khuyến mãi sản phẩm.
Tờ báo liệt kê một loạt các tập đoàn đa quốc gia bị điều tra gần đây nhất, chủ yếu là lĩnh vực dược phẩm như vụ tai tiếng GlaxonSmithKline (Anh), Novartis (Thụy Sĩ), Merck và Abbott (Hoa Kỳ) hay Sanofi (Pháp).
Chống tham nhũng : Trò « rung cây nhát khỉ” của Trung Quốc?
Thế nhưng, Le Monde lưu ý là sự phô trương sức mạnh đó nhằm uốn nắn lại giới kinh doanh vào khuôn phép lại được tung ra ngay trước thềm Hội nghị toàn thể lần 3 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Một giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ hiện nay của Chủ tịch Tập Cận Bình. Những chương trình cải cách kinh tế sẽ được trông đợi rất nhiều nhân phiên họp lần này.
Hiện các cuộc tấn công vào các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào hai lãnh vực. Thứ nhất là dược phẩm, nhằm buộc các tập đoàn này phải hạ giá thành thuốc để cải thiện hệ thống bảo hiểm y tế. Thứ hai mặt hàng sữa bột. Cơ quan điều phối cạnh tranh đánh vào sự độc quyền của những thương hiệu sữa bột trẻ em lớn, bị cho là bán với giá gấp đôi tại Trung Quốc so với các chỗ khác trên thế giới.
Ngoài ra, Le Monde nhận thấy rằng ý đồ sâu xa của hai cú đánh đó là Trung Quốc tấn công vào những lãnh vực mà các thương hiệu nước ngoài đang chiếm lĩnh tại thị trường. Trong trường hợp này, để tồn tại, các doanh nghiệp nước ngoài không còn chọn lựa nào khác ngoài việc nhận lỗi và phục tùng chỉ thị của Bắc Kinh.
Thế nhưng, theo tờ báo, hiếm khi các tập đoàn phương Tây tự đưa ra các khoản hối lộ. Trên thực tế, chính khách hàng làm ăn buộc các nhà môi giới Trung Quốc phải có những khoản huê hồng hay những khoản « lại quả ». Trong những hợp đồng lớn hay thành lập các doanh nghiệp liên doanh, tham nhũng thường xảy ra ở phía Trung Quốc, những người có thể đưa ra các quyết định hành động trong sự kín đáo và cho phép những người thân nào thành lập công ty đối tác chẳng hạn.
Để minh chứng cho lập luận này, Le Monde trích dẫn dữ liệu thống kê cũng từ Tổ chức Minh bạch Thế giới, vẽ thành một biểu đồ cho thấy nếu tính trong số 174 quốc gia tham nhũng nhất thế giới, Trung Quốc đứng hàng thứ 80. Còn nếu so với các quốc gia trong khối G20, Bắc Kinh xếp hạng 6.
Le Monde cho rằng, sở dĩ tham nhũng có thể lộng hành là do sự nhập nhằng trong các quyết định chính sách và quyền hành quá rộng và tập trung chủ yếu vào một nhóm người ra quyết định và tay chân tâm phúc của họ.
Cuối cùng, tác giả cho rằng những gì chính quyền Bắc Kinh đang làm chẳng qua cũng chỉ là « rung cây nhát khỉ ». Một khi đã xong xuôi, thì đâu lại hoàn đấy.
Chiến dịch « bàn tay sạch » hay là chiến dịch chính trị ?
Nhìn trong nội bộ, Bắc Kinh cũng đồng thời tiến hành một cuộc chiến chống tham nhũng tại các tập đoàn quốc doanh. Các mục tiêu bị nhắm đến : Bất động sản, giao thông hay năng lượng, những lãnh vực mà giữa công chức và giới tư nhân có một mối quan hệ khá chặt chẽ.
Nhiều tập đoàn lớn bị liên đới như China Mobile, Cosco (chuyên về vận tải), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu và nhất là CNPC – Tập đoàn dầu khí quốc gia, mà cựu lãnh đạo là Tương Khiết Mẫn, vừa được đề bạt lãnh đạo SASAC và cũng là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Điều đáng chú ý là công tác điều tra nhắm vào những nhân vật được cho là thân cận với Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Ban Thường vụ, về hưu từ tháng 11/2012. Chiến dịch chống tham nhũng này làm trỗi dậy nhiều nghi vấn : Phải chăng chính quyền đang tìm cách làm xói mòn dần tầm ảnh hưởng của vị cựu lãnh đạo ngành công an và tư pháp, ông Chu Vĩnh Khang, hay không ?
Theo quan điểm của nhà kinh tế Hồ Tinh Đẩu, « chiến dịch này cho phép Đảng tìm kiếm được sự ủng hộ của người dân, đồng thời tạo ra một bầu không khí có lợi cho chương trình cải cách sắp được đưa ra », trong kỳ Hội nghị toàn thể sắp tới.
Bạo động bài ngoại tại Matxcơva sau một án mạng
Báo chí Pháp hôm nay cũng có bài quan tâm đến tình hình bạo động bài ngoại ở Nga. « Bạo động bài ngoại tại ngoại ô Matxcơva sau một án mạng », « Làn sóng chủ nghĩa dân tộc tại một khu chợ của Matxcơva » và « Tại Matxcơva, làn sóng bất bình chống dân nhập cư », lần lượt là những tựa đề bài viết trên các báo Le Monde, Libération và Le Figaro.
Theo tường thuật của ba tờ báo, sự việc bùng nổ sau vụ một thanh niên gốc Nga bị đâm chết bằng dao trước sự chứng kiến của cô vợ sắp cưới vào hôm thứ Năm tuần rồi. Thủ phạm được cho là một kẻ nhập cư gốc người Trung Á cho đến giờ vẫn chưa được tìm thấy. Thế nhưng, đối với các báo Pháp, sự giả định đó cũng đủ để làm bùng nổ bạo động tại khu vực nổi tiếng là tồi tệ, nơi tập trung nhiều dân nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Trong con mắt của người dân vùng Birioulovo, nơi phát xuất bạo động, dân nhập cư là nguyên nhân chính của mọi tệ nạn, của tình trạng mất an ninh cho đến cả tình trạng mất vệ sinh.
Tình trạng bài xích người nước ngoài còn được nuôi dưỡng bởi cảm giác bất công. Cư dân tại đây tố cáo cảnh sát và chính quyền làm tay sai cho các nhóm mafia nhập cư, nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động phi pháp cũng như việc các tòa án thả những tên tội phạm nước ngoài mà không đưa qua xét xử.
Hôm Chủ Nhật vừa qua, hơn 3000 người đã đổ về khu chợ trời trái cây và rau quả lớn nhất của Nga tại Birioulovo, bị cư dân tại đây xem như là ổ của bọn tội phạm. Người biểu tình đã đập phá và cướp bóc hàng hóa trong khu chợ. Đối với dân cư ở đây, « ngoài trái cây và rau quả, họ còn bán cả vũ khí và thuốc phiện ».
Nếu nhìn trong tổng thể, các báo Pháp cùng đồng tình rằng người Nga rất khó chịu trước làn sóng người lao động nước ngoài nhập cư ồ ạt. Theo các kết quả thăm dò, đa số dân tại chỗ cho rằng dân nhập cư quá đông, và đã đến lúc phải siết chặt việc cấp visa cho các công dân đến từ các nước Cộng hòa Trung Á và Kavkaz.
Vấn đề là chính quyền Nga vẫn giữa thái độ mập mờ. Một mặt, các cửa biên giới vẫn mở và các cơ quan nhập cảnh vẫn bỏ qua nhiều trường hợp bất hợp lệ vì nhân công rẻ là một yếu tố không thể thiếu cho tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, chính quyền vẫn tiếp tục sử dụng lá bài « chủ nghĩa dân tộc » nguy hiểm để nâng cao điểm tín nhiệm như đã được phô bày thông qua kỳ bầu cử đô trưởng Matxcơva hồi đầu tháng Chín vừa qua.
Giả như nước Mỹ phá sản… ?
Bế tắc ngân sách tại Mỹ tiếp tục thu hút sự chú ý của các báo Pháp. Le Figaro phập phồng chạy tít trên trang nhất : « Nợ công Hoa Kỳ : Chỉ còn có hơn ba ngày để tránh điều tệ hại ».
Theo tờ báo, « Một thỏa hiệp đang được phát thảo tại Thượng viện nhằm tránh mất khả năng thanh khoản ». Các cuộc thương thuyết giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ hôm qua cho thấy hy vọng một thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách ít nhất cho đến giữa tháng Giêng sang năm (2014).
Báo Le Monde nghĩ sâu xa hơn, đưa ra những kịch bản trong trường hợp « Nước Mỹ mất khả năng thanh khoản ... ? ». Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận nâng mức nợ trần vào thứ Năm 17/10 tới đây, niềm tin vào trái phiếu Hoa Kỳ, khoản đầu tư được cho an toàn nhất trên thế giới, sẽ không còn được bảo đảm. Các nhà đầu tư sẽ đòi chính phủ Mỹ trả một khoản lãi suất cao hơn.
Câu hỏi đặt ra phải chăng có một số người đang có ý định bán tống các trái phiếu Hoa Kỳ họ đang nắm giữ ? Le Monde dè dặt trả lời « rất có thể ». Một số quỹ tài chính như JP Morgan đã bắt đầu bán ra một số ít trái phiếu ngắn hạn.
Còn đối với các trái phiếu trung và dài hạn, một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng BNP Paribas của Pháp cho rằng « các nhà đầu tư biết rõ rằng sẽ không thể nào xảy ra trường hợp mất thanh khoản : họ sẽ không có được lợi gì nếu bán ra trong bối cảnh hiện nay, vì họ sẽ bị mất trắng ».
Còn đối với nền thị trường, Hoa Kỳ mất khả năng thanh khoản có lẽ sẽ nhấn chìm cả nền tài chính thế giới trong bất ổn ngang ngửa như vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brother năm 2008.
Vở diễn thảm hại của Washington
Chính vì điều đó, Les Echos cũng đặt nhiều kỳ vọng trên tít lớn trên trang nhất « Hoa Kỳ sắp đạt một thỏa thuận để tránh phá sản ».
Các cuộc đàm phán dường đang tiến theo hướng tốt để tránh bất ổn. Ngoài việc hy vọng « Hoa Kỳ đạt được một thỏa thuận nợ công vào giờ chót » như là tựa đề bài viết trên 7, Les Echos còn có bài phân tích sâu sắc đề tựa « Đảng Cộng Hòa trong cái bẫy của Tea Party ». Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy một đại bộ phận dân chúng cho rằng Đảng Cộng Hòa phải gánh lấy trách nhiệm về sự tê liệt của chính quyền Liên bang, kéo dài sang tuần thứ ba.
Sở dĩ có sự bế tắc này là do cuộc bầu cử bán phần còn một năm nữa là sẽ đến, nên nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã chấp nhận ủng hộ những yêu sách của đảng cực hữu Tea Party vì sợ bị lên án là nhút nhát. Hậu quả là giờ đây họ bắt đầu nhận thấy chiến thuật này đang dẫn đất nước đến bên bờ bất ổn và nguy cơ là họ sẽ phải trả cái giá đắt.
Về điểm này, bài xã luận trên báo Le Monde cũng đồng chia sẻ. Tờ báo đề tựa nhận định « Vở diễn thảm hại của Washington ». Vở diễn đang diễn ra không những tồi mà còn là điềm dữ. Cho dù một giải pháp có được tìm thấy vào giờ chót hôm thứ Năm tới, cuộc khủng hoảng này lộ rõ một cách hiển nhiên sự rối loạn của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ. Đây là kết quả của một sự tiến hóa khắc nghiệt của nền văn hóa chính trị bên kia bờ Đại Tây Dương từ những năm 1980, và giờ đây đi tới cực điểm.
Ngoài sự ảnh hưởng to lớn của tiền bạc và các nhóm vận động hành lang lên chính trị, các phạm vi thỏa hiệp, từng cho phép hai đảng chính trị lớn làm luật giờ sẽ ngày càng thu hẹp lại. Việc chia cắt lại các đơn vị bầu cử trên diện rộng có lợi cho phe Cộng Hòa đã hạn chế phần nào vai trò dân chủ : đảng Cộng Hòa chiếm giữ phần lớn Hạ viện, và như vậy đảng Dân Chủ không có cơ may nào chiếm đa số ở đó.
Hậu quả là, theo như nhận định của nhà chính trị học, Francis Fukuyama, tiến trình đó dẫn đến hiện tượng gọi là « chủ nghĩa phủ quyết », một hệ thống mà trong đó, một tác nhân chính trị đại diện cho cả quan điểm của một thiểu số có thể cản trở cả đại đa số.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2013 - 18/10/2013 20:13
- VN nhất quyết làm điện hạt nhân - 17/10/2013 22:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-11-2013 - 17/10/2013 22:03
- Nước Pháp trên con đường tái chinh phục Việt Nam - 17/10/2013 16:32
- Tổng thống Mỹ ban bố đạo luật cho phép nâng trần nợ công và mở cửa các công sở - 17/10/2013 16:24
- Chính phủ Mỹ tạm thoát vỡ nợ vào phút chót - 17/10/2013 04:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2013 - 16/10/2013 23:33
- Quốc hội Mỹ chỉ còn vài giờ để tránh cho Hoa Kỳ bị vỡ nợ - 16/10/2013 22:45
- Nguyên tử : Iran chấp nhận bị thanh tra bất ngờ - 16/10/2013 20:27
- Hungary : Một cựu lãnh đạo Cộng sản bị truy tố vì tội ác chiến tranh - 16/10/2013 20:18
Các tin khác
- Việt-Trung thỏa thuận gia tăng hợp tác kinh tế để làm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền - 15/10/2013 16:18
- Hoa Kỳ : Cuộc chạy đua nước rút tránh để bị vỡ nợ - 15/10/2013 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2013 - 14/10/2013 20:55
- Giải Nobel kinh tế 2013 được trao cho ba giáo sư Mỹ - 14/10/2013 20:44
- Bắc Triều Tiên bị tố cáo thử nghiệm vũ khí hóa học trên các tù chính trị - 14/10/2013 19:47
- Mỹ: Thỏa thuận ngân sách mơ hồ, mối đe dọa vỡ nợ gần kề - 14/10/2013 01:48
- Cư dân gốc Việt ở Little Saigon bị truy tố giúp al-Qaida - 14/10/2013 01:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2013 - 14/10/2013 01:02
- Trung Quốc sợ Mỹ vỡ nợ - 13/10/2013 20:00
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đi tìm tính chính đáng mới - 13/10/2013 19:49