Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-06-2013
- Thứ Hai, 24 tháng Sáu năm 2013 21:41
- Tác Giả: Thanh Hà
Brazil : Chính quyền lung lay vì tham nhũng
Biểu tình tại bãi biển Copacabana, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 23/06/2013, phản đối dự luật "PEC 37" sửa đổi Hiến pháp, cho cảnh sát độc quyền điều tra hình sự
REUTERS
Trọng tâm kinh tế chuyến công du Qatar của tổng thống Pháp, cuộc truy lùng cựu nhân viên tình báo Mỹ, Edward Snowden, phong trào nổi dậy ở Brazil : Đó là ba đề tài trải rộng trên các tờ báo Pháp ngày 24/06/2013.
Đòi hỏi cấp bách về dân chủ
« Brazil, chính quyền bất lực trước làn sóng phản đối ngày càng lan rộng », tựa lớn của tờ Le Figaro.
75 % người dân xứ này ủng hộ phong trào nổi dậy của giới trẻ, và Brazil đang chuẩn bị đối mặt với cuộc tổng đình công ngày 27/06/2013.
Libération lưu ý : Nạn tham nhũng hoành hành trong hàng ngũ lãnh đạo là nguyên nhân dẫn tới một làn sóng biểu tình tự phát quy mô chưa từng thấy.
Chính quyền cánh tả Brazil suy yếu.
Cả Libération lẫn La Croix cùng đưa ra một quan điểm : Đây là cuộc xuống đường của thanh niên Brazil, một tầng lớp đã quá chán ngán với tác động của khủng hoảng kinh tế, không biết tương lai đi về đâu và đã hoàn toàn mất niềm tin vào đảng cầm quyền.
Bên dưới hàng tựa lớn trên trang nhất « Cuộc nổi dậy của thanh niên Brazil », xã luận của báo công giáo La Croix đưa ra nhận xét : Thời sự ở Brazil là bằng chứng rõ rệt cho thấy phát triển kinh tế để cải thiện đời sống cho người dân, để phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo là điều cần thiết.
Nhưng từ phép màu kinh tế đó đã nảy sinh thêm những đòi hỏi khác, như là nguyện vọng của cả một tầng lớp dân chúng phải được lắng nghe.
Tương tự như những gì đã và đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ từ hai tuần qua, như những gì thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc hay Ấn Độ : Tầng lớp trung lưu ở những quốc gia này ngày càng bất bình trước những chương trình đô thị hóa để « đối mới đất nước » do các ông lớn ở thượng tầng cơ quan quyền lực chỉ đạo.
Những chính sách nhằm « thay đổi bộ mặt xã hội » cũng do các quan chức từ trên áp đặt ngày càng khó có thể chấp nhận được, nhất là khi dư luận nhận thấy rằng các chính sách công không minh bạch chỉ có lợi cho một số rất ít người.
La Croix kết luận : Thách thức của những nền kinh tế đang lên -như Brazil hay Trung Quốc - không chỉ là đem lại cơm no, áo ấm cho người dân.
Quan trọng không kém là khả năng đáp ứng nguyện vọng dân chủ của quần chúng. Không hẹn mà Libération cũng kết thúc bài xã luận bằng nhận xét tương tự. Nhưng tờ báo này đi xa hơn La Croix khi cho rằng, không chỉ có các nước đang phát triển mới cần rút tỉa kinh nghiệm của Brazil mà ngay cả các nền dân chủ lâu đời của châu Âu, như Pháp, Tây Ban Nha hay Ý cũng nên nhận lấy bài học này.
Trong bài phân tích, Libération tiếc là trong 3 năm qua, trong cương vị tổng thống, bà Dilma Roussef đã không dứt điểm với « truyền thống » hối lộ, một vấn nạn làm thất thoát hàng chục tỷ euro hàng năm.
Mỹ ngày càng lúng túng vì Snowden
Phần thời sự quốc tế trên các tờ báo Pháp dành nhiều bài vở để nói về cuộc truy đuổi cựu nhân viên tình báo Mỹ, Edward Snowden. Dưới hàng tựa « Washington bẽ mặt với cuộc chạy trốn của Snowden »
Le Figaro đưa ra danh sách những nước tuyên bố sẵn sàng mở rộng cửa đón kẻ đang đặt ngành tình báo Hoa Kỳ và chính quyền Obama trong thế khó xử.
Hơn thế nữa, theo tiết lộ của tờ báo, chính quyền Mỹ trong những ngày qua đã « vừa dụ, vừa dọa để Hồng Kông cho dẫn độ Snowden » về nguyên quán.
Thế nhưng, chiều tối hôm qua (23/06/2013), cả thế giới hay tin cựu nhân viên tình báo này đã lên máy bay tới Matxcơva.
Theo Le Figaro thì chắc chắn là « Bắc Kinh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép Edward Snowden rời khỏi lãnh thổ Hồng Kông ».
Tờ báo mỉa mai : Điều này cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đang « tốt đẹp » biết chừng nào, chỉ 2 tuần sau cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Barack Obama và chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Về sự can thiệp của Matxcơva, Le Figaro trích lời một chính khách Mỹ, theo đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đang « sung sướng đâm một chiếc kim vào con mắt của nước Mỹ » và chắc chắn là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Nga không sớm hy vọng được cải thiện.
Libération tiết lộ thêm : WikiLeaks đã giúp Snowden thoát khỏi Hồng Kông.
Nhưng trong những tuần lễ cư ngụ tại Hồng Kông, chuyên gia tin học từng làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ này đã thuyết phục được cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva về tầm mức quan trọng của những thông tin mà anh ta đang nắm giữ.
Nhật báo South China Morning Post sau khi tiếp xúc với Snowden đã bất bình lên án Hoa Kỳ « đánh cắp hàng triệu tin nhắn nhờ xâm nhập trái phép vào hệ thống điện thoại di động của nhiều tập đoàn viễn thông Trung Quốc ».
Vẫn theo tờ báo Hồng Kông này, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Hoa Kỳ thậm chí đã đột nhập cả vào hệ thống tin học của trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Ngoài Hoa Kỳ, vẫn căn cứ vào những tiết lộ của Snowden, Anh quốc là một phụ tá đắc lực của cơ quan NSA trong việc nghe trộm điện thoại và đánh cắp thông tin cá nhân.
Theo tờ báo Anh The Guardian được Libération trích lại, thì những thông tin mà cơ quan tình báo Anh thu thập được chẳng những được sử dụng để truy lùng các tổ chức khủng bố và tội phạm mà còn để « phục vụ quyền lợi kinh tế » của nước Anh.
Chốt lại, điểm kẹt nhất đối với chính quyền Obama hiện nay là Snowden, kẻ có nhiều thông tin về những hành vi mờ ám của ngành tình báo Hoa Kỳ, lại đưa thân vào cửa ngành mật vụ Nga và Trung Quốc.
Indonesia, công xưởng mới của thế giới
Trở lại với những bài viết liên quan đến châu Á, phóng sự chính trong phần trang kinh tế của tờ La Croix dành để nói về đà vươn lên của Indonesia, « Công xưởng mới của thế giới » : Tập đoàn xe hơi Trung Quốc Geely cũng như Toyota của Nhật Bản đang bỏ ra rất nhiều vốn đầu tư vào Indonesia.
Năm ngoái, thị trường xe hơi Indonesia tăng vọt lên thêm 25 %. Hơn 1 triệu chiếc xe mới được bán ra cho người tiêu dùng Indonesia và nhờ vậy Indonesia đã qua mặt Thái Lan để trở thành thị trường xe hơi hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á.
Trong sáu năm liền, tỷ lệ tăng trưởng của nước Hồi giáo đông dân nhất hành tinh này ở mức 6 %.
Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Indonesia trong năm vừa qua lên tới 19 tỷ euro, tăng 25 % so với tài khóa 2011 và Jakarta đề ra mục tiêu hút 25 tỷ euro đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Trước mắt, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đầu tư nhiều hơn cả vào Indonesia nhưng châu Âu ngày càng quan tâm đến quốc gia Đông Nam Á này.
Hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp L’Oréal vừa khánh thành nhà máy lớn nhất thế giới tại Jababeka, khu công nghiệp nằm giữa thủ đô Jakarta.
Đây là nơi nhiều thương hiệu nổi tiếng của thế giới như hiệu giày Bata, ông vua điện thoại di động Samsung, hay hãng chế tạo đồ chơi Mattel đã đặt cơ sở sản xuất.
Lợi thế của Indonesia là nhân công rẻ chỉ bằng phân nửa so với Trung Quốc. Đó là yếu tố khiến tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn đã quyết định mở địa bàn hoạt động tại Indonesia, đầu tư 8 tỷ đô la trong 10 năm sắp tới tại một đất nước hơn 280 triệu dân này.
Trung Quốc lĩnh vực kinh tế tư nhân đang thụt lùi ?
Vào lúc một phái đoàn doanh nhân Trung Quốc đang viếng thăm châu Âu, được đón tiếp trọng thể ở Bruxelles cũng như Paris, được chủ tịch Ủy ban châu Âu và tổng thống Pháp tiếp, Libération giới thiệu chân dung một doanh nhân Trung Quốc : ông Hoàng Nộ Ba, Chủ tịch Tổng giám đốc công ty du lịch Bắc Kinh Trung Khôn (Beijing Zhongkun).
Theo bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ Forbes, nhân vật này là người có tài sản lớn thứ 129 trong số 400 người giàu nhất tại Trung Quốc.
Từ năm 2011, tập đoàn Bắc Kinh Trung Khôn do ông sáng lập, liên tục đàm phán để mua lại 300 km2 đất của Iceland.
Mục tiêu sau cùng là đầu tư 150 triệu euro để xây dựng một khu nghỉ mát cho du khách Trung Quốc tại vùng đất Bắc Âu này.
Sinh trưởng tại tỉnh Cam Túc một trong những vùng nghèo nhất trên quê hương Mao Trạch Đông, ông Hoàng Nộ Ba nắm bắt cơ hội trong thời kỳ chuyển tiếp kinh tế.
Chủ yếu nhắm vào ngành du lịch, năm 1995 ông Hoàng thành lập công ty Bắc Kinh Trung Khôn. Ba năm sau, sự nghiệp của ông lên như diều gặp gió.
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của đất nước, doanh nhân Trung Quốc này chia sẻ với phóng viên báo Libération rằng « thời kỳ kinh tế Trung Quốc được tự do hóa đã vĩnh viễn khép lại cách nay 10 năm ».
Từ năm 2003 tới nay, doanh nhân này nhận thấy đất nước ông đã « tụt hậu » trong tiến trình cải tổ cơ cấu kinh tế.
Vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân bị thu hẹp lại, trong lúc khu vực quốc doanh thì cứ « phình to » lên. Các khoản tín dụng của ngân hàng Nhà nước gần như không bao giờ đến tay đến các doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể là 99 % gói kích cầu 400 tỷ nhân dân tệ được chính quyền Bắc Kinh tung ra vào cuối năm 2008 được dùng để rót vào các doanh nghiệp Nhà nước. Để rồi những doanh nghiệp đó cho vay lại với lãi suất « cắt cổ ».
Chính quyền kiểm soát tòa bộ ngành khoáng sản, và các tài nguyên của đất nước.
Nhưng các tập đoàn đó lại quản lý các lĩnh vực kinh tế then chốt một cách quá tồi tệ. Với đà này, kinh tế Trung Quốc « sẽ mất dần nhựa sống ».
Theo chủ nhân công ty Bắc Kinh Trung Khôn thì đã đến lúc chính quyền Bắc Kinh « cần trở lại với logic của một nền kinh tế thị trường ».
Bởi vì nạn tham nhũng ngày càng lan rộng là hậu quả trực tiếp của sự tập trung quyền lực và theo ông Hoàng Nộ Ba, nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về phương diện xã hội.
Di tích lịch sử Kaesong, di sản thế giới
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay xin điểm qua bài báo ngắn trên tờ Le Figaro : Tác giả nêu câu hỏi bao giờ thì chúng ta được tham quan khu di tích lịch sử Kaesong, vừa được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới ?
Cách không xa đặc khu công nghiệp biểu tượng của sự hàn gắn giữa hai miền nam bắc Triều Tiên, 12 di tích của thành phố Kaesong được xây dựng từ thế kỷ thứ X dưới triều đại Koryo vừa được vinh danh.
Quần thể này gồm nhiều lăng tẩm, đền đài, tường thành và cả một đài thiên văn.
Giá trị lớn nhất là chúng in đậm dấu ấn của một thời kỳ chuyển tiếp giữa những ảnh hưởng văn hóa Phật giáo và Khổng giáo.
Le Figaro nhắc lại từ trước đến nay, Kaesong là con gà đẻ trứng vàng, đem lại ngoại tệ cho chính quyền Bắc Triều Tiên nhờ đặc khu công nghiệp Kaesong. Nhưng từ tháng 4/2013, Bình Nhưỡng rút lại toàn bộ nhân viên và đơn phương ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp này.
Không hiểu quyết định đưa các di tích của thành phố Kaesong vào danh sách di sản thế giới liệu sẽ là động lực để khuyến khích Bắc Triều Tiên hé mở ra với thế giới bên ngoài hay không ?
Đến nay, 3 triều đại nhà họ Kim đã biến Bắc Triều Tiên thành một quốc gia khép kín nhất trên thế giới.
Tin mới
- Trung Quốc kết thúc thành công chuyến du hành vũ trụ dài ngày với phi hành gia - 26/06/2013 16:39
- Bị bất tín nhiệm trong đảng, Thủ tướng Úc chuẩn bị từ chức - 26/06/2013 16:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-06-2013 - 25/06/2013 22:12
- Airbus-Boeing vẫn thống lĩnh ngành chế tạo máy bay thế giới - 25/06/2013 21:59
- Việt Nam, đối tác chiến lược của Thái Lan - 25/06/2013 21:26
- Các trang mạng của chính phủ Hàn Quốc bị tấn công - 25/06/2013 21:16
- Taliban tấn công Phủ tổng thống và cơ quan CIA tại Kabul - 25/06/2013 16:29
- Miến Điện càng cải tổ, đầu tư Trung Quốc càng lâm nguy - 25/06/2013 16:02
- Nông dân Việt “thiệt hai lần” vì chính sách lúa gạo - 25/06/2013 04:50
- Edward Snowden là ai? - 24/06/2013 21:55
Các tin khác
- Al-Qaida Bắc Phi thông báo 8 con tin Châu Âu còn sống - 24/06/2013 20:10
- Bầu cử ở Tokyo: Đảng của Thủ tướng Abe thắng lớn - 24/06/2013 19:06
- Dân Bulgari xuống đường vì khát khao dân chủ - 24/06/2013 16:07
- Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo 'hậu quả' đối với các nước giúp đỡ Snowden - 24/06/2013 15:56
- Cựu gián điệp Mỹ Edward Snowden rời Hồng Kông qua tỵ nạn ở Venezuela ? - 24/06/2013 00:48
- Indonesia làm mưa nhân tạo chữa cháy rừng - 24/06/2013 00:27
- UNESCO công nhận Kaesong là di sản thế giới - 24/06/2013 00:20
- Taliban Pakistan thảm sát 9 du khách nước ngoài - 24/06/2013 00:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-06-2013 - 23/06/2013 23:03
- Đàm phán Mỹ - Việt kẹt vì dệt may - 22/06/2013 23:49