Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Bulgari xuống đường vì khát khao dân chủ

bulgari manifbis



Biểu tình đòi dân chủ tiếp diễn tại thủ đô Sophia, Bulgari, ngày 23/06/2013.
Reuters


Hôm qua, 23/06/2013, 60 nhân sĩ hàng đầu của Bulgari, gồm các trí thức, luật sư, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, đã ra một bản tuyên bố đòi chấm dứt điều mà họ gọi là chế độ tài phiệt, nhằm tái lập dân chủ và Nhà nước pháp quyền ở nước này.

Bản tuyên bố nói trên là hành động tiếp nối phong trào biểu tình rầm rộ của người dân Bulgari trong suốt nhiều ngày qua nhằm bày tỏ sự bất mãn trước nạn tham nhũng trong chính quyền và nhất là thể hiện sự khát khao dân chủ tại quốc gia thành viên nghèo nhất của Liên Hiệp Châu Âu.

Như vậy là 20 năm sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, người dân Bulgari vẫn phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ non trẻ, bởi vì trong những quốc gia vừa thoát khỏi một chế độ độc đoán, nền dân chủ rất dễ bị lũng đoạn, mà trong trường hợp của Bulgari là bị những nhà tài phiệt lũng đoạn.

Người dân Bulgari đã từng xuống đường rầm rộ vào mùa đông vừa qua, khiến chính phủ bảo thủ của thủ tướng Boiko Borissov bị đổ, nhưng các cuộc biểu tình đó chỉ là nhằm phản đối giá điện quá cao và bày tỏ sự bất mãn về tình trạng nghèo khó.

Còn phong trào biểu tình lần này, theo các nhà phân tích Bulgari, không phải là vì vấn đề cơm áo gạo tiền, mà vì những vấn đề mang tính nguyên tắc.

Đa số những người xuống đường là những người trẻ và có trình độ học vấn cao, chứ không phải là những người nghèo như trong cuộc biểu tình mùa đông vừa qua.

Mặt khác, phong trào biểu tình hiện nay chủ yếu tập trung tại thủ đô Sofia.

Từ 10 ngày qua, cứ mỗi tối, hàng chục ngàn người lại tập hợp trước trụ sở chính phủ và Quốc hội để hô các khẩu hiệu : « Mafia » và « Từ chức », đòi chính phủ cánh trung tả của Thủ tướng Plamen Orecharski từ chức.

Chỉ mới ba tuần lãnh đạo một chính phủ gồm các nhà kỹ trị, được sự ủng hộ của Đảng Xã hội Bulgari, kinh tế gia Orecharski đã bị dân chúng phản đối kịch liệt, do ngày 14/06 vừa qua, ông đã ra quyết định bổ nhiệm Deylan Peevski, một nhà tài phiệt truyền thông, dân biểu thuộc đảng của thiểu số Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, làm giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia.

 Việc bổ nhiệm nhà tài phiệt 32 tuổi không có chút kinh nghiệm gì trong ngành an ninh, đã được thông qua nhanh gọn, mà không hề có tranh luận tại Quốc hội.

Mặc dầu dưới áp lực của đường phố, Thủ tướng Orecharski đã hủy quyết định bổ nhiệm ông Peevski và sau đó đã xin lỗi nguời dân Bulgaria, nhưng phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn, bởi vì đối với người dân nước này, quyết định nói trên thể hiện sự phục tùng của chính quyền đối với giới tài phiệt.

Chính vì vậy mà 60 nhân sĩ trí thức hàng đầu, đa số có mặt thường xuyên trong đoàn người biểu tình, hôm qua đã ra một tuyên bố gọi là « Hiến chương nhằm giải thể mô hinh Nhà nước tài phiệt Bulgari », kêu gọi chấm dứt chế độ do những kẻ giàu có lãnh đạo, đồng thời tái lập nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền ở Bulgari.

Ngoài vụ bổ nhiệm giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, bản Hiến chương của các nhân sĩ trí thức Bulgari còn liệt kê nhiều trường hợp khác cho thấy có sự cấu kết giữa giới tài phiệt với chính quyền trong những năm qua.

Họ kêu gọi xã hội dân sự Bulgari khởi động một tiến trình nhằm xác định rõ những vấn đề đang gây cản trở sự vận hành của nền dân chủ tại nước này và đề ra phương cách để giải quyết dứt điểm những vấn đề đó.

Bước đầu tiên mà họ đề nghị là lập các nhóm chuyên gia để soạn thảo một luật bầu cử mới, rà soát lại các đạo luật hiện hành để chấm dứt tình trạng dùng tiền công quỹ để tài trợ cho các nhà tài phiệt, thúc đẩy tự do báo chí và củng cố tính độc lập của ngành tư pháp.


Switch mode views: