Phi cơ vận tải quân sự : A400M của châu Âu thách thức C-130 của Mỹ
- Chúa Nhật, 16 tháng Sáu năm 2013 02:59
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Phi cơ vận tải quân sự A400M của Airbus nhân một chuyến bay thử tại Sevilla (REUTERS)
Được không lực các nước châu Âu mòn mỏi chờ trông từ nhiều năm nay, rốt cuộc loại vận tải cơ quân sự A400M do tập đoàn châu Âu Airbus chế tạo sẽ chính thức trình làng nhân Hội chợ Triển lãm Hàng không Le Bourget, ngoại ô Paris kể từ ngày 17/06/2013 tới đây.
Loại phi cơ vận tải khổng lồ này trước mắt sẽ được giao cho không quân 7 nước châu Âu, trước khi lao vào thị trường quốc tế với tham vọng phá vỡ tư thế gần như là độc quyền của hai kiểu máy bay Mỹ là C-130 Hercules, và C-17 Globemaster.
Phải nói là các thông số kỹ thuật được đánh giá là mang tính chất « cách mạng » của chú lính mới Airbus A400M rất đáng chú ý. Được trang bị 4 động cơ cánh quạt với đường kính hơn 5 mét, mỗi động cơ có công suất tương đương với 11.000 mã lực – thuộc loại mạnh nhất hiện nay ở phương Tây - chiếc A400M có thể chở tới 37 tấn trên một đoạn đường dài 3300 km, và có thể bay với vận tốc 780 cây số/giờ, tức là gần bằng một phi cơ chuyên chở hành khách thông thường.
Yêu tố độc đáo khác của loại vận tải cơ khổng lồ này là tính chất có thể gọi là đa địa hình của nó. Airbus A400M có thể vận chuyển binh sĩ, xe tăng hay trực thăng đến sát chiến trường, nhờ có thể đáp xuống các loại đường băng thô sơ, không cần chuẩn bị trước, và thậm chí có thể đáp xuống cát.
A400M cũng rất đa năng, vì vừa có thể được dùng để vận chuyển quân lính, thiết bị nặng, vừa có thể sử dụng để thả lính nhảy dù, thậm chí dùng để tiếp tế nhiên liệu cho các loại phi cơ khác.
Sự ra đời của máy bay vận tải A400M có thể nói là bắt nguồn từ một nỗi đau của của các bộ tham mưu quân đội châu Âu.
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991, họ đã thấy rõ rằng châu Âu thiếu vắng trầm trọng một phương tiện vận tải có hiệu quả, và phải nương nhờ vào đàn anh Mỹ.
Yêu cầu thiết kế một loại phi cơ vận tải quân sự của châu Âu đã được đưa ra vào khi ấy, với đơn đặt hàng đến từ 7 nước châu Âu đầu tiên là Đức, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Luxembourg và Thổ Nhĩ Kỳ. Tập đoàn Airbus là đơn vị đã trúng thầu chế tạo loại máy bay này.
Quá trình chế tạo loại phi cơ này tuy nhiên không diễn ra êm thắm, và tính ra chiếc A400M đã được hoàn thành trễ hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Không quân Pháp, nước đầu tiên được trang bị loại phi cơ này, lẽ ra đã nhận được chiếc thứ nhất vào năm 2008, thế nhưng phải chờ đến Lễ Quốc Khánh năm nay, thì mọi người mới được thấy một chiếc A400M mang huy hiệu không quân Pháp bay trên cuộc diễn binh tại đại lộ Champs-Elysée Paris.
Xuất khẩu 400 chiếc Airbus A400M : Một ảo vọng ?
Trước mắt, Airbus đã có được 174 đơn đặt hàng đến từ châu Âu và từ Malaysia. Hy vọng của tập đoàn là xuất khẩu thêm được 400 chiếc khác trong vòng ba mươi năm tới đây.
Domingo Ureña-Raso, Giám đốc Airbus Military, công ty con trực tiếp phụ trách mảng quân sự của Airbus cho biết : « Chúng tôi đang nhắm vào khu vực vùng Vịnh và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhiều nước đang đổi mới đội phi cơ của mình ».
Chỉ tiêu 400 chiếc như kể trên có phần quá tham lam vì lẽ cho đến nay, hai tập đoàn Mỹ thống trị thị trường vận tải cơ quân sự hạng nặng cũng chưa xuất khẩu được nhiều như thế .
Lockheed Martin cho đến nay chỉ xuất khẩu được 218 chiếc C-130 Hercules của họ, cho dù loại phi cơ này đã ra đời từ năm 1956.
Boeing cũng thế, từ đầu thập niên 1990 đến nay, cũng chỉ bán ra nước ngoài được 145 chiếc C-17 Globemaster.
Tuy nhiên, theo ông Gareth Jennings, chuyên gia tư vấn của tạp chí chuyên môn IHS Jane’s, chỉ tiêu 400 chiếc không phải là không thực tế vì loại phi cơ A400M có đặc điểm riêng biệt của mình, có thể chiếm lĩnh được thị trường quốc tế vì « Mỹ chưa có được một sản phẩm tương đương ».
Thật vậy, nếu so sánh với loại C-130 của Mỹ, chiếc A400M vừa bay nhanh hơn, vừa có khả năng chuyển vận nhiều gần gấp đôi (37 tấn so với 20 tấn của chiếc máy bay Mỹ). Trong lãnh vực này, phi cơ của Airbus thua xa loại C-17 của Boeing (trọng tải 76 tấn), nhưng bù lại thì máy bay Mỹ chỉ có thể đáp xuống các sân bay lớn.
Theo nhà phân tích này, đối thủ của Airbus có thể là Nga với Ukraina, đang hợp tác trên đề án vận tải cơ Antonov-70, với tính năng tương tự như A400M.
Thế nhưng, dựa vào số phận đã qua của chương trình này, bị đình chỉ rồi được khởi động lại, thì rất khó có khả năng chiếc Antonov 70 ra đời.
Tin mới
- Vụ Snowden : Anh Quốc cũng dính vào các vụ nghe trộm điện thoại ? - 17/06/2013 22:42
- CH Séc : Thủ tướng từ chức do các vụ tham nhũng - 17/06/2013 22:30
- Thổ Nhĩ Kỳ : Công đoàn kêu gọi tổng đình công - 17/06/2013 22:13
- Khai mạc triển lãm hàng không Bourget: Aibus giành nhiều hợp đồng - 17/06/2013 21:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-06-2013 - 17/06/2013 21:47
- Rohani chiến thắng, phe cải tổ Iran hồi sinh - 17/06/2013 21:26
- Vụ Snowden thử thách quan hệ Trung Quốc - Hồng Kông - 17/06/2013 21:03
- Syria, chủ đề nóng của G8 ngay từ ngày khai mạc - 17/06/2013 18:22
- Iran có tổng thống tân cử ôn hòa - 16/06/2013 04:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-06-2013 - 16/06/2013 03:26
Các tin khác
- Chính phủ Cộng hòa Séc trước nguy cơ đổ vỡ vì bê bối - 16/06/2013 02:51
- Xung đột tôn giáo : Miến Điện chưa tìm ra giải pháp - 16/06/2013 02:18
- Việt Nam: Phiếu tín nhiệm và khả năng cải tổ chính phủ - 16/06/2013 01:45
- Pháp cho tàu đổ bộ hiện đại nhất ghé cảng Việt Nam - 16/06/2013 01:32
- Vatican mong sớm có đại diện thường trực ở Hà Nội - 16/06/2013 00:52
- Đập thủy điện vỡ, lỗi của ai? - 15/06/2013 06:38
- Các nước Phi Châu ngày càng bất mãn với Trung Quốc - 14/06/2013 22:28
- Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đạt Lai Lạt Ma đời tới có thể là phụ nữ - 14/06/2013 19:35
- Trung Đông có nguy cơ bị lôi vào vòng chiến tại Syria - 14/06/2013 19:21
- Bí ẩn vẫn bao trùm kho vũ khí hóa học Syria - 14/06/2013 19:03