Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bí ẩn vẫn bao trùm kho vũ khí hóa học Syria

chemical syria

 



Xe cứu thương chở đến bệnh viện một người hít phải khí độc (REUTERS /G. Ourfalian)


Kho vũ khí hóa học của Syria đã có từ nhiều thập niên qua và vẫn được xem là một trong những kho vũ khí hóa học quan trọng nhất vùng Trung Đông, nhưng cho tới nay bí ẩn vẫn bao trùm kho vũ khí này, vì hầu như không có dữ liệu chính thức nào.

Chế độ Damas đã lần đầu tiên công nhận có trong tay các vũ khí hóa học vào ngày 23/07/2012 và đã dọa sẽ sử dụng những vũ khí này nếu phương Tây can thiệp quân sự, nhưng khẳng định họ sẽ không bao giờ sử dụng chống lại thường dân.

Trong tháng 3 vừa qua, chính quyền và phe đối lập vũ trang tố cáo lẫn nhau đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột đã kéo dài từ hơn hai năm nay ở Syria.

Syria là một trong số ít các quốc gia vẫn chưa ký Công ước cấm vũ khí hóa học và như vậy không phải là thành viên của tổ chức kiểm soát việc thực hiện Công ước.

Chương trình vũ khí hóa học của Syria đã bắt đầu được thực hiện từ thập niên 1970 với sự trợ giúp của Ai Cập, rồi của Liên Xô cũ.

Nước Nga trong những năm 1990, rồi đến Iran từ năm 2005 cũng đã hỗ trợ cho Damas trong chương trình này, theo khẳng định của Nuclear Threat Initiative, một tổ chức độc lập chuyên thu thập những dữ liệu về các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới.

Ngày 30/01 vừa qua, không quân Israel đã oanh tạc một cơ sở tên lửa địa đối không và một khu quân sự kế bên, mà họ nghi là những nơi cất giấu các vũ khí hóa học.

Theo một quan chức Hoa Kỳ, Israel sợ rằng các vũ khí đó sẽ được chuyển giao cho lực lượng Hồi giáo Hezbollah Liban.

 Lúc đó tờ New York Times tiết lộ rằng cuộc oanh tạc của Israel dường như đã phá hủy trung tâm nghiên cứu chủ yếu của Syria về vũ khí sinh học và hóa học.

Theo một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, đây là chương trình vũ khí hóa học quan trọng nhất ở Trung Đông, được thiết lập nhằm làm đối trọng với chương trình vũ khí hạt nhân của Israel.

Nhà phân tích này cho biết nhiều thông tin quan trọng về chương trình này đã được thu thập từ những sĩ quan Syria đào thoát, nhưng những dữ liệu về vũ khí hóa học Syria còn rất chưa đầy đủ.

Một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu về không phổ biến ( vũ khí hũy diệt hàng loạt ) thuộc Viện Monterey của Hoa Kỳ thẩm định kho vũ khí hóa học của Syria bao gồm hàng trăm tấn.

Một chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược của Pháp vào tháng 7 năm ngoái cũng đánh giá kho vũ khí hóa học của Syria khá là mạnh.

Syria đã làm chủ được công nghệ chế tạo thế hệ vũ khí hóa học lợi hại nhất, như khí độc sarin, mà Hoa Kỳ vừa tố cáo Damas đã sử dụng để chống lực lượng nổi dậy, khiến từ 100 đến 150 người thiệt mạng.

 Chính quyền tổng thống Assad đã bác bỏ lời cáo buộc đó và Nga cũng đã lên tiếng bênh vực cho đồng minh Damas.

Khối NATO và Liên hiệp châu Âu đã yêu cầu chính quyền Damas để cho các nhà điều tra Liên hiệp quốc đến tận nơi để điều tra về những lời cáo buộc của Mỹ.

Nhưng rõ ràng là với việc Hoa Kỳ lần đầu tiên nhìn nhận Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, tình hình sẽ biến chuyển theo một hướng khác, bởi vì kể từ nay, cộng đồng quốc tế buộc phải có hành động, hoặc là trang bị vũ khí cho phe nổi dậy, hoặc là thiết lập vùng cấm bay để ngăn chận những tội ác mới của chính quyền tổng thống Assad.


Switch mode views: