Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau dân, tới linh mục, tu sĩ đi kêu oan

 


HÀ NỘI (NV) - Hôm 4 Tháng Sáu, một nhóm linh mục và tu sĩ tu viện Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã đến trụ sở của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam để gửi đơn kêu oan.

Hồi cuối Tháng Năm vừa qua, một nhóm linh mục và tu sĩ, đại diện tu viện Thái Hà cũng đã đến trụ sở Ban Tôn Giáo Chính Phủ, đề nghị cơ quan này can thiệp, buộc chính quyền thành phố Hà Nội ngưng đập phá những tài sản mà họ đã mượn của tu viện Thái Hà và hoàn trả những tài sản mà họ đã “mượn.”

Tuy nhiên, một số nhân viên của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã từ chối tiếp chuyện, với lý do lãnh đạo của họ đi công tác.

Cho tới nay, đơn khiếu nại của tu viện Thái Hà gửi Ban Tôn Giáo Chính Phủ chưa có hồi đáp.


khieukien thaiha



Nhóm linh mục, tu sĩ đại diện tu viện Thái Hà đến trụ sở Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam gửi đơn kêu oan. (Hình: Facebooker J.B Nguyễn Hữu Vinh)

 


Trước năm 1954, tu viện của Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà, Hà Nội, sở hữu 61,000 mét vuông đất và nhiều công trình trên đất.

 Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội vừa chiếm, vừa “mượn” nên hiện nay, khuôn viên của tu viện Thái Hà chỉ còn 2,700 mét vuông đất.

Dựa trên các văn bản mà chính quyền Hà Nội từng gửi tu viện Thái Hà để hỏi “mượn” nhà đất, các linh mục, tu sĩ của tu viện Thái Hà và sau đó có thêm giáo dân của giáo xứ Thái Hà đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Hà Nội hoàn trả những tài sản họ đã “mượn.”

Không những không trả, chính quyền Hà Nội còn cho phép cắt đất đã “mượn” ra thành một số lô để bán và cho mướn.

Gần đây, chính quyền Hà Nội đã tổ chức đập phá một khối nhà lớn mà họ từng “mượn” của tu viện Thái Hà để làm bệnh viện, bất kể sự phản đối của tu viện và giáo xứ Thái Hà.

Tranh chấp về nhà đất giữa một bên là các linh mục, tu sĩ Thái Hà và giáo dân giáo xứ Thái Hà, với bên kia là chính quyền Hà Nội đã từng khiến không khí Hà Nội trở thành rất “nóng.”

Ðầu năm 2008, hàng ngàn giáo dân đã đổ về khu vực Thái Hà để ngăn chặn việc chiếm dụng và xây dựng trái phép trên phần đất vốn thuộc quyền sở hữu của tu viện Thái Hà.

 Sau đó, giáo dân liên tục đổ về phần đất bị chiếm dụng để cầu nguyện cho công lý, bất kể chính quyền thành phố Hà Nội “diễu võ, giương oai” và hăm dọa trừng phạt.

Sau đó, công an thành phố Hà Nội đã khởi tố và tạm giam tám giáo dân với cáo buộc “hủy hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng.”

Tuy các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố Hà Nội đồng thanh nhận định “hành vi của tám bị cáo là nguy hiểm, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc” nhưng ở cả phiên xử sơ thẩm, diễn ra vào Tháng Mười Hai năm 2008 và phiên xử phúc thẩm, diễn ra vào Tháng Ba năm 2009, cả hai cấp xét xử đều chỉ phạt tám giáo dân này một mức án vừa phải (cho bốn người được hưởng “án treo,” phạt ba người hình thức “cải tạo không giam giữ” và “cảnh cáo” một người).

Quan sát các diễn biến trong vụ tranh chấp chấp vừa kể, người ta tin rằng, áp lực của hàng ngàn giáo dân, biểu hiện qua việc thắp nến cầu nguyện, xếp hàng đi từ nhà thờ Thái Hà đến trụ sở tòa án, công khai bày tỏ sự ủng hộ tám bị cáo đã khiến cả chính quyền Việt Nam lẫn chính quyền thành phố Hà Nội lúng túng, không dám đàn áp thẳng tay.

Chưa rõ lần này, chính quyền Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội sẽ hành xử thế nào, sau khi tu viện Thái Hà tiếp tục cử đại diện đi kêu oan theo đúng “trình tự và qui định pháp luật hiện hành.”

Hà Nội hiện đang được cho là “rất phức tạp” vì sự hiện diện của hàng chục ngàn công dân từ khắp nơi đổ về kêu oan. (G.Ð)

Switch mode views: