Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-06-2013

Miến Điện : Chạy theo tăng trưởng, xem nhẹ cuộc sống người dân ?

MYANMAR-Cricket


Một phụ nữ bán dế mèn, trên đường phố Rangoon, 03/06/2013.
REUTERS/Soe Zeya Tun


Diễn đàn kinh tế Đông Á (WEF) năm 2013 do Miến Điện đăng cai diễn ra từ hôm nay, 05/06/2013, đến ngày 07/06.

Một trong ba nội dung chính của WEF năm này là : thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện của Miến Điện, đất nước vừa thoát khỏi chế độ quân phiệt cách đây 2 năm.

Nhân dịp này, nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài cảnh báo những việc mà nước này cần phải cố gắng hơn nữa trong quá trình cải cách đất nước. Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : «Miến Điện, trả giá bằng con người cho làn sóng đổ xô tìm vàng », cho biết các nhà đầu tư đổ xô vào khai thác thị trường tiềm năng này trong khi nhà cầm quyền xem nhẹ cuộc sống của người dân.

Miến Điện là nước có tiềm năng phát triển kinh tế dồi dào với trữ lượng khổng lồ về các mõ dầu, khí đốt, đá quý, gỗ quý, là thị trường tiềm năng về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển ngành ngân hàng cà viễn thông... Nước này lại có vị trí chiến lược quan trọng là nằm bên bờ Ấn Độ Dương.

Với những lợi thế đó, từ khi nước này thành lập chính phủ dân sự hồi năm 2011, với nhiều biện pháp mở cửa sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu ào ạt tìm đến Miến Điện.

Hãng Coca Cola của Mỹ cũng vừa chính thức đặt nhà máy tại nước này. Làn sóng đổ xô về đây để tìm lợi ở một thị trường béo bở đã đuợc L’Humanité ví von là « sự đổ xô tìm vàng » nói trên.

L’Humanité nói thêm, việc mở cửa kinh tế và cải cách chính trị tại Miến Điện đã được nhiều nước hoan nghênh.

Tổng thống Miến Điện là ông Thein Sein cũng đã được tổng thống Mỹ tiếp kiến tại Nhà Trắng, một động thái ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đổi với ông Thein Sein. Sự kiện này đã góp phần đưa Miến Điện trở lại trường quốc tế trước khi nước này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Asean vào năm 2014.

Tuy vậy, bên cạnh những điều đã đạt được, L’Humanité cũng chỉ ra nhiều tồn tại mà chính phủ Thein Sein còn phải mất nhiều công sức để thực hiện.

Tờ báo nêu ra một số tồn tại điển hình : thiếu minh bạch tài chính, tham nhũng hoành hành, bất ổn đe dọa do xung đột sắc tộc và tôn giáo, quân đội vẫn còn nắm quyền kiểm soát xã hội, lợi ích nhóm còn là vấn đề nhức nhối...

Chưa hết, nhà cầm quyền vì quá ưu tiên cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế mà ít bận tâm đến cuộc sống người dân.

L’Humanité nhấn mạnh : người dân bị gạt ra bên lề của sự phát triển, nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng như việc người dân bị cưỡng chế tịch thu đất hay việc bị buộc phải di cư để nhường đất cho các dự án kinh tế.

Thêm vào đó là việc quyền tự do của người dân luôn bị hạn chế.

Trung Quốc : Các tập đoàn nhà nước bảo vệ ô nhiễm

Trung Quốc được xem là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Tuy vậy, quá trình chống ô nhiễm ở nước này có vẻ không hiệu quả.

Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích về một trong những nguyên nhân không hiệu quả đó.

Bài viết chạy tựa : «Cuộc chiến chống ô nhiễm bị hãm phanh bởi các tập đoàn dầu hỏa ».

Bài viết bàn về hồ sơ ô nhiễm từ xăng dầu ở Trung Quốc. Nước này hiện đã có quy định hẳn hoi về hàm lượng sulfur (lưu huỳnh) trong xăng. Quy định này do một ủy ban quốc gia đặc trách về việc định chuẩn cho các sản phẩm xăng dầu. Tuy nhiên, vấn đề là hơn phân nửa số thành viên của ủy ban lại là người của hai tập đoàn xăng dầu nhà nước lớn nhất Trung Quốc là Sinopec và Petrochina. Ban thư ký của ủy ban thì do người của Sinopec đảm trách.

Từ đó tính khách quan của ủy ban trên bị đặt vấn đề. Le Monde cho hay, hai tập đoàn nói trên vô cùng có ảnh hưởng ở Trung Quốc. Hai tập đoàn này lo ngại việc quy định quá chặt chẽ về hàm lượng sulfur vì nó sẽ khiến cho chi phí tăng, ảnh hướng đến lợi nhuận. Chính phủ vì thế cũng ngại việc quy định quá chặt về xăng sạch vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Và kết quả là, để đảm bảo lợi nhuận, thì dĩ nhiên xăng dầu sẽ không sạch như mong muốn, và mục tiêu chống ô nhiễm môi trường sẽ không được đảm bảo.

Bên cạnh vấn đề ô nhiễm xăng dầu, Le Monde cũng dành bài cho biết, ở Trung Quốc thường xuyên xảy ra các vụ cháy nổ ở các nhà máy công nghiệp, đặt vấn đề về an toàn công nghiệp của đất nước được xem là « công xưởng của thế giới ».

Chưa kể là an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng là một vấn đề nhức nhối. Tất cả cho thấy, chính sách bất chấp tất cả vì mục đích tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh đã và đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường và xã hội.

Hàn Quốc : phe bài đồng tính thắng thế

Nhìn sang Hàn Quốc, nhật báo cánh tả Pháp Libération đăng bài : «Quốc hội nhường bước người bài đồng tính », bàn về việc phe chống đồng tính đang thẳng thế ở nước này.

Số là một dự luật về đồng tính tưởng chừng đã được quốc hội thông qua, nhưng cuối cùng đã bị gạt lại do sức ép của phe bảo thủ chống đồng tính.

Điều đáng chú ý là dự luật không đi xa đến mức là cho phép hôn nhân đồng tính, mà chỉ dừng ở việc cấm các biểu hiện phân biệt đối xử đối với người đồng tính. Qua đó mới thấy, mức độ bài đồng tính ở Hàn Quốc lớn đến dường nào.

Tờ báo cho biết, thành phần phản đối mạnh mẽ nhất là những người theo Thiên Chúa giáo ở nước này. Hiện người theo Thiên Chúa giáo chiếm khoảng 30% dân số Hàn Quốc.

Libération nhắc lại, cựu tổng thống Lee Myung-bak là một con Chiên ngoan đạo. Từ khi ông đắc cử tổng thống vào năm 2007, giáo hội Công Giáo bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống chính trị của nước này, và dĩ nhiên hồ sơ đồng tính lâm vào cảnh khó khăn.

Một giáo sư đại học tâm sự với Libération rằng, bản thân ông ủng hộ đồng tính, nhưng lại không dám nói ra, vì lãnh đạo trường nơi ông làm việc không thích. Mới đây, một dân biểu bảo thủ còn đề nghị phạt hai quân nhân Hàn Quốc vì tội đồng tính với mức 2 năm tù giam.

Thổ Nhĩ Kỳ : sắp đến Mùa xuân Ả Rập ?

Mùa Xuân Ả Rập có vẻ đang tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ khi mà đã từ năm ngày qua, làn sóng biểu tình phản đối thủ tướng có vẻ mỗi lúc một dữ dội.Chủ đề này là một trong những chủ đề ưu tiên của hầu hết các tờ nhật báo Pháp hôm nay.

Nhật báo cánh tả Libération đăng bài : «Người xuống đường muốn thủ cấp của ông Erdogan », nhật báo cánh hữu thì dành trang nhất chạy tựa : « Đường phố làm chao đảo chính quyền », nhật báo cộng sản Pháp cũng dành trang nhất cho hay : « Các tổ chức công đoàn gia nhập phong trào phản đối », nhật báo Công giáo Pháp cũng chạy tít trên trang nhất : « Thổ Nhĩ Kỳ biểu thị sự phẫn nộ », nhật báo Le Monde thì đăng bài cho biết : « Hai người chết trong biểu tình ».

Tất cả các tờ báo đều nhắc lại việc từ năm ngày nay, hàng chục ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường đòi đương kim thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức. Nguyên nhân là do việc thủ tướng Erdogan quyết định phá bỏ quảng trường Taksim tại trung tâm Istanbul để xây dựng một siêu thị hiện đại.

Điều đáng chú ý là ở quảng trường này là nơi tọa lạc của trung tâm văn hóa Ataturk-theo tên của người sáng lập nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ theo đường lối thế tục. Bên cạnh đó, quyết định nói trên còn dự định xây dựng ở đó một đền thờ Hồi Giáo.

Và thế là, người dân xuống đường biểu tình ở hầu hết các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, tâm điểm là quảng trường Taksim tại Istanbul.

Người biểu tình kiên quyết đòi thủ tướng từ chức. Họ lên cho rằng thủ tướng Erdogan ngày càng độc tài và ngày càng có biểu hiện theo đường lối Hồi Giáo cực đoan. Năm ngày đã trôi qua, người biểu tình vẫn kiên trì, có người thì xuống đường tập hợp, có người đứng bên cửa sổ nhà mình lấy nồi chảo ra đánh vang lên hô khẩu hiệu phản đối Erdogan.

Chính phủ Erdogan trước làn sóng đó đã có phản ứng mạnh bằng việc cho lực lượng an ninh bắn đạn cao su vào đám đông, sử dụng vòi rồng và bom cay để giải tán đám đông.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã nổ ra, và đến hiện tại đã có hàng trăm người bị thương và hai người thiệt mạng. Hoa Kỳ và một số nước phương Tây đã lên tiếng kêu gọi chính phủ không được tiếp tục dùng vũ lực đối với người biểu tình.

Theo miêu tả của các tờ báo, thì người ta không thể nào không nghĩ rằng, Mùa Xuân Ả Rập đang tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ. Và cũng như La Croix nhận định : đó là một cảnh báo nghiêm túc đối với ông Erdogan.

Syria : Pháp hăng hái, Hoa Kỳ thận trọng

Một hồ sơ thời sự khác là việc vũ khí hóa học đã được sử dụng trên chiến trường Syria. Nhật báo cánh tả Pháp Libération đăng một bài xã luận mang tên « Kéo co », hai bài phân tích chạy tựa : « Bằng chứng của vũ khí hóa học gây kinh hoàng » và « Pháp hăng hái ra chiến trường hơn Mỹ ».

Tờ báo cho biết, bộ trưởng ngoại giao Pháp Larent Fabius hôm qua đã tuyên bố là Pháp « chắc chắn » rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trên chiến trường Syria mà người sử dụng là quân đội chính phủ Assad.

Động thái trên của Pháp đưa ra trong bối cảnh hôm nay phiên hợp trù bị cho hội nghị quốc tế về Syria lần thứ hai tại Geneva (Geneva II) diễn ra tại Thụy Sỹ, và có thể hội nghị chính thức Geneva II sẽ diễn ra vào tháng 7 để tìm giải pháp ngoại giao cho hồ sơ Syria.

Libération đặt câu hỏi :Liệu động thái đó của Pháp có phải là bước chuẩn bị can thiệp quân sự của Paris vào Syria như vào Libya truớc kia hay không ?

Trong khi đó, cũng hôm qua, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì vũ khí hóa học đã được sử dụng ít nhất 4 lần trong tháng Ba và tháng Tư rồi. Thế nhưng báo cáo không nói rõ là chất hóa học gì, và cũng chưa khẳng định được ai là thủ phạm.

Về phần mình, Hoa Kỳ tỏ ra dè dặt. Trong khi trước đây tổng thống Obama đã đặt ra một « giới hạn đỏ » cho chính phủ Assad về việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ có thể dẫn đến một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Thế nhưng, hiện tại, chính phủ Obama lại tuyên bố rằng : Cần phải điều tra thêm để biết ai đích xác là thủ phạm.

Libération nhận định, chắc chắn rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở qui mô nhỏ tại Syria.

CIA của Mỹ không thể nào không biết. Thế nhưng, động thái trên cho thấy Obama đã thay đổi lập trường về Syria do sợ phải bị sa lầy giống như cuộc chiến ở Irak, Afghanistan, hay phải chịu hậu quả là bị đánh bom tòa lãnh sự làm chết đại sứ Mỹ ở Libya.

Hơn nữa, can thiệp quân sự vào Syria sẽ gây mất lòng Nga, một điều trong hiện tại hoàn toàn không có lợi với Mỹ.

Trong khi đó, rất có thể chính phủ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học ở qui mô nhỏ trong dụng ý là dò phản ứng của cộng đồng quốc tế nhằm chuẩn bị cho việc tấn công trên diện rộng nhắm vào phe nổi dậy.

Nhà độc tài Kadhafi tài trợ cho bầu cử tổng thống tại Pháp ?

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo Le Monde đăng bài đáng chú ý : «Các cựu quan chức Libya gây lo lắng cho ông Sarkozy ».

Số là cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được ghi dấu ấn trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông bằng việc ông hăng hái đưa Pháp tham chiến lật đổ chính quyền Kadhafi tại Libya.

Thế nhưng, trước đó, giữa hai người này lại được biết đến là có quan hệ rất hữu hảo. Rồi sau khi ông Kadhafi bị hạ sát, bắt đầu lan truyền thông tin cho rằng, ông Kadhafi đã tài trợ tiền cho chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2007 của ông Sarkozy.

Mới đây, một luật sư của Libya tại Paris đã tố cáo với cơ quan hành pháp của Pháp rằng, hồi năm 2006, phía ông Kadhafi đã chuyển cho đại diện của ông Sarkozy số tiền lên đến 50 triệu euro để phục vụ công tác tranh cử tổng thống 2007.

Vị luật sư này cho biết, có đến 4 quan chức cấp cao thân cận của nhà lãnh đạo Kadhafi trước kia sẳn sàng ra làm chứng cho vụ việc này.

Le Monde nhận định : ông Sarkozy đã giành chiến thắng quân sự đối với chính quyền Kadhafi, thế nhưng sự dính líu đến ông Kadhafi vẫn còn để lại hậu quả, và sẽ là một khó khăn tư pháp trong năm 2013 đối với cựu tổng thống Sarkozy.

Báo động chất lượng lương thực trên thế giới

Cuối cùng, trong hồ sơ an ninh lương thực thế giới, nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité có bài đáng chú ý : « Hai triệu người ăn không đúng chuẩn ».

Chuẩn ở đây ý muốn nói là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc(FAO), trên thế giới hiện có 900 triệu người « bị đói », tức là thiếu lương lực để no bụng. Thế nhưng, bên cạnh việc thiếu lương thực đó, còn có việc nhiều người có đủ thức ăn để ăn no bụng, nhưng chất lượng thức ăn và vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo.

Theo báo cáo thường niên vừa được công bố hôm qua của FAO, nếu tính luôn những người ăn thức không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, thì thế giới hiện có hơn 2 tỷ người nằm trong trường hợp này, tức chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu.

 

Switch mode views: