Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2018

Tập cận Bình đến vỗ về « đồng minh mới » Philippines

philippines-china 4

Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Rodrigo Duterte bắt tay tại Dinh Tổng Thống, Manila, ngày 20/11/2018.
Mark Cristino/Pool via Reuters

Về thời sự châu Á, nhật báo Le Figaro và Les Echos cùng chú ý đến mối quan hệ Bắc Kinh- Manila nhân chuyến thăm Philippines của Tập Cận Bình ngày 20/11.

Chuyến đi đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc đến Manila nhằm vỗ về và lôi kéo Philippines vào vòng ảnh hưởng của mình.

Qua bài viết ngắn có tựa đề : « Bắc Kinh muốn gia tăng chi phối ảnh hưởng đối với Philippines », Le Figaro khẳng định chuyến công du lần này của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân cơ hội quan hệ lạnh nhạt giữa Manila và Washington, nhằm tiếp tục xích gần hơn nữa với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Trong bối cảnh cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington tại châu Á đang tăng cường độ, chủ tịch Trung Quốc muốn thúc đẩy cho những bước tiến ngoại giao hai nước đạt được cách đây hai năm mang lại thành quả.

Tờ báo nhắc lại : « Không lâu sau khi lên nắm quyền, lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo « chia tay » với Hoa Kỳ, một đồng minh lịch sử vì nhận thấy đất nước ông không có lợi gì trong mối liên hệ với đồng minh truyền thống và thế là ông quay sang Trung Quốc để được hưởng lợi hơn từ cường quốc kinh tế này.

Trong quan hệ với Trung Quốc, tổng thống Duterte bị phe đối lập chỉ trích đã nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều, đặc biệt trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà thu lại chẳng được bao nhiêu.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Philippines, ông Tập Cận Bình đã cố gắng trấn an chủ nhà, khẳng định hai nước có nhiều lợi ích chung ở Biển Đông và sẽ tiếp tục « cùng xử lý các tranh chấp ».

Ông Tập còn ví von rằng quan hệ Philippines -Trung Quốc giờ như « cầu vồng sau cơn mưa », tức thời điểm xấu nhất hồi mùa hè 2016.
Thế nhưng, nhật báo Pháp ghi nhận : Trong số 24 tỷ đô la cho vay và đầu tư mà Bắc Kinh hứa hẹn hồi năm 2016, mới chỉ có một phần rất nhỏ được thực hiện.

Le Figaro nhận định : « Dù cần tiền của Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte cũng phải cẩn thận không để quá lệ thuộc vào người khổng lồ Cộng sản ».
Trong khi đó Les Echos gọi chính sách của Trung Quốc với Philippines là « « ngoại giao ngân phiếu ».

Lần này tại Manila, Tập Cận Bình chứng kiến một loạt thỏa thuận được ký.
Trong số 29 văn kiện ký giữa Trung Quốc và Philippines có hiệp định khung chuẩn bị cho việc cùng khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Đây có thể coi là một thắng lợi chính trị của Trung Quốc. Ngoài ra là các hợp đồng đầu tư trị giá 2 tỷ đô la.

Khí hậu biến đổi : Hệ lụy với cuộc sống con người

Liên quan đến môi trường sinh thái, trở lại trang nhất của nhật báo Le Monde.
Hồ sơ lớn của tờ báo lại là chủ đề biến đổi khí hậu.
Tựa lớn của tờ báo : « Sự hỗn loạn khí hậu tác động thế nào đến cuộc sống của chúng ta ».

Le Monde đề cập đến vấn đề thường trực của con người, đã được nói nhiều và dường như chưa bao giờ đủ, nhân một nghiên cứu có tên « Nature Climate Change », tập hợp kết quả của 3300 công trình khoa học về khí hậu đã được công bố từ 1980, để tổng hợp những rủi ro cho con người khi bầu khí hậu bị hủy hoại.

Kết luận chủ yếu được rút ra từ nghiên cứu công bố hôm 19/11 là từ nay đến năm 2100, một nửa nhân loại sẽ bị đe dọa bởi các tai họa ồ ạt, đồng thời như hiệu ứng dây chuyền : Hạn hán, nạn đói, ngập lụt và di dân.
Sức khỏe con người, lương thực, nước uống bị tác động dưới 467 hình thức khác nhau.

Tính chất tác động của các thảm họa thiên tai thay đổi tùy theo khả năng thích ứng của mỗi nước.
Hiện tại các nước phát triển bị thiệt hai nhân mạng nhiều hơn các nước giàu. Nhưng những nước giàu lại bị tổn thất kinh tế nhiều hơn.

Trong bài xã luận, Le Monde đặt câu hỏi: « Sẽ cần phải có bao nhiêu nghiên cứu như tài liệu Nature Climate Change và bao nhiêu thảm họa thiên tai hủy diệt nữa để ta ý thức được rằng cái giá phải trả cho việc không hành động gì sẽ còn đắt hơn cái giá cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ?

 Tuy nhiên giống như về thảm họa hạt nhân, đã đến lúc khẩn cấp ý thức rằng : Nhân loại là nguồn gốc của những cái có thể tàn phá chính loài người.
Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 24, khai mạc ngày 2/12 tới tại Katowice, Ba Lan, sẽ là một cơ hội để nắm lại vận mệnh của chúng ta và tránh điều không thể cứu vãn. »

Tuổi thọ trung bình thế giới giảm vì ô nhiễm không khí

Vẫn là chủ đề môi trường, nhật báo Les Echos cho biết : « Ô nhiễm làm giảm 1,8 năm tuổi thọ trung bình của thế giới », tức là cao hơn cả những người hút thuốc lá.
Đó là con số đưa ra trong một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách năng lượng Đại học Chicago, Mỹ (EPIC) về tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới, được công bố hôm thứ Hai tuần này.

 Nghiên cứu trên đưa ra thống kê trên thế giới có tới 5,5 tỷ người hít thở không khí không đủ chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong số này, người Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 36%.
Nghiên cứu đưa ra một giả thuyết, nếu không khí ở Ấn Độ đạt chuẩn thì người dân nước này có thể thọ thêm 4,3 tuổi và tuổi thọ trung bình của dân Ấn Độ sẽ là 73 tuổi.

Giám đốc của EPIC, Michael Greenstone nhận xét : « Mọi người có thể quyết định bỏ hút thuốc và phòng bệnh tật, nhưng họ không thể làm được gì nhiều với tư cách cá nhân để bảo vệ không khí mà họ hít vào. »

Lãnh đạo Renault bị bắt và những thắc mắc

Chuyển qua tờ báo kinh tế Les Echos với chuyện thời sự đang được các báo pháp từ đầu tuần chú ý nhiều. Đó là vụ chủ tịch, tổng giám đốc của liên doanh xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật vì các cáo buộc trốn thuế, tham ô…

Theo Les Echos, vụ bắt giữ đột ngột lãnh đạo tập đoàn chế tạo xe hơi số 1 nước Pháp đang gây không ít thắc mắc.
Tại tổng hành dinh của tập đoàn, Paris cùng lúc chỉ định người tạm thay thế ông Ghosn, đồng thời đòi phải được tiếp cận hồ sơ cáo trạng của tư pháp Nhật.

Trong khi đó tại Tokyo, các thông tin rò rỉ cho báo chí nói đến các khoản lạm chi cho cá nhân ông Ghosn từ tiền của liên doanh hay trốn thuế, thế nhưng nhiều người thắc mắc không hiểu động cơ nào dẫn đến hành động nghiêm khắc một các đặc biệt nhằm vào lãnh đạo hãng xe Pháp (Ông bị bắt khẩn cấp và tạm giam với thời hạn có thể kéo dài 22 ngày).

Nếu Viện Công Tố Nhật cáo buộc ông Ghosn đã khai bớt thu nhập cá nhân, nhưng tất cả các khoản chi trả cho ông đều công khai và các cơ quan chức năng có thể tiếp cận được. Vậy thì ông Ghosn giấu để được cái gì ?

Báo La Croix thì nghi ngờ : « Hẳn trong chuyện này có bóng dáng vụ thanh toán nhau. Một số người lo ngại, không phải là không có lý do, về cơ cấu phức tạp như vậy lại chỉ đặt trên một người. Có thể người phó do Carlos Ghosn chọn trong Nissan đã thấy ở đây cơ hội chiếm quyền. »

Vụ việc này rất được dư luận Pháp quan tâm bởi không phải sự nghiệp cá nhân ông Carlos Ghosn bị hủy hại, mà số phận của tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước Pháp, cùng hàng ngàn lao động người Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Đông trùng hạ thảo, thần dược Tây Tạng đắt hơn vàng

Phần cuối của mục điểm báo được dành cho bài viết trên Le Figaro : « Viagra » của Tây Tạng đang trên đà biến mất.
Đó chính là « đông trùng hạ thảo », tên gốc là yartsa gumbu một sinh vật nửa sâu nửa nấm chỉ có trên cao nguyên Tây Tạng.

Công hiệu kỳ diệu của sản phẩm, trông như một cành khô dài 10-15 cm, nhưng là một loài sâu « mọc » ra từ lòng đất trên thân một loài nấm, đã được biết đến từ hàng trăm năm qua trong y học cổ truyền của người Tây Tạng và Trung Hoa.

 Đông trùng hạ thảo có thể chữa bách bệnh, từ yếu sinh lý cho đến bệnh tim mạch hay điều trị ung thư, tăng cường sức khỏe….
Loài dược liệu quý hiếm này đang được các nhà khoa học quốc tế quan tâm nghiên cứu.

Tờ báo cho biết, tại thị trường Bắc Kinh, năm 2017 đông trùng hạ thảo có giá bán gấp 3 lần vàng (105 nghìn euro/kg).
Đã quý, nhu cầu lại tăng không ngừng, vì thế từ 1997, giá của loại dược liệu này tăng 20% mỗi năm và hệ quả nó trở thành hiếm vì cạn kiệt dần do bị khai thác quá mức.
Thêm vào đó hệ sinh thái của vùng đất này đang bị biến đổi cũng là mối đe dọa của loại thần dược quý hiếm này.

Switch mode views: