Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Gián điệp công nghiệp : Một cội rễ của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

micron mt4h

Một bộ vi mạch của tập đoàn Mỹ Micron Technology
Ảnh : Wikimedia

Nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ít ngày tới tại Achentina để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại.

Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, hồ sơ then chốt là vấn đề « gián điệp công nghiệp », trong đó đặc biệt nóng bỏng là lĩnh vực chíp điện tử.

Gián điệp công nghiệp là vấn đề hoàn toàn không dễ giải quyết trong quan hệ Trung – Mỹ.

Ngày 01/12/2018 tới, sau thượng đỉnh của khối G20, tại Buanos Aires, Achentina, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hội kiến, để bàn về một thỏa hiệp nhằm đình chỉ cuộc chiến thương mại song phương, đang gây nhiều thiệt hại cho kinh tế hai nước, đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước ngồi lại với nhau, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát từ nửa năm nay.

Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có tìm được thỏa hiệp hay không ?
Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, gián điệp công nghiệp là hồ sơ then chốt, và cũng được coi là một cội rễ của cuộc chiến thương mại. Báo Hồng Kông South China Morning Post có hai bài viết đáng chú ý về chủ đề này, RFI xin giới thiệu.

Tạm lắng sau thỏa thuận 2015, nhưng tăng vọt trở lại

Bài « Đánh cắp công nghệ Mỹ, Trung Quốc không còn dè dặt » của South China Morning Post (1) cho biết Bắc Kinh bị cáo buộc đã gia tăng đánh cắp sở hữu công nghiệp từ hai năm trở lại đây.
Trước đó, tình trạng đánh cắp sở hữu công nghiệp đã nở rộ, khiến chính quyền tổng thống tiền nhiệm Obama nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc.

Tháng 9 năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Do áp lực của Mỹ, Bắc Kinh đã chấp nhận ký kết một thỏa thuận cam kết không hậu thuẫn gián điệp công nghiệp, để tránh các trừng phạt của Washington.

 Ít tháng sau đó, các vụ gián điệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm đến 90%, theo một điều tra của CrowdStricke, một công ty chuyên về an toàn mạng, có trụ sở tại Sunnyvale, California.
Tình hình tạm lắng dịu trong khoảng một năm. Tuy nhiên, kể từ tổng thống Trump lên nắm quyền, gián điệp Trung Quốc đã hoạt động mạnh trở lại.

Giám đốc kỹ thuật của công ty CrowdStricke và một số chuyên gia khác ghi nhận một hiện tượng rất đáng chú ý là : không còn là Quân Đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công tin học, mà là bộ An Ninh Quốc Gia, tức cơ quan phụ trách tình báo dân sự Trung Quốc.

Tình báo dân sự thay cho tình báo quân đội

Tình hình hiện nay đươc coi là đáng lo ngại hơn, vì tình báo dân sự Trung Quốc sử dụng các tin tặc có kinh nghiệm, tinh vi hơn bên quân đội, rất khó bắt được và quy trách nhiệm cho các hoạt động phá hoại hay đánh cắp công nghệ.

Một ví dụ đó là phải mất nhiều năm trời, vào tháng 10/2018 vừa qua, các thẩm phán liên bang Mỹ tại San Diego, mới có thể truy tố được hai gián điệp Trung Quốc và 5 nghi phạm tin tặc khác.
 Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một sĩ quan tình báo Trung Quốc, tên Từ Ngạn Quân (Yanjun Xu), gián điệp công nghiệp, bị  cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ.

An ninh Mỹ đã tổ chức gài bẫy để viên sĩ quan an ninh cao cấp này trực tiếp sang Bruxelles, với hy vọng mua được nhiều tài liệu mật về động cơ máy bay của một hãng Hoa Kỳ.
Hàng loạt vụ gián điệp lớn khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ cao, như dược phẩm chống ung thư (hãng GlaxoSmithKline), gạo biến đổi gien… cũng liên tục được đưa ra ánh sáng trong những tháng gần đây.

Trong một bài viết trên South China Morning Post, nhà báo Robert Bowell, chuyên về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, ghi nhận : « Việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, lâu nay bị phía Mỹ coi thường, là đầu mối của cuộc chiến thương mại » (2).

Chíp DRAM : Tìm cách chiếm đoạt thông qua Đài Loan

Một ví dụ tiêu biểu được nói đến nhiều trong những tuần gần đây liên quan đến tập đoàn Micron của Mỹ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một vụ đánh cắp công nghiệp tiêu biểu trong những năm gần đây, một điển hình của gián điệp công nghiệp Trung Quốc, vụ lớn thứ hai chống lại gián điệp công nghệ Trung Quốc, sau vụ công ty ZTE (xem thêm : ZTE, yếu tố chính trị trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung).

Công ty Micron Technology, có cơ sở tại Idaho, miền đông bắc Hoa Kỳ, sở hữu công nghệ chíp điện tử bán dẫn có tên là « DRAM », được sử dụng trong nhiều phương tiện điện tử, như smartphone, máy tính, xe hơi hay vô tuyến truyền hình…

Micron kiểm soát khoảng 20% thị trường bộ nhớ DRAM trên thế giới, đứng hàng thứ tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Chíp điện tử là mặt hàng chủ lực, chiếm khoảng 70% doanh số hàng năm của hãng, ước tính 30 tỉ đô la.

Năm 2016, Bắc Kinh thông báo việc Trung Quốc tự túc chíp DRAM sẽ là ưu tiên của chính sách an ninh quốc gia. Tháng 2/2016, chính quyền Trung Quốc đã giải ngân hơn 37 tỉ yuan (tương đương hơn 5 tỉ đô la) để lập ra công ty Fujian Jinhua Circuit Co., chuyên sản xuất loại chíp này tại một xí nghiệp ở Jinjiang, miền nam Trung Quốc.

Tuy nhiên công ty Fujian Jinhua không nắm được công nghệ. Doanh nghiệp này ký một thỏa thuận với công ty Đài Loan United Microelectronics Corps (hay UMC) để có được công nghệ cần thiết.
Theo viên công tố Mỹ phụ trách điều tra, thì một phó chủ tịch công ty Đài Loan (ông Chen Zhengkun) đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhân viên của MMT, một chi nhánh công ty này.

Theo cơ quan công tố Mỹ, MTT đã tuyển mộ được một kỹ sư và một phụ trách (đều là người Đài Loan, vốn là nhân viên cũ của tập đoàn Mỹ), cho phép lấy được nhiều bí mật công nghệ của Micron Technology tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này.
 « Khoảng 900 tệp tin bí mật » chứa các dữ liệu của Micron Technology đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra Mỹ ước tính các thông tin gây thiệt hại từ 400 triệu đến 8,75 tỉ đô la.

Một trong những người mới được ông chủ Đài Loan tuyển mộ khai là, « trong những ngày gần đây, tại công ty MMT, hoạt động đánh cắp dữ liệu mật của (công ty Mỹ) Micron diễn ra hết tốc lực….
Các bí mật đánh cắp bao phủ toàn bộ các công nghệ » DRAM, để công ty Đài Loan có thể kịp chuyển cho công ty Trung Quốc.

Sau một phán quyết của tư pháp Mỹ cách nay ba tuần, công ty Đài Loan UMC thông báo tuân thủ, và sẽ tạm thời đóng cửa các hoạt động nghiên cứu (R&D), phối hợp với đối tác Trung Quốc Fujian Jinhua.

Công ty Đài Loan kiện để đẩy đối thủ Mỹ khỏi Hoa lục

Trên thực tế, Hoa Kỳ không chỉ đương đầu với Trung Quốc, mà cả với nhiều công ty Đài Loan, bạn hàng với Hoa lục.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chíp điện tử DRAM số một thế giới, với 20% thị phần.
Trước mùa hè năm nay, một nửa doanh thu của tập đoàn Micron Technology của Mỹ là đến từ Trung Quốc.

Ngày 3/7 vừa qua, một tòa án địa phương Trung Quốc quyết định ngưng tạm thời 26 sản phẩm chíp bán dẫn của công ty Mỹ nói trên, vì bị cáo buộc xâm phạm bản quyền của công ty Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC).

Công ty Đài Loan UMC, để củng cố vị trí tại Hoa lục, đã khởi kiện đối thủ Mỹ Micron Technology, về vi phạm bản quyền, đặc biệt liên quan đến các công nghệ sản xuất bộ nhớ sử dụng trong vi mạch.
Một số công ty Hàn Quốc cũng là đối tượng của lệnh trừng phạt này. Phán quyết nói trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc chiến thương mại, với việc Washington quyết định sẽ tăng thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu.

Trở lại với vụ kiện Micro Technology bị gián điệp công nghiệp Trung Quốc xâm nhập, cáo buộc của tư pháp Mỹ được đưa ra đúng vào lúc xí nghiệp sản xuất chíp điện tử DRAM của công ty Trung Quốc Fujian Jinhua đang sắp sửa hoàn tất, đe dọa trực tiếp các mặt hàng xuất khẩu tương đương từ phía Mỹ (chưa kể vấn đề tập đoàn Mỹ Micron đang bị tư pháp Trung Quốc đình chỉ, không cho nhập nhiều sản phẩm chíp bán dẫn như đã nói ở trên).

Mới đây, bộ Thương Mại Mỹ ra một thông tư cấm công ty Trung Quốc Fujian Jinhua mua được các linh kiện Mỹ cần cho việc sản xuất chíp.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể đã quá trễ để ngăn chặn thiệt hại đã xảy ra, do bản quyền bị đánh cắp.

Mọi lĩnh vực trí tuệ đều bị nhòm ngó

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung là một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
 Theo một điều tra được công bố hồi tháng 9/2018, của Viện Oxford’s Future of Humanity Institute, với thị trường 1,4 tỉ dân và hơn 700 triệu người dùng Net, Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về tiềm năng trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nhìn chung, nghiên cứu của Đại học Oxford ghi nhận là « Bắc Kinh rình rập Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngoại trừ Big Data (hay cơ sở dữ liệu lớn) », vốn được coi là nguồn tài nguyên vô tận, tự có của Trung Quốc, do số lượng dân cư đông đúc, nhưng đặc biệt do việc chính quyền Trung Quốc không bị luật pháp khống chế, gần như toàn quyền tự tung tự tác trong việc sử dụng thông tin cá nhân của các công dân.

Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy trở ngại chính đối với tham vọng của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu chính là khả năng sản xuất các bộ vi xử lý và chíp điện tử.
Đánh cắp bí mật công nghiệp như vậy là một giải pháp mà Bắc Kinh hy vọng có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp Mỹ.

Chấp nhận thiệt hại, với hy vọng Trung Quốc dân chủ hóa

Nhà báo Robert Bowell, trong bài viết trên South China Morning Post (2), tóm lại quan điểm về nước Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc trong mấy chục năm vừa qua.
 Đó là chấp nhận thiệt hại lớn về bản quyền và xử lý nhẹ nhàng với nạn gián điệp công nghiệp, nhưng hy vọng là việc tham gia vào kinh tế thị trường thế giới rốt cục sẽ giúp xã hội Trung Quốc dần dần dân chủ hóa.

Theo ước tính của Ủy Ban Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ (Commission on the Theft of American Intellectual Property), thiệt hại một năm của việc đánh cắp bản quyền trí tuệ - trong đó có hoạt động gián điệp công nghiệp – gây thiệt hại cho Hoa Kỳ từ 180 tỉ đến 540 tỉ đô la, tương đương từ 1% đến 3% GDP. Trong đó, Trung Quốc bị coi là thủ phạm chính.

Nhưng rốt cục, bản quyền vẫn bị đánh cắp ngày càng nhiều, gián điệp công nghiệp ngày càng táo bạo và tinh vi, mà xã hội Trung Quốc không có dấu hiệu chuyển sang dân chủ, chế độ chính trị thì với bên trong ngày càng gia tăng trấn áp, bên ngoài đẩy mạnh tham vọng lãnh thổ nhiều hơn (trước hết tại Biển Đông).

 Đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Đây có thể coi là một lý do sâu xa đã khiến cho chính quyền Donald Trump quyết định không nhân nhượng Trung Quốc.

Ghi chú

1. « China ‘‘has taken the gloves off’’ in its thefts of US technology secrets », South China Morning Post, 19/11/2018.
2. « How China’s rampant intellectual property theft, long overlooked by US, sparked trade war », South China Morning Post, 28/10/2018

Switch mode views: