Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kim Jong Un : « Vì sao phải mất đến 11 năm để gặp nhau ? »

kim moon -summit

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cùng nắm tay bước qua làn ranh định phân giới hai miền, ngày 27/04/2018.Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters

Kim Jong Un, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc ; Tổng thống Pháp thất bại trong việc thuyết phục Donald Trump trên hồ sơ hạt nhân Iran và Syria lãnh đòn trả đũa của Anh, Pháp và Mỹ vì bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân.

Trên đây là những sự kiện đáng chú ý trong tháng 4/2018.

Thứ Sáu, ngày 27/04/2018 là một ngày trọng đại trong lịch sử đương đại của bán đảo Triều Tiên.
 Vào lúc 9 giờ 30 phút, đích thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến tận đường phân định biên giới hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đón tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến họp thượng đỉnh với tất cả các nghi lễ long trọng của một chuyến công du cấp nhà nước.

Mục đích của thượng đỉnh lần này là tìm kiếm các giải pháp cho việc thiết lập hòa bình giữa hai miền để rồi có thể đi đến việc tiến hành đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới đây.
Đây cũng là lần đầu tiên, một lãnh đạo phía Bắc đặt chân lên phía nam, vì cuộc họp diễn ra tại Nhà Hòa Bình của Hàn Quốc, nằm tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm.
Sự kiện diễn ra sau nhiều năm căng thẳng vì các vụ thử liên tục tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011.

Nhất là, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên liên tiếp có những cử chỉ hòa dịu với quốc gia phía nam.
Một tuần trước khi dự thượng đỉnh, Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố tạm ngưng các chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời cho đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye Ri. Đương nhiên thông báo này được thế giới đón nhận với thái độ thận trọng.

Trong khi chờ đợi kết quả cuộc họp, những hình ảnh mang đầy tính biểu tượng, nụ cười rạng rỡ của hai lãnh đạo đã được giới truyền thông quốc tế phát đi rộng rãi.
Nếu có cuộc bình chọn lúc này, thì có lẽ hình ảnh xúc động nhất chính là cảnh hai vị lãnh đạo Nam – Bắc Triều Tiên thân thiện dắt tay nhau lần lượt bước qua lằn ranh biên giới, qua Nam về Bắc rồi lại vô Nam.

Và rồi thời khắc quan trọng cũng đã đến.
Sau một ngày họp kín, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong cuộc họp báo chung khẳng định đôi bên cố gắng hướng đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Thông cáo chung cho biết cả hai nước sẽ cùng với các cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc, tìm cách « chấm dứt tình trạng chiến tranh và thiết lập một chế độ hòa bình thường xuyên và vững chắc ».
Giọng đầy xúc động, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho biết suy nghĩ của ông về cuộc gặp thượng đỉnh này trước giới truyền thông quốc tế :

« Khi bước chân qua lằn ranh phân định, tôi mới biết là giới tuyến này không hề bị một vật to lớn nào đó cản trở cả.
 Có điều là phải đến 11 năm sau, thời khắc lịch sử này mới diễn ra một cách dễ dàng như vậy.
 Thế nên, khi bước qua đường ranh giới, tôi đã tự hỏi tại sao phải mất đến ngần ấy năm mới có được giây phút này ? Và tại sao điều đó lại khó khăn đến như thế ?

Nếu như chúng ta có thể gặp nhau thường xuyên hơn với những suy nghĩ đoàn kết và quyết tâm, chúng ta có thể xích lại gần nhau hơn và chúng ta có thể an ủi nhau rằng tuy mất 11 năm nhưng ít ra chúng ta cũng được điều gì đó.
Đó là suy nghĩ của tôi và tôi đã thật sự tràn ngập cảm xúc khi bước đi trên 200m dải đất này ».

Macron – Trump : Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ba ngày 23-25/04/2018 đã có chuyến công du đến Hoa Kỳ và đã được đồng nhiệm Mỹ long trọng tiếp đón bằng các nghi lễ của một chuyến viếng thăm cấp nhà nước.

Ông Emmanuel Macron cùng với phu nhân còn có vinh dự được mời dùng cơm thân mật với tổng thống Donald Trump và phu nhân tại một địa điểm mang tính biểu tượng cao : Mount Vernon, ngôi nhà của vị tổng thống Mỹ đầu tiên, ông George Washington.

Thái độ trọng thị này mà ông Trump dành đồng nhiệm Pháp nhằm đáp trả tấm thịnh tình mà tổng thống Pháp đã trân trọng dành cho ông khi được mời dự lễ duyệt binh mừng Quốc Khánh Pháp 14/07 hồi năm 2017.

Ngoài việc vinh danh mối bang giao lịch sử giữa hai nước, sự kiện cũng nhằm thể hiện mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa hai lãnh đạo.
Thế nhưng, những lời lẽ hoa mỹ bóng bẩy ca tụng « tình bạn thắm thiết » đó trước giới truyền thông đã không che giấu được những bất đồng giữa hai nguyên thủ trên nhiều hồ sơ như khí hậu, thương mại, an ninh … và nhất là hồ sơ hạt nhân Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ giận dữ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi trao đổi với đồng nhiệm Pháp trong phòng Bầu Dục.
Kết quả là ông Emmanuel Macron đã có thái độ hòa dịu khi tuyên bố đồng thuận với Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân khác dựa trên cơ sở văn bản cũ nhưng được mở rộng thêm.

Theo quan sát của chuyên gia Corentin Sellin, giáo sư sử học, chuyên nghiên cứu về Hoa Kỳ, sự việc cho thấy tổng thống Pháp đã thất bại trong việc thuyết phục đồng nhiệm Mỹ về hồ sơ này.
« Tổng thống Emmanuel Macron đã nêu ra khả năng là sau này, sẽ có một hiệp định mới.
Ông đã nói điều này trong một bối cảnh khác, hồi tháng 11/2017.

Còn trong bối cảnh hiện nay, thực ra, Macron đã tỏ ra nhượng bộ và điều này dường như rất kỳ lạ.
Tôi nghĩ rằng từ hơn một năm nay, ông thử một chiến lược ve vãn.
Ông cố quyến rũ Donald Trump, một con người rất nhậy cảm đối với các cử chỉ thể hiện sự trìu mến, tôn trọng, thế nhưng cho đến nay, chiến lược quyến rũ này không có tác dụng lắm bởi vì Donald Trump chỉ chú trọng đến các lợi ích chính trị trong nước. »

Thất bại này đã được nguyên thủ Pháp một phần công khai thừa nhận khi phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, trong bài diễn văn dài 45 phút bằng tiếng Anh.
Tại đây, ông Macron cảnh báo : Bỏ rơi thỏa thuận là đẩy Iran đi vào con đường chế tạo bom nguyên tử.

« Đây không phải là một hiệp định của tôi. Đó là chiến lược chung của chúng tôi như đã được trình bày từ trước và tôi xin khẳng định với các vị là có sự phối hợp với các đối tác châu Âu.
Ở đây, tôi không nói đó là một ý tưởng tuyệt vời và tất cả mọi người cần ủng hộ. Tôi chỉ muốn nói đơn giản : Chúng ta có thể đề xuất gì khác ?
Tôi chỉ muốn tạo dựng những điều kiện, một khuôn khổ hợp lý cho phép tránh được những leo thang căng thẳng phi lý trong khu vực nếu như Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran. »

Dẫu sao vẫn còn một điều an ủi cho tổng thống Pháp khi có bài phát biểu trước Quốc Hội Mỹ.
Bởi vì, theo như giải thích của sử gia Maya Kandel, chuyên nghiên cứu về Hoa Kỳ, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược trường Quân Sự, phát biểu trước Quốc Hội Mỹ luôn là một vinh dự dành cho các nguyên thủ nước ngoài.
Quốc Hội Mỹ có quyền lực tách bạch với bộ máy chính quyền, đồng thời có một vai trò quan trọng, ngay cả trong việc ra các quyết sách đối ngoại.

Syria : « Đấu trường » dai dẳng của các cường quốc

Dẫu biết rằng chiến trường Syria vẫn dai dẳng từ nhiều năm qua. Nhưng « chảo lửa » Trung Đông này bỗng bùng lên dữ dội vào trung tuần tháng 4/2018.

Sau một tuần bắn tiếng qua lại, ầm ĩ tố cáo chế độ Damas dùng vũ khí hóa học tấn công thường dân, và lớn tiếng đe dọa trừng phạt, liên quân ba nước Anh, Pháp, Mỹ ngày thứ Bảy 14/04/2018 đã quyết định khai hỏa đánh vào các vị trí được cho là những cơ sở nghiên cứu và chế tạo vũ khí hóa học của Syria.

Vụ tấn công đã được giới truyền thông Pháp bàn luận sôi nổi. Giới chuyên gia cũng hào hứng nhận định với những ý kiến trái chiều nhau.
Vẫn theo ông Corentin Sellin, trên đài RFI, đây là một đòn cảnh cáo dành cho Damas. Chính quyền Donald Trump khẳng định thực hiện những gì đã cam kết.

« Điều này liên quan đến mức độ tin cậy đối với tổng thống Donald Trump, nhất là hồi đầu tuần, ông đã thông báo là sẽ bắn tên lửa.
Thực vậy, Hoa Kỳ đã tấn công và đặc biệt là Donald Trump muốn tỏ ra không giống Barack Obama và rằng ông sẽ bắt Syria phải tôn trọng lằn ranh đỏ.

Donald Trump đã nói điều này và tối qua, ông đã nhắc lại rằng ông là một tổng thống hành động, để chứng tỏ sự khác biệt với Obama, vì cựu tổng thống Obama đã không biết làm cho Syria phải tôn trọng lằn ranh đỏ.

Nhưng có một điều rất quan trọng, đó là lại một lần nữa, Donald Trump chìa tay ra với Vladimir Putin và thể hiện thiện chí muốn cùng nguyên thủ Nga tìm ra một giải pháp cho tương lai trong hồ sơ Syria. »

Thông qua vụ tấn công này, Hoa Kỳ và liên quân muốn gây áp lực Nga, đồng minh lâu đời của Syria, theo như quan điểm của ông Bret Bruen, cựu ngoại giao người Mỹ với đài RFI.
« Theo tôi, những gì chúng ta thấy trong tối ngày hôm nay là chưa đủ. Cần phải có một chiến lược, một kế hoạch và nêu ra những hậu quả nếu như Nga và Syria không có hành động gì sau vụ này. (…)

Tôi cho rằng cần phải có một chiến lược nhắm tới điện Kremlin, tạo áp lực mạnh hơn, trực diện hơn đối với điện Kremlin.
Cho đến lúc này, Hoa Kỳ và châu Âu mới chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào vài doanh nhân nhưng không nhắm vào chính phủ Nga.

Cần phải tiếp tục hành động và làm cho Putin hiểu được rằng ông ta sẽ phải hứng chịu các hậu quả về những việc mà ông ta làm.
 Cho đến lúc này, tuy phương Tây tấn công Syria nhưng không gây ra hậu quả gì đối với tác nhân chính trong hồ sơ này. »

Sau một giờ chiến dịch quân sự là chiến tranh truyền thông. Liên quân ba nước « hùng hồn » tuyên bố đánh trúng các mục tiêu.
Chế độ Damas cũng « hào hùng » thông báo bắn chặn được hơn 70 trong số 105 tên lửa do liên quân bắn đi.

Ba nước phương Tây « hãnh diện » khoe « hàng vũ khí mới ». Syria « tự hào » cho biết tên lửa phương Tây bị bắn rơi bằng hệ thống phòng không đời cũ của Nga…
Nhưng có lẽ điều khôi hài nhất là Mỹ, Anh, Pháp ồ ạt dội mưa tên lửa vào Syria nhưng lại tránh leo thang quân sự với Nga.
Bằng chứng rõ nét nhất là lời thừa nhận của Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp François Lecointre trong buổi họp báo sau chiến dịch.

« Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Nga đã không hoạt động bởi vì hệ thống này không được kích hoạt để bắn chặn các tên lửa của Pháp, Anh và Mỹ.
Do vậy, tôi nghĩ rằng Nga đã biết thời điểm các tên lửa này được bắn đi và đó là những tên lửa của các nước đồng minh và họ đã quyết định không kích hoạt các hệ thống phòng thủ chống tên lửa. »

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự quốc tế này một lần nữa đã làm lộ rõ những bất đồng của các cường quốc.
Việc liên quân ba nước tiến hành đánh trừng phạt Syria cho thấy vai trò suy yếu của Liên Hiệp Quốc và các định chế đa phương.

Ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế, giáo sư trường Đại học Khoa học Chính trị, giáo sư thỉnh giảng Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI nhận xét :
« Hiện đang diễn ra việc áp dụng một nguyên tắc mới đáng quan ngại. Đó là việc sử dụng Hội Đồng Bảo An như một cách thức để chứng minh :
Do bất đồng trực diện giữa các cường quốc chủ chốt và bất đồng này đã ngăn cản mọi sáng kiến của Hội Đồng Bảo An, điều này sẽ cho phép một phe ra tay can thiệp và áp đặt luật lệ của mình nhân danh cộng đồng quốc tế.

Cái gọi là cộng đồng quốc tế này có thể có giá trị đạo đức nhưng chắc chắn không hề có giá trị pháp lý.
Đây là một tiền lệ tương đối lo ngại đối với tương lai quan hệ quốc tế. Đó là một sự biến thể, đi chệch hướng của cơ chế đa phương. »

Switch mode views: