Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Nam-Bắc Triều Tiên

Korea-north south

Cảnh sát Hàn Quốc tại Cầu Lớn, một trong những lối vào khu vực tổ chức thượng đỉnh Liên Triều ngày 27/04/2018.
REUTERS/Kim Hong-Ji

Cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào đúng 9 giờ 30 sáng ngày 27/04/2018, ngay tại đường phân định biên giới ở làng Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

Theo thông báo của Im Jong Seok, tổng thư ký văn phòng tổng thống Hàn Quốc ngày 26/04/2018, ông Kim Jong Un sẽ đi bộ qua đường biên giới Liên Triều.
Như vậy, ông sẽ là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau đó sẽ tới Nhà Hòa Bình của Hàn Quốc, để họp thượng đỉnh với tổng thống Moon Jae In.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo chính phủ dự kiến tiếp đón lãnh đạo Kim Jong un với nghi lễ chính thức dành cho các chuyến thăm cấp nhà nước.

Sau một cuộc họp ngắn ở Nhà Hòa Bình, hai nhà lãnh đạo sẽ có bài diễn văn chính thức vào khoảng 10 giờ 30 sáng 27/04.
Tuy nhiên, hai ông Moon Jae In và Kim Jong Un sẽ không ăn trưa cùng nhau.

Sau giờ nghỉ, họ sẽ cùng trồng một cái cây để đánh dấu cuộc gặp lịch sử.
Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến cùng nhau đi dạo trước khi thông báo chính thức kết quả thượng đỉnh.

Về thành phần đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên, theo ông Im Jong Seok, chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc, sẽ có em gái của Kim Jong Un là Kim Yo Jong, một trong những cố vấn thân cận nhất của lãnh đạo Bình Nhưỡng, vốn đã từng đến Thế vận hội Pyeongyang.

Chủ tịch nước Bắc Triều Tiên Kim Yong Nam cũng sẽ tham dự. Hiện vẫn chưa biết phu nhân của tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên có tham dự thượng đỉnh hay không.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết chi tiết lễ tân :

« Mọi nghi thức lễ tân trong thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Moon Jae In đều giàu tính biểu tượng.
Chẳng hạn, trong bữa ăn tối, Kim sẽ được mời ăn món « rosti », một món ăn của Thụy Sĩ, để gợi nhớ những năm tháng ông ở Thụy Sĩ.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thưởng thức món mỳ lạnh của Bình Nhưỡng. Còn món tráng miệng được trình bày theo hình bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ cùng trồng một cây thông. Đất trồng cây được mang về từ vùng núi của cả hai miền nam và bắc Triều Tiên.
Cây thông sẽ được tưới bằng nước lấy từ các con sông chảy qua thủ đô hai nước.

Kim Jong Un cũng sẽ mang theo thiết bị vệ sinh riêng. Báo Washington Post dẫn lời một cựu vệ sĩ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho biết : « Chất bài tiết của lãnh đạo Kim cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông ấy nên họ không sẽ để lại dấu vết gì ».

Một chi tiết thú vị khác : Khu vực diễn ra cuộc gặp được đặt dưới sự theo dõi của bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.
Về lý thuyết, chính bộ chỉ huy quân sự này đảm bảo an ninh cho Kim Jong Un. Nhưng trên thực tế, không một quân nhân Mỹ nào đóng tại Hàn Quốc được xuất hiện trên các bức ảnh chụp chung hai lãnh đạo. Từng chi tiết trong bức ảnh đều được chăm chút cẩn trọng. »

Theo chương trình, thượng đỉnh Nam-Bắc Triều Tiên sẽ bao gồm nhiều sự kiện để tăng cường mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo nhằm ủng hộ những nỗ lực quốc tế trong tiến trình loại trừ vụ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong tương lai.
Các điểm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững.

 Điều khó dự đoán nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ đạt thỏa thuận đến mức độ nào và thỏa thuận sẽ được thể hiện thế nào trong tuyên bố chung.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông John Bolton, hôm 25/04 đã trao đổi với đồng nhiệm Hàn Quốc Chung Eui Yong về khả năng tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In trước thềm thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Bắc Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 05 đầu tháng 06/2018.

Khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri bị đóng cửa vì sụt lún?

Liên quan tới khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri mà tuần trước lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố đóng cửa, một nghiên cứu mới đây của các nhà địa chấn học Trung Quốc thuộc Đại học Khoa Học Và Công Nghệ Trung Quốc cho biết rất có thể Bình Nhưỡng không còn thử nghiệm hạt nhân được ở khu vực này do dư chấn, sạt lở đất đã khiến các đường hầm bị sụt lún.

Khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri là một hệ thống đường hầm được đào sâu trong lòng núi Mantap, ở miền đông bắc Bắc Triều Tiên, cách thủ đô Bình Nhưỡng 370km. Đây là nơi Bình Nhưỡng cho tiến hành 6 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 đến năm 2017.

 Theo nhiều nhà địa chấn học, vụ thử bom nhiệt hạch hồi tháng 09/2017 tại khu vực này đã dẫn tới dư chấn, động đất khiến nhiều khối đá trong lòng núi Mantap sụp xuống, làm hỏng nhiều đoạn đường hầm.

Nhân quyền

Liên Hiệp Quốc hôm 25/04/2018 đòi hỏi vấn đề nhân quyền phải được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, Tomas Ojea Quintana nhấn mạnh, « một hiệp ước giải trừ hạt nhân sẽ khó tồn tại lâu dài, nếu gạt sang một bên khía cạnh nhân quyền và nhu cầu của người dân Bắc Triều Tiên ».

Switch mode views: