Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-11-2017

Macron muốn đổi mới quan hệ Pháp-Phi

africa-france-macron 3


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với sinh viên ở đại học Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 28/11/2017
REUTERS/Philippe Wojazer

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du châu Phi và dự thượng đỉnh Âu-Phi lần thứ 5. Đây là chủ đề chính được nhiều báo Pháp đưa lên trang nhất.

La Croix chạy tựa : « Macron tại châu Phi, đánh cược vào giới trẻ ».

Trong khi đó, trang nhất của Liberation đề cập đến « Màn trình diễn của Macron tại châu Phi » và nêu ra « Sáu chủ đề ưu tiên đối với điện Elysée » nhân chuyến công du châu Phi của tổng thống Macron.

Trước hết là vấn đề giáo dục. Tổng thống Macron cho rằng nước Pháp chưa có một chính sách thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết với châu Phi trong lĩnh vực giáo dục.
Do vậy, ông đề nghị gia tăng quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và châu Phi, lập một dạng thị thực nhập cảnh dành cho các tài năng châu Phi, cho phép hàng ngàn sinh viên châu Phi tới Pháp theo học.

Ưu tiên thứ hai là vấn đề dân số. Không ngần ngại đụng chạm đến chủ đề nhậy cảm, tổng thống Pháp khẳng định lại rằng không thể phát triển nếu tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề thứ ba là đấu tranh chống tệ nạn buôn người.
Nhân hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra sáng kiến chống lại chiến lược của những kẻ buôn người và tấn công vào các tổ chức tội phạm.

Ưu tiên thứ tư là chống khủng bố.
Tuy vậy, trong bài diễn văn tại đại học Ouagadougou, tổng thống Pháp lại tập trung nói đến cuộc đấu tranh chống « chính sách ngu dân » mà ông cho là còn đáng gờm hơn là khủng bố.
Đồng thời, ông cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với quân đội Pháp hiện diện tại châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chủ đề thứ năm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là đồng CFA (Cộng đồng tài chính châu Phi), một trong những đồng tiền cuối cùng còn sót lại từ thời thực dân vẫn lưu hành và liên quan đến cuộc sống của 155 triệu người dân châu Phi.

Chưa bao giờ, một nguyên thủ Pháp lại bày tỏ thái độ rõ ràng như vậy về tương lai đồng tiền CFA : đây không phải là chủ đề thời sự tại Pháp, thậm chí, ông ủng hộ việc đổi tên đồng tiền này và mọi cải cách tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo khu vực đồng CFA.

Sau cùng, nguyên thủ Pháp thông báo 2020 là năm của « mùa văn hóa châu Phi » tại Pháp.
Đồng thời, ông cũng mong muốn là trong vòng 5 năm tới, sẽ hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phép hoàn trả tạm thời hoặc trao trả hẳn các di sản văn hóa của châu Phi hiện nằm trong các bảo tàng của châu Âu.

Trang nhất của Le Figaro đưa tin : « Macron muốn châu Âu dấn thân nhiều hơn tại châu Phi ».
 Trong buổi nói chuyện với sinh viên đại học Ouagadougou, Burkina Faso, hôm qua, nguyên thủ Pháp đề xuất một tầm nhìn đổi mới về quan hệ giữa Pháp và châu Phi, quan hệ đối tác mới cởi mở với châu Âu, chú trọng tới giới trẻ.

Trong bài xã luận « Âu-Phi », Le Figaro cho rằng tại đại học Ouagadougou, ông Macron đã có một bài phát biểu thành công, thẳng thắn và đổi mới, đồng thời, nguyên thủ Pháp cũng nói rõ : ông tới đây không phải để đưa ra hay nhận các bài học, thời kỳ thực dân gây ra các tội ác nhưng cũng làm được nhiều việc lớn.

Truyền thống văn hóa của châu Phi là tôn trọng các thế hệ tiền bối nhưng giới lãnh đạo trẻ cũng phải được lắng nghe, cần phải nói chuyện với giới trẻ.
 Ông khẳng định với các sinh viên châu Phi : Các bạn và tôi, chúng ta hiểu nhau.

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp chỉ trích những ai muốn tiếp tục làm chính trị như trước.
 Phải đẩy lùi quá khứ và chính sách Pháp-Phi theo kiểu thực dân, coi châu lục này là sân sau của Pháp không tồn tại nữa và người châu Phi phải tự nắm vận mệnh của mình.

Đối với Macron, châu Phi là nơi va chạm tất cả các thách thức đương đại, đặc biệt là khủng bố và nạn di dân và thách thức này liên quan đến tất cả mọi người.
 Dường như nguyên thủ Pháp tỏ ra khó chịu về sự nhút nhát, ngần ngại của châu Âu tại châu Phi.

Nước Pháp không muốn một mình đi tiên phong, đương đầu với các thách thức ở châu Phi nữa.
Ông Macron muốn nước Pháp dấn thân, đảm trách vai trò phối hợp, làm trung gian giữa hai châu lục.
Phải chấm dứt chính sách Pháp-Phi cổ hủ, đã đến lúc phát huy quan hệ Âu-Phi.

Thế nhưng theo Le Figaro, ông Macron sẽ phải rất nỗ lực thì mới có thể lay chuyển được các thói quen. Đó là thói quen của châu Âu vốn luôn luôn ẩn nấp sau Pháp trong các vấn đề châu Phi.

Mặt khác, có hai lĩnh vực vẫn ngự trị trong quan hệ Pháp-Phi là kinh tế và quân sự. Về kinh tế, khó có thể xóa bỏ một số lô-gích và mạng lưới lợi ích.
 Về quân sự, thì các quyết định tùy thuộc vào thực tế tình hình.

Nepal và Pakistan không muốn Con đường tơ lụa mới

Nhìn sang khu vực châu Á, Le Monde có bài nói về « Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa ».
Con đường tơ lụa mới, sáng kiến ngoại giao của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thuận buồn xuôi gió như Bắc Kinh mong muốn.

Trong bài « Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa », Le Monde cho biết, trong những tuần qua, Nepal và Pakistan đã hủy bỏ các dự án của Trung Quốc xây đập thủy điện tại 2 quốc gia này.

Hai thất bại này cho thấy các phương pháp của Bắc Kinh làm dấy lên nhiều chống đối.
Trên mạng xã hội Twitter, phó thủ tướng Nepal, ngày 13/11 thông báo, là chính phủ nước này từ bỏ dự án đập thủy điện 2,5 tỷ đô la mà một tập đoàn Trung Quốc lẽ ra sẽ tiến hành.

 Quan chức này cho biết là cuộc họp của chính phủ Nepal kết luận rằng thỏa thuận được ký kết với tập đoàn Trung Quốc Cát Châu Bá (Gezhouba Group) liên quan đến dự án thủy điện Budhi Gandaki đã được thông qua mà không có suy nghĩ kỹ càng, có nhiều điểm bất thường.
Trong khi đó, một ủy ban của nghị viện Nepal chỉ trích sự thiếu minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu.

Trường hợp của Pakistan thì không triệt để như vậy.
Islamabad quyết định tiếp tục thực hiện dự án đập thủy điện Diamer-Bhasha.

Tuy một tập đoàn Trung Quốc sẽ thực hiện, nhưng Pakistan sẽ tự huy động 14 tỷ đô la mà không cần đến tài trợ của Trung Quốc.
 Đồng thời, Pakistan cũng đề nghị Trung Quốc gạt bỏ dự án này ra khỏi khuôn khổ chương trình lập « vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan », tên gọi của dự án Các con đường tơ lụa mới tại Pakistan.

Sở dĩ Pakistan khước từ tài trợ của Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi làm chủ sở hữu đập thủy điện này, làm chủ việc bảo trì đập và có quyền đối một dự án đập thủy điện khác trong trường hợp Islamabad không đủ khả năng trả nợ.

Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên đối với Bắc Kinh.
Ngày càng có nhiều dự án, như xây đập thủy điện, tàu cao tốc bị người dân ở địa phương phản đối.

Trước đây tại Miến Điện, dự án đập thủy điện Myitsone mà lẽ ra, một tập đoàn Trung Quốc khởi công từ năm 2011, cũng đã bị đình chỉ do người dân ở đây phản đối mạnh mẽ.
Dự án đã bị hoãn lại nhiều lần và tương lai không sáng sủa.

Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về quyết định của Nepal và Pakistan.
Theo Le Monde, đây là chủ đề nhậy cảm.
Báo Le Monde đã liên lạc với 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc để hỏi về chủ đề này nhưng tất cả đều từ chối trả lời.

Một người trong số này còn lấy làm tiếc là đã nói về vấn đề này và nhấn mạnh, ông không thể nói gì chừng nào chưa có phản ứng chính thức và công khai của Bắc Kinh.

Tại Miến Điện, giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc

Các báo Pháp cũng chú ý đến chuyến tông du Miến Điện của đức giáo hoàng Phanxicô.
La Croix đưa tin : « Tại Miến Điện, đức giáo hoàng ủng hộ mạnh mẽ Aung San Suu Kyi ».

Chấp nhận không nhắc đến từ Rohingya, một chủ đề nhậy cảm ở nước này, giáo hoàng Phanxicô bày tỏ thái độ ủng hộ tiến trình hòa giải đang diễn ra ở Miến Điện và ngài nhấn mạnh đến sự « tôn trọng mọi sắc tộc, bản sắc của họ, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và trật tự dân chủ ».

Theo nhận định của Nicolas Senèze, đặc phái viên báo La Croix tại Miến Điện thì câu hỏi đặt ra là liệu những lời kêu gọi của giáo hoàng có được giới lãnh đạo quân sự Miến Điện lắng nghe hay không ?

Theo cùng hướng này, Le Figaro chạy tựa trên trang nhất :
 « Tại Miến Điện, François kêu gọi tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc ».

Trị ung thư phổi, Pháp cho dùng Keytruda

Les Echos đưa tin : « Chữa trị ung thư phổi, giải pháp thay thế hóa trị đổ bộ vào Pháp ».

Sau nhiều tháng đàm phán, tập đoàn dược phẩm Mỹ Merck, thông qua chi nhánh MSD tại Pháp, đã đạt được thỏa thuận về chi phí thanh toán thuốc chữa trị ung thư phổi Keytruda.
 Cơ quan chịu trách nhiệm định giá các sản phẩm y tế đã chấp nhận Keytruda là thuốc ưu tiên sử dụng trong việc chữa trị ung thư phổi bị di căn.
Chi phí sẽ là 6000 euro mỗi tháng, cho mỗi bệnh nhân.

Keytruda là một trong những loại thuốc đáng chú ý hiện nay trong liệu pháp miễn dịch, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
Tại Pháp, có từ 6000 đến 8000 bệnh nhân sẽ được hưởng phương pháp chữa trị này và mỗi năm, cơ quan bảo hiểm y tế Pháp sẽ phải chi ra 432 triệu euro.

Theo một chuyên gia về ung thư ngực thuộc bệnh viên Créteil, thì ung thư phổi là một trong những loại bệnh nghiêm trọng, xẩy ra thường xuyên, nhưng từ 30 năm nay, lại có ít tiến triển về giải pháp chữa trị.

Bình thường ra, phải mất đến 10 năm thì mới cải thiện được một loại thuốc kéo dài sự sống thêm 6 tháng cho bệnh nhân. Trong khi đó, nếu dùng Keytruda thì có thể kéo dài thêm 16 tháng.

Switch mode views: