Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-02-2013

 Trung Quốc quan ngại về rạn nứt xã hội

thuonghai congnhan

 


Công nhân làm việc trên một công trường ở trung tâm tài chính Thượng Hải (Reuters)

 

Thời sự châu Á, nhất là vùng Đông Bắc Á được các báo Pháp hôm nay khai thác nhiều dưới nhiều chủ đề khác nhau.

Về mặt xã hội, các báo Pháp lần lượt quan tâm đến nạn phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn và nạn ô nhiễm không khí nặng nề tại Bắc Kinh.

Về mặt chính trị, Nhật Bản gia tăng sức mạnh quốc phòng để đối phó với Trung Quốc.

« Dân giàu, nước mạnh » hai vế này luôn đi chung với nhau. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, cường quốc thứ hai trên thế giới thì vế thứ nhất của câu ngạn ngữ trên vẫn chưa được hoàn chỉnh. Bất bình đẳng trong nước không ngừng bị đào sâu.

Đề tài này được báo Le Fiagaro phản ảnh qua hàng tựa « Rạn nứt xã hội làm Trung Quốc quan ngại ».

Trung Quốc : Cách biệt giàu nghèo ngày càng quá lớn ?

Le Figaro khẳng định xu hướng này đã được xác nhận thông qua hệ số Gini, một hệ số dùng để đo lường mức phân bổ của cải trong một quốc gia.

Vừa qua, Trung tâm thăm dò và nghiên cứu về thu nhập các hộ gia đình, trực thuộc Ngân hàng trung ương Bắc Kinh đã công bố hệ số Gini tại Trung Quốc là 0,61. Gini = 0,61 nghĩa là sao?

Theo con số đã được tính sẵn trong bảng tính Gini, nếu hệ số Gini = 0, thì đó là một xã hội hoàn toàn lý tưởng, bình đẳng.

Còn nếu như Gini tiến gần về 1, thì đấy là một thế giới mà tất cả mọi của cải trong xã hội tập trung vào một cá nhân duy nhất.

Bình luận về kết quả này, Trung tâm nghiên cứu cho rằng « cách biệt thu nhập đã trở nên lớn, hệ số 0,61 rất là hiếm trên thế giới ».

Ngược lại, theo con số chính thức do Văn phòng thống kê quốc gia công bố hôm 18/01 vừa qua, thì hệ số Gini chỉ ở mức 0,474.

Le Figaro nhận xét rằng chính bản thân việc cho công bố các con số trên mới là điều bất ngờ. Bởi vì, từ 12 năm nay, hệ số Gini chưa bao giờ được Bắc Kinh nhìn nhận, do bản chất quá nhạy cảm và tính chất bất ổn.

Đối với các chuyên gia Trung Quốc, chỉ cần ở mức 0,4 là có thể xem như là « nguy hiểm » rồi. Chính vì điều đó, mà Văn phòng Thống kê quốc gia cố ý tối thiểu hóa con số đưa ra, khi khẳng định rằng con số này không cao như năm 2008 (ở mức 0,491).

Tuy nhiên, bất luận các tranh cãi về con số giữa các chuyên gia thế nào đi chăng nữa, thì sự cách biệt đó đã trở nên quá rõ nét tại Trung Quốc. Đến mức mà tờ báo chính thức của Đảng, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng phải thốt lên rằng : « Xã hội Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới ». Sự phân hóa giàu – nghèo đã chạm đến mức « báo động ».

Đối với chính quyền Trung Quốc, hố sâu phân hóa đó chính là một mối họa lớn cho sự ổn định của đất nước. Bởi vì, ngày nào các cư dân mạng cũng giận dữ chỉ trích những hành vi thái quá của kẻ giàu và những đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc đỏ.

Dĩ nhiên là chính quyền Bắc Kinh cũng cảm nhận được sự bất mãn của người dân.

Trong chuyến công du Thẩm Quyến trong tháng giêng vừa qua, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra chỉ thị « phải thanh kiệm » nghĩa là không được phô bày cờ hoa trong các buổi tiếp tân lớn. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, các chỉ thị đó cũng chẳng mang lại chút hiệu quả nào.

Các cư dân mạng nghĩ là « một bữa tiệc với bốn món ăn và một món súp thì cũng chẳng làm nên một cuộc cải cách ».

Le Figaro cho biết là từ năm 2011, Bắc Kinh cũng đã nhận thức được vấn đề. Tất cả các mẫu quảng cáo ca ngợi lối sống như « hoàng gia », « tối thượng » hay « sang trọng » đều bị cấm đoán.

Báo chí chính thức giải thích tất cả những điều đó có thể gây ra một bầu không khí « không lành mạnh », vào lúc mà khoảng cách giàu – nghèo ngày càng bị đào sâu thấy rõ.

Tờ báo nhắc lại là cam kết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo luôn là những lời hứa suông của chính phủ tiền nhiệm.

Trên thực tế, ngay khi lên cầm quyền vào năm 2002, cặp đôi Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo đã thành công trong việc định hướng mô hình phát triển « tất cả vì tăng trưởng ». Kết quả là từ hàng thứ sáu, Trung Quốc nhảy vọt lên trở thành cường quốc số hai trên thế giới. Nhưng công bằng xã hội lại không theo kịp.

Đến mức mà giờ đây, theo như nhận xét của một giáo sư thuộc trường Đại học Bắc Kinh, phân hóa giàu nghèo ở mọi nơi trên đất nước, « giữa các đô thị và nông thôn, giữa trong cùng một thành phố và thậm chí là trong cùng một ngôi làng ».

Quyền hành trong giới công chức

Le Figaro đặt câu hỏi, làm thể nào giải thích cho sự phân hóa đó?

Cũng theo giải thích của vị giáo sư trên, Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa nền kinh tế kế hoạch hóa và kinh tế thị trường.

Trong khi mô hình thứ nhất vẫn còn để lại nhiều tàn dư của nó, thì mô hình thứ hai lại chưa có đủ các biện pháp thích hợp đi kèm theo. Đó là chưa kể đến vấn đề hộ khẩu. Và sự phân bổ các nguồn thu nhập lại không đồng đều giữa đô thị và nông thôn.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước còn tạo ra một tầng lớp đặc quyền, tuyển dụng đến khoảng một triệu người lao động trong lãnh vực này. Theo giáo sư, do “chính sách cải cách quá chậm chạp, sự chuyên quyền của giới công chức cho phép họ lợi dụng cơ chế gây thiệt hại cho người dân”.

Bắc Kinh thoát cơn ác mộng ô nhiễm

Cũng tại Trung Quốc, báo Le Monde và Liberation chú ý đến nạn ô nhiễm tại Bắc Kinh trong những ngày gần đây. “Bắc Kinh ló dạng sau cơn ác mộng ô nhiễm” là hàng tựa nhận định đăng trên mục Hành tinh của báo Le Monde.

Hôm qua, thứ sáu 01/02/2013, người dân Bắc Kinh cuối cùng cũng được ló mặt ra đường sau nhiều ngày thành phố bị khói mù phủ đầy.

Theo con số công bố hôm qua, thì nồng độ các phân tử hạt bụi có đường kính dưới 2,5 micromètre đo được nằm trong khoảng 25 và 45 microgramme/m3. Tổ chức Y tế Thế giới quy định ngưỡng có hại cho sức khỏe là từ 25 trở lên và không được vượt quá 3 ngày trong năm.

Các tờ báo trong nước cho biết trong những ngày vừa qua, số lượng người đến khám bệnh tại các bệnh viện tăng vọt đến 20% so với mức bình thường.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ tư vừa qua, một chuyên gia về các bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc đã đánh giá hiện tượng mây bụi vừa qua là hiện tượng tồi tệ nhất, vì “không một người nào thoát được sự ô nhiễm đó”.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra ô nhiễm mây bụi vừa qua, Le Monde cho biết, hiện có đến hơn 5 triệu xe có động cơ lưu hành tại Bắc Kinh, chiếm đến ¼ lượng phân tử hạt bụi PM 2,5 lơ lửng trong không khí.

Ngoài ra, gần 1/3 lượng khí ô nhiễm đến từ các tỉnh phụ cận, những vùng sản xuất thép và điện. Bên cạnh đó, con đường nối Bắc Kinh với vùng Nội Mông nổi tiếng với các vụ kẹt xe. Phần còn lại đến từ các hệ thống sưởi bằng than tại cho đô thị.

Từ các nguyên nhân trên, một số nhà khoa học đánh giá các biện pháp đề ra để hạn chế ô nhiễm vẫn còn chưa đủ. Theo họ, không nên chỉ cô lập tại thủ đô trong khi mà các quy định áp dụng cho các tỉnh phụ cận như vùng Hà Bắc chẳng hạn lại ít nghiêm ngặt hơn.

Theo tính toán của các chuyên gia này, “hàng năm Bắc Kinh đốt đến 270 triệu tấn than, nhưng mà có đến 270 triệu tấn tại Hà Bắc và 70 triệu tại Thiên Tân. Và tất cả lượng khí thải đó cũng gây nguy hiểm cho Bắc Kinh”.

Đối với các chuyên gia này, các biện pháp khẩn cấp do chính phủ đề ra vẫn chưa đủ thuyết phục được công chúng. “Người dân muốn rằng Nhà nước phải chứng minh được rằng các biện pháp đó là có hiệu quả”.

Tờ nhật báo Tin tức Bắc Kinh tiết lộ bất chấp có lệnh cấm nhằm giảm 30% lượng xe công, hôm thứ ba vừa qua vẫn có đến gần 900 chiếc lưu hành trên đường phố. Mặt khác, chính quyền công bố đóng cửa tạm thời hơn 100 nhà máy, nhưng chỉ có vài tên doanh nghiệp là được công bố công khai.

Liberation cho rằng hiện tượng không khí tại Bắc Kinh bị ô nhiễm nặng trong những ngày vừa qua đã xảy ra không đúng lúc, vào lúc mà chỉ còn có hơn mười ngày nữa là đến Tết nguyên đán.

Đối với người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam, tiếng pháo rộn rã là một điều không thể thiếu vắng trong mấy ngày lễ tết quan trọng. Nó vừa xua đuổi những cái xấu xa, xui xẻo trong năm cũ, nhưng đồng thời cũng để đón mừng một năm mới.

Thế nhưng, Liberation cũng lưu ý rằng, pháo nổ cũng sẽ để lại hàng tỷ phân tử độc hại trong bầu khí quyển tại Bắc Kinh, vốn đã quá bị ô nhiễm bởi các nhà máy điện chạy bằng than và các khí thải từ các loại xe ô-tô. Do đó, Liberation kết luận rằng “Ô nhiễm hay là pháo Tết, Bắc Kinh phải lựa chọn”.

Nhật Bản tập trung cho quốc phòng

“Đối mặt trước các hành động khiêu khích thường nhật của Bắc Kinh”, Tokyo sẵn sàng gia tăng sức mạnh quân sự.

Theo bài viết đề tựa “Nhật Bản tập trung cho quốc phòng” của tờ Liberation, thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng ngân sách quốc phòng và dự định sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa của đất nước. Một sự đáp trả lại những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Trước ý định của thủ tướng Abe, một quan chức tỏ ra quan ngại sẽ xảy những sự cố. Ông cho biết là “Nhật Bản đang tăng cường mức độ báo động trong khu vực”. Ngân sách quốc phòng sẽ đạt ở mức 4.750 tỷ yên (gần 40 tỷ euro) trong tài khóa 2013-2014. Quân đội Nhật Bản sẽ tuyển mộ thêm 287 người cho đội quân 230 ngàn quân lực lượng phòng vệ Nhật.

Theo Bộ quốc phòng, số người đó sẽ “giúp cải thiện công tác chuẩn bị tại các đơn vị phụ trách về tình báo, giám sát và an ninh khu vực Tây Nam”, nơi có quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Khủng hoảng leo thang

Động thái này cho thấy Tokyo quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại các hành động gây rối của người láng giềng Bắc Kinh. Liberation nhắc lại trong vòng hai tháng liên tiếp, từ tháng 12/2012 cho đến 01/2013, Nhật và Trung Quốc hết đuổi bắt trên không rồi lại rượt nhau trên biển xung quanh khu vực tranh chấp.

Ngay sau khi trở lại nắm quyền, ông Shinzo Abe muốn tăng cường quân lực. Thậm chí, ông còn xác nhận ý định sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, vốn hạn chế vai trò và các hoạt động quân sự của quân đội Nhật. Một chủ ý có nguy cơ khiến cho các nước láng giềng nổi giận.

Tuy vậy, trên mặt trận ngoại giao, Tokyo cũng tỏ ra rất tích cực. Chính quyền Nhật Bản đã gởi các đặc phái viên đến Trung Quốc “hòng tìm kiếm một lối ra cho khủng hoảng và duy trì các kênh liên lạc”.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình cũng đánh tiếng cho biết ý định nghiêm túc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh. Thế nhưng, ngoài các đàm phán về tái lập lại quan hệ kinh tế, không ai biết rõ nội dung thương lượng của hai nhà lãnh đạo.

Ao nhà của Bắc Kinh

Dước con mắt quan sát của Tokyo, Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật mềm dẻo trong dài hạn. Nghĩa là “Bằng cách làm cho quốc tế nghĩ rằng sự hiện diện của các tàu hải giám Trung Quốc trong vùng khu vực tranh chấp đó là bình thường, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập quyền tài phán của mình trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo như là sự đã rồi”, theo như những lời lên án của thủ tướng Shinzo Abe trong một bài tham luận hồi tháng 12 năm vừa qua.

Ông Shinzo Abe cũng lấy làm tiếc rằng “vùng Biển Đông đang dần trở thành một cái ‘ao nhà’ của Bắc Kinh”.

Thủ tướng kêu gọi Nhật Bản không nên nhún nhường trước các mối đe dọa ngày càng lớn và “sự bành trướng lãnh hải và lãnh thổ của Trung Quốc”.

Và cuối cùng, ông cũng đề nghị thành lập một liên minh an ninh với Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ, hình thành “một vành đai nhằm bảo tồn tài nguyên hàng hải chung từ Ấn Độ Dương cho đến Tây Thái Bình Dương”.
 

Switch mode views: