Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-01-2013

Công binh : Phim về lính thợ Việt Nam công chiếu tại Pháp

phimveVNxua

 

Trong lãnh vực văn hóa, cả hai tờ báo Libération và Le Figaro cùng chú ý đến bộ phim tài liệu « Công binh, đêm dài Đông dương » của đạo diễn Lê Lâm, được công chiếu tại Pháp vào hôm nay 30/01/2013.

Theo hai tờ báo, đã đến lúc, nước Pháp cũng nên nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ thực dân.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng bi kịch lịch sử đó vẫn chưa được Pháp, quốc gia chịu trách nhiệm chính, nhìn nhận.

Vào thời Đệ nhị Thế chiến, khoảng 20000 thanh niên Việt Nam đã bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng bức rời xa gia đình và bị đưa sang Pháp lao động.

Gia đình nào có ba người con trai thì phải đưa một đứa sang Pháp. Người anh nào không chịu đi, thì em trai phải đi thay thế.

Vào thời đó, có rất ít thanh niên Việt Nam tình nguyện sang Pháp làm công binh, đại đa số là do bị cưỡng bức.

Những người lính thợ này phải đến làm việc trong các công xưởng chế tạo súng đạn, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng chiến đấu chống quân Đức. Những người lính thợ Việt Nam phải làm việc trong các điều kiện nghiệt ngã : không được trả lương, phải làm những công việc nặng nhọc nhất, sống trong điều kiện thiếu vệ sinh.

Ngay giữa cuộc chiến, tiếp tế khan hiếm, lương thực cạn dần. Dân Pháp thời chiến đã khổ, lính thợ Việt Nam càng khổ hơn. Họ bị đối xử như súc vật và tệ hại hơn nữa là họ bị bỏ quên.

Số phận của họ thật là thảm hại. Nếu như tại Pháp họ bị xem là kẻ tiện dân, thì ngay trên chính quê hương máu mủ, một khi hồi hương trong giai đoạn 1949-1952, họ lại bị đối xử như là những tên phản quốc.

Đối với Libération, bộ phim của Lê Lâm đã làm giàu thêm ký ức của người Pháp. Bởi lẽ rất đơn giản, những sự kiện như thế không bao giờ được ghi lại trong sách sử Pháp. Bộ phim cho thấy sự bất công mà chính phủ Pháp đã gây ra và cũng không bao giờ nhìn nhận đối với số thanh niên trai trẻ đó.

báo Libération kết luận : Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, bộ phim « Công binh, đêm dài Đông dương » quả thật đã thắp sáng ngọn đuốc của sự thật giữa sự mông muội, tránh rơi vào bóng đêm lãng quên.

Le Figaro trong bài viết đề tựa "Người Đông Dương trong thời nước Pháp bị chiếm đóng" nhận định rằng « giai đoạn đau thương của chiến dịch tuyển dụng nhân công bản địa (Main d'Oeuvre Indigène viết tắt là MOI) chỉ có thể gợi lên ở người Pháp, nhất là những người rất gần gũi với Việt Nam, cảm giác buồn bã và tủi thẹn ».

Nhưng Le Figaro cũng nhìn nhận rằng « thà chậm còn hơn không », đã đến lúc phải trao trả lại cho họ tiếng nói, sự hiện diện, một khuôn mặt.

Tờ báo khuyên độc giả nên xem để mà chia sẻ với những người lính thợ bị lãng quên những kỷ niệm chua cay đó.

Các nước mới trỗi dậy : Tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi đổi mới xã hội

Cuộc sống của người dân tại các nước mới trỗi dậy ngày càng được nâng cao. Nhưng cũng từ đó, tầng lớp trung lưu tại các nước đó cũng bắt đầu nhận thức nhiều về quyền lợi. Họ buộc các tập đoàn đầu tư trong nước phải chú trọng nhiều đến các đòi hỏi mà họ đề ra.

Liên quan đến chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài đề tựa « Giới trung lưu các nước đang phát triển đòi hỏi ngày càng nhiều ».

Theo ghi nhận của Les Echos, các cuộc biểu tình tại Ấn Độ đòi quyền của phụ nữ, hay như phong trào xã hội tại Nam Phi, hoặc khủng hoảng chính trị tại Nga trong năm vừa qua đang minh chứng cho xu hướng đó.

Mức sống được nâng lên là nguyên nhân dẫn đến các biến chuyển xã hội, gây ra những mối căng thẳng đang làm rúng động các nước đó trong năm qua.

Do du nhập lối sống theo kiểu phương Tây, tầng lớp trung lưu, giới tiêu thụ chính của những quốc gia mới trỗi dậy có những đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ. Mà những đòi hỏi thường có cùng một hướng giống nhau : chính phủ phải minh bạnh hơn nữa, ít tham nhũng hay ngày càng nhiều quyền tự do ngôn luận.

Một chuyên gia kinh tế giải thích với Les Echos, các doanh nghiệp nước ngoài theo dõi rất sát sao tất cả các xu hướng đó, vì nó giúp cho họ quản lý rủi ro tốt hơn. Mà Ấn Độ chính là một ví dụ điển hình.

Tầng lớp trung lưu vốn tập trung cao tại các khu đô thị ngày càng có những yêu sách mà chính quyền cho đến giờ vẫn không thể nào đáp ứng kịp.

Dù vậy, trong các mắt các tập đoàn phương Tây, các thị trường đang phát triển đó lại chứa đựng một mối lợi thương mại khổng lồ.

Riêng tại châu Á, tầng lớp trung lưu có đến hơn 500 triệu người, tương đương với dân số của cả Liên hiệp châu Âu gộp lại. Một chuyên gia kinh tế Ấn Độ dự đoán rằng từ đây cho đến năm 2030, giới trung lưu tại quốc gia này sẽ là giới tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.

Ví dụ, người ta dự đoán nhu cầu xe ô-tô trong tương lại tập trung chủ yếu tại các thị trường các nước mới trỗi dậy. Theo đó, lượng tiêu thụ thế giới sẽ tăng lên từ 30% cho đến 80% trong vòng một thập niên tới, nhờ vào các thị trường tiềm năng đó.

Cuối cùng, bài viết kết luận rằng, tiềm năng kinh tế thì to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và chính phủ không nên làm ngơ trước các đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Indonesia ngày càng thu hút các nhà đầu tư

Để minh chứng cho sự năng động của các thị trường tiềm năng đó, Les Echos lấy Indonesia, quốc gia Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á, làm một ví dụ.

Theo nhận định bài viết, với thị trường tiêu thụ đến 235 triệu dân, « Indonesia ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư ».

Đầu tư nước ngoài tại Indonesia tăng đến mức kỷ lục 26,7% (tức khoảng 22,8 tỷ đô-la) trong năm 2012. Trong đó, Nhật Bản chiếm ngôi hàng đầu.

Các tập đoàn sản xuất xe ô-tô như Toyota, Honda và Nissan đua nhau xây dựng các dây chuyền lắp ráp xe.

Les Echos cho rằng thị trường tiêu thụ của quốc gia này tăng lên rất đúng cho các nhà công nghiệp Nhật Bản, vốn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, trong khi mà mối quan hệ ngoại giao Trung-Nhật đang trong giai đoạn rất căng thẳng.

Ngoài Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng là những quốc gia có mức đầu tư vốn nhiều nhất cho Indonesia, trên cả Hoa Kỳ.

Tại Trung Quốc, kê khai gian lận đang nhấn chìm Caterpillar

Dân cư đông đúc, thị trường lao động rẻ, là những miếng mồi ngon cho hầu hết các doanh nghiệp phương Tây đến Trung Quốc gầy dựng cơ sở.

Thế nhưng, vì quá ham muốn chiếm lĩnh thị trường, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bị lừa mất hàng trăm triệu đô-la, mà ví dụ điển hình mới đây nhất là tập đoàn Caterpillar của Mỹ. Chủ đề này được Le Monde đề cập đến qua bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, kê khai gian lận đang nhấn chìm Caterpillar ».

Le Monde hóm hỉnh nhận xét, « đến lượt mình, Caterpillar phải được đưa vào sách giáo khoa của các trường đào tạo thương mại, trong mục rủi ro kinh doanh tại Trung Qu ốc ».

Thứ hai vừa qua, 28/01/2013, tập đoàn Mỹ Caterpillar, tập đoàn chế tạo máy móc công trường hàng đầu thế giới, thông báo lỗ 580 triệu đô-la sau khi phát hiện ra rằng phía đối tác Trung Quốc đã gian lận sổ sách.

Năm 2012, Caterpillar đã mua lại tập đoàn Siwei Mechanical - Electrical Manufacturing Co, chuyên sản xuất các thiết bị hỗ trọ thủy lực dùng trong các khu mỏ than với giá 700 triệu đô-la. Thế nhưng, đến mùa thu cùng năm, Caterpillar đã phát hiện ra các « sai lệch đáng kể » giữa sổ sách và thực tế.

Thực tế cho thấy doanh thu đã bị sụt giảm đến 55% trong quý IV năm vừa qua.

Theo mô tả chi tiết của ông Doug Oberhelman , tổng giám đốc tập đoàn Caterpilla, ban lãnh đạo của phía đối tác Trung Quốc đã khai gian sổ sách, « nhằm mục đích thổi phồng mức tiền lời, tối thiểu các chi phí và kê khống lợi nhuận bằng cách làm giả các giấy tờ ».

Điều đáng chú ý, trước khi diễn ra quá trình chuyển nhượng, tập đoàn Siwei đã được Nelson Wheeler, một cơ quan kiểm toán của Hồng Kông, thành viên của RSM, công ty kiểm toán quốc tế đứng hàng thứ sáu trên thế giới tiến hành kiểm tra sổ sách.

Về phần mình, Caterpillar còn nhờ đến hai cơ quan kiểm toán có uy tín nhất Ersnt & Young và Deloitte. Theo nhận định của ông Paul Gillis , giáo sư đại học tại Bắc Kinh, trong vụ này, « RSM với tư cách là nhà kiểm toán phải giải thích rõ ràng nếu như các tài khoản được ký kiểm chứng là không đúng ».

Le Monde cho rằng, việc chỉ dựa vào các cơ quan kiểm toán lớn để thẩm định không đủ đảm bảo công tác kiểm tra quỹ của một doanh nghiệp Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên một tập đoàn nước ngoài bị qua mặt vì gian lận sổ sách.

Le Monde nhắc lại vụ Sino-Forest năm 2011. Theo đó, tập đoàn này đã khai gian sổ sách, vờ cho biết là mình đang sở hữu đến 800 ngàn hec-ta đất rừng tại Trung Quốc.

Sau một thời gian điều tra, Ủy ban đầu tư bang Ontario, tại Canada đã khám phá ra rằng doanh nghiệp này đã khai man các giấy sở hữu đất rừng.

Tương tự Caterpillar, Ủy ban đó đã buộc tội cơ quan kiểm toán Ernst & Young, chi nhánh tại Canada, đã không kiểm toán đầy đủ để thẩm tra sổ sách của tập đoàn Sino-Forest. Cuối cùng, văn phòng kiểm toán đã chấp nhận bồi thường gần 120 triệu đô-la Canada để không bị truy tố.

Từ các sự việc nêu trên, ông Paul Gillis đã đưa ra lời kết luận như sau : « Về việc xâm nhập thị trường Trung Quốc, việc đánh giá tài chính phải rất chính xác nếu như các doanh nghiệp có ý định làm chủ các rủi ro. Việc tiến hành công tác tổng kiểm tra yêu cầu một nỗ lực rất lớn, đòi hỏi một sự đầu tư khoa học ».

Kế hoạch cải cách luật nhập cư của Mỹ

Làng báo Pháp hôm nay quan tâm đến kế hoạch cải cách luật nhập cư của tổng thống Barack Obama, sau khi một nhóm nghị sĩ của cả hai đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, đạt được đồng thuận về hồ sơ này.

Le Monde cho biết: « Tại Hoa Kỳ, các Thượng nghị sĩ lại thúc đẩy cải cách nhập cư ».

Sau nhiều năm trời bị gạt sang một bên, hồ sơ cải cách luật nhập cư của Mỹ lại được tám Thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, vào hôm thứ Hai, 28/01, nhắc đến và họ đưa ra một dự luật, phác thảo những nét chính hướng tới việc hợp lệ hóa những người nhập cư bất hợp lệ, không giấy tờ.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, thuộc đảng Dân Chủ, khẳng định: « Lần này, Quốc hội lưỡng viện sẽ hành động. Lần đầu tiên, việc chống lại cải cách nhập cư có nhiều rủi ro chính trị hơn là ủng hộ công việc này ».

Rủi ro đối với đảng Cộng Hòa rất rõ ràng. Người gốc châu Mỹ La tinh nói tiếng Tây Ban Nha trở thành cộng đồng thiểu số hàng đầu tại Hoa Kỳ, chiếm 16% tổng số cư tri trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2012 và đã giúp ông Obama bỏ xa đối thủ của đảng Cộng Hòa Mitt Romney.

Tỷ lệ cử tri thuộc cộng đồng thiểu số này bỏ phiếu cho ông Obama lên tới 71%, còn ông Romney chỉ được 27%.

Do vậy, theo báo Le Monde, một bộ phận trong đảng Cộng Hòa hiểu được điều này và đã chấp nhận bàn thảo về dự luật cải cách nhập cư.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain, một trong những người chủ động nêu ra hồ sơ này, thừa nhận là việc thay đổi lập trường là do tính toán bầu cử, nhưng ông cũng đề cập đến khía cạnh đạo lý:

Từ lâu nay, người Mỹ lợi dụng những người nhập cư trái phép gốc Mỹ La Tinh, thuê họ cắt cỏ, làm cơm, lau nhà và trông trẻ, mà không hề cho họ được hưởng bất kỳ ưu đãi nào của nước Mỹ.

Mối lo lắng của các nghị sĩ Mỹ trong hồ sơ này là vấn đề ngăn chặn có hiệu quả làn sóng nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là dọc theo đường biên giới chung dài 3000 km với Mêhicô. Thế nhưng, trong 5 năm qua, tình hình cũng có nhiều thay đổi. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ làm giảm bớt số người tìm cách nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ. Mặt khác, trong dự luật có điều khoản buộc giới chủ phải thẩm tra nhân diện và quy chế của người nhập cư khi tuyển dụng.

Theo thẩm định của chính quyền Washington, hiện có khoảng 11 triệu người không có giấy tờ định cư hợp lệ, đang sinh sống tại Mỹ. Do vậy, dự luật cải cách đưa ra quy trình cho phép hợp lệ hóa quy chế người nhập cư trái phép: Họ phải nộp một khoản tiền phạt và trải qua một thời kỳ thử thách. Những người này được quyền đi làm, được cấp thẻ định cư - thẻ xanh, và một khi chính phủ kiểm soát được đường biên giới chung có hiệu quả, thì họ có thể trở thành công dân Mỹ.

Chính việc gắn vấn đề ngăn chặn nhập cư có hiệu quả với việc cấp quốc tịch cho người nhập cư đã gây ra nhiều tranh cãi.

Đối với các hiệp hội bảo vệ quyền của cộng đồng gốc châu Mỹ La Tinh thì điều kiện này là không thể chấp nhận được. Nhưng, các Thượng nghĩ sĩ Mỹ cho rằng họ muốn tránh sai lầm của năm 1986. Vào thời điểm đó, việc hợp lệ hóa quy chế định cư cho 3 triệu người đã làm gia tăng làn sóng nhập cư trái phép.

Theo Le Monde, chắc chắn là tổng thống Obama sẽ không chấp nhận điều kiện này và ông chủ trương hợp lệ hóa một cách nhanh chóng.

Mặc dù dự luật sẽ gặp trở ngại tại Hạ viện, nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa số, nhưng các Thượng nghị sĩ Mỹ lại tỏ ra lạc quan và cho rằng việc thảo luận về hồ sơ này là bình thường, bởi vì Hoa Kỳ là một quốc gia nhập cư.

Cũng trong vấn đề nhập cư, Le Figaro cập nhật tình hình với hàng tựa « Obama tiết lộ kế hoạch cải cách nhập cư của mình ».

Ngày hôm qua, tại Las Vegas, tổng thống Mỹ đã kêu gọi Quốc hội lưỡng viện nhanh chóng thông qua dự luật này.

Le Figaro nhắc lại là cách nay 7 năm, tổng thống George Bush đã bị thất bại khi đưa ra dự luật này. Mặc dù có được sự ủng hộ của đảng Dân Chủ, nhưng chính đảng Cộng Hòa của ông đã chống lại dự luật.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi. Khi được hỏi là tại sao lần này đảng Cộng Hòa lại có thể chấp nhận dự luật, Thượng nghị sĩ John McCain nói thẳng: Vì bầu cử. Đảng Cộng Hòa đang mất đi sự ủng hộ của các công dân gốc châu Mỹ La Tinh nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhân sự kiện này, xã luận tờ Le Monde nhận định: « Nhập cư: Mỹ là tấm gương tốt ». Mặc dù Pháp không phải là Mỹ, nhưng việc các nghị sĩ đảng Cộng Hòa thay đổi thái độ, tỏ ra thực tế hơn, buộc các chính trị gia Pháp phải suy nghĩ.

Các phát biểu thẳng thắn của Thượng nghị sĩ John McCain về tình trạng lợi dụng người nhập cư trái phép, ít có hy vọng được mọi người chấp nhận tại Pháp, nơi mà khủng hoảng và thất nghiệp đang làm gia tăng sự thù hằn đối với người nhập cư trái phép.

Mặt khác, những khó khăn nói trên cũng làm cho người ta quên rằng một chính sách nhập cư thực sự không thể bị coi là một gánh nặng chính trị - xã hội, mà đó là một đòi hỏi của tương lai và là một lợi thế tạo sự năng động cho một quốc gia.

Switch mode views: