Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Robot Philae làm việc trên sao chổi Tchouri trong tư thế bất lợi

ESA Philae CIVA



Hình ảnh đầu tiên của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko do Philae chụp và được công bố ngày 13/11/2014.ESA

Robot Philae, hạ cánh xuống trung tâm sao chổi Tchouri hôm qua 12/11/2014, hiện đã bắt đầu làm việc.
Nhưng thiết bị này lại đang ở trên một dốc đứng, ít ánh sáng, có thể gây trở ngại cho việc sạc pin.

Robot thử nghiệm « hoạt động tốt », nhưng lại đang « ở trên một dốc đứng khoảng 30° ». Ông Philippe Gaudon, chủ nhiệm dự án Rosetta của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Không gian (CNES) tại Toulouse cho AFP biết như trên.

Cơ quan Hàng không Châu Âu (ESA) nói rằng Philae vẫn gởi về các hình ảnh và dữ liệu.

Theo ông Gaudon, pin của robot này « kéo dài 50 đến 55 giờ, vẫn hoạt động bình thường và cung cấp năng lượng cho Philae. Chúng tôi có thể ra lệnh và robot gởi số liệu về ». Có 8/10 thiết bị khoa học đã được kích hoạt.

Sau khi hạ cánh xuống địa điểm dự kiến trên sao chổi Tchouri tối qua, robot - nặng 100 kg trên mặt đất nhưng chỉ nặng 1 gam trên sao chổi – đã nảy bật hai lần vì những chiếc móc giúp giữ Philae trên mặt đất không hoạt động.

Sau khi bị nảy đến lần thứ hai, robot bị kẹt trong một khu vực khó khăn, trên triền dốc đá, mà theo ông Marc Pircher, giám đốc CNES thì «đúng vào địa điểm xấu nhất vì không có ánh sáng : cứ nửa ngày chỉ được chiếu sáng một tiếng rưỡi đồng hồ».

Ông Pircher cho biết : « Robot bị nảy tưng lên nhưng không bị gãy chỗ nào cả ! Philae đang nằm nghiêng trên hai chân thay vì ba.
May mắn là các ăng-ten hướng lên trời, giúp liên lạc tốt với Rosetta. Chúng tôi rất vui sướng, hiện đang bội thu dữ liệu một cách tuyệt vời ».

Tuy nhiên việc khoan hai mũi như dự kiến hiện được tạm hoãn vì robot không móc chặt vào mặt đất.

Ưu tiên hiện nay là tiến hành phân tích khoa học mà không phải di chuyển : chụp ảnh bên trong sao chổi, nghiên cứu từ tính, chụp hình mặt đất, phân tích các phân tử phức tạp thoát ra trên bề mặt.

Thời gian đang gấp gáp vì quá 55 giờ sau khi hết pin, các tấm pin mặt trời sẽ phải thay chân để cung cấp năng lượng cho robot, nhưng như đã nói, địa điểm của Philae đang rất thiếu ánh sáng.

Dù sao theo dự kiến lạc quan nhất, robot sẽ làm việc đến tháng Ba, sau đó sẽ « chết vì nóng » khi sao chổi tiến gần Mặt Trời. Còn tàu thăm dò Rosetta vẫn tiếp tục theo sát sao chổi ít nhất đến ngày 13/08/2015.

Việc hạ cánh xuống một sao chổi cách Trái Đất 500 triệu cây số là lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử thám hiểm không gian, thành công của chương trình khoa học khởi đầu cách đây 20 năm.

 Rosetta trị giá 1,3 tỉ euro, huy động khoảng 2.000 người.
Nhiệm vụ của Philae là tìm ra các phân tử hữu cơ trong nhân sao chổi, đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, vì sao chổi là những vật thể nguyên thủy nhất trong Thái dương hệ.


Switch mode views: