Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-07-2014

 BRICS thách thức thế độc tôn của phương Tây

BRICS-SUMMIT 2



Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Brazil Dilma Roussef - REUTERS /Nacho Doce


Thượng đỉnh lần thứ 6 của nhóm các nước đang trỗi dậy BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi ) được tổ chức hôm qua (15/7/2014) tại Brasilia là đề tài thu hút sự chú ý của các nhật báo Pháp ra hôm nay (16/07/2014).

Mục kinh tế báo Le Figaro có bài viết : « Các quốc gia BRICS thách thức thế độc tôn của phương Tây ».

Le Figaro còn cho biết, mặc dù giữa 5 lãnh đạo quốc gia vẫn tồn tại những bất đồng, nhưng cuối cùng, nhóm BRICS cũng đã quyết định thành lập được ngân hàng và một quỹ dự trữ ngoại tệ chung. Dự án này được đưa ra từ 2 năm nay, nhưng cho đến bây giờ mới được thành lập.

Theo Le Figaro, mối bất đồng chính giữa các nhà lãnh đạo BRICS là nơi đặt trụ sở ngân hàng chung tương lai.

Thượng Hải được chọn làm trụ sở cho ngân hàng BRICS, trong khi Ấn Độ lại được chọn làm lãnh đạo nhiệm kỳ thứ nhất trong vòng 5 năm.

Với số vốn đóng góp ban đầu của các nước thành viên là 50 tỷ đô la, và sau này có thể lên đến 100 tỷ đô la, ngân hàng chung đóng vai trò tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, một điểm yếu của các nền kinh tế này, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Mauro Borges, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Brazil đánh giá « đây là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng của nhóm BRICS ».

Kinh tế của cả 5 quốc gia đang chậm lại do các yếu kém về mặt cơ cấu. Olivier de Boysson, thuộc ngân hàng Société générale, nhận định : « Các bước hoạt động của BRICS là hợp lý nhằm phá vỡ thế độc tôn của các nước phát triển, đặc biệt là trong khi các cải cách của Quỹ tiền tệ quốc tế FMI chẳng tiến triển gì ».

Các quốc gia BRICS cảm thấy ít có trọng lượng trong tổ chức này.

Ngân hàng chung của nhóm BRICS sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho các thành viên trong trường hợp khủng hoảng tiền tệ.

Một thông cáo của Thượng đỉnh cho biết, quỹ tiền tệ này sẽ chính thức hoạt động trong một năm tới và giúp các nước « tránh mọi áp lực ngắn hạn về thanh khoản ».
Bài báo nhắc lại cơn bão trên thị trường tài chính vào mùa hè năm 2013, sau khi Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ làm cho các nền kinh tế của nhóm BRICS điêu đứng, chỉ ngoại trừ có Trung Quốc là không bị ảnh hưởng.

Trên phương diện ngoại giao, Thượng đỉnh lần này cho phép tổng thống Nga thoát khỏi sự cô lập từ khi ông Putin bị loại ra khỏi nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G8 do cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Nhóm BRICS đã không áp đặt trừng phạt quốc tế lên Mátxcơva. Ngoài ra, Thượng đỉnh này là dịp để tân Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến công du quốc tế đầu tiên và có dịp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bản đồ các nước đang trỗi dậy có thể được nới rộng

Nhật báo Công giáo La Croix cũng bình luận về chủ đề này qua bài viết : « Bản đồ các quốc gia mới trỗi dậy có thể nới rộng ra ».

Tờ báo nhắc lại lịch sử thành lập của nhóm BRICS. Được thành lập vào cuối tháng 11/2001, ban đầu chỉ là BRIC không có « S » tức là không có Nam Phi. 13 năm sau, tổ chức này khuyếch trương ra và thu nhận thêm Nam Phi.

Nouriel Roubinin, kinh tế gia Mỹ muốn thay Nga bằng Indonesia để nhóm này trở thành BIICS. Ông Michel Fouquin thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế Cepii cũng giải thích, Nga là một quốc gia có tài nguyên dồi dào chứ không phải là đang trỗi dậy.

Kinh tế Nga chỉ dựa trên khí đốt và công nghiệp và đang gặp nhiều khó khăn. Indonesia mới thật sự là một quốc gia đang trỗi dậy, mặc dù còn một số khó khăn về cơ sở hạ tầng ».

Nhóm BRICS còn có thể kết nạp thêm các quốc gia khác như Bangladesh, Ethiopia, Nigeria, Việt Nam và Mehico. Sébastien Barbé thuộc ngân hàng Crédit agricole CIB xếp hầu hết các quốc gia Mỹ La Tinh và một phần Châu Á vào nhóm các nước mới trỗi dậy.

Trong khi đó, một số quốc gia thoát ra khỏi các tiêu chí về « các nước trỗi dậy » để gia nhập các quốc gia « công nghiệp ». Đó chính là trường hợp của Hàn Quốc, Singapore và một phần Đông Âu.

Theo La Croix, sự trỗi dậy của một nền kinh tế rất khó định lượng. Nó không chỉ thể hiện qua chỉ số tăng trưởng. Michel Fouquin thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế Cepii giải thích : « Một nước đang trỗi dậy là một quốc gia phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến như Trung Quốc hay các hoạt động dịch vụ như Ấn Độ.

Trái lại, lợi tức từ hầm mỏ như trường hợp của Châu Phi và Nga chỉ làm cho đất nước trỗi dậy được nếu biết sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên ». Các chuyên gia cho rằng khai thác nguồn tài nguyên giàu có sẽ giết chết các hoạt động khác và tạo điều kiện cho tham nhũng.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, các quốc gia trỗi dậy đã góp phần vào tăng trưởng thế giới những năm gần đây, giúp một số quốc gia phát triển không bị chìm xuồng sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản vào năm 2008.

Các quốc gia đang trỗi dậy ngày càng giàu thêm và trưởng thành hơn. Theo ông Sébastien Barbé thuộc ngân hàng Crédit agricole CIB, các quốc gia này đang làm thay đổi diện mạo hành tinh thành một thế giới đa cực.

Các thành viên ngày nay cần biết phối hợp hành động. Tuy nhiên, họ luôn gặp khó khăn về vấn đề này, vì mỗi người đều muốn làm việc theo logic riêng của mình.

Brazil lo lắng chuẩn bị Thế vận hội 2016

Sau thành công của World Cup 2014, giờ đây Brazil đang lo lắng chuẩn bị cho Thế vận hội 2016 tại Rio. Đây là đề tài được cả hai nhật báo Le Figaro và Les Echos quan tâm bình luận.

Theo Le Figaro, chỉ còn hai năm là đến Thế vận hội 2016, nhưng phần lớn các địa điểm thể thao và giao thông công cộng vẫn chưa sẵn sàng để đón sự kiện.

Qua một bài viết khác trên tờ Les Echos, nhật báo kinh tế nêu bật một số câu hỏi quanh ngân sách chuẩn bị cho Thế vận hội 2016. Kinh phí dự trù cho Thế vận hội hơn 12 tỷ euro, nhưng vẫn còn một số điểm mập mờ.

Viện kiểm toán nhà nước mới đây cho biết, một nửa các dự án thiếu sự giải thích rõ ràng. Hơn nữa, chi tiêu cho vận hội cho người khuyết tật Châu Mỹ được tổ chức tại Rio vào năm 2007 đã tăng gấp bội so với dự án ban đầu.

Chính quyền địa phương muốn tạo cho Thế vận hội một vỏ bọc hào nhoáng để thu hút các đối tác tư nhân lẫn nhà nước.

Các nhà tổ chức cho biết hơn nửa vốn đầu tư đến từ khu vực tư nhân. Eduardo Paes, thị trưởng Rio đã quyết định dời lại kỳ nghỉ hè từ tháng 7 sang tháng 8, khi Thế vận hội diễn ra tại Rio.

Ngược lại, đối với các ngày nghỉ lễ, ông không ban hành sắc lệnh nào để tránh nghẽn tắt giao thông như đã từng xảy ra tại World Cup.

Samsung ngưng hợp tác với một nhà cung ứng Trung Quốc

Mục kinh tế báo Le Monde hôm nay quan tâm đến việc tập đoàn Samsung ngưng hợp tác một nhà cung ứng Trung Quốc Shinyang Electronics, chuyên sản xuất vỏ hộp cho Samsung, do công ty này đã sử dụng lao động vị thành niên.

Theo Le Monde, tuổi lao động tối thiểu ở Trung Quốc là 16 tuổi, nhưng tập đoàn điện tử Samsung đã cam kết không tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi. Trẻ vị thành niên làm việc tại công xưởng Trung Quốc thường hiếm hơn tại Nam Á và Đông Nam Á.

Nhà sáng lập ra tổ chức China Labor Watch (CLW), chuyên bảo vệ công nhân Trung Quốc, giải thích, chỉ cần cài một người của Samsung vào Shinyang Electronics làm là có thể phát hiện ra được những công nhân vị thành niên.

Vào ngày thứ 3 làm việc cho Shinyang Electronics, nhân viên điều tra đã gặp một nhóm thanh niên trung học. Trong số đó, có một nam sinh và nữ sinh 14 tuổi, 3 thanh niên khác 15 tuổi.

Họ được tuyển dụng vào cuối tháng Sáu thông qua một trung tâm chuyên cung ứng nhân công thời vụ. Đây là một hình thức phổ biến, đặc biệt khi công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng và cần gia tăng sản xuất.

Các trẻ này được tuyển dụng không có hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Shinyang Electronics, mà chỉ có thỏa thuận với trung tâm môi giới kia. Họ làm việc ban đêm và buộc phải có mặt từ 20h, nhưng chỉ được trả từ 20h30. Cộng với giờ nghỉ giải lao, các công nhân vị thành niên chỉ được trả 10 giờ lao động, nhưng trên thực tế họ làm đến 11giờ/ngày.

Ngoài ra, đối với giờ làm thêm, các trẻ này cũng chẳng được tăng lương như pháp luật Trung Quốc đã quy định, dẫn đến việc các em này mất đến 1/3 thu nhập so với những công nhân ký hợp đồng trực tiếp với Shinyang Electronics.

Le Monde cho biết, các lao động trẻ này không bị nhận dạng khi vào công xưởng làm việc như một thủ tục mà Samsung đã áp đặt để bảo đảm là chứng minh thư không bị tráo đổi. Do đó, chỉ cần nhân viên của trung tâm cung cấp nhân công mượn giấy tờ tùy thân của các công nhân được tuyển dụng chính thức để đưa cho các công nhân vị thành niên dùng thì các trẻ này sẽ không bị phát giác.

Kỹ thuật số phát triển nhanh chóng tại Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo La Croix hôm nay quan tâm đến lĩnh vực kỹ thuật số đang tăng mạnh tại Bắc Kinh.

Tại Trung Quan Thôn (Zhongguancun), một khu phố của thủ đô Bắc Kinh được xem như một Silicon Valley của Trung Quốc.

Nơi đây tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc, nhiều trường đại học và các doanh nhân trẻ.

La Croix miêu tả, tại các quán cà phê sang trọng trên các con đường của khu phố này, thanh niên chuẩn bị những dự án sáng tạo để gặp và tìm kiếm nhà tài trợ. Mọi nghi thức, cung cách cư xử đều giống như tại Silicon Valley : người ta uống nước hoa quả và bàn về kế hoạch kinh doanh.

Không hề có một chuẩn mực nào về tác phong ăn mặc : các doanh nhân trẻ mặc quần short, đi sandale. Ai cũng có điện thoại thông minh, máy tính bảng và trao đổi với nhau về những ứng dụng mới trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực internet ngày càng đông và họ mang một tâm lý hoàn toàn mới. Tại đất nước của Mao, khi mà Đảng và nhà nước luôn tuyên bố dành ưu tiên cho sự thành công tập thể, thì thế hệ trẻ này đã đoạn tuyệt với tâm lý cũ.

Họ không ngại nói rằng họ muốn kiếm được nhiều tiền, muốn thành công cá nhân. Họ không hề oán trách chế độ vì theo họ, chính quyền cũng đã ủng hộ và cho họ đủ tự do để thành lập công ty.

Brazil, một bộ tộc tiếp xúc với bên ngoài

Mục điểm báo được kết thúc bằng bài viết trong mục khoa học trên tờ Le Figaro về một bộ tộc vừa ra khỏi rừng rậm Amazon để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Một bộ tộc mà trước đây chưa ai khám phá ra đã bị cách ly với xã hội loài người.
Funai (tổ chức của chính phủ chuyên quản lý các vấn đề về dân bản địa) đã gửi nhóm chuyên gia về ngôn ngữ và y tế đến thực địa để phân tích loại ngôn ngữ và phiên dịch để tránh xung khắc với dân chúng gần đó.

Đồng thời, chuyên gia y tế cũng cố gắng bảo vệ cho bộ tộc này tránh các bệnh tật xa lạ với thế giới của họ. Tổ chức Funai ước tính, hiện còn khoảng 70 bộ tộc sống trong rừng rậm Amazon Brazil.


Switch mode views: