Thách thức kinh tế chờ đợi tân tổng thống Mỹ
- Thứ Tư, 07 tháng Mười Một năm 2012 05:38
- Tác Giả: Thanh Hà
« Thắng đã vậy, múa gậy làm sao » ?
Bất luận ứng cử viên đảng Cộng hòa hay Dân chủ trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ 2012-2016, thách thức kinh tế đối với chủ nhân Nhà Trắng vẫn là giải quyết nợ công và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế số 1 của thế giới.
Hơn 200 triệu cử tri Mỹ được kêu gọi đi bầu. Cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi xem ông Mitt Romney hay Barack Obama sẽ là người đứng đầu cơ quan hành pháp Hoa Kỳ.
Bên cạnh cuộc bầu cử tổng thống, cử tri còn bỏ phiếu để bầu lại toàn bộ 435 dân biểu tại Hạ viện, 1/3 thượng nghị sĩ ở Thượng viện, 11 thống đốc của các bang và hơn 6000 dân biểu cấp vùng ở 44 tiểu bang khác nhau.
Bên cạnh những khó khăn thuần túy về kinh tế, tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới còn phải san bằng những bất đồng với Quốc hội lưỡng viện để đẩy mạnh các biện pháp hòng đem lại tăng trưởng và việc làm cho người dân Hoa Kỳ.
Đâu là những thách thức đăng đặt ra cho vị tổng thống có trọng trách lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm sắp tới ?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từng bước trả lời câu hỏi trên.
RFI : Xin kính chào anh Nghĩa. Sau khi kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ được xác nhận tổng thống Mỹ phải làm những gì để giải quyết các vấn đề kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong cuộc tranh cử năm nay, người hạnh phúc nhất là cố vấn chính trị của hai liên danh Dân Chủ và Cộng Hoà vì chỉ có một mục tiêu cụ thể là giúp phe mình đắc cử.
Sau khi thắng cử, người khổ sở nhất chính là cố vấn kinh tế vì "thắng rồi đã vậy, múa gậy làm sao" ? Ngược với ấn tượng của nhiều người, kể cả các ứng cử viên đòi lãnh đạo Hành pháp, tổng thống Mỹ không có toàn quyền về kinh tế hay xã hội.
Quyền hạn Tổng thống bị chi phối bởi Lưỡng viện Quốc hội, Ngân hàng Trung ương và bởi cả tỷ người trên thị trường kinh tế toàn cầu lẫn những chuyện bất lường, theo định nghĩa là bất ngờ nên chả ai đoán trước được. Vì thế, cùng với việc kiểm phiếu sau một cuộc tranh cử quá dài, người ta cần nhìn vào kết quả bầu cử Quốc hội khóa 113, xem đảng nào kiểm soát được Hạ viện và Thượng viện, tới mức độ nào, và có muốn hợp tác cùng tổng thống không? Đó là về bối cảnh hiến chế của nước Mỹ.
Bên cạnh bài toán kinh tế, Hoa Kỳ còn bị khủng hoảng về chính trị vì nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa hai đảng trong Quốc hội khóa 112 và vì khả năng tác động rất thấp của người lãnh đạo Hành pháp. Cho nên, lợi dụng sự lạc quan hồ hởi của dư luận sau cuộc tổng tuyển cử, tổng thống Mỹ chỉ có thể xác định được các ưu tiên về kinh tế xã hội và kêu gọi sự hợp tác của Quốc hội để cấp tốc ban hành biện pháp cứu nguy và thông qua các đạo luật cải cách sau này.
RFI: Đâu là các ưu tiên về kinh tế của người sẽ lãnh đạo Hành pháp Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có thể nhìn ra ưu tiên về thời cơ, hoặc ưu tiên về quan hệ hữu cơ, kể cả tương quan nhân quả giữa các vấn đề.
Về ưu tiên thời cơ thì mùng hai Tháng Giêng tới, là 18 ngày trước khi Tổng thống nhậm chức, kinh tế Mỹ sẽ sụt vào cái hố ngân sách do ách tắc chính trị từ năm 2011. Đó là đạo luật Quốc hội khóa 112 mà Tổng thống Barack Obama phải ban hành hôm mùng hai Tháng Tám năm ngoái.
Trên nguyên tắc, nó mặc nhiên giảm chi ngân sách và đồng loạt tăng thuế, tổng cộng gần 700 tỷ đô la trong năm tới. Cho một nền kinh tế có sản lượng gần 15 ngàn tỷ thì đây là số tiền rất lớn với hậu quả có thể đánh sụt sản xuất cả ngàn tỷ, tùy cách tính. Khi kinh tế còn trì trệ với đà tăng trưởng chỉ có 2% là mừng, thì biện pháp "phản kích thích" ấy lập tức gây ra suy trầm và đẩy mạnh thất nghiệp, điều này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã cảnh báo cách nay hai tuần.
Vì vậy, cùng Quốc hội sẽ mãn nhiệm đầu năm tới và lãnh đạo của Quốc hội mới, Tổng thống tân cử phải dàn xếp giải pháp dung hoà.
Trước hết là hạ mức cắt giảm công chi và tăng thuế xuống chừng 80 hay 100 tỷ để tránh cái họa suy trầm mà bên này gọi là "Tận thế Thuế khóa".
Thứ hai, là nhân cái tuần trăng mật chính trị này mà trấn an thị trường và tranh thủ dư luận để gây lại niềm tin và vận động Lập pháp Mỹ chấp nhận một kế hoạch cải cách toàn diện hầu giải quyết loại vấn đề cực kỳ phức tạp mà tôi gọi là "hữu cơ".
RFI: Còn các vấn đề hữu cơ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008-2009 và tại Hoa Kỳ thì đã chấm dứt vào Tháng Bảy năm 2009 mà chưa hồi phục mạnh, thất nghiệp vẫn mấp mé 8%. Đã vậy, năm tới kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nữa, dù có ra khỏi vực thẳm tài chánh mà ta vừa nói.
Lý do là dù giới tiêu thụ đã tin tưởng hơn, thị trường gia cư và kỹ nghệ xây cất có vẻ khởi sắc sau khi suy sụp trong bốn năm liền, các doanh nghiệp vẫn ngần ngại và thực tế còn giảm đầu tư và tiếp tục thải người trong khi vẫn ngồi trên cả ngàn tỷ đô la mà không dám rớ tới. Nguyên do của tình trạng éo le này là :
- thứ nhất, họ không tin vào mức doanh thu sẽ đạt được như ta đã thấy mấy tuần qua khi thị trường cổ phiếu tuột giá mạnh.
- thứ hai, các doanh nghiệp loại nhỏ và vưa thì e ngại những bất trắc về luật lệ đã dồn dập ban hành trong mấy năm qua, đây là loại doanh nghiệp có khả năng tuyển dụng cao nhất và sẽ góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và nâng cao lợi tức của giới tiêu thụ, tức là nâng cao mãi lực của thị trường.
- thứ ba, quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp không yên tâm về mức bội chi ngân sách quá cao và vay tiền quá nhiều nên có thể đẩy mạnh phân lời trái phiếu, tức là nâng sao phí tổn tài chánh sau này.
RFI : Anh cho rằng nạn bội chi ngân sách và nợ công là một vấn đề quan trọng hàng đầu cho các doanh nghiệp mà tổng thống vừa đắc cử tại Mỹ sẽ phải ưu tiên giải quyết ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Không. Đấy là vấn đề trầm trọng và nan giải, cũng tương tự như những gì ta đã thấy tại Âu Châu và Nhật, nhưng không là trầm trọng nhất. Vấn đề nghiêm trọng là hệ thống kinh tế chính trị không thể giải quyết nổi bài toán này.
Khi kinh tế trôi vào chu kỳ suy trầm thì theo thông lệ, nhằm giảm thiểu hậu quả bất lợi người ta có hai loại biện pháp ứng phó. Về ngân sách là tăng chi hay giảm thuế, về tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền. Hoa Kỳ đã ào ạt tăng chi và bị bội chi hơn ngàn tỷ một năm mà chưa đẩy lui nạn trì trệ, lại còn chất thêm một núi nợ kỷ lục nay đã gần bằng tổng sản lượng cả năm. Khi đó, vì ách tắc chính trị, chỉ còn Ngân hàng Trung ương với biện pháp tiền tệ để cứu nguy. Sau khi cắt lãi suất tới số không, định chế này ba lần bơm tiền với hậu quả là mỗi lẫn làm nguyên nhiên vật liệu, kể cả xăng dầu và thực phẩm, đều tăng giá mà vẫn không có hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng bất thường này là sau mấy chục năm vay nợ quá sức, Hoa Kỳ đến ngày trả nợ. Tư nhân thu vén chi tiêu để trả nợ thì nhà nước phải tăng chi để kích cầu và bù vào sự thiếu hụt đó nên gánh nợ vẫn là mối nguy ở trên đầu vì sẽ ụp xuống cả nước. Y như trong cái "Hố đen" của thiên văn học, kinh tế Hoa Kỳ đang mấp mé hố nợ là nơi mà mọi quy luật kinh tế bình thường đều không có hiệu quả mà chỉ đào sâu khủng hoảng chính trị, tương tự như những gì đã thấy tại Âu Châu và sẽ thấy tại Nhật Bản.
RFI: Trường hợp Hoa Kỳ có giống với Âu Châu hay Nhật Bản chăng ? Nếu cứ tiết giảm bội chi mà không lo cho tăng trưởng thì sản xuất không tăng, lấy đâu ra thuế mà quân bình lại ngân sách?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mỗi người có thể đi vào địa ngục bằng một cửa ! Mỗi quốc gia trong khối công nghiệp hoá có thể bị bội chi và đi vay theo một cách, và bị khiếm hụt ngân sách ở mức độ khác nhau mà nói chung thì nếu quá 90% tổng sản lượng là đều rất khó xoay trở.
Bây giờ, ngần ấy quốc gia lâm nạn đều phải thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm để chấn chỉnh chi thu và xây dựng lại nền móng kinh tế quân bình hơn. Nhưng, có ai đắc cử bằng lời hứa kiêng khem? Cử tri thì chỉ muốn ai đó gánh vác thiệt hại để cho mình vẫn duy trì được mức sống cũ vì vậy mà sau ba năm chật vật, chưa xứ nào thoát.
Nếu so sánh thì dù sao Hoa Kỳ vẫn có nền kinh tế giàu mạnh nhất và nhìn xa hơn thì nền kinh tế thứ nhì thế giới là Trung Quốc thì cũng mấp mé khủng hoảng vì ào ạt bơm tín dụng từ năm 2008 nay cũng mắc nợ mà xấu tới cỡ nào họ cũng chưa rõ.
Trở lại chuyện Hoa Kỳ, tổng thống tân cử sẽ phải thuyết phục được Quốc hội, thị trường và nhất là quần chúng, rằng Hoa Kỳ sẽ phải giảm chi và tăng thuế, tức là chấp nhận khắc khổ trong bốn năm quý, quãng hơn một năm, thì mới có nền móng vững bền hơn cho tương lai.
Tôi nghĩ rằng đấy là một ưu tiên của mọi ưu tiên. Vì nếu không kịp thì qua năm 2014 nước Mỹ lại có bầu cử Quốc hội nữa, là khi mà các ứng cử viên lại hứa hẹn điều viển vông và gây tai họa khác.
Khi đã tạm dựng lại nền móng, tổng thống tân cử phải đề nghị Quốc hội cải tổ toàn bộ chế độ thuế khóa hiện hành, vừa bất công vừa đầy lỗ hổng cho các đại tổ hợp và tỷ phú lách thuế. Đây là nguyên nhân chính khiến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ bị giảm sút từ nhiều năm nay nếu so với các nước công nghiệp hóa khác vì nó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất tân lập với đầy sáng kiến mới. Một dự án nghiên cứu của Đại học Harvard, đã cảnh báo như vậy từ tháng Ba rồi mà các ứng cử viên của cả hai đảng đều tránh nói đến.
RFI : Câu hỏi cuối, thưa anh, còn hồ sơ xã hội nữa. Tổng thống tân cử phải làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi các chính khách muốn moi phiếu của dân thì họ đều nói đến chuyện xã hội, đề tài hấp dẫn mà mơ hồ vì cái gì cũng là xã hội cả.
-Nạn suy trầm và hồi phục èo uột trong ba năm liền khiến lợi tức dân đều giảm và 47 triệu người phải sống nhờ trợ cấp lương thực. Đấy là vấn đề xã hội lệ thuộc vào giải pháp kinh tế ta vừa nói. Hoa Kỳ cũng bị nạn lão hóa dân số dù ít trầm trọng như Âu Châu hay Nhật Bản nhờ có di dân, nhưng gánh nặng hưu bổng và y tế ngày càng cao cũng là vấn đề xã hội vĩ đại mà thế hệ kế tiếp sẽ lãnh vì các chính trị gia của thế hệ này chỉ lo tái đắc cử nên cứ hứa hẹn và dọa nạt lung tung.
Nói về di dân, cánh cửa chính thức ở trên thì bị đảng Cộng Hoà khép lại vì sợ sức cạnh tranh của di dân có chuyên môn cao, trong khi đảng Dân Chủ mở toang cánh cửa bất hợp pháp để hốt phiếu cử tri Latino và thiểu số. Đấy cũng là vấn đề xã hội và chính trị cho một quốc gia hình thành từ di dân mà các chính quyền Cộng Hoà hay Dân Chủ đều muốn giải quyết mà không nổi như ông Bush năm 2005 hoặc chẳng dám như ông Obama suốt ba năm qua dù ông ta rất chú ý đến mục tiêu cải tạo xã hội.
Sau cùng, ngoài hồ sơ hưu bổng, y tế, di dân, Mỹ còn có vấn đề xã hội lau dài là trình độ giáo dục sút kém ở mức trung tiểu học. Ít ai dám rớ tới chuyện này vì thế lực quá mạnh của các nghiệp đoàn giáo chức, nên tương lai nước Mỹ thật ra khó khá!
RFI : Nói chung thì hình như anh không mấy lạc quan về chuyện bầu bán này tại Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được kết luận như thế này thì có lẽ thực tế hơn cả Người ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào tổng thống Mỹ và cứ nghĩ là cuộc bầu cử sẽ giải quyết được vấn đề.
Thật ra, tổng thống chỉ có thể nương theo các thế lực và chuyển động chung quanh để cải tiến được một phần của thực tại là đã khá rồi.
Thứ hai, trong lịch sử Hoa Kỳ từ gần 200 năm nay, đa số tổng thống chỉ được khoảng phân nửa cử tri ủng hộ. Được 60% là cực kỳ hãn hữu và có 18 người đắc cử với số cử tri ít hơn 50%, lần cuối là ông Bill Clinton. Tức là dù hứng khởi đến mấy, ta không nên quên là gần phân nửa cử tri đã chọn người khác và nếu tổng thống có hưởng kết quả bất ngờ thì cũng lãnh hậu quả bất lường của các chính quyền tiền nhiệm, rồi chỉ hai năm sau khi đắc cử là đã nghĩ đến cuộc bầu cử tới. Vì vậy, mọi sự đều chỉ là tương đối thôi, chứ chẳng có gì là đáng lạc quan.
Ban Việt ngữ đài RFI xin cám ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Vào năm 2008 ông Barack Obama lên cầm quyền vào 6,5 % dân số Mỹ trong tuổi lao động không có việc làm. Dưới tác động của khủng hoảng tài chính mùa thu năm 2008 tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng tâm lý 10 % vào tháng 10/2009 trước khi được giảm xuống dưới mức 8 % vào tháng 9 năm nay.
Nếu nhìn vào GDP của Mỹ thì ông Obama bước vào Nhà Trắng trong lúc Hoa Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ năm 1929. GDP của Mỹ đang từ 13 200 tỷ đô la năm 2007 rơi xuống còn có 12 800 tỷ mà thôi. Về mặt chính thức, khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã thuộc về quá khứ, nhưng trong hai năm 2011 và 2012 Washington không thể hy vọng có được tỷ lệ tăng trưởng trên 2 %.
Trong lĩnh vực xã hội, thu nhập trung bình của người dân Hoa Kỳ đã giảm sút trong lúc tỷ lệ người nghèo khó thì lại lên đến 15 %, mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây.
Để khắc phục hậu quả của khủng hoảng nợ công của Hoa Kỳ vốn đã phình trong 8 năm dưới nhiệm kỳ của tổng thống Bush ( 5 700 tỷ đô la vào năm 2000 và 10 600 tỷ đô la vào năm 2008) không ngừng tăng thêm. Hiện tại nợ công của chính phủ liên bang lên tới 16 000 tỷ đô la, và như vậy là đã tăng thêm 51 % trong 4 năm dưới nhiệm kỳ của ông Barack Obama.
Theo một số các nhà phân tích, bài toán kinh tế đang đặt ra cho tổng thống tân cử Hoa Kỳ khá nan giải.
Đành rằng, trong bốn năm qua, tổng thống Obama đã không đẩy lui được thất nghiệp, không bảo đảm được một tỷ lệ tăng trưởng cao cho người dân. Nhưng theo nhận định của tạp chí Anh, The Economist, ít ra Barack Obama cũng đã tránh để kinh tế của nước Mỹ rơi vào vực thẳm.
Tin mới
- Súng - 22/12/2012 08:05
- Biển Đông: Nước ASEAN nào 'thần phục' hay 'thách thức' Bắc Kinh ? - 17/12/2012 23:19
- Học Theo Nước Người - 13/12/2012 20:31
- Bà Hillary Clinton 2016 - 13/12/2012 17:24
- Nguyễn Tấn Dũng quá ngu dốt và gian xảo - 23/11/2012 17:50
- Muốn trở thành lãnh đạo: Không được giỏi - 17/11/2012 23:14
- Uổng Quá Một Tướng Tài - 15/11/2012 16:44
- Dân Mỹ Bầu Cho Ông “Vũ Như Cẩn” - 14/11/2012 00:57
- Tại Sao Obama Tái Đắc Cử Tổng Thống và Romney Lại Thất Cử? - 12/11/2012 01:11
- Nguyễn Phương Uyên Nạn Nhân Trong Trận Đánh “Đồng Chí X” ? - 09/11/2012 17:19
Các tin khác
- Giới trẻ trong cuộc chơi chính trị - 05/11/2012 23:24
- Nhân mùa bầu cử tại Hoa Kỳ: Luật Tự Nhiên - 02/11/2012 21:13
- Bán Nước Xử Yêu Nước - 02/11/2012 06:16
- “Việt Nam tôi đâu?” Câu hỏi của nhiều thế hệ - 02/11/2012 06:03
- Sao Không Xuống Đường? - 01/11/2012 20:31
- Người tài trợ đoạn phim xúc phạm đạo Hồi bị bắt - 02/10/2012 05:57
- Số phận hẩm hiu của các huy chương vàng Trung Quốc - 02/10/2012 05:53
- Sau phép thử Đồng Chiêm - 13/07/2012 09:43
- Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân chưa trấn an được 5 cường quốc nguyên tử - 13/07/2012 09:37
- Thái-Trung xích lại gần nhau - 13/07/2012 09:35