Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lao tiềm ẩn

Ông Ngô Đình Thành, 72 tuổi ở Pennsylvania có câu hỏi về bệnh lao tiềm ẩn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:

Lao tiềm ẩn

 Năm 1976, ông được thử phản ứng lao tố trên da. Người ta cho ông uống thuốc isoniazid (INH) có lẽ vì ông phản ứng dương và không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao (no active tuberculosis), cũng như chụp hình quang tuyến phổi không có gì bình thường. Trường hợp này, chúng ta gọi là bệnh lao tiềm ẩn (latent tuberculosis), như chúng ta đã bàn chi tiết trong hai cuộc nói chuyện trước đây.

Ông đã uống Isoniazid (INH) trong 12 tháng, như vậy là quá đủ so với khuyến cáo chung là 9 tháng, nếu uống đều đặn. Nếu người ta nghi vi trùng lao kháng với Isoniazid thì người ta đã cho ông uống thuốc khác như Rifampin. Nếu ông bị lao hoạt động thật sự (active tuberculosis) thì người ta đã cho ông uống nhiều thuốc hơn.

mau xetnghiem benhlaoMẫu xét nghiệm bệnh lao

Lao tiềm ẩn có nghĩa hệ miễn nhiễm (immune system) người bệnh có khả năng kiềm chế vi khuẩn bệnh lao trong cơ thể mình. Người bị lao tiềm ẩn có nguy cơ biến thành lao hoạt động trong 5-10% các trường hợp, và giai đoạn cơ nguy nhiều nhất là khoảng thời gian 1-2 năm sau khi xảy ra nhiễm vi trùng lao. Dùng INH trong mục đích này làm giảm 90% nguy cơ bệnh lao tiềm ẩn tái phát thành lao hoạt động (có nghĩa là trong 100 người bị lao tiềm ẩn, nếu không can thiệp, có chừng 5-10 người sẽ bị lao bộc phát trở lại; nếu 100 người đó uống thuốc INH, chỉ có không tới 1 người sẽ bị lao tái phát) hoạt động.

Tuy nhiên do uống thuốc trong thời gian khá dài và một số phản ứng phụ của INH, người ta ước tính có chừng 50% bệnh nhân uống thuốc đầy đủ. Riêng cho bệnh nhân trên 12 tuổi, có thể áp dụng "12 dose regimen". Bệnh nhân uống hai thuốc INH và Rifapentine, mỗi tuần chỉ một lần, trong ba tháng, tất cả chỉ 12 liều thuốc.

Thường, sau khi đã thử lao tố (TST, tuberculin skin test) và phản ứng dương (positive reaction), người ta không thử TST lại nữa. Dù đã chữa trị bệnh lao đàng hoàng, phản ứng dương vẫn tồn tại như thường. Có nguy cơ phản ứng mạnh hơn trước và làm thẹo chỗ thử.

Một số người thử lại TST (vd do nghề nghiệp bắt buộc), và thấy phản ứng yếu hơn nhiều (vd trước đây da sưng cứng [induration] 15mm, nay còn 7 mm) và được xem là âm tính. Tuy nhiên, để xác định xem người có có thật sự âm tính hay không, người ta dùng phương pháp "hai bước' (two-step testing). Sau khi test một lần, 1-2 tuần sau test lại lần nữa. Nếu người bệnh đã từng bị lao thật sự, nhờ tác dụng "boosting" của lần TST đầu, cơ thể được nhắc lại cho nhớ, và phản ứng đúng mức với tuberculin.

Ngoài TST, có thể dùng thử nghiệm máu interferon gamma release assays (IGRAs) để xác nhận bệnh lao thật, để loại bỏ các trường hợp TST dương do chích BCG, hoặc do những vi khuẩn trong môi trường không gây bệnh lao nhưng lại ảnh hường đến phản ứng lao tố.

Tóm lại, nếu người từng có phản ứng lao tố dương được thử TST lại, TST cũng sẽ dương như cũ, dù là có chữa thuốc chống lao hay không. Bệnh lao tái phát trong một số hoàn cảnh do hệ miễn nhiễm của cơ thể yếu đi. Thuốc INH uống làm giảm khả năng bệnh tái phát chừng 10 lần. Trong một số ít trường hợp, người từng bị lao, đã chữa dứt bệnh (cured), có thể bị nhiễm một đợt vi khuẩn lao mới, khác với lần trước.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Switch mode views: