Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những mảnh đời trôi nổi của người Việt ở Hố Lương, Kampuchia

vk kampuchea 1Một em bán hàng rong trên bến phà Neak Leoung (RFA)

Hẳn quí vị còn nhớ trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần trước, một em gái nhỏ trong nhà an toàn của OBV ở Arey Kasth, tức Bãi Cải bên kia bờ Mekong của thủ đô Phnom Penh, kể rằng nhà của em ngày trước bị con nước lớn cuốn trôi nên ba mẹ phải lên Arey Kasath kiếm sống.

Chỗ em nói tới chính là Nek Leong, hay Hố Lương gọi theo tiếng Việt, thuộc tỉnh Prey Veng, cách Phnom Penh  bốn giờ đường xe chạy, trước khi băng qua bến phà Nek Leong để tới  khu vực nằm dọc theo Quốc Lộ Một của Kampuchia chạy thẳng về biên giới Việt Nam.

Trôi nổi nơi đất khách quê người

Tại Hố Lương, nhiều người Việt Nam, bây giờ được gọi là người Khmer gốc Việt, tuy đã sống ở chốn này gần bốn năm thế hệ nhưng mãi vẫn là những người gạo chợ nước sông, không có giấy tờ cũng không có quốc tịch.

May mắn làm sao, Hố Lương cũng là một họ đạo bao gồm sáu giáo điểm:

Giáo xứ Hố Lương là giáo xứ lớn, sau đó trên Quốc Lộ Một đi về Việt Nam thì có Konduck  là một giáo hội nhỏ của người Kampuchia, sau đó nữa tới tỉnh Xoài Riêng cũng có họ đạo Bavet  khoảng chừng hai ba chục gia đình. Dài cho tới biên giới Việt Nam ở Mộc Bài thì có bốn năm chục gia đình đang sắp sửa xây nhà thờ. Sau đó có hai nơi nữa là con đường Sông Bé đi về Hồng Ngự, dọc đường đó hai giáo họ nhỏ. Một giáo họ tiếng Kampuchia gọi là Katlen,  nhưng tiếng Việt gọi là Cả Cùm, rồi một họ nữa cũng vừa mới được xây một nhà thờ nhỏ nhỏ nằm tuốt ở phía biên giới gần Cả Xách, tên Việt Nam, giáo xứ đó gọi là giáo xứ An Nhơn, tiếng Kampuchia gọi là Kossom Speu, ở đó có ba bốn chục gia đình sống dọc bờ Sông Bé.

Hàng tuần tôi phải chạy xuống mỗi Chúa Nhật ba nơi, có chỗ hai tuần một lần.

vk kampuchea lm paulhoangLinh mục Paul Hoàng quản nhiệm nhà thờ Thánh Giá Hồ Lương và 5 giáo điểm khác thuộc Neak Leoung tỉnh Svey Reng. RFA

Đó là linh mục Lay Paul, cha Paul Hoàng, linh mục Triều của Giám Quản Tông Tòa, còn gọi là Phủ Doản Tông Tòa  địa phận Kampong Cham:

Tôi là người Kampuchia duy nhất gốc lai Tàu và lai Việt ở địa phận Kampong Chàm nói chung. Năm 2005 tôi được đi Tây học cho đến 2009 thì về và cuối 2009 thì Đức Cha bài sai về đây, phụ coi sáu giáo điểm mà lớn nhất chỗ tôi ở là Nek Leong, Giáo Xứ Thánh Gia Hố Lương đó.

Hiện cộng tác với tôi thì có được hai xơ của Mến Thánh Giá ở Chợ Quán của Việt Nam gởi qua giúp, và cũng đang xin thêm hai xơ nữa, cũng từ Mến Thánh Giá của Chợ Quán Việt Nam, đến thêm một hai nơi nữa để giúp việc đạo và việc đời, việc xã hội, giúp các em đi học, giúp những người nghèo và bịnh tật trong làng.

    Nghèo và không có tương lai thì không thể tránh được chuyện đi khỏi làng khỏi xóm để kiếm việc mà có khi lại rơi vào những cạm bẫy xã hội vốn đầy dẫy bên ngoài, điển hình như những quán cà phê, sự thực là quán gái, nơi rất chuộng các thiếu nữ Việt Nam

Nơi Thanh Trúc gặp linh mục Paul Hoàng là nhà thờ Thánh Gia Hố Lương. Từ những năm 80, Hố Lương đã có một nhà thờ nằm ngoài bờ sông, sau bị chính quyền giải tỏa phải dời vào trong này và trở thành nhà thờ Thánh Gia Hố Lương khi được xây lên năm 1996:

Mình gọi giáo dân người Kampuchia gốc Việt tại vì họ đã bốn năm đời ở trên này rồi mà họ vẫn chưa có quốc tịch Kampuchia. Nói chung họ kém may mắn hơn là thứ nhất họ không có đất đai và không có quyền sở hữu đất đai. Có một số nơi như Cả Kùm, An Nhơn, ban đầu họ khai thác đất cũng được vài ba công vài ba hectares, sau rồi năm 93 bị lấy hết cho nên bây giờ các nơi có cộng đồng người Việt ở là họ không có đất đai, họ chỉ đi làm hồ hay là mua bán nhỏ nhoi, bán cà phê bán cơm mỗi ngày ở chợ hay đi làm thuê làm mướn nhiều hơn.

Từ nhà thờ Thánh Gia Hố Lương đi sâu vào trong là một một làng gồm sáu ấp, trong đó Ấp Sáu mà quí thính giả cùng Thanh Trúc sẽ đến là ấp nghèo nhất :

Nói đến tương lai thì mình cũng hy vọng phần nào tại vì Giáo Hội cũng có chương trình và chiều hướng là giúp các gia đình đó hội nhập, có nghĩa là cho các em nhỏ được đi học ở trường nhà nước Kampuchia. Hiện tại tôi cũng đã giúp được ba bốn chục em tổng cộng, một số gởi đằng này một số gởi đằng kia, một số xin làm con nuôi của người Khmer để được giấy khai sanh để có thể học đến Cấp Hai Cấp Ba. Sau đó nếu học giỏi thì cho nó đi đại học. Mình đã có được hai em ở trong làng đi đại học, ngoài ra số đông các em đang mới Cấp Một hay Cấp Hai thôi.

vk kampuchea 2Người Việt ở Ấp Sáu, Hố Lương tức Neak Leoung. RFA

Nghèo và không có tương lai thì không thể tránh được chuyện đi khỏi làng khỏi xóm để kiếm việc mà có khi lại rơi vào những cạm bẫy xã hội vốn đầy dẫy bên ngoài, điển hình như những quán cà phê, sự thực là quán gái, nơi rất chuộng các thiếu nữ Việt Nam:

Một số em thanh niên mà chạy đi Nam Vang, đi bán cà phê hay làm thuê làm mướn trong các quán gái núp bóng dưới những hình dạng khác, cũng có thể có một số ít mà mình không rõ được.

Ở đây nói riêng về giáo dân thì họ nghèo khổ nhưng họ vẫn đi làm thuê làm mướn, họ đi làm việc nhà cho người khác hoặc là họ bán buôn nhỏ nhoi.

Vậy thì tại Nek Leong hay Hố Lương này, cũng như những cộng đồng dân cư gốc Việt rải rác khắp nơi trên đất Kampuchia, học hành là con đường và là hy vọng duy nhất để thoát khỏi hiện tại đói và nghèo:

Về mặt giáo dục thì mình cố gắng hết sức để giúp các em đi học, có nghĩa là học chương trình Kampuchia để sau có thể học nghề hoặc học lên cao nữa. Rồi mình có mở được cái trường nhỏ, trường Mẫu Giáo Kampuchia đó, khuyến khích cha mẹ cho các em đi trường Mẫu Giáo của mình. Cái ước mong cái chiều hướng, của cả giáo phận chứ không phải chỉ riêng ở đây, là giúp cho các em trong làng thoát đi cái dân trí thấp. Dân trí thấp thì xảy ra đủ thứ tệ đoan  xã hội hết.

Một số các em thanh niên, những em nào có thiện chí học nghề, thì mình cố gắng xin chỗ này chỗ kia để gởi  cho nó đi học nghề.

Ngoài lãnh vực hỗ trợ giáo dục, những công tác xã hội mà  nhà thờ Thánh Gia Hố Lương đã thực hiện được là:

Về mặt xã hội thì khi nước lên nhiều, nước lớn, tôi cũng đi xin chỗ này chỗ kia để phát gạo cho họ ăn đỡ đói.

Từ khi về đây thì tôi làm được một đường cống 200 mét, đường cống lớn để thoát nước xài mỗi ngày. Bà con trong xóm này mỗi lần mưa xuống họ phải lội nước tới đầu gối, nước dơ bẩn lắm, làm được cái đường cống thì dân cũng mừng.

Nhà thờ Thánh Gia Hố Lương và linh mục Paul Hoàng cũng thành lập  được cho giáo họ Nek Leong ở đây  một nhóm thanh niên hàng tháng đi thăm giúp các hộ nghèo. Nhà thờ có một xe tang và một nhóm đạo tì, khi một nhà nghèo trong xóm có người thân qua đời mà không có khả năng chôn cất thì nhà thờ giúp chuyên chở, lo thủ tục tang ma và an táng:

vk kampuchea 3Quang cảnh Ấp Sáu, một ấp nghèo ở Hố Lương. RFA

Mình có mua được miếng đất thánh tuốt dưới kia khoảng năm sáu cây số, tạm ổn có nơi chôn cất. Phần đông  người Việt ở đây không thích thiêu đốt cho nên có được miếng đất đó cũng đỡ. Với có cái xe như nhà quàn, ai nghèo thì nhà thờ giúp không lấy tiền, chỉ đổ dầu đi thôi.

Giờ thì quị vị đang cùng linh mục Paul Hoàng bước vào Ấp Sáu ở Hố Lương. Nhà cửa ở đây xây cất sơ sài, bằng tôn và bằng gỗ, phần lớn kiểu nhà sàn phòng khi con nước lên cao từ sông tràn vào.

Trẻ con mũi giải lòng thong, chân đất, trần trụi, chơi đùa dưới nắng:

Chị có mấy đứa con?

Hai đứa, ở đây từ hồi đó tới giờ.

Hàng quán của chị đây hả?

Của mẹ con

Sao không có cửa nẻo gì hết?

LM Paul Hoàng: Ở đây đâu có cần cửa!

Nhiêu đó thì tính nhiêu đó, có tiền đâu mà làm thêm. Đêm thì mình ngủ ở trên, sập cửa này xuống.

    Khoảng chừng ba bốn trăm gia đình, giấy tờ nói chung là giấy cầm tay, giống sổ gia đình, như là tạm trú chứ không phải chính thức. Không được giấy chứng minh nhân dân đâu, chỉ là giấy tạm trú là người Việt Nam ở trên đất nước Kampuchia thôi, chưa cho mình là người Kampuchia

    Một người dân

Khoảng chừng ba bốn trăm gia đình, giấy tờ nói chung là giấy cầm tay, giống sổ gia đình, như là tạm trú chứ không phải chính thức. Không được giấy chứng minh nhân dân đâu, chỉ là giấy tạm trú là người Việt Nam ở trên đất nước Kampuchia thôi, chưa cho mình là người Kampuchia.

Em là người Việt Nam, 79, 80 là tới trên này đến giờ đó, năm bể Pol Pot tới giờ đó. Nói chung gia đình dưới Việt Nam không đủ khả năng sống thì chạy.

Nghề nào cũng không chê?

Lên đây sống đỡ hơn Việt Nam hay sao?

Đỡ hơn Việt Nam. Tại hồi đó ở Việt Nam mình không có gốc gác, không có đất có cát gì để làm ruộng làm rẫy, rồi cứ bôn ba đi chỗ này chỗ kia xứ nào sống được thì sống. Lên đây sống được sống được, nhà cửa đâu đó đàng hoàng.

Anh làm nghề gì?

Làm đủ chuyện, làm hồ, cất nhà, đi kéo lưới. Ở dưới đây nếu có chuyện làm thì làm, còn không có chuyện làm thì đi Phnom Penh, cũng làm hồ, bốc vác, chạy xe Honda ôm. Con gái thì đôi lúc địu bánh mì đi bán, bán nước suối ở bến xà lam.

LM Paul Hoàng: Mấy em nó cần phải đi giúp cha mẹ để kiếm ăn mỗi ngày chớ. Có khi nó chạy ra tuốt ngoài bến phà bán buôn. Giờ thì hơi đỡ hơn trước là cũng có khuyến khích một số đông được đi trường.

Bà Hai, làm nghề cạo gió, chừng sáu mươi ngoài mà trông hom hem như một bà già tám mươi:

Bà hai ở đây chắc lâu lắm rồi hả bà Hai?

Lâu rồi, mấy chục năm nay rồi, bốn chục năm rồi đó.

Ở Việt Nam quê bà ở đâu?

Ở Đồng Tiến mình, Đồng Tháp đó. Hai đứa con mà có một thằng nó khùng khùng điên điên nó đi hoài, nó cũng ba mấy tuổi rồi.

    Làm đủ chuyện, làm hồ, cất nhà, đi kéo lưới. Ở dưới đây nếu có chuyện làm thì làm, còn không có chuyện làm thì đi Phnom Penh, cũng làm hồ, bốc vác, chạy xe Honda ôm. Con gái thì đôi lúc địu bánh mì đi bán, bán nước suối ở bến xe lam.

    Một người dân

Làm nghề cạo gió có đủ sống không?

Bữa có bữa không, nhà dột lên dột xuống rồi nè.

Bà Hai chắc ở đây luôn, không về Việt Nam nữa?

Không có tiền về chi dưới, ở đây luôn rồi.

Từ Hố Lương đi xa hơn nữa, vẫn trên Quốc Lộ Một, sẽ tới cửa khẩu Mộc Bài, nơi có nhiều song bạc và nhiều người Miên gốc Việt ở miết dưới của Hố Lương sống nhờ vào đó.

Sòng bài hay casino, linh mục Paul Hoàng nói tiếp, là hai mặt của một vấn đề:

Casino ở Mộc Bài có nhiều lằm chứ không phải một đâu, cả chục cái lớn dạng quốc tế. Theo luật pháp thì người Kampuchia hay người bản xứ ở đây không được phép vào, chỉ người có passport như người Việt từ bên Việt Nam sang thì vào được.

Ảnh hưởng tới đời sống của người dân ở đây thì khi có sòng bạc là có tệ nạn xã hội. Ở đó có xảy ra tự tử, có xảy ra người đàn ông đi chơi hay là phụ nữ đi chơi thua rồi gọi là bán thân năm bảy ngàn gì đó, người ta nhốt đó rồi chờ gia đình lấy tiền lại chuộc vân vân…

Nhưng mà casino sự thật ra một mặt nó cũng có lợi là họ xài công nhân nhiều. Thí dụ dưới đó ít nhất không tới ngàn thì cũng vài trăm công nhân. Hoặc là mỗi casino ít nhất cũng phải một hai trăm công nhân. Có người chia bài ,có người gác cổng, có người coi nhà đèn. Cho nên cũng có một số việc cho những người địa phương.

Nhưng nghe nói người địa phương vẫn vào chơi được thì cái đó là dấu chỉ không tốt. Mà thật ra khi họ mở casino thì họ thu hút khách nước ngoài, các cái bán buôn khác họ cũng mua bán được. Đây thì xa quá, ở tỉnh Xoài Riêng, Svey Rieng, thì thanh niên họ dồn đi xuống đó. Một phần dưới Mộc Bài có casino và cũng có thêm cái chú ý lớn là các hãng xưởng các công ty ở đó, họ dùng tới mười mấy ngàn công nhân ở dưới đó. Có công ăn việc làm đỡ hơn là không có, vậy thôi.

Cuộc sống của người Việt ở Kampuchia, hoặc người Miên gốc Việt ở Xứ Chùa Tháp, những người không có quốc tịch, không có giấy tờ, không có đất đai, là cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có lối để thoát ra hay vươn lên khỏi cảnh túng đói.

Đó cũng là trách nhiệm tinh thần, là chiều hướng thay đổi và con đường đến cùng kẻ khó mà giáo hội Công Giáo Kampuchia và những vị chủ chăn phải đảm nhiệm, phải dấn thân vài năm trở lại đây.

Switch mode views: