Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sài Gòn, chuyện của người đàn bà mua ‘đồ sắt cũ’


saigon xaydung
Những nơi có xà bần xây dựng thường có bán sắt cũ. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Sau những ngày mưa bão đổ vào thành phố, người ta lại đua nhau mua bán hàng hóa. Rất nhiều người chạy xe ba bánh và rao lớn bằng cái loa nhỏ gắn bên hông xe. Họ không thể rao bằng miệng trong một thành phố quá đông đúc và ồn ào được.

-Mua xe đạp cũ, xe máy, tivi, tủ lạnh ổn áp…

Nghĩa là trong nhà có vật dụng gì cũ, không dùng tới đều có thể bán được cả. Ve chai mua về chỉ cân ký. Còn người chuyên mua đồ cũ, tùy theo mức độ hư hỏng mà sửa sang bán lại cho người nghèo dùng. Dĩ nhiên họ phải biết coi giá trị món hàng còn bao nhiêu phần trăm thì mua đi bán lại mới có lời.

Đặc biệt thỉnh thoảng xuất hiện một người phụ nữ chuyên làm công việc dường như dành riêng cho nam giới ấy. Chị ta mặc đồ trắng, đội nón lá, đeo khẩu trang che mặt kín mít cả hai bên gò má, để tránh cái nắng gay gắt của thành phố Sài Gòn.

Thay vì chạy xe gắn loa rao thì chị ta vừa đi bộ vừa rao lanh lảnh, tiếng chị như thanh la như tiếng con ác là vang cả khu phố. Một thân một mình với tiếng rao mua đồ sắt gia dụng của chị vẫn vang vang khắp các ngõ ngách đường phố.

Đó là một người đàn bà trắng trẻo, mặt như luôn tái nhợt vì mệt trong bước đi bộ chậm rãi. Bao nhiêu lần tôi định hỏi han về gia đình và việc buôn bán đặc biệt này. Một người đàn bà ốm yếu lại làm việc trong lãnh vực đồ vật nặng bằng sắt như thế.

Thường thì khoảng ba giờ chiều, chị đã cất tiếng rao lanh lảnh từ xa ở góc đường đi vào xóm. Tiếng rao thật quen thuộc nhưng lại quá xa lạ.

-Mua giường sắt, tủ sắt, bàn sắt, xe cũ, mua xác nhà, mua lư đồng…

Tiếng rao lớn cứ lập đi lập lại cho tới khi chị ta đến gần nhà tôi. Tôi gọi chị quay lại. Lúc này nắng như thiêu đốt, chị ta vừa đứng lại đã giở chiếc nón lá ra quạt lia lịa để đỡ cơn nóng của buổi chiều đầu mùa khô.

Tôi nói: Tôi có vài món đồ sắt và gỗ muốn bán.

Chị ta tươi cười vì thấy có vẻ trúng mối: Chú bán món gì.

Tôi trả lời: Tôi mời chị vô nhà xem. Tôi có một chiếc xe tủ kiếng bán đồ ăn còn mới.

Chị ta hơi miễn cưỡng vào nhà vì chỉ muốn mua đồ sắt hơn tủ kiếng. Chị có vẻ thạo nghề nên liếc qua coi rất nhanh rồi quay sang nói: Tôi đi mua đồ sắt cũ. Chiếc xe này mới đóng, còn mới nên giá phải cao. Tôi chỉ mua hàng cũ giá rẻ thôi.

Tôi lại hỏi: Chị có mua đồ bằng cây lâu năm không? Tôi có cái rương vài chục năm bằng gỗ tốt để trên gác.

Chị ta vui vẻ bắt lời ngay: Cho tôi lên coi.

Con trai tôi dẫn đường cho chị. Cả hai cùng bước lên cầu thang gác hẹp.

Tôi nói: Chị nắm chặt cầu thang. Trời mưa dột nên hơi trên trợt lắm chị cẩn thận bước kẻo té.

Chị mua đồ sắt có lẽ quá quen thuộc vào những gian nhà chật hẹp như thế này để mua đồ cũ rồi.

Tôi có hai cái rương giống y nhau. Một cái đựng sách vở, còn cái kia để ở dưới bàn thờ ông bà cha mẹ. Chiếc rương gỗ kiểu cổ, cũ kỹ từ trước 75 lâu ngày không ai mở ra, cũng chẳng lau chùi bụi bám xỉn màu, ống khóa hen rỉ, cũng không biết bên trong có mối mọt gì ăn chưa, nhưng chị ta có vẻ hài lòng đúng món hàng buôn bán nên ngồi thụp xuống ngay xem xét.

Chị nói cái rương chừng năm tấc nhưng tôi bảo nó lớn hơn nhiều. Chị ta đưa tay sờ chiếc rương coi chất liệu gỗ. Chị xem kỹ trên nắp và hai bên cạnh rương vì để lâu nên cát bụi và mạng nhện nhiều, đưa bàn tay ra đo ước bề ngang bề dài. Một lát chị đứng lên ra vẻ đã coi xong.

Chị vừa đi xuống cầu thang, nói: Cái rương này mua bảy chục ngàn. Dưới nhà có cái bàn gỗ ăn cơm mặt tròn xếp hai mặt kiểu xưa. Nếu bán thì tôi cũng mua.

Tôi hỏi: Đồ sắt nặng quá làm sao chở về? Chị mua rồi sang hàng lại cho người ta phải không?

Chị ta trả lời: Mua hàng xong nếu nặng thì tôi gọi cho người đem xe tới chở. Tôi có cửa hàng buôn bán đồ sắt ở dưới chân cầu chữ Y có nhiều người làm công giúp việc.

Tôi hỏi: Chị làm nghề này lâu chưa?

Chị ta đáp: Tôi làm nghề buôn bán đồ sắt này đã hai mươi bảy năm rồi. Trước đây tôi có một đứa con trai bây giờ đã có vợ ba con rồi. Chúng giúp tôi coi sóc cửa hàng.

Tôi lấy làm ngạc nhiên: Có cửa hàng mà vẫn đi mua rong à? Về cái rương chị trả bao nhiêu cũng được. Tôi thấy chị đi ngang qua đây luôn.

Chị gật đầu: Phải, tôi hay đi ở đây lắm. Khu này nhà cửa san sát, người ta bán đồ cũ nhiều hơn những khu sang trọng. Tuy có cửa tiệm nhưng tôi vẫn phải tự đi mua hàng vì không phải ai cũng biết định giá đúng món hàng để về bán lại có lời. Kinh nghiệm lâu năm chứ không thì dễ lỗ như chơi. Ngay cả con trai tôi cũng chưa biết định giá. Vả lại đây chỉ là những món hàng cũ, tiện ve chai đi ngang thì người ta bán cho đỡ chật nhà chứ đâu có ai tìm đến tận cửa hàng đồ cũ để bán.

Chị ta nhân thể ngồi nghỉ chân một lúc và cũng đã mua được một món hàng nên sẵn sàng mở lòng kể chuyện.
“Đây là nghề cuối cùng của tôi. Tôi làm đủ mọi nghề từ sau 75. Lúc đó khắp thành phố xông ra ngoài buôn bán kiếm ăn.”

Phải, thời đó khó khăn. Nhà có cái mái tôn cũng gỡ xuống mang bán mua gạo.

Chị ta nói tiếp: “Đầu tiên tôi đi buôn hàng ta viện trợ như đậu, vải, thuốc men… Sau đó lên Long Khánh buôn lậu café đem về Sài Gòn bán kiếm lời, có lúc đi bán thuốc lá điếu của người bạn sản xuất tại nhà. Mỗi ngày bán vài chục cây cho bạn hàng ở chợ Bình Tây. Nghề gì kiếm ăn được thì cứ xông vào làm thôi. Có lúc bán cả trầu cau ở Chợ Lớn cho người ta mua về làm đám cưới.

Ông xã tôi đi rong tìm mua đồ cũ. Một thời gian dài tôi đi theo nên học được nghề. Sau này chia ra, tôi đi gần quanh quẩn trong thành phố, còn ông xã đi xa ra xuống tỉnh. Đi ngày càng xa, càng dài ngày rồi không thấy về nữa. Không biết có vợ bé hay tai nạn chết ở đâu mà tìm kiếm hoài không thấy tung tích.”

Tôi giới thiệu: Cuối hẻm có căn nhà sắp đập đi xây lại. Chị có thể tới mua xác nhà.

Mua xác nhà có nghĩa là mua các thứ có thể gỡ được từ căn nhà phá ra như sắt thép gỡ ra từ xà bần hoặc tôn cũ, cột gỗ…

Chị ta đứng lại trước cửa dường như lâu lắm rồi ít khi nói chuyện nhiều với ai.

Tôi liên kết với người mua nhà đất. Khi họ giở nhà thì mình gom hết các vật bằng sắt mà mua. Cũng có khi tôi giới thiệu cho người khác mua xác nhà để ăn hoa hồng, hoặc họ trả tôi mỗi ngày năm trăm ngàn công đứng trông coi thợ giở nhà. Sắt thép để riêng, gỗ để riêng… Cuối cùng chỉ còn xà bần mang đổ thôi.

Quả ngay cả những thứ tưởng chừng bỏ đi vẫn có thể mua bán được. Tấm kính, khung cửa… mang về cho thợ trau chuốt lại mang bán giá rẻ thì các gia đình nghèo mới có thể sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ đạc được.

Anh hàng xóm tôi làm trong trường học. Mỗi tuần đều có mấy người đi mua đồ vụn ghé lại gom hàng . Đồ đạc học sinh bỏ quên rất nhiều: bút, thước… cả điện thoại, cứ bán cho các người mua hàng đó giống như bán cho người mua ve chai vậy. Mỗi tuần chịu khó gom rác nhà trường bán lại cũng được vài trăm. Thật là thời buổi khó khăn nảy ra nhiều nghề lạ.

Tôi hỏi: Bữa nay trời nắng quá, chị có mua đồ được nhiều không?

Chị ta cười nói: Cũng được vài món thôi. Người khôn của khó. Lúc này quá nhiều người đổ xô đi mua đồ sắt cũ nên có món nào bán, người ta mua ngay rồi.

Lúc này có hai, ba chiếc xe ba bánh của mấy chị em Bình Định đậu chùm nhum lại chật cả đường. Họ cùng quê vào Nam buôn ve chai gặp nhau trên đường hàn huyên kể đủ thứ chuyện từ đời sống đến ăn ở buôn bán thật rộn ràng.

Chị gật đầu chào tôi rồi đi. Tôi gặp dịp tiếp xúc với người phụ nữ làm nghề đặc biệt này chứ bán cái rương lâu năm của bà chị đã mất lấy bảy chục ngàn chỉ đủ vài ly café vỉa hè thì có bao nhiêu.

Tôi hỏi người đàn bà ấy: Chị rao lớn quá giữa trời mưa nắng có mệt không? Tôi thấy như thế còn mệt hơn các cô giáo rao bài trên bục giảng.

Chị giãi bày: Mệt nhưng rao nhỏ ai mà nghe. Nghề nào chẳng nguy hiểm. Hễ về nhà rồi thì nằm sải tay có lần khạc cả ra máu. Bác sĩ bảo cổ họng tôi bị nhiễm trùng, cả phổi cũng bị viêm phế quản phải nghỉ mất một thời gian. Nghề này bắt buộc mình phải khuân vác, vật nặng sắt nhọn trầy cả tay và đau nhức cả người luôn. Tuy nhiên theo nghề rồi chẳng lẽ bỏ thì sống bằng gì.

Chị ta nói rồi quay đi, một tay vác chiếc rương gỗ trên vai, chắc quen rồi, trông không có vẻ nặng trĩu mấy. Ra ngoài đường lớn, chị sẽ gọi điện thoại cho người tới chở rương về nhà. Đi được một quãng, tiếng rao hàng của chị lại vang lên: Tủ sắt, bàn sắt, đồ bán không…

Cho tới khi khuất dạng thì tiếng rao đó mới im hẳn. (Duy Thức)

Switch mode views: