Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-07-2016

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và « nền dân chủ chuyên chế »
turkey-security 6


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (MGK), Ankara, ngày 20/07/2016.
Kayhan Ozer/Presidential Palace/Handout via REUTERS

« Nền dân chủ chuyên chế » (Démocrature) là cụm từ mà Le Monde dùng để chỉ chế độ mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập sau cuộc đảo chính ngày 15/07/2016.

 Chỉ sau một đêm, bộ mặt Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi. Le Monde cho biết báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thân chính quyền đang nói đến « một nước Thổ Nhĩ kỳ kiểu mới », kết hợp quan điểm Hồi giáo bảo thủ với chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Lần đầu tiên trở về Ankara sau vụ đảo chính hụt của quân đội, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng.

Sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, ông giải thích biện pháp này sẽ cho phép « loại trừ các mối đe dọa đang đè nặng lên nền dân chủ, nhà nước pháp quyền và tự do của các công dân ».
Ông Erdogan cho rằng mưu toan đảo chính vẫn chưa kết thúc, vì thế tình trạng khẩn cấp sẽ tạo điều kiện để « nhanh chóng trừ khử mọi thành viên của các nhóm khủng bố có liên quan » để bảo vệ nền dân chủ.

Tổng thống Erdogan cũng khẳng định sẽ không có bất cứ thoả hiệp nào với phe đảo chính và ủng hộ đề xuất khôi phục án tử hình.
Le Monde cho biết vụ thanh trừng mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ, với 55.000 người bị bắt, bị quản thúc hoặc bị cách chức, đang khiến ông Erdogan bị cộng đồng quốc tế lên án.

Ông Erdogan đã yêu cầu ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault không can thiệp vào chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó ngoại trưởng Mỹ tỏ ra ủng hộ ông Erdogan khi từ chối lên tiếng bàn luận về vụ thanh trừng.

Sau khi được ban hành, tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông Erdogan thông qua các luật mới, hạn chế quyền tự do của dân chúng.

 Theo nhận định của Le Monde, ông Erdogan sẽ « rảnh tay » để thực hiện quyền lực « siêu tổng thống » mà ông ấp ủ bấy lâu nay.
 Được phe đối lập ủng hộ và phe vốn ủng hộ ông ca tụng, thắng lợi của tổng thống Erdogan trong vụ đảo chính bất thành của quân đội đã giúp ông chiếm được cảm tình của rất đông đảo dân chúng.

Le Monde nhận định, chỉ sau một đêm, bộ mặt Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi. Quân đội đã mất uy tín. Và việc quân đội bị suy yếu sau cuộc thanh trừng do 1/3 số tướng lĩnh đã bị loại trừ khỏi hàng ngũ lại đặt ra câu hỏi : Liệu nước này còn có khả năng triển khai các chiến dịch chống khủng bố trong cuộc đấu tranh chống lực lượng nổi dậy của đảng Lao Động người Kurd PKK và chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hay không ?

Khủng bố ở Nice : Bộ trưởng Nội vụ gặp khó khăn

Liên quan đến tình hình nước Pháp sau khủng bố, nhật báo Les Echos cho biết hôm qua 21/07/2016, Quốc hội Pháp đã thông qua luật gia hạn tình trạng khủng bố đến hết tháng 01/2017 theo đó các biện pháp khám xét lại được tái thiết lập, các khu vực tôn giáo có thể bị đóng cửa nếu có hiện tượng kích động thù hận, bạo lực hay ca tụng khủng bố.

 Việc tụ tập đám đông mà an ninh không được đảm bảo sẽ bị cấm.Việc kiểm tra danh tính, lục soát xe hơi và hành lý không nhất thiết phải có lệnh của cơ quan công tố.
Trong khi đó, Les Echos nhận định bộ trưởng Nội Vụ Pháp đang gặp khó khăn khi phải chứng minh là đã triển khai đầy đủ lực lượng cảnh sát và các biện pháp bảo vệ lễ hội mừng Quốc Khánh ở Nice, đồng thời xóa tan nỗi ngờ vực về vai trò đảm bảo an ninh của Nhà nước.

Trong một thông cáo phát đi ngày hôm qua 21/07/2016, bộ trưởng Cazeneuve khẳng định « lối vào từ Prom’party tới khu vực dành cho người đi bộ trên Đại lộ La Promenade des Anglais được chặn đường để đảm bảo an ninh » và đã ra lệnh cho IGPN (tức "cơ quan Cảnh sát của Cảnh sát") tiến hành điều tra, sau khi có thông tin cáo buộc là lối vào này đã không được cảnh sát bảo vệ.

Tổng thống Hollande hiện đang có chuyến thăm Dubai hứa sẽ làm « sáng tỏ sự thật » và ủng hộ quyết định điều tra của bộ trưởng Nội Vụ.

Amnesty tố giác nhà tù bí mật tại Ukraina

Liên quan tới nhân quyền, từ Kiev, Libération cho biết tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty tố giác một nhà tù bí mật tại Ukraina. Amnesty phỏng đoán là nhà tù bí mật nằm trong trụ sở của cơ quan an ninh Ukraina.

Ông Denis Krivosheev của tổ chức nhân quyền Amnesty tại châu Âu và Trung Á đã trình lên tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch một bản báo cáo về việc giam giữ tùy tiện và các vụ tra tấn có liên quan tới xung đột tại Donbass, do cả hai phe tại Ukraina tiến hành.

Theo các tổ chức nhân quyền, vào lúc cao điểm khi mâu thuẫn tăng cao, có tới 70 người bị giam giữ tại nhà tù bí mật này.
Chưởng biện lý Ukraina đã đảm bảo với các tổ chức nhân quyền là một cuộc điều tra đang được tiến hành và sẽ cho phép bác bỏ thông tin sai lệch về nhà tù bí mật này.

Khí hậu nóng kỷ lục trong 8000 năm qua

Chuyển sang chủ đề khí hậu, Libération nhận định khí hậu Trái Đất chưa nào giờ ấm lên nhanh như vậy. Tại Thượng đỉnh Trái Đất năm 2002, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nói : « Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy còn chúng ta lại đang nhìn ra nơi khác ».
 Libération khẳng định chưa bao giờ câu nói này lại mang tính thời sự đến như vậy.

Hôm thứ Ba vừa qua, NASA và cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ đã công bố các số liệu đáng lo ngại.
Tháng 06/2016 là tháng nóng kỷ lục trên hành tinh của chúng ta tính từ năm 1880. Và đây là tháng thứ 14 liên tiếp kỷ lục khí hậu trái đất nóng lên bị phá vỡ. Đây là giai đoạn nhiệt độ tăng liên tục và kéo dài nhất trong vòng 137 năm qua.

Theo số liệu của NASA, quý đầu năm 2016 là quý nóng nhất trong sử biên niên, nhiệt độ trung bình tăng 1,3°C so với cuối thế kỷ XIX.
Hậu quả thật đáng sợ. Đặc biệt ở Bắc Cực, lớp vỏ băng địa cực đang tan với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà khí hậu học Jean Jouzel, phó chủ tịch nhóm chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc (GIEC) từ năm 2002 đến năm 2015 cho biết : « Tốc độ ấm lên của khí hậu hiện nay, tính trung bình trên toàn cầu, đạt mức cao nhất ít nhất từ 8000 năm nay ».

Trò chơi Pokemon Go đã đến Pháp

Liên quan đến giải trí, Le Monde nhận định trò chơi điện tử Pokemon Go đã trở thành hiện tượng xã hội, nhưng nhiều câu hỏi về sự an toàn cho người chơi đang được đặt ra.

Trò chơi điện tử Pokemon Go dành cho điện thoại thông minh đã chính thức ra mắt tại Pháp ngày hôm qua, 21/07/2016.
Tại nhiều nước như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, trò chơi này đã trở thành hiện tượng xã hội.

Le Monde mô tả Pokemon Go là một cơn sóng thần chưa từng có trong lịch sử trò chơi điện tử trên smartphone. Trong vòng chưa đầy hai tuần từ khi ra mắt, Pokemon Go đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được tải nhiều nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất ở bất kể nước nào.

 Candy Crush Saga đã từng là trò chơi được đánh giá là hiện tượng phổ biến nhất nhưng Pokemon Go chỉ mất có vài ngày để có được thành công mà Candy Crush Saga phải mất nhiều tháng mới có được.

Le Monde trích dẫn nhiều nguồn để cho thấy mức độ thành công của Pokemon Go. Theo ước tính của Slice Intelligence, Pokemon Go mang lại nhiều lợi nhuận hơn tất cả các trò chơi điện tử khác trên smartphone cộng lại.

Theo Similar Web, ứng dụng Pokemon Go thậm chí còn được sử dụng nhiều hơn cả mạng xã hội Twitter. Theo nhiều đánh giá, chỉ riêng ở Mỹ, mỗi ngày có 15-21 triệu người chơi trò chơi này.

Theo một nghiên cứu của ICO Partner, Pokemon Go là trò chơi được nhắc tới nhiều nhất trên internet tính từ 3 năm trở lại đây.
Theo ước tính của trang Kotaku, mỗi bài báo về Pokemon Go có ít nhất 500.000 người đọc. Đó là chưa kể tới việc Pokemon Go vẫn còn hai thị trường lớn đầy tiềm năng phía trước là Nhật và Pháp : Nhật là quê hương của Pokemon, còn Pháp là thị trường ưa chuộng các sản phẩm Nhật Bản nhất ở phương Tây.

Khác với các trò chơi điện tử thông thường khác, Pokemon Go là trò chơi tích hợp thực tế ảo trên điện thoại di động. Ứng dụng cho phép người chơi truy tìm các chú Pokemon ảo đang trốn đâu đó trong thế giới thực.

Le Monde trích một nguồn tin cảnh sát lo ngại là trò chơi có thể tạo ra các đám đông tụ tập bột phát như cảnh tượng từng xảy ra ở Mỹ, khi rất đông người đổ xô đến Central Park để săn lùng một chú Pokemon.

 Cảnh sát dự báo trong trường hợp bột phát có đám đông tụ tập vì chơi Pokemon Go thì các cảnh sát gần đó sẽ phải đánh giá nguy cơ về an ninh và yêu cầu lực lượng trợ giúp. Và điều này sẽ phải tiến hành một cách mềm dẻo, linh hoạt.

Trang nhất các báo Pháp

Nhật báo Le Monde quan tâm tới tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ với hàng tựa trang nhất : « Thanh trừng và tình trạng khẩn cấp : bạo lực từ tổng thống Erdogan ».

Trong khi đó hai nhật báo Libération và Le Figaro tiếp tục quan tâm tới vụ khủng bố ở Nice và đều tập trung chú ý vào cuộc luận chiến liên quan tới vai trò của bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve trong việc bố trí cảnh sát và các biện pháp an ninh ở Nice đêm Quốc Khánh Pháp.

Libération chạy tựa trang nhất : « Nice, các câu trả lời của chúng tôi dành cho Bộ trưởng ». « Khủng bố ở Nice : Cazeneuve ở trung tâm cuộc luận chiến » là tựa trang nhất báo Le Figaro.

Nhật báo Kinh tế Les Echos lại hướng sự chú ý tới thị trường bất động sản với tựa trang nhất : « Bất động sản : lãi suất vay ngân hàng giảm mạnh » cho biết trong tháng 06/2016, lãi suất vay tiền ngân hàng để mua bất động sản giảm xuống mức thấp kỷ lục, tỉ lệ trung bình là 1,62%, nhưng giá bất động sản lại bắt đầu tăng trở lại.

Chủ đề Brexit cũng thu hút sự chú ý của báo Pháp ngày hôm nay. Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa trang nhất : « Brexit : Sẽ có, nhưng khi nào ? » và đưa ra nhận định là cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã diễn ra được một tháng nhưng việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp châu Âu vẫn không rõ ràng, điều này đang gây lo ngại.

Các báo Le Monde, Les Echos đều chú ý tới Brexit với nhiều tựa như : « Tại Berlin, thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Đức Angela Merkel dọn đường cho Brexit », « Brexit sẽ không làm Anh thay đổi cam kết về an ninh với châu Âu », « Tổng thống Pháp vẫn rất cứng rắn với thủ tướng Anh trong vấn đề Brexit », « Bất chấp Brexit, các chủ doanh nghiệp vẫn giữ vững tinh thần ».


Switch mode views: