Thăm làng hoa kiểng Tân Quy Ðông ngày cận Tết
- Chúa Nhật, 15 tháng Hai năm 2015 11:52
- Tác Giả: Lâm Hoài Thạch
SA ÐÉC, (NV) - Ðặc biệt của thành phố Sa Ðéc là dù bất cứ tháng nào trong năm, nhất là những ngày cận Tết, du khách cũng được ngắm nhìn cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Có người cho rằng, thành phố Sa Ðéc là thành phố của mùa hoa nở, bởi vì đây là xứ của hàng ngàn loại “kỳ hoa, dị thảo.”
Cách thành phố Sa Ðéc khoảng 3km về phía Bắc, với diện tích trên 350 hecta, làng hoa kiểng Tân Quy Ðông, thuộc thành phố Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp, đã có từ lâu đời.Một vườn hoa kiểng ở Sa Ðéc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Nơi này gần như là tụ điểm cung cấp nhiều loại hoa kiểng nhiều nhất cho miền Tây Nam bộ, và còn được mệnh danh là trung tâm hoa kiểng miền Nam. Làng hoa kiểng này nằm bên bờ sông Tiền, bốn mùa lộng gió, phù sa màu mỡ, ánh nắng tràn đầy đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho nghề trồng hoa kiểng nơi đây phát triển.
Gần như các loại cây kiểng hiếm quý đều được mang về đây. Có loại cây kiểng tuổi thọ đến hàng trăm năm.
Ngoài những loại cây kiểng có danh quý như cây tùng, cây bách, cây sung, mai chiếu thủy.. còn có những loại cây rất gần gũi với nhân gian như: khế, me, cao, mai, chanh, bình bát,... Nhờ khí hậu thích hợp và bàn tay khéo léo đầy nghệ thuật của các nghệ nhân, cây cối ở đây, từ những dạng cây tầm thường, đã trở thành những cây kiểng lạ, có hình dáng đẹp và rất đắt tiền.
Phường Tân Quy Ðông có truyền thống trồng hoa kiểng, hầu hết đất đai ở đây để dành canh tác cho ngành này, nên diện tích để làm ruộng lúa rất ít.
Vì thế, lượng phân bón cho nghề nông ít hơn là nghề vườn. Loại phân bón để trồng hoa kiểng thường người ta dùng bằng phân rơm, loại phân vừa rẻ vừa thích hợp với nhiều loại hoa kiểng.
Nghề trồng hoa kiểng tại đây được khởi đầu vào những năm khai hoang để hồi phục vùng đất này. Ban đầu, trong lúc đi làm ruộng rẫy, người dân phát hiện ra những gốc cây, kiểng có dáng đứng đẹp đem về nhà trồng trước sân để cắt tỉa, tạo dáng. Lúc đó, những hoa kiểng này chưa thành hàng hóa mà chỉ là thú chơi tao nhã, dần dần những người hàng xóm đến xem thấy thích mới hỏi mua, chia lại, với giá tượng trưng cho những người tìm được một tác phẩm đẹp.Một vườn ươm ở Sa Ðéc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Sau đó, những loài hoa thông thường cũng được xuất hiện vì trước sân nhà của họ, cây kiểng chỉ có dáng đẹp và toàn cành lá, để cho sân nhà điểm thêm màu sắc rực rỡ nên họ mới trồng thêm hoa. Lúc đầu, hoa cũng trồng để thưởng ngoạn hay cúng kiếng với các loại như vạn thọ, bông trang, bông cúc, bông huệ trắng... Lâu dần, người ta mới nghiên cứu để trồng nhiều loại hoa đặc biệt khác, rồi từ đó, có rất nhiều nhà tự tạo ra cho mình một bộ sưu tập hoa kiểng.
Muốn thực hiện một bộ sưu tập không phải dễ, người ta phải đi vào rừng, lên núi để săn tìm nhiều loại hoa lạ mang về, chăm sóc, tạo dáng để biến dạng thành một tác phẩm đẹp về những cây có hoa, và phải những loại thích hợp với khí hậu của vùng này nữa. Ngoài ra, để tạo sự mới lạ, nhiều chủ vườn nhập về loại cây kiểng đặc biệt của nước ngoài, như hoa mười giờ đủ màu, lan, cúc, đinh lăng cẩm thạch, hoa quỳnh, hoa móng rồng... được nhập từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật...
Cũng vì thú chơi hoa kiểng càng ngày được thịnh hành nên cư dân ở đây đã biến vùng này thành một khu chuyên sản xuất hoa kiểng. Dần dần, các mối lái ở nhiều nơi tấp nập về đây để thu mua nhiều loại hoa kiểng để tiêu thụ cho nhiều nơi khác. Từ sự phát triển đó đã sinh ra nhiều ngành nghề khác như nghề đan giỏ tre ở Tân Quy Ðông, nghề làm phân rơm ở Lấp Vò, nghề làm chậu đất ở Châu Thành... để cung cấp nguyên liệu và vật liệu cho làng hoa kiểng.
Thật ra, ngành nghề hoa kiểng ở đây đã có từ lâu đời. Qua nhiều cuộc thăng trầm của lịch sử, làng hoa kiểng Tân Quy Ðông, Sa Ðéc, cũng nằm trong nhiều dạng khác nhau. Trong thời Pháp thuộc, đã có những giao thông đường bộ lẫn đường thủy, những người sống bằng nghề trồng và đem hoa kiểng đến tiêu thụ ở những nơi khác, họ chỉ nhờ những hệ thống đường thủy để chuyên chở mà thôi.Những gốc kiểng được chăm sóc kỹ lưỡng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Và những vụ kiểm tra, thuế má, bắt bớ, trong thời Pháp thuộc cũng có nhiều cam go, khổ ải cho những người sống bằng nghề này. Rồi đến khi người Pháp không còn trên đất nước Việt Nam, chiến tranh lại tiếp diễn trong thời nội chiến. Những vùng canh tác rộng lớn về trồng hoa kiểng ở miền Tây Nam Bộ gần như bị tê liệt vì chiến tranh vô tình đã tàn phá nhiều nơi để canh tác cho ngành trồng hoa kiểng ở những khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chiều dài của thời gian, những con người chuyên lăn lộn với nghề trồng hoa kiểng tại Sa Ðéc, rồi cũng được trời ban cho họ có được cuộc sống vững chắc như ngày hôm nay. Tổng cộng diện tích gieo trồng tại đây được khoảng trên 360 hecta. Tập trung nhiều nhất ở phường Tân Quy Ðông với trên 200 hecta kế đến là xã Tân Khánh Ðông với gàn 80 hecta và sau cùng là phường An Hòa gần 20 hecta diện tích canh tác. Các chủng loại hoa kiểng đã có trên 2,000 loại được gieo trồng, giá trị sản xuất đạt trên 130 tỉ đồng/năm.
Ðến thăm làng hoa kiểng Sa Ðéc, không ai không thể ghé qua “Vườn Hồng” của ông Tư Tôn, người đã cho sản xuất tại đây trên 50 giống hoa hồng được lấy giống từ bên Pháp. Ông đã thành công trên lãnh vực trồng và ghép hoa hồng được xuất đi nhiều nơi trong nước. Ông cũng là người biết cách kiếm tiền nhiều trong nghề hoa kiểng và được nhiều người cho ông là một nghệ nhân của “Vườn Hồng” hay “tỷ phú chân đất” đầu tiên. Tuy ông đã lìa đời, nhưng thương hiệu “Vườn Hồng” và “tỷ phú chân đất” Tư Tôn vẫn còn lưu danh cho những thế hệ sau này để tiếp nối sự phát triển và sáng tác nhiều loại tác phẩm đẹp về hoa kiểng cho nhân gian.
Làng hoa kiểng Sa Ðéc trong những ngày gần đến mùa hoa nở để đón chào một mùa Xuân sẽ về với vạn vật, các cô thiếu nữ miệt vườn làm việc cho làng hoa kiểng cũng hồn nhiên vui vẻ và nao nức trong lòng vì ngày nào các cô cũng phải chuyển những chậu hoa lên xe chở hoa. Họ thì thầm với nhau bằng những lời rất mộc mạc, nhưng đầy xao xuyến: Gần Tết, tụi mình mới được “lên xe hoa.”
Related news items:
Tin mới
- Cá trắm đen: Đặc sản Xuân làng Vũ Đại - 22/02/2015 22:31
- Người nông dân miền Trung ăn Tết buồn - 22/02/2015 22:12
- Người Sài Gòn nhớ pháo Tết - 19/02/2015 22:46
- Cuối năm, đi sắm đồ vỉa hè Sài Gòn - 17/02/2015 22:20
- Không thể quên cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 - 17/02/2015 16:43
- Nghề tảo mộ thuê ở miền Nam - 17/02/2015 14:53
- Thuê người xông đất Mồng Một Tết - 13/02/2015 20:29
- Tết và đời sống công nhân - 12/02/2015 22:19
- Hoa Tết trong Nam ngoài Bắc - 12/02/2015 22:13
- Sài Gòn, mùa Tết lạnh về - 11/02/2015 20:11
Các tin khác
- Niềm tự hào của người lính quân lực VNCH - 10/02/2015 02:01
- Tết về trên vùng cao Thanh Hóa - 06/02/2015 20:07
- Ô Sin chạy đua mùa Tết - 06/02/2015 19:59
- Những gia đình không có Tết - 05/02/2015 17:47
- Cuối năm ở Bến Bình Ðông - 05/02/2015 00:25
- Là "Việt Kiều" hay "Người Mỹ gốc Việt"? - 03/02/2015 18:54
- Cuối Năm Về Galang - 02/02/2015 23:34
- Người Little Saigon nói về phim “Những ngày cuối cùng ở VN” - 02/02/2015 23:10
- Mứt, hạt dưa Tết, nỗi ám ảnh cuối năm - 02/02/2015 22:51
- Cuối năm bánh chưng bánh tét - 02/02/2015 22:48