Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam: Linh hồn trẻ thơ và những nấm mộ không tên

dongnhi

Nghĩa trang Đồng Nhi dành cho các hài nhi bị chối bỏ tại núi Hòn Thơm, Khánh Hòa do ông Tống Phước Phúc xây dựng.
blog benhotamthuong


Theo báo chí Việt Nam, mới cách đây ba ngày, một người dân tại xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội khi ra mương thả vịt đã vớt được một chiếc hộp carton trong có đựng một xác thai nhi nữ.

 Cùng với một số người dân địa phương chôn cất bé gái xong, chưa kịp hoàn hồn thì một tiếng đồng hồ sau ông lại phát hiện thêm một hộp carton nữa - lần này là một thai nhi nam cũng đã chết, và ông lại đem đi chôn.

Những cái tin tương tự xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong nước, khi thì một người lượm rác, khi thì một người đi đường tìm thấy một xác thai nhi bỏ rơi đâu đó. Đã trở thành chuyện thường ngày, ít được ai chú ý, khi Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về tỉ lệ nạo phá thai.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, tại Việt Nam mỗi năm có 1,2 đến 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, và cũng có bằng ấy bào thai bị phá bỏ.

 Điều đáng ngại là tỉ lệ vị thành niên phá thai ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác.

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Sản bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các thiếu nữ đi phá thai có tuổi đời ngày càng trẻ, bất chấp các nguy cơ cho sức khỏe khi phá thai.
 Bên cạnh đó là những ảnh hưởng tâm lý về sau này.

Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, biện pháp phá thai nội khoa được dùng rộng rãi hơn trước đây. Một điểm khác biệt nữa so với thời trước, là có linh hoạt hơn trong việc phá các bào thai to trong các trường hợp đặc biệt, vì sự an toàn của thai phụ.

Một nữ hộ sinh cho biết, cách đây hơn một chục năm, vì ý thức kém nên nhiều phụ nữ thường để đến khi thai được nhiều tuần tuổi mới đến bệnh viện xin phá bỏ. Cô tả lại những hình ảnh khủng khiếp đối với những bào thai bị tước mất quyền sống.

Có những cô gái lỡ lầm tự sinh con rồi tự giết hại giọt máu của mình rồi đem vứt đi, và những thai nhi bị phá bỏ tại các cơ sở y tế bị coi như rác y tế.

Có một người đàn ông ở Khánh Hòa đưa vợ đi sanh, khi nhìn thấy xác một bé sơ sinh bị bỏ rơi đã không nén được xúc động, xin bệnh viện mang về chôn cất.
Sau đó, ông mua một mảnh đất trên núi Hòn Thơm, tiếp tục đến các bệnh viện xin xác các thai nhi đem về chôn tại đây.

Từ năm 2004 đến nay, đã có đến 10.500 sinh linh bé bỏng được hương khói tại nghĩa địa Đồng Nhi này.

Người đàn ông tốt bụng ấy chỉ là một thợ xây bình thường – ông Tống Phước Phúc, cư ngụ tại số 56/3 Phương Sài, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.

Không chỉ chôn cất thai nhi, người tín đồ Công giáo này còn sẵn sàng nuôi dưỡng các cô gái lỡ mang bầu muốn phá thai, thuyết phục các cô ở lại nhà mình để sinh con thay vì phá bỏ.

Ông cũng sẵn lòng nuôi dưỡng các cháu bé được sinh ra, khi nào người mẹ có sinh kế ổn định muốn nhận lại con thì ông sẽ trao lại.

Cho đến nay, đã có 100 em bé được chào đời thay vì phải chết tức tưởi, và nhà ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con.

Nỗi lo của ông Tống Phước Phúc hiện nay là tiền ăn học cho đám trẻ ngày càng nặng:

Một trong những lý do khiến các cô gái mang bầu quyết định phá thai là do sợ dư luận, định kiến xã hội. Từ mười mấy năm qua, đã xuất hiện những “mái ấm”, tức các cơ sở xã hội để những thiếu nữ lỡ lầm có thể nương náu cho đến khi sinh con.

Một trong những cơ sở đầu tiên là Mái ấm Mai Linh của dòng Nữ tu Bác Ái ở Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 2002.

Chỉ riêng ở một bệnh viện mà số lượng phá thai trung bình mỗi ngày lên đến khoảng 400 ca, cho thấy tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam vẫn đang ở mức báo động.
Cùng một ngày, có đến 12 thai nhi bất hạnh chờ được đem chôn cất, tại nhà ông Tống Phước Phúc…Liệu có bao giờ giảm bớt được thảm trạng này?

Tại các nước phát triển, các bà mẹ đơn thân không hề bị kỳ thị, mà còn được hưởng trợ cấp nuôi con.

Những phụ nữ vì lý do nào đó muốn bỏ rơi đứa bé, thì tại Pháp có chế độ sinh con không cần để lại danh tính (né sous X).

Ở Đức có những “hộp dành cho em bé” được sưởi ấm và có hệ thống báo động, để những người mẹ này có thể lặng lẽ đặt đứa bé sơ sinh vào, sau đó yên tâm rằng con mình sẽ được xã hội chăm sóc.

Có lẽ đối với Việt Nam, việc tăng cường giáo dục giới tính, thành lập mạng lưới tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên là những biện pháp cần thiết trước mắt.

 Để những nấm mồ vô danh của những hài nhi vô tội không còn mọc lên thêm mỗi ngày, những sinh linh được sinh ra, lớn lên và sống trọn kiếp người.


Switch mode views: