Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái Lan : Người biểu tình tiếp tục bám trụ

THAILAND-doilap 3

Bangkok huy động 1.200 cảnh sát được để lấy lại trụ sở chính phủ - Reuters


Từ hôm qua 14/02/2014, chính phủ Thái Lan mở chiến dịch chiếm lại các cơ quan chính quyền bị đối lập chiếm giữ.
 Hôm nay, khoảng 1.200 cảnh sát được huy động để lấy lại trụ sở chính phủ. Phe biểu tình tuyên bố sẽ kháng cự.

Trả lời AFP, ông Paradorn Pattanatabut, lãnh đạo hội đồng an ninh quốc gia, cho biết khoảng một trăm người biểu tình có mặt tại khu vực xung quan nhà chính phủ.
 Giới chức Thái Lan kể trên khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên biện pháp đối thoại để thuyết phục những người biểu tình, cho dù ông không biết việc này có dẫn đến kết quả hay không.

Trong khi đó, một trợ thủ của nhà sư Luang Pu Buddha Issara, chịu trách nhiệm về điểm cắm trại này, bảo đảm rằng lực lượng biểu tình « đông đảo » tập hợp ở đây sẽ không rời vị trí.

Người phát ngôn của phong trào biểu tình Akanat Promphan cam kết cho dù cảnh sát có chiếm lại các trụ sở, người biểu tình cũng sẽ không lùi bước.

Hôm qua, cảnh sát chống bạo động đã giải tán dễ dàng các lều trại của người biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ, mà trên thực tế Thủ tướng Yingluck Shinawatra không sử dụng từ gần hai tháng nay.

Tuy nhiên, ngay sau đó người biểu tình đã trở về lập lại các chiến lũy.

Chiến dịch chiếm lại các công sở nói trên cho thấy chính phủ Thái Lan có một thay đổi trong chiến lược hành động, vốn ưu tiên cho việc tránh đụng độ giữa cảnh sát và phe biểu tình để giảm bớt mức độ bạo lực.

 Hiện tại chiến dịch này chủ yếu nhằm thu hồi các công sở, nhưng không đụng đến những cuộc tập hợp hàng ngàn người tại các giao lộ lớn vào mỗi buổi tối, để nghe các lãnh đạo đối lập phát biểu và xem biểu diễn âm nhạc.

Phong trào biểu tình, mà số lượng giảm mạnh trong những tuần gần đây, hy vọng buộc Thủ tướng Yingluck từ chức, và chấm dứt các ảnh hưởng của ông Thaksin, cựu Thủ tướng và anh trai của Thủ tướng đương nhiệm, sống lưu vong sau khi bị đảo chính năm 2006.

Từ nhiều tháng nay, Thái Lan chìm trong khủng hoảng chính trị. Biểu tình chống chính phủ liên tục diễn ra.
Cuộc bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 02/02 không mang lại một lối thoát cho khủng hoảng.

Phe đối lập, muốn thay thế chính phủ hiện tại bằng một « hội đồng nhân dân » được chỉ định, tìm mọi cách ngăn cản cuộc bỏ phiếu.
Hiện tại trong khi chờ đợi hai ngày bỏ phiếu bổ sung vào cuối tháng 4, không có thông báo nào về kết quả cuộc bầu cử vừa qua được đưa ra.

Bất chấp đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ba tuần nay, chính phủ vẫn tỏ ra tránh né mọi va chạm có thể dẫn đến việc lặp lại cuộc đụng độ đẫm máu năm 2010, khiến gần 100 người thiệt mạng, khi chính quyền đưa quân đội giải tán phong trào « Áo Đỏ » thân Thaksin, cố thủ tại trung tâm Bangkok.

Ngày thứ Năm, 13/02, lãnh đạo quân đội Thái Lan một lần nữa kêu gọi hai bên kiềm chế.


Switch mode views: