Chính sách di dân của Tổng thống Trump
- Thứ Bảy, 09 tháng Chín năm 2017 23:59
- Tác Giả: Bùi văn Phú
Một người giương cao biển chữ đòi chính phủ thông qua
dự luật Dream Act trong cuộc biểu tình ở Berkeley hôm 27/8/2017.
(Ảnh: Bùi Văn Phú)
Chỉ một tuần sau khi nhận chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm cho vào Mỹ người dân từ 7 quốc gia với đa số theo Hồi giáo, là Sudan, Iran, Iraq, Yemen, Syria, Libya và Somalia.
Lệnh đó được thi hành ngay lập tức trong ngày 27/1/2017 nên đã gây phản ứng mãnh liệt trong dư luận với những cuộc biểu tình phản đối tại phi trường.
Nhiều luật sư di trú cũng đã có mặt ngay tại chỗ để can thiệp và giúp đỡ cho những di dân gặp khó khăn do bởi quyết định đột ngột của Tổng thống Trump.
Sắc lệnh đó đã bị nhiều tổ chức bảo vệ dân quyền cũng như cơ quan pháp lí tiểu bang đứng đơn kiện và sau đó đã không còn được thi hành vì thiếu tính hợp hiến.
Ít tháng sau Tổng thống Trump lại ký một sắc lệnh mới, cũng cùng mục đích ngăn cấm vào Mỹ đối với dân từ 6 quốc gia Hồi giáo như sắc lệnh đầu tiên, trừ Iraq, tuy không khắc khe như trước nhưng vẫn có những tranh tụng trước tòa về tính hợp pháp và hợp hiến của nó.
Hôm thứ Năm 7/9 Tòa Kháng án Khu vực 9 ở San Francisco đã có phán quyết cho rằng sắc lệnh về du hành của Trump là không hợp pháp.
Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã công khai biểu lộ không có cảm tình với thành phần nhập cư không giấy tờ hợp lệ vào Mỹ.
Nhiều lần ông Trump đã phát biểu với ngôn ngữ chê bai, mạt xát di dân bất hợp pháp, ước chừng hơn 10 triệu người, đa số đến từ Mexico, mà ông gọi là “đĩ điếm, tội phạm, buôn bán ma túy”.
Ông đưa ra đề nghị xây tường giữa biên giới Mỹ-Mễ để ngăn chặn làn sóng nhập cư.
Đối với những người đã vào được Mỹ không giấy tờ hợp lệ, ông muốn tống cổ họ về lại nguyên quán.
Từ ngày nhận chức đến nay, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều chính sách thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề di dân để bảo vệ an ninh và quyền lợi của công dân Mỹ, như đã hứa trong khi vận động tranh cử.
Mới nhất, hôm 5/9 ông Trump đã quyết định chấm dứt chương trình DACA, Deferred Action for Childhood Arrivals (Hoãn Trục xuất người vào Mỹ bất hợp pháp khi còn vị thành niên), là một sắc lệnh được Tổng thống Barack Obama ký ban hành năm 2012.
Đối tượng của sắc lệnh này là cho hưởng qui chế di dân tạm thời những ai sinh từ ngày 1/6/1981 trở về sau, được cha mẹ đem vào Mỹ bất hợp pháp khi còn vị thành niên, dưới 16 tuổi, đã tốt nghiệp phổ thông trung học và không có án vì vi phạm pháp luật.
Hội đủ những điều kiện trên, họ sẽ được học đại học, được thi bằng lái xe, được phép tìm kiếm công việc làm.
Đa số những người được hưởng qui chế DACA còn đang trong tuổi nhỏ và quy chế tạm thời dành cho thành phần này phải được cứu xét lại mỗi hai năm.
Đã có những phản biện cho rằng sắc lệnh DACA không hợp pháp, vì các chính sách liên quan đến di dân phải có luật từ quốc hội.
Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh sau khi không thuyết phục được quốc hội, lúc đó do đảng Cộng hòa nắm đa số, thông qua một dự luật về qui chế cho những người di dân không giấy tờ hợp pháp này được gọi là dự luật DREAM Act.
Nay Tổng thống Trump quyết định chấm dứt chương trình DACA, như thế những ai trước đây được tạm thời bảo vệ sẽ thì có thể bị trục xuất về nguyên quán.
Quyết định đó cũng đã tạo nên làn sóng phản đối từ nhiều giới. Hơn 100 giáo sư và những nhà nghiên cứu luật cùng đưa ra nhận định rằng sắc luật của Tổng thống Barack Omaba là hợp pháp.
Tổng giám đốc của 400 công ti, gồm cả Facebook, Apple, Mirosoft, AT&T, Amazon, Snap Chat, với hàng nghìn nhân viên trong diện DACA, đã lên tiếng thỉnh cầu chính quyền Trump và quốc hội giữ lại quy chế này.
Trong khi đó, 15 tiểu bang và vùng Thủ đô Washington đã đứng đơn kiện, cho rằng sắc lệnh hủy bỏ của Tổng thống Trump là vi phạm luật.
Hiện nay qui chế DACA đang rơi vào tình trạng bấp bênh khiến gần 800 nghìn người sống trong hoang mang, lo sợ.
Những di dân này đa số đến từ Mexico, tập trung đông nhất ở tiểu bang California với hơn 200 nghìn, còn lại là ở các tiểu bang Texas, Illinois, New York, Florida, Arizona.
Tuy quyết định hủy bỏ DACA được đưa ra vào hôm 5/9, nhưng chính quyền Trump không áp dụng ngay mà cho thời hạn 6 tháng để quốc hội có thể làm luật mới để giải quyết tình trạng di trú của những người có qui chế này.
Như thế quả banh đang trong sân của lập pháp. Tổng thống Trump cho biết nếu quốc hội không hành động ông sẽ xem xét lại vấn đề một lần nữa.
Với những gặp gỡ giữa tổng thống và lãnh đạo của hai đảng trong quốc hội trong những ngày qua để thảo luận về các chính sách, nên có nhiều hy vọng trong vòng 6 tháng tới đây sẽ có luật về di dân DACA.
Trong hơn hai thập niên qua, vấn đề di dân là một đề tài gây nhiều tranh cãi tại quốc hội và trong dư luận dân chúng.
Hơn 30 năm trước Tổng thống Ronald Reagan, người đảng Cộng hòa, đã ban hành luật về di dân đưa đến việc ân xá cho gần 3 triệu người sống không giấy tờ hợp pháp để họ có thể trở thành công dân trong vòng 10 năm.
Nhưng thất bại của chính sách này là biên giới giữa Mỹ và Mexico không được kiểm soát chặt chẽ và việc xử phạt nặng những cơ sở thương mại thuê mướn di dân bất hợp pháp đã không được thi hành triệt để.
Vì thế số người nhập cư sống bất hợp lệ tại Hoa Kỳ trong 30 năm qua đã không giảm mà còn tiếp tục tăng lên, đến hơn 10 triệu như hiện nay, trong đó hơn một nửa là từ Mexico.
Các vị dân cử Mỹ ngày nay không còn ai muốn đưa ra chính sách ân xá cho những người đã nhập cư bất hợp pháp, vì dư luận dân chúng không còn ủng hộ những chính sách như thế.
Tuy nhiên, để những người di dân bất hợp pháp có thể làm việc, có cuộc sống tự túc, trẻ nhỏ được đi học, nhiều đề xuất chính sách đã được đưa ra chỉ với mục đích giúp di dân không hợp lệ có được cuộc sống ổn định, không lo sợ bị trục xuất để có thể đóng góp cho sinh hoạt kinh tế, xã hội nơi sinh sống.
Năm 2010 dự luật DREAM Act (Development, Relief, Education for Alien Minors) nhằm giúp những trẻ vị thành niên đến Mỹ bất hợp pháp có cơ hội hội nhập.
Dự luật được đề xuất nhiều lần nhưng không được quốc hội thông qua, nên vào tháng 6/2012 Tổng thống Obama đã ban hành sắc luật DACA có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rút lại vào hôm 5/9 vừa qua.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, chính sách về di dân vào Mỹ sẽ được xiết lại.
Ông cũng muốn xây tường ở biên giới vì học được bài học từ chính sách di dân của Tổng thống Ronald Reagan.
Chính sách di dân của chính quyền Trump có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với người dân gốc Mexico và các nước Nam Mỹ mà cũng ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Á, vì trong số hơn 10 triệu di dân bất hợp pháp, có hơn 1 triệu người gốc Á, đông nhất là người Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Philippine.
Số người Việt cư ngụ không giấy tờ hợp lệ cũng cả trăm nghìn.
Với chủ trương dân túy và đặt quyền lợi dân Mỹ lên hàng ưu tiên, American First, chính sách di dân của Trump cũng có chiều hướng được nối kết với phát triển quan hệ song phương với các nước, trong đó có việc Hoa Kỳ yêu cầu nhận trả về những người đã nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, kể cả người Việt.
Tin mới
- Thổ Nhĩ Kỳ mở lại phiên tòa xử tờ báo đối lập - 11/09/2017 18:05
- Một nhà dân chủ Đài Loan nhận tội âm mưu « lật đổ » chế độ Trung Quốc - 11/09/2017 16:42
- Philippines : Biểu tình phản đối tôn vinh Marcos - 11/09/2017 16:19
- Ngành nghề Việt Nam tại Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900 - 11/09/2017 16:11
- Bắc Triều Tiên: Hội Đồng Bảo An thông qua những biện pháp trừng phạt mới - 11/09/2017 15:47
- Donald Trump điện đàm với Erdogan hạ nhiệt căng thẳng - 10/09/2017 23:08
- Những người tị nạn Hmong đầu tiên đến Guyane - 10/09/2017 22:33
- Miến Điện : Quân nổi dậy Rohingya tuyên bố ngừng bắn - 10/09/2017 20:56
- Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng - 10/09/2017 20:48
- Quân đội Syria phá vòng vây phi trường Deir Ezzor của Daech - 10/09/2017 20:40
Các tin khác
- Bão Irma đổ bộ vào Cuba, đe dọa Florida, 6 triệu người được lệnh sơ tán - 09/09/2017 23:00
- Liên Hiệp Quốc báo động: Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh tăng vọt - 09/09/2017 22:28
- Tập đoàn quân sự Thái Lan lúng túng vì vụ cựu thủ tướng Yingluck đào thoát - 09/09/2017 22:03
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Trung Quốc trông đợi vào tiếng nói của Pháp - 09/09/2017 20:54
- Phi cơ Mỹ-Nhật tập trận ở Biển Hoa Đông, gần bán đảo Triều Tiên - 09/09/2017 20:46
- Hun Sen: "Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm" - 09/09/2017 02:09
- Bà Yingluck Cựu Thủ Tướng Thái-Lan đã thực hiện 'vụ đào thoát vĩ đại' như thế nào? - 08/09/2017 23:25
- Tỉ phú Trung Quốc bị chế độ truy lùng, xin Mỹ cho tị nạn - 08/09/2017 21:38
- Bắc Triều Tiên làm dấy lại tranh luận về vũ khí nguyên tử ở châu Á - 08/09/2017 21:32
- Quốc Hội Anh xem xét dự luật rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - 08/09/2017 21:07