Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lần đầu tiên hải quân Cam Bốt và Trung Quốc tập trận chung

CAMBODIA-CHINA

Cam Bốt ngênh đón chỉ huy đội chiến hạm Trung Quốc ghé cảng Sihanoukville. Ảnh chụp ngày 24/02/2016.
REUTERS/Samrang Pring

Quan hệ quốc phòng Trung Quốc-Cam Bốt quả là ngày càng được thắt chật thêm. Dấu hiệu mới nhất là việc hai bên thúc đẩy hợp tác hải quân, với cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên mở ra trong hai ngày 24-25/02/2016, ngoài khơi cảng Sihanoukville.

Việc củng cố quan hệ quốc phòng Bắc Kinh-Phnom Penh diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng sau khi Trung Quốc không ngần ngại có những hành động bị cáo buộc là quân sự hóa Biển Đông.

Theo ghi nhận của tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat, hôm 22/02 vừa qua, ba chiến hạm Trung Quốc đã ghé cảng Sihanoukville của Cam Bốt trong khuôn khổ một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày.

Tàu hải quân Trung Quốc đã từng đến Cam Bốt trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên mà chiến hạm Trung Quốc ghé cảng Cam Bốt, hai lần trước đây là một tàu huấn luyện vào năm 2008, và một tàu bệnh viện vào năm 2013.

Và đây cũng là lần đầu tiên mà hải quân Cam Bốt sẽ cùng tập trận với hải quân Trung Quốc. Theo phó tư lệnh hải quân Cam Bốt, phó đô đốc Vann Bunning, 70 thủy thủ Cam Bốt sẽ cùng với 737 đồng đội Trung Quốc tham gia một cuộc thao dượt hải quân song phương lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm các bài tập cứu hộ và cứu nạn khẩn cấp trên biển.

Phải nói là trong những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Cam Bốt-Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể.
 Trung Quốc đã trở thành quốc gia viện trợ quân sự hàng đầu cho Cam Bốt, cung cấp cho Cam Bốt từ quân xa đến trực thăng, không kể đến việc huấn luyện cho quân đội nước Đông Nam Á này.

Nhân dịp chiến hạm Trung Quốc ghé cảng Cam Bốt, Bắc Kinh sẽ đúc kết với Phnom Penh thỏa thuận cung cấp cho đối tác 2 chiến hạm để tuần tra vùng bờ biển của mình. Loại gì thì chưa được xác định.

Theo tờ The Diplomat, cả hai bên đều có lợi trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng : Phnom Penh thì tăng cường được năng lực quân sự của mình, trong khi Bắc Kinh có được một đối tác Đông Nam Á sẵn sàng bênh vực cho lập trường của Bắc Kinh trên mọi vấn đề.

Mục tiêu đó của Trung Quốc, theo tờ báo Nhật Bản, đã thành công với hồ sơ Biển Đông. Tờ báo nhắc lại sự cố năm 2012, khi lần đầu tiên Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN - tổ chức tại Phnom Penh – đã không đưa ra được một thông cáo chung vì phía Cam Bốt không muốn có một văn kiện đề cập đến vấn đề Biển Đông không có lợi cho đồng minhTrung Quốc.

Và mới đây, Cam Bốt là một nước hiếm hoi trong ASEAN công khai cho rằng Mỹ không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông.
Cuộc tập trận hải quân Trung Quốc-Cam Bốt diễn ra vào lúc nỗi lo ngại trước các hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông gia tăng.

Tuần trước, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp với Việt Nam.
Và hôm qua, ngay trước chuyến thăm Mỹ của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng các cơ sở có dáng dấp của các đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên và một vài hòn đảo nhân tạo khác mà Bắc Kinh vừa bồi đắp ở Trường Sa.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có phải đang muốn phô trương sức mạnh quân sự nhân cuộc tập trận với Cam Bốt hay không, phó tư lệnh hải quân Cam Bốt Vann Bunneang cho rằng không có gì là lạ khi các nước mạnh phô trương thiết bị quân sự hiện đại của mình.

Switch mode views: