Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đông Nam Á : Mạng lưới tội phạm xuyên biên giới đang mở rộng

THAILAND-IVORY

Hải quan Thái Lan trưng bày tại Bangkok số ngà voi buôn lậu mà họ tịch thu được. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/04/2015.
Reuters

Theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố vào hôm nay (25/02/2016), các mạng lưới tội phạm xuyên biên giới ngày càng được kết nối chặt chẽ hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn tại vùng Đông Nam Á, – nơi tiến trình hội nhập kinh tế khu vực đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các vụ phạm tội, với « doanh thu » được ước tính lên đến 100 tỉ đô la mỗi năm.

Trong bản phúc trình được công bố tại Bangkok, cơ quan Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (tên quốc tế viết tắt là UNODC) nhận định rằng trong những năm gần đây, mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đã tăng nhanh trong vùng, với nhiều hình thức khác nhau như : buôn người, ma túy, làm hàng giả, buôn lậu gỗ, động vật, v.v…

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính lợi nhuận thu được từ các vụ buôn bán bất hợp pháp như kể trên còn cao hơn cả thu nhập quốc dân của ba nước Lào, Miến Điện và Cam Bốt cộng lại.
Và dĩ nhiên, điều đó gây nên tình trạng bất ổn định cho các quốc gia và nền kinh tế của họ, và là nguồn gốc của các tệ nạn tham nhũng tràn lan.

Theo ông Jeremy Douglas, đại điện của cơ quan Liên Hiệp Quốc trong khu vực : « Đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị gắn liền vấn đề hội nhập kinh tế với các vấn đề an ninh ».

Trong lĩnh vực buôn bán ma túy, hiện đang phát triển mạnh, Liên Hiệp Quốc nhận định rằng việc giảm bớt các trạm kiểm tra ở biên giới và cải thiện cơ sở hạ tầng đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho bọn buôn lậu.

Trong ngành khai thác gỗ, chính cơ chế quản lý yếu kém đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm có thể kiếm được rất nhiều lợi nhuận mà lại ít gặp rủi ro.
Ước tính từ 30 đến 40% gỗ xuất khẩu của vùng đến từ nguồn khai thác bất hợp pháp.

Đường biển cũng là một cách rất đơn giản để vận chuyển kim loại bất hợp pháp và thuốc men.
 Báo cáo chỉ rõ:«Mỗi năm có đến hơn 500 triệu container được vận chuyển trong vùng, nhưng chỉ có 2% trong số đó là bị kiểm tra».

Ông Douglas nói thêm : « Các nước trong khu vực đang cho xây dựng những con đường hoành tráng, cho lắp đặt các cơ sở hạ tầng mới và nhận thấy rằng các hoạt động giao thương của họ đang tăng từ 10 đến 20% mỗi năm, nhưng lại không có các giải pháp để bảo vệ ».

Theo ông, nếu các nước không bắt đầu ngay từ bây giờ thiết lập các trạm kiểm tra hải quan và các hệ thống cảnh sát thì các nước nghèo hơn cả trong khu vực sẽ phải gánh chịu các hậu quả vô cùng nặng nề.

Vào tháng 12 năm 2015, 10 nước trong khu vực Đông Nam Á, với tổng số dân gần 600 triệu người, bao gồm các nước : Brunei, Singapour, Malayxia, Indonesia, Thái Lan, Philipines, Việt Nam, Miến Điện, Lào và Cam Bốt, đã nhất trí thành lập Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (viết tắt là AEC), với mục tiêu là tiến đến một thị trường duy nhất giống với mô hình châu Âu.

Switch mode views: