Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày13-11-2013

 Trung Quốc : Mở cửa kinh tế, siết chặt chính trị
CHINA-POLITICS-XI

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh chụp ngày 04/09/2013)
REUTERS


Hai sự kiện lớn liên quan đến thời sự tại Châu Á vẫn chiếm nhiều trang trên các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay là cơn bão Haiyan tàn phá Philippines và dư âm của Hội nghị Trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa khép lại vào hôm qua.

Ngoài ra, các tờ báo cũng tập trung sự chú ý đến tình hình khủng hoảng chính trị tại Pháp, thông qua các cải cách mà làm cho điểm tín nhiệm của Tổng thống lẫn Thủ tướng đều hạ thấp đến mức kỷ lục.

Trước tiên, liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde đăng bài xã luận đề tựa : « Trung Quốc : Mở cửa kinh tế nhưng siết chặt chính trị ». Hội nghị Trung ương Đảng lần này xoáy mạnh vào việc tăng cường tính tư bản trong nền kinh tế Trung Quốc. Còn yêu cầu cải cách chính trị cũng được nhắc đến, nhưng theo Global Times, thì « chỉ có 33% đảng viên mong muốn cải cách chính trị tại Hội nghị ».

Trước thềm Hội nghị, tờ Nhân dân nhật báo cũng đã dành một bài xã luận dài quả quyết rằng « hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là phù hợp với điều kiện quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc ».

Đây là hình thức bác bỏ mọi đề nghị nghiêng theo hướng dân chủ phương Tây. Tác giả bài xã luận nhận định : Chủ tịch nước Tập Cận Bình hướng nền kinh tế sang « cánh hữu » nhưng lại lãnh đạo theo khuynh hướng « cánh tả ». Đó là Trung Quốc vẫn giữ tính bảo thủ.

Nền kinh tế thị trường và mở cửa ra thế giới đã làm cho người dân Trung Quốc thêm hiểu biết và họ quan tâm đến quyền lợi của mình và yêu cầu cao hơn. Mạng internet trở thành « bức tường của nền dân chủ », nơi mà hàng triệu cư dân mạng đòi hỏi được tham gia vào đời sống chính trị. Cuối cùng, bài báo cho rằng, nếu ông Tập Cận Bình chỉ lo thúc đẩy cải cách kinh tế mà không cởi mở về chính trị thì ông có nguy cơ sẽ bị dồn vào chân tường.

Doanh nghiệp Nhà nước sắp mở cửa cho tư nhân

Báo Le Monde mục kinh tế đăng bài đề tựa : « Tập đoàn Nhà nước sắp được mở cửa cho tư nhân ». Tại Hội nghị Trung ương lần 3, Bắc Kinh đã thống nhất đưa ra phương hướng hành động cho 10 năm tới.

Một số cải cách mũi nhọn nhắm đến theo kế hoạch là hội nhập vào nền kinh tế thế giới với việc mở cửa hùng vốn tại các tập đoàn Nhà nước. Thứ hai vừa qua (11/11), nhật báo China Daily cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ cho lĩnh vực tư nhân tham gia góp vốn từ 10-15% vào các doanh nghiệp Nhà nước.

Một phần vốn nhỏ của nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã được lên sàn chứng khoán tại Thượng Hải và Hồng Kông nhưng không hề đặt lại vấn đề về sức mạnh độc quyền của Nhà nước. Tuy có mở cửa kinh tế đi chăng nữa, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước vẫn phải được đảng Cộng sản bổ nhiệm.

Nhật không cấm xuất khẩu thiết bị quân sự nữa

Nhìn sang Nhật Bản, đất nước vốn có chính sách chủ hòa, báo Les Echos ghi nhận : « Tokyo không cấm xuất khẩu thiết bị quân sự nữa ».

Theo đó, các nhà công nghiệp Nhật ngày càng bị đẩy vào thị trường thế giới về sản xuất trang thiết bị quốc phòng.

Vào tháng Giêng tới, chính quyền Ankara sẽ cho biết tên nhà công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nào sẽ phối hợp với tập đoàn Mitsubishi Heavy của Nhật để phát triển động cơ xe tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin này vừa được Nikkei đăng ngày hôm qua có thể bị xem như một tin nói chơi, thế nhưng lại đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách ngoại giao tại Nhật.

Sau nhiều thập niên bị cấm hợp tác với các quốc gia khác trong các dự án phát triển quốc phòng, Nhật Bản đang xem xét lại triết lý này và thậm chí còn thúc đẩy các nhà công nghiệp lao vào thị trường thế giới khổng lồ về các trang thiết bị quốc phòng. Mục tiêu là nhằm kích thích tăng trưởng mà Thủ tướng Abe đã vạch ra.

Tình hình trên thế giới hiện nay buộc Nhật phải lao vào sản xuất quốc phòng trong khi Trung Quốc, láng giềng có tranh chấp biển đảo với Nhật đang tự trang bị để trở thành cường quốc quân sự và mưu toan xâm lược trong khu vực. Bắc Triều Tiên cũng trở nên đáng ngại hơn với các lò sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong các tháng tới, chính phủ của ông Abe phải đưa ra danh sách các trang thiết bị được cho phép hợp tác với các quốc gia khác. Các chuyên gia nêu ra một số loại như hệ thống phòng thủ chống tên lửa, một số loại máy bay. Phát triển một số loại thiết bị được cho là quá mang tính tấn công sẽ bị cấm hợp tác với nước ngoài.

Quân đội : Lực lượng cứu hộ hàng đầu sau cơn bão Haiyan

Các nhật báo ra ngày hôm nay đều bàn về công tác cứu trợ người dân sau cơn bão Haiyan. Báo Le Monde đăng bài viết : « Philippines : Liên Hiệp Quốc lo sợ điều tồi tệ nhất ».

Sau cơn bão, đội cứu hộ khó khăn vào nơi bị nạn để cứu các nạn nhân sống sót do đường xá, cầu cống và sân bay bị phá hủy. Họ lo ngại khi vào đến nơi thì số người chết còn nhiều hơn do không đến cứu trợ kịp thời.

Báo Le Figaro đánh giá, cơn bão Haiyan có sức công phá kinh khủng vừa qua có thể có liên quan đến việc trái đất bị nóng lên.

Qua bài viết mang tựa : « Một hạm đội đến cứu những nạn nhân Philippines », tờ báo cho biết, Hoa Kỳ đã gửi một chiến hạm đến cứu trợ và Liên Hiệp Quốc cũng đã kêu gọi quyên góp 301 triệu đô la.

Nhật báo Công giáo La Croix nhận định : « Quân đội là lực lượng sát cánh hàng đầu với nạn nhân bão Haiyan ».

Hàng năm, quần đảo đối mặt với nhiều cơn bão, động đất, núi lửa, thiên tai nên quân đội Philippines đã có được một kinh nghiệm vững chắc trong việc cứu hộ. Một chuyên gia nhận định : « Quân đội Philippines can thiệp ít nhất mỗi năm 3 lần khi xảy ra lũ lụt hay bão tố. Họ biết tổ chức phân phối lương thực cứu trợ, hoạt động cứu hộ. Họ có thể sử dụng máy bay trực thăng, tàu bè để cứu nạn mà không cần đến sự giúp đỡ của quốc tế ».

Thế nhưng, lần này, trước sự tàn phá nặng nề của cơn bão chưa từng thấy trong lịch sử, đội quân chuyên nghiệp này bao gồm 200 000 người, phải nhờ đến sự trợ giúp của quân đội Anh và Mỹ. Ví dụ, Hoa Kỳ gửi tàu sân bay USS Georges Washington đến Philippines để tiếp tế và cứu trợ. Lầu Năm Góc còn cung cấp các thiết bị khác như máy bay trực thăng để đáp vào các địa điểm gặp nạn khó tiếp cận.

Mego Terzian, chủ tịch hiệp hội « Bác sĩ không biên giới » (MSF) kể lại : « Chúng tôi được biết là nhiều quân nhân đã chuyên chở nhiều nạn nhân trên một chiếc xe ». Cả quân nhân và cư dân địa phương đều phối hợp nhịp nhàng với nhau. Để kết thúc, bài viết trên báo La Croix nhận định, công tác cứu hộ, khôi phục và xây dựng lại nơi bị tàn phá sẽ còn kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.

Bên cạnh đó, báo Libération cũng dành hai trang cho sự kiện này nhưng tờ báo ưu tiên phân tích cảm xúc của các nạn nhân sau cơn bão.

Bài viết đề tựa : « Điện thoại là sợi dây liên lạc duy nhất của tôi với sự sống ». Theo tờ báo, các nạn nhân đều chờ tin tức của người thân từ chiếc điện thoại.

Pháp : Cải tổ nội các có xảy ra ?

Trở lại với tình hình chính trị tại Pháp, báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Tổng thống Hollande không muốn thay đổi gì ».

Trong lúc mà khủng hoảng xã hội và chính trị đang trở nên trầm trọng tại Pháp, một bộ phận của phe đa số tại Quốc hội hối thúc Tổng thống phải thay đổi đường hướng lãnh đạo nhưng cho đến nay, ông Hollande đã lựa chọn giữ nguyên hướng chiến lược.

Báo Le Monde phân tích trên trang nhất : « Phẫn nộ xã hội và chính trị đang thúc bách François Hollande ». Một số dân biểu trong Quốc hội yêu cầu thay Thủ tướng.

« Vì sao ông Hollande tránh cải tổ nội các ? » là tựa trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos.

Tờ báo cho biết, ông không muốn hành động dưới sức ép và dẫu cho có cải cách đi nữa, cũng không chắc dập tắt được sự phẫn nộ trong dân chúng.

Dù cho thế nào đi chăng nữa, xã luận trên tờ Le Figaro nhận định : Một cuộc cải tổ nội các thực sự duy nhất chính là Tổng thống Hollande cải tổ chính sách của mình. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi phế truất Thủ tướng Ayrault và thay vào đó một nhân vật khác, nhưng cũng thi hành cùng một chính sách ?

Thế nhưng, nhật báo kinh tế Les Echos khuyến cáo phải hành động bằng cách này hay cách khác, bởi vì sự tê liệt chính trị trở thành vấn đề kinh tế chính của nước Pháp. Henri Gibier, cựu Giám đốc ban biên tập tờ Les Echos kết luận : «Tuy nhiên,kinh tế Pháp vẫn còn giữ được vũ khí lợi hại để phòng thủ trên thị trường thế giới, chủ yếu là các công ty Pháp được liệt kê vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả Đức ».

Pháp : Mua hàng trên mạng chựng lại

Báo Le Figaro mục kinh tế quan tâm đến tình hình mua hàng trên mạng. Tờ báo ghi nhận, năm này, các trang bán hàng trên mạng tại Pháp thu hút người tiêu thụ mới ít hơn 4 lần so với năm 2012. Dưới 1/5 người Pháp mua hàng một lần/tuần trên mạng.

Theo nguồn từ văn phòng tư vấn PwC, 49% người Pháp mua quần áo may sẵn trên mạng, 34% mua đồ điện tử, 24% mua điện gia dụng, 22% mua mỹ phẫm, 13% mua thức ăn, 8% mua dụng cụ làm vườn.

Còn về tần số mua sắm trên mạng, chỉ có 17% dân số mua trên mạng trên 1 lần/tuần. Con số này khá xa so với Trung Quốc (76%), hiện đang giữ vị trí quán quân trong lĩnh vực này. Số lượng này tại Anh là 40% và tại Đức là 36%.

Nguyên nhân làm cho việc mua hàng qua mạng không phát triển nữa tại Pháp chính là do khủng hoảng. Theo một chuyên gia giải thích thì hậu quả của khủng hoảng thấy rõ nhất là trên tổng số tiền mua hàng trung bình của khách, có khuynh hướng giảm xuống.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như đổi trả hàng hóa. Do đó, để cạnh tranh với các cửa hiệu và để lôi cuốn khách hàng, các trang bán hàng trên mạng đã tăng cường các dịch vụ nhằm làm hài lòng khách hàng.

Hơn nữa, ngày nay, người ta còn lo ngại các thông tin cá nhân, ngân hàng bị lộ khi mua bán trên mạng nên họ cũng hạn chế hình thức mua bán này. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có trang Amazon và Cdiscount là còn làm ăn được nhờ họ tung ra một chính sách giá cả cạnh tranh, nỗ lực phục vụ khách hàng và nhiều mặt hàng đa dạng, hấp dẫn.

Switch mode views: