Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-05-2013

Khủng bố Anh Quốc : « Những con sói » đơn độc

BRITAIN-KILLING 3



Cảnh sát Anh điều tra trên hiện trường vụ khủng bố ở Woolwich, ngày 22/05/2013
REUTERS/Stefan Wermuth


Khủng bố tại Anh Quốc là chủ đề nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm.

Tờ Le Monde ra chiều qua chạy trên trang nhất hàng tựa « Vụ giết người ở Luân Đôn: Điều tra hướng về khủng bố Hồi giáo ».

Báo Libération thì chạy tựa : « Những kẻ khủng bố mới ».

Báo Pháp lo ngại vụ giết người này là biểu hiện của một chủ trương thánh chiến Hồi giáo ít có tổ chức, rất đáng lo ngại, vì khó ngăn chặn.

Vụ giết hại một quân nhân Anh do hai người đàn ông tuyên bố là tín đồ Hồi giáo chủ trương thánh chiến để trả thù, đã xảy ra tại khu phố nghèo Woolwich, thuộc một vùng ngoại ô thủ đô nước Anh ngày hôm kia, thứ Tư 22/05, khiến công luận Anh bàng hoàng.

Sau vụ khủng bố, bài « Săn đuổi người nhập cư tại khu Woolwich, sau cuộc tấn công » trên Le Monde cho biết, một tổ chức cực hữu (English Defence League) đã huy động hàng trăm người bịt mặt tấn công vào nhiều đền thờ Hồi giáo.

« Bàng hoàng tại Luân Đôn sau cái chết của một người lính » là hàng tựa bài viết trên Le Monde do phóng viên gửi từ Anh Quốc.

Diễn biến chính là hai thủ phạm vụ giết người đã không bỏ chạy, mà ở lại để người qua đường quay phim và thậm chí đối thoại với một phụ nữ đặt câu hỏi. Ingrid Loyau-Kennett, người qua đường chất vấn một trong hai thủ phạm, nhận xét rằng : « Anh ta không say hay bị ma túy chi phối. Anh ta chỉ nổi giận mà thôi, nhưng người này kiểm soát hoàn toàn các hành động của mình ».

Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời từ vụ giết người này là : Hai thủ phạm là ai ? Hành động của họ là đơn lẻ hay họ thuộc một nhóm có tổ chức ? Còn có các kế hoạch tấn công nào khác được dự kiến ?

Theo Le Monde, đây là lần đầu tiên, kể từ năm 2005, Anh Quốc lại bị tấn công khủng bố.

Vụ tấn công năm 2005 khiến 52 người chết cùng với 4 kẻ khủng bố tự sát. Kể từ đó, một loạt các âm mưu khủng bố đã bị phá vỡ.

Sau khi các nhóm quân Anh rút khỏi Irak, vấn đề khủng bố dần dần không còn được coi như mối bận tâm hàng đầu của chính quyền Anh.

Cuộc tấn công mới đây cho thấy nguy cơ khủng bố thực ra không ở đâu xa.

Cũng như Le Monde, Libération đặt câu hỏi : Liệu các thủ phạm có hoạt động đơn lẻ ?

Bài « Phải chăng đang hình thành các hoạt động khủng bố tại chỗ ? » nhận định : « Vụ giết hại đẫm máu một quân nhân ở Luân Đôn hôm thứ Tư, một lần nữa là biểu hiện của một chủ trương thánh chiến Hồi giáo (jihadisme) đặc biệt, ít có tổ chức. Và như vậy khó phá vỡ hơn ».

Xã luận Libération mang tựa đề « Vỡ tung » mở đầu bằng ba địa danh : Toulouse, Boston, Luân Đôn… để nhắc đến hai vụ khủng bố trước đó tại Pháp và Mỹ, đều do các « con sói cô độc » - tức những thành phần hoạt động đơn lẻ - thực hiện.

Xã luận Libération kết luận với nhận định : « Đối mặt với các đoạn video lan tràn trên inernet, từ 24 giờ nay, ta gần như muốn nhắm mắt lại, với niềm tin rằng đây chỉ là một hành động của kẻ điên rồ.

Nhưng thảm kịch man rợ xảy ra ở Luân Đôn đã được chuẩn bị và đi kèm với một thông điệp chiến tranh tôn giáo, rất xa lạ với đạo Hồi. Một sự hận thù nhằm thẳng vào toàn thể nhân loại như vậy càng trở nên đáng lo ngại hơn, khi mà gần như không thể nào dự báo trước được.

Làm thế nào một chính phủ có thể ngăn cản được một công dân cương quyết và sẵn sàng hành động một cách hèn hạ như vậy ?

Câu trả lời của thủ tướng Anh, trong cơn chấn động, là : Hãy đoàn kết và không nhân nhượng một ly nào ».

Bài phỏng vấn của Libération với thẩm phán chống khủng bố Marc Trévidic, mang tựa đề « Một phần giới trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Hồi giáo cực đoan », nhấn mạnh đến chuyện internet tạo thuận lợi cho việc phổ biến các giáo điều Hồi giáo cực đoan.

Chuyên gia về các mạng lưới thánh chiến Hồi giáo cho rằng cảnh sát và tình báo Pháp, Anh hay Mỹ không có đủ phương tiện để nhận diện các phần tử thánh chiến hoạt động đơn lẻ và các nhóm khủng bố siêu nhỏ hoạt động một cách âm thầm.

Cam Bốt : Ông Hun Sen bóp nghẹt bầu cử

Về Châu Á, Libération có bài viết đáng chú ý : « Tại Cam Bốt, các cuộc bầu cử bị Hun Sen bóp nghẹt » do thông tín viên gửi về từ Nhật Bản.

Bài báo cho biết ngày thứ Tư vừa qua, một cuộc biểu tình của đối lập đã diễn ra để yêu cầu tổ chức một cách công bằng cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 7 tới.

Libération dẫn lời đối lập và thủ tướng Cam Bốt. Theo ông Sam Rainsy, 63 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập, hiện đang sống lưu vong, thì sự lộng hành của phe cánh (thủ tướng) Hun Sen khiến « Cam Bốt rơi vào vòng luẩn quẩn ».

Theo chủ tịch trung tâm nhân quyền Cam Bốt, Virack Ou, đảng Nhân dân Cam Bốt nắm toàn bộ hệ thống quyền lực, từ quân đội, cảnh sát, truyền hình, ủy ban bầu cử cho đến hệ thống tư pháp. Toàn bộ cỗ máy tuyên truyền phục vụ cho lợi ích của chế độ này.

Trong khi đó, quan điểm của ông Hun Sen là « Để là một lãnh đạo, cần phải mạnh mẽ và cương quyết. Không ai có thể tiếp tục nắm quyền mà không có cái (tính cách) đó ». Vào tháng tư vừa qua, Hun Sen cảnh báo sẽ xảy ra nội chiến, nếu đối lập giành chiến thắng.

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, bị kết án tù 11 năm vào năm 2010, không thể tham gia ứng cử.

Ông Sam Rainsy hiện đang ở Úc trong chuyến đi vận động cộng đồng Cam Bốt hải ngoại ủng hộ các ứng cử viên của đảng ông.

Vào năm 2008, đảng của ông Sam Rainsy, dành được 26/123 ghế Quốc hội, đã hợp nhất với Đảng Nhân quyền, được ba ghế, để thành lập Đảng cứu nguy dân tộc Cam Bốt.

Theo chủ tịch trung tâm nhân quyền Cam Bốt, chế độ lo ngại đối lập có thể dành thêm ghế trong Quốc hội.

Tuy nhiên, Libération bình luận, đảng cầm quyền đang có ưu thế vượt trội. Hiện nay, đảng cầm quyền Nhân dân Cam Bốt nắm đa số tuyệt đối tại Quốc hội, với 90 ghế và đối lập lo ngại sẽ có nhiều gian lận trong kỳ bầu cử tới.

Trong cuộc bầu cử trước, vào năm 2008, nhiều người khi đến bỏ phòng bỏ phiếu thấy có người đã bỏ phiếu trước đó với tên mình.

Đối với kỳ bầu cử sắp tới, con trai út của Hun Sen và con rể đã được đảng cầm quyền chỉ định làm ứng cử viên.

Một loạt các vị trí quan trọng trong quân đội đều được con cái của Hun Sen nắm giữ. Libération nhận định : Hun Sen đã chuẩn bị sẵn thế hệ kế tục, nhưng ông ta cũng vừa tuyên bố sẽ chỉ rời quyền lực vào năm 74 tuổi, tức là sau hơn một thập niên nữa.

Kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt, thị trường thế giới chao đảo

Về chủ đề chính của Les Echos, ảnh hưởng của tình trạng kinh tế Trung Quốc đến thị trường toàn cầu, bài « Sự đuối sức của các động lực kinh tế Trung Quốc » ghi nhận việc từ vài tuần nay, các nhà kinh tế liên tục đưa ra chẩn đoán ngày càng đen tối hơn về nền kinh tế thứ hai thế giới trên phương diện tài chính.

Các vấn nạn chung của nền kinh tế Trung Quốc là sản xuất công nghiệp vượt quá nhu cầu thị trường, nợ xấu và một hệ thống tài chính dễ tổn thương.

Theo ước tính sơ bộ của ngân hàng HSBC, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc vào tháng 5 đã sụt giảm.

Kể từ hôm qua, vấn đề được các kinh tế gia đặt ra là, sau khi ngân hàng HSBC thông báo chỉ số công nghiệp Trung Quốc tháng 5/2013, liệu tình trạng này có thể chặn đứng sự phát triển của kinh tế Trung Quốc ?

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm ở Trung Quốc là một trong các yếu tố khiến chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất điểm hơn 7%.

Một ví dụ cụ thể cho thấy sự sụt giảm của xuất khẩu Trung Quốc : người phụ trách bán hàng của một doanh nghiệp dệt may tại Quảng Đông cho biết, trong những tháng gần đây, xuất khẩu của doanh nghiệp mình chỉ còn bằng 50% so với trước.

Một ví dụ khác, sản lượng của ngành sản xuất phục vụ xây dựng năm 2012 giảm 34%. Đây là một điều chưa từng thấy. Sự sụt giảm liên quan đến tất cả mọi loại mặt hàng, từ cuốc xẻng cho đến cần cẩu...

Trong hiện tại, không có gì để hy vọng là nhu cầu hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới sẽ gia tăng. Tại Hoa Kỳ, kinh tế phục hồi chậm chạp, còn ở châu Âu, không có tăng trưởng.

Trong khi đó, giá đồng yuan lại tăng lên, khiến giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

Về phía trong nước, tiêu thụ nội địa cũng không có triển vọng tăng đột biến.

Theo Les Echos, trong hoàn cảnh hiện tại, một số người trông chờ vào bàn tay của Nhà nước trung ương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ không có một kế hoạch chấn hưng kinh tế như năm 2008, với một số tiền cho vay khổng lồ được tung ra.

Tờ báo kinh tế kết luận, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là cải cách mô hình kinh tế, các tân lãnh đạo Trung Quốc phải thay đổi tận gốc đường lối của mình.

Tổng thống Pháp ca ngợi « mô hình Đức »

Trở lại châu Âu, Le Figaro chú ý đến chuyến công du của tổng thống Pháp tại Đức qua bài « Cải cách : Hollande ca ngợi mô hình Đức ».

Tổng thống Pháp François Hollande được mời tham dự kỷ niệm 150 năm ngày thành lập đảng Xã hội Dân chủ Đức – SDP, tại Leipzig. François Hollande đã có bài phát biểu đầy ấn tượng, ca ngợi các cải cách do đảng cánh tả Đức, đứng đầu là ông Gerhard Schroder - thủ tướng thời đó –, thực hiện.

Diễn văn của tổng thống Pháp được đọc lên, với sự có mặt của thủ tướng Merkel, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, khách mời của đảng cánh tả đối lập. Cuộc cải cách cách đây 10 năm của đảng Xã hội – Dân chủ Đức vốn từng bị đảng Xã hội của ông Hollande phê phán mạnh vào thời điểm đó.

Để so sánh sự kiện vừa diễn ra tại Đức với thực tế tại Pháp, mục « Contre-point » (Quan điểm phản biện) trang 2 tờ Le Figaro đưa ra cảnh tượng, tại hội nghị đảng đối lập UMP, thủ tướng Đức được mời với sự đón tiếp của tổng thống Pháp, thuộc đảng Xã hội cầm quyền.

Bài viết của Le Figaro bình luận : « Câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng này là, chắc chắn không thể diễn ra ở Pháp, ở Pháp không thể nghĩ đến điều này ». Nhưng một câu chuyện như vậy đã xảy ra tại Đức vào ngày hôm qua.

Sự thân thiện giữa hai đảng cánh tả và cánh hữu, « chuyện viễn tưởng ở bên này sông Rhin, là hiện thực ở bờ bên kia ».

Về sự kiện này, Libération có bài « Hollande, nhà dân chủ - xã hội trong một vòng công du sông Rhin » và nhiều bài trong phần giữa của tờ báo. Nhân sự kiện này, Libération phỏng vấn nhà sử học Mathieu Fulla.

Theo Mathieu Fulla, trong lịch sử chính trị Pháp, xu thế xã hội-dân chủ luôn là một điều kiêng kỵ đối với đảng Xã hội Pháp.

Cũng về sự kiện này, tờ báo cộng sản l’Humanité có bài « Hollande theo vết Schroder », với nhận định, « tại Đức, trước đảng Xã hội – Dân chủ, tổng thống Pháp để bỏ rơi bản sắc xã hội chủ nghĩa của mình để ca ngợi các cải cách tự do của cựu thủ tướng Đức ».

L’Humanité, trong bài « Trục liên minh mới của cánh tả, giữa Paris và Berlin », thông báo một liên minh cánh tả mới, giữa đảng Cộng sản Pháp, đảng Mặt trận Cánh tả Pháp và đảng Die Linke, đã được thảo luận trong cuộc họp diễn ra ngày hôm qua tại Quốc hôi Pháp. Đảng Die Linke (đảng Cánh tả Đức) là một đảng cánh tả có đường lối khác với đảng cánh tả Dân chủ - Xã hội SDP.


Switch mode views: