Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-03-2013
- Thứ Hai, 18 tháng Ba năm 2013 18:56
- Tác Giả: Minh Anh
Dân Chypre giận dữ khi phải chi tiền túi để cứu quốc gia
Dân Chypre biểu tình trước trụ sở Quốc hội, Nicosie, 18/03/2013
REUTERS
Báo chí Pháp hôm nay, thứ hai, 18/03/2013 đặc biệt dành nhiều trang viết về dự luật đánh thuế người gửi tiền ngân hàng tại đảo Chypre nhằm cứu quốc gia này ra khỏi cuộc khủng hoảng khu vực châu Âu.
Báo l’Humanité chỉ trích : « Ba nhà tài trợ bòn rút tiền dân Chypre » hay như báo Les Echos có bài : « Khu vực châu Âu muốn cứu đảo Chypre bằng sự đóng góp của người gửi tiền ngân hàng ».
Đặc biệt, bài viết trong mục kinh tế của báo Le Figaro nêu lên một cách đầy đủ và tổng quan phản ứng của người dân cũng như những hậu quả của đạo luật này.
Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp gói cứu trợ 10 tỉ euro cho đảo Chypre hồi thứ Bảy vừa qua, mặc dù gói cứu trợ này có quy mô nhỏ hơn dự kiến ban đầu ước tính là 17 tỉ euro.
Dưới sự tác động của IMF và Đức, các chủ nợ buộc tổng thống Chypre Nicosie đánh thuế suất 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại các ngân hàng, và 6,75% đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi cũng sẽ bị đánh thuế.
Hiện Chypre là quốc gia thứ 5 trong khối đồng euro được nhận cứu trợ, sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Theo dự kiến, dự luật trên sẽ được Nghị viện bỏ phiếu vào hôm nay.
Một dân biểu không tán thành với kế hoạch trên lo ngại : « Dự luật mang tính cứu thoát đảo Chypre nhưng lại không thể chấp nhận được bởi nó sẽ làm cho dân chúng hoảng hốt và một lượng tài chính sẽ bị rút một cách đáng kể ».
Trước quyết định trên, dân chúng tại đảo Chypre đã ùa nhau đến các nhà băng và máy tự động rút tiền, hay như thử vận may bằng cách rút tiền qua mạng nhưng vô ích bởi hệ thống giao dịch đã bị khóa.
Tờ Figaro chua chát dẫn lời một người dân lên án : « Đây là một cách ăn cắp. Mẹ tôi, 81 tuổi, chỉ có 1000 euro trên tài khoản. Tại sao họ lại muốn cướp đi ? Đâu phải làm như thế thì sẽ xóa được nợ cho đảo Chypre ».
Từ lâu, đảo Chypre vốn được xem là « thiên đường để gửi tiền » và nhất là chốn dung thân của nạn rửa tiền Nga thì giờ đây lại trở nên phá sản.
Theo đánh giá, các nhà đầu tư Nga có nguy cơ mất đến 2 tỉ euro. Nhiều nhà đầu tư Nga đã rút tài sản ra khỏi nước này. Một số khác có lẽ sẽ lợi dùng tình thế trên để rút lui khỏi các cam kết.
Nga đã cam kết không thu hồi tiền về nước từ nay đến năm 2022 và một khoảng vay 2.5 tỉ euro cho đến năm 2016. Thay vào đó, chính phủ Nga mong muốn chính phủ Chypre phải công khai hơn về các công dân Nga gửi tiền, đặc biệt là các công ty chiến lược tại đây.
Hơn nữa, Kremlin đề nghị hai bên cần có sự hợp tác trong lĩnh vực thuế.
Về phần mình, chính phủ Anh hứa sẽ bồi thường thiệt hại cho 3000 quân nhân và nhân viên chính phủ đóng tại đảo Chypre.
Có khoảng 80 000 dân Anh sống tại đảo Chypre, đa số là các hưu trí nhưng thành phần này sẽ không được bồi thường.
Báo Les Echos lo ngại trong tương lai liệu nền kinh tế Chypre sẽ đi đến đâu vì điểm mạnh của nước này chính là các dịch vụ giao thương ngân hàng và chính sách thuế hấp dẫn.
Theo ông Mac Touati, chủ tịch một cơ quan tài chính thì đây là « một chính sách nguy hiểm, thiếu sự đồng tình của dân chúng và chỉ có lợi một bên ».
Những thách thức của Hiệp ước Quốc tế về buôn bán vũ khí thông thường
Sau thất bại của Hội nghị lần trước diễn ra cách đây 8 tháng (tháng 7/2012), bầu không khí của Hội nghị Hiệp ước Quốc tế về buôn bán vũ khí thông thường năm nay (bắt đầu từ hôm nay, thứ hai 18/3 cho đến hết ngày 28/3) được dự báo trước là sẽ rất căng thẳng.
Các quốc gia ủng hộ và các tổ chức phi chính phủ ủng hộ cho Hiệp ước sẽ chơi ván bài « được ăn cả ngã về không ». Mục tiêu là nhằm điều chỉnh buôn bán vũ khí hợp pháp và phòng ngừa nạn buôn lậu trái phép.
Chủ đề trên được tờ phụ san Địa – Chính trị của báo Le Monde đề cập đến qua hàng tựa « Buôn bán vũ khí : Những thách thức của một Hiệp ước ».
Le Monde cho biết nguyên nhân thất bại của Hội nghị diễn ra hồi tháng 7 năm rồi là do không đạt được sự đồng thuận sau bốn tuần tranh cãi.
Hoa Kỳ, quốc gia chiếm đến 30% lượng bán vũ khí trên toàn cầu, đã đột ngột thay đổi thái độ vào giờ chót, khi cho rằng bản thảo Hiệp ước có lẽ phải được xem xét kỹ thêm. Vậy là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã « thừa nước đục thả câu » để hùa theo. Và cuối cùng là không một văn bản nào được thông qua.
Trong khi đó, theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ, tính từ năm 2006, mỗi ngày, nạn buôn bán vũ khí đạn dược đã lấy đi mạng sống của gần 2000 người. Riêng kể từ thất bại của Hội nghị năm rồi, đã có hơn 325 000 người bị cướp đi sự sống.
Trong cuộc xung đột chính trị tại Syria, con số thống kê sơ bộ do Liên Hiệp Quốc đưa ra đã vượt quá con số 70 ngàn người.
Le Monde cho biết là trong năm 2012 vừa qua, giao thương vũ khí thông thường ước tính đã đạt đến 100 tỷ đô-la. Thế nhưng các hoạt động giao dịch này lại không tuân theo một quy định quốc tế nào.
Chính vì thiếu khung pháp lý đó, nên không có gì ngăn cấm Nga tiếp tục giao thiết bị quân sự cho chế độ Damas.
Trong bối cảnh này, Le Monde nghi ngờ khả năng đạt được cam kết ủng hộ Hiệp ước Quốc tế về buôn bán vũ khí thông thường (viết tắt là TCA) của năm nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo lưu ý là năm quốc gia này (bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) cũng là những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu.
Với tư cách là quốc gia sản xuất đạn dược hàng đầu thế giới, Mỹ đã phản đối chuyện tham gia vào việc áp dụng Hiệp ước. Đối với nhiều quốc gia châu Phi, Hiệp ước đó sẽ không giá trị gì cả nếu không bao gồm các quy định về buôn bán đạn dược.
Bên cạnh những khó khăn đến từ phía Mỹ, Le Monde còn cho rằng Nga cũng có thể là đã gây trở ngại trong việc thông qua hiệp ước năm rồi.
Theo nội dung bản thảo, các quốc gia thành viên sẽ phải cam kết cấm mọi hình thức buôn bán vũ khí có chứa « rủi ro cao » như là có thể được sử dụng cho mục đích « vi phạm nghiêm trọng nhân quyền », cho hành động khủng bố hay như là dùng cho băng đảng.
Thực tế là cho đến giờ Nga vẫn là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho chế độ Damas.
Bất chấp các lên án của Liên Hiệp Quốc chống lại chính quyền Syria là vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, Matx-cơ-va dường như vẫn như giữ nguyên lập trường.
Le Monde nhắc rằng Nga là một trong số khoảng 10 nước được cho là theo chủ nghĩa « hoài nghi » trong đó có Syria, Iran, Ai Cập và Bắc Triều Tiên đã không đặt bút ký vào Hiệp ước.
Tuy không hề chống lại một hiệp ước kiểm soát nạn buôn lậu vũ khí, nhưng số quốc gia này lại đề cập đến vấn đề an ninh quốc gia.
Tờ báo còn cho rằng, khó khăn cho một đồng thuận không chỉ đến từ phía các nước xuất khẩu mà còn từ phía các quốc gia nhập khẩu.
Các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản hay Ả Rập Xê Út viện lý do « quyền tự vệ chính đáng » để lý giải cho các hợp đồng gia dịch quốc phòng. Đối với các tổ chức phi chính phủ, việc gạt bỏ các giao dịch vũ khí trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực quốc phòng ra khỏi TCA còn là một khe hở khác trong dự thảo Hiệp ước. Tương tự cho các trường hợp cho tặng, vay mượn hay trợ giúp quân sự.
Mỹ và Nga : Hai quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu
Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde cho biết « Hoa Kỳ và Nga đứng đầu bảng các quốc gia xuất khẩu vũ khí ».
Tờ báo trích dẫn bảng tổng sắp của nhóm nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ - CRS, tên viết tắt của Congressional Research Service cho biết hơn 2/3 lượng vũ khí giao dịch (tức là vũ khí thông thường, không bao gồm vũ khí hóa học, hạt nhân, sinh học) đến từ năm quốc gia Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Trong đó, Mỹ đứng đầu bảng với 36,5% lượng hàng giao dịch, tiếp đến là Nga (19,6%).
Các vị trí trong bảng tổng sắp này không bị thay đổi từ năm 2004. Những quốc gia còn lại, tùy theo năm Pháp và Anh chiếm vị trí số ba và thứ tư.
Đức và Trung Quốc chia nhau giữ hai vị trí số 5 và số 6.
Cũng theo các nghiên cứu, các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông là điểm đến chủ yếu của họat động giao thương vũ khí, chiếm đến hơn 60% lượng hàng giao của Mỹ và Anh quốc trong giai đoạn từ năm 2008 và 2011.
Khu vực nhập khẩu vũ khí đứng hàng thứ hai thuộc về châu Á, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc.
Như vậy, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, giao thương vũ khí thông thường, trong đó bao gồm cả những hợp đồng quốc phòng được ký kết đang đợi giao hàng đã lên đến 85 tỷ đô-la trong năm 2011 và 100 tỷ đô-la trong năm 2012.
Riêng con số cuối cùng, gần phân nửa thuộc về 5 nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Quan hệ Ấn – Ý căng thẳng
Trong lãnh vực ngoại giao, báo Les Echos cho biết « hai hồ sơ làm căng thẳng mối quan hệ Ấn – Ý ».
Vào tháng hai năm nay, hai binh sĩ Ý trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ một cơ sở dầu khí của Ý tại Ấn Độ đã bắn chết hai ngư dân của nước này vì xem hai người này kẻ cướp.
Kết quả là Tòa án Tối cao New Dehli tuyên bố cấm đại sứ Ý rời lãnh thổ.
Tất cả các phi trường đều đặt trong tình trạng báo động nhằm ngăn chặn nhà ngoại giao trốn thoát.
Một tình thế chưa từng có trong ngành ngoại giao, kể từ khi công ước Viên quy định an ninh tuyệt đối cho các đại sứ quán.
Phía Ấn Độ cho rằng sự cố xảy ra ngay trên chính lãnh thổ của mình.
Ngược lại, Ý khẳng định rằng sự việc diễn ra trên lãnh hải quốc tế. Vấn đề là ngành tư pháp Ấn lại thiếu năng lực.
Sự việc trở nên trầm trọng kể từ khi Ấn Độ chấp thuận cho hai binh sĩ trên đường về nước để tham gia bỏ phiếu bầu quốc hội đổi lại lời hứa danh dự là phải quay lại Ấn Độ.
Thế nhưng, bất ngờ 8 ngày sau, chính quyền Ý thông báo là cuối cùng hai binh sĩ trên có lẽ sẽ không quay lại.
Một quyết định mà Ấn Độ xem như là một sự lăng mạ. Và thế là, New Dehli đã quyết định chống lại đại sứ Ý, người đứng ra bảo lãnh cho hai binh sĩ.
Một hồ sơ gai góc khác cũng đang làm sứt mẻ tình hữu nghị đôi bên, đó chính là hợp đồng mua trực thăng Ý Finmeccanica của Ấn Độ.
Tập đoàn Ý bị tố cáo đã hối lộ các quan chức Ấn Độ để đạt được hợp đồng này. Hệ quả là chủ nhân tập đoàn Ý đã bị bắt . Và Ấn Độ tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng.
Về mặt đối nội, 2 vụ tranh chấp đồng thời này đang mang lại cơ hội cho phe đối lập Ấn Độ tố cáo thái độ « dễ dãi » của đảng Quốc đại cầm quyền do bà Sonia Gandhi lãnh đạo. Một thái độ mà phe đối lập cho là đang mang lại nhiều lợi cho Ý.
Các nhà ngoại giao hiện tự hỏi khủng hoảng sẽ còn đi đến đâu. Đương nhiên, trên một phương diện nào đó, chính quyền Ấn Độ cũng có lý khi nổi giận chống lại các quyết định của Ý. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng trong bất cứ trường hợp nào, các biện pháp cưỡng chế chống lại một đại sứ là không thể bào chữa được.
Một đội ngũ mới nhằm vực dậy những thách thức của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Liên quan đến các chính sách cải tổ của chính phủ mới được bầu tại Trung Quốc, báo Le Figaro có bài báo mang tựa : « Một đội ngũ mới nhằm vực dậy những thách thức của nền kinh tế thứ hai thế giới ».
Sau cuộc họp báo đầu tiên, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ đấu tranh chống tham nhũng và bất công, đồng thời vực dậy nền kinh tế nước nhà ngày càng thu hút giới thương nhân hơn.
Ông Lý Khắc Cường khẳng định rằng ưu tiên hàng đầu là duy trì một sự tăng trưởng đều đặn.
Ông hi vọng con số đó sẽ đạt khoảng 7.5% trong những năm tới. Phương tiện duy nhất để đạt được chính là các biện pháp cải cách.
Ông Chu Tiểu Xuyên được bầu làm thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ năm 2002 và được xem như một gương mặt tầm cỡ trong làng tài chính.
Trọng trách của ông là phải tiếp tục theo sát và đôn đốc việc thi hành các sách lược cải cách mà ông đã bảo vệ. Đó là tăng cường mở rộng thị trường tài chính, huy đông vốn mạnh hơn và chính sách tiền tệ thoáng hơn với một lãi suất hợp lý theo luật thị trường.
Đây là những cải cách quan trọng cho nền kinh tế Trung Hoa bởi hiện nay, nền kinh tế thứ hai thế giới này vẫn còn chịu nhiều sự quản lý của nhà nước.
Ngân hàng trung ương không độc lập. Trung Quốc vẫn lo lắng vào mức tăng trưởng được cho là khá cao 7.8% vào năm 2002 bởi vì khoảng nợ của các chính quyền địa phương đã lên đến hàng trăm tỉ đô-la.Thêm vào đó, nạn lạm phát được xem là một nguyên nhân của sự bất ổn xã hội với một chỉ số tăng cao 3.2% so với 2% vào hồi tháng một.
Về mặt đối tác với nước ngoài, ông cho rằng cần phải cải tổ để giảm thuế cho các công ty tư nhân nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, cần phải ổn định thị trường bất động sản bởi đây chính là nguyên nhân gây bất bình trong tầng lớp trung lưu và làm suy yếu nền kinh tế.
Depardieu có còn là dân Pháp ?
Gần đây, sự kiện diễn viên điện ảnh nổi tiếng Gérard Depardieu đã đổi sang passe-port Nga và mua một căn nhà tại Bỉ đã làm tốn không ít giấy mực của giới báo chí Pháp.
Hôm nay, báo Figaro có báo « Depardieu và nỗi buồn nước Pháp ».
Trong cuộc phỏng vấn 12 phút trên truyền hình Bỉ, ngôi sao màn ảnh Pháp khẳng định việc ông rời Pháp không phải vì lý do đóng thuế như nhiều người nghĩ. Ông bộc bạch : « Nước Pháp giờ đây rất buồn và tôi nghĩ rằng người Pháp cũng chán cuộc sống hiện tại. Đặc biệt là họ thiếu năng lượng, thiếu niềm tin».
Đồng thời, ông khẳng định « mình luôn là dân Pháp và luôn yêu người dân Pháp ».
Nhưng ông thấy « thương những người dân Pháp vì họ đang trong một hoàn cảnh tế nhị ». Ông không phải là người đầu tiên nói về tình trạng chán nản tại Pháp nhưng ở đây ông đặc biệt lên án « những nhà lãnh đạo đương thời dường như không biết lãnh đạo » và đặc biệt phê phán thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault vì đã chỉ trích hành động của ông là xấu.
Ông từng đóng 87% thuế tại Pháp và khi sang Bỉ, ông đóng 50% và ông cho rằng chính sách thuế tại Pháp là quá đáng.
Minh Anh
Related news items:
Tin mới
- Trung Quốc đưa tàu ngư chính lớn nhất đến Trường Sa - 20/03/2013 06:15
- Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Trong Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Mạng Phêrô - 20/03/2013 06:09
- Tân Giáo Hoàng Phanxicô mang lại luồng gió mới cho Tòa thánh - 20/03/2013 05:36
- Đối lập Syria bầu thủ tướng lâm thời - 20/03/2013 05:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-03-2013 - 19/03/2013 23:03
- Tân Giáo Hoàng thản nhiên trước cơn thịnh nộ của Bắc Kinh - 19/03/2013 17:19
- Khoảng 300 000 tín đồ công giáo dự lễ đăng quang Giáo Hoàng Phanxicô - 19/03/2013 17:09
- Chôn cất nạn nhân Vĩnh Yên - 18/03/2013 19:46
- Đình chỉ 'cán bộ cao cấp tham nhũng’? - 18/03/2013 19:31
- Vatican chào đón các lãnh đạo thế giới - 18/03/2013 19:09
Các tin khác
- Tranh chấp Trường Sa với Việt Nam : Trung Quốc sẽ lập lại kịch bản đẫm máu năm 1988 ? - 18/03/2013 16:27
- Đài Loan hướng tên lửa tầm trung sang Trung Quốc - 18/03/2013 16:11
- Trung Quốc vượt lên hàng thứ năm các nước xuất khẩu vũ khí - 18/03/2013 16:04
- Trung Quốc thừa nhận chĩa radar vào tàu Nhật - 18/03/2013 15:58
- Washington đưa 9 nhóm tìm kiếm lính Mỹ mất tích sang Việt Nam và Lào - 18/03/2013 15:51
- Vĩnh Phúc : Dân xung đột với công an sau cái chết bí ẩn của một thanh niên - 18/03/2013 15:44
- Giáo Hoàng chuyện trò thân mật, giáo dân thích thú - 18/03/2013 01:22
- Một tướng Syria 'chạy sang phe đối lập - 18/03/2013 01:08
- ‘Không bàn vũ khí sát thương trong cuộc đối thoại Việt – Mỹ’ - 17/03/2013 23:51
- Iran có thể có bom nguyên tử trong một năm nữa - 17/03/2013 23:38