Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-11-2015
- Thứ Ba, 03 tháng Mười Một năm 2015 21:40
- Tác Giả: Mai Vân
Bầu cử Miến Điện : Sư dân chủ chống sư cực đoan
Nhà sư Wirathu, lãnh đạo Phật giáo Miến Điện cực đoan.
Reuters
Bên cạnh chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp và tình trạng hụt hơi của kinh tế Trung Quốc, Le Figaro nhìn sang Miến Điện, trước cuộc bầu cử "lịch sử" mà đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi, theo tờ báo, được cho là có nhiều triển vọng.
Trong bài phóng sự dài cả trang báo, Le Figaro chú ý đến cuộc dấn thân, hoạt động của các nhà sư, nghi nhận trong hàng tít : "Miến Điện : Giới sư sãi dân chủ đối đầu với phe ‘cuồng tín’ ủng hộ giới quân phiệt trước đây".
Bài phóng sự của Patrick Saint Paul mở đầu với ghi nhận : trong chiếc cà sa màu vàng, họ có mặt hầu như khắp nơi trên đường phố Miến Điện. Cho dù Hiến pháp cấm họ tranh cử, tranh ghế Quốc hội ngày mùng 8/11 tới đây, nhưng các nhà sư vẫn xen vào đời sống chính trị, giựt dây ở hậu trường.
Từ sau "cuộc cách mạng" tháng 9/2007, xuống đường biểu tình chống đối chính quyền quân sự, rất nhiều nhà sư bị bắt, giáo hội Phật giáo Miến Điện bây giờ lại chia rẽ, một phần bỏ hàng ngũ đối lập để quay sang với giới tướng lãnh mà họ chống đối trong hàng thập kỷ trước đây.
Phóng viên Le Figaro đã đến gặp nhà sư U Thaw Bita, từng tham gia đấu tranh năm 2007 và đã phải chạy trốn một thời gian. Nhà sư cương quyết ủng hộ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, sẵn sàng dùng sinh mạng của mình để bảo vệ bà.
Lý do là vì người dân rất cần bà Aung San Suu Kyi, bà có nhiều ảnh hưởng, là người duy nhất có thể tập hợp dân chúng và làm thay đổi chế độ. Nguyện vọng thay đổi của người dân rất lớn, họ sôi sục, họ "như một quả bom" Quân đội bắt tay với sư sãi cực đoan
Triển vọng thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi to lớn đến nỗi, theo bài báo giới tướng lãnh đã xích lại gần các nhà sư cực đoan của Ma Ba Tha Hiệp hội Phật giáo dấn thân "bảo vệ đất nước và đạo Phật" do nhà sư Wirathu lãnh đạo.
Bài báo trích phân tích của nhà văn Miến Điện U Kolay, cho rằng các nhà sư trước đây rất đoàn kết, nhưng chính quyền đã chìa tay thân thiện với phong trào cuồng tín bài Hồi giáo, giảm đi sự chống đối Trung Quốc không có lợi cho giới cầm quyền.
Dĩ nhiên là có qua có lại : các nhà sư cực đoan ủng hộ giới cầm quyền, ủng hộ ông Thein Sein, đánh đổi lấy một số đạo luật mang tính bài Hồi giáo như phải được phép của chính quyền nếu muốn thay đổi tín ngưỡng hay phải có một khoảng cách 3 năm giữa mỗi đứa con ... và như thế uy tín của nhà sư Wirathu đã lên cao vọt.
Trong phần kết luận, phóng viên Le Figaro nhận thấy hiện tại các nhà sư dân chủ, ủng hộ lãnh tụ đối lập vẫn là đa số, nhưng phe cuồng tín có thể là mối đe dọa làm cho bà thua thiệt trong cuộc đọ sức với các tướng lãnh.
Hiện nay nhà sư Wirathu đã không tiếc công sức vận động, nhất là qua Facebook, kêu gọi bỏ phiếu cho ông Thein Sein, vì ông là người "bảo đảm được sự ổn định. Bỏ phiếu nhầm lẫn sẽ gây hại cho đất nước".
Người Hồi giáo đối với nhà sư Wirathu là mối hiểm họa. Bà Aung San Suu Kyi từng bị trách cứ là thiên vị người Hồi giáo.
Đối với các nhà sư "dân chủ" như U Sein Tita, thì chính những nhà sư như ông Wirathu mới tạo ra một hình ảnh rất xấu cho Phật giáo Miến Điện.
Khí hậu : Paris cầu viện Bắc Kinh
Chuyến công du Trung Quốc kết thúc vào hôm nay của Tổng thống Pháp François Hollande đã được nhật báo Le Monde chú ý với nhận định đặt thành tựa : "Khí hậu : François Hollande tìm kiếm hậu thuẫn của Bắc Kinh". Đối với Le Monde, để bảo đảm cho thành công của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Khí hậu COP21 mà nước Pháp là chủ tịch, sắp mở ra tại Paris, Tổng thống Pháp đã liên tiếp công du những nước quan trọng. Trung Quốc được xem chặng quan trọng nhất.
Paris đã không che giấu vui mừng khi trong một tuyên bố chung, Bắc Kinh đã cam kết với Pháp về nguyên tắc đạt đến "một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý" về khí hậu tại Hội nghị Paris, cùng với những cơ chế giám sát việc thực hiện các cam kết giảm khí thải mà mỗi quốc gia sẽ đưa ra.
Trong phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp François Hollande và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói thêm rằng các cam kết giảm khí thải sẽ được xem xét lại toàn diện 5 năm một lần. Đối với Tổng thống Pháp, thái độ ủng hộ của Bắc Kinh đã đánh dấu "một bước tiến lớn" hướng tới một thỏa thuận ở Paris.
Vai trò quan trọng của Trung Quốc
Phải nói là Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế đà hâm nóng của trái đất. Từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất hành tinh (25% tổng lượng khi thải ra). Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nắm giữ một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán đa phương mở ra trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
Liên kết với nhóm quốc gia được gọi là G77, một liên minh gồm 133 nước trong đó có toàn bộ các nước đang phát triển, Bắc Kinh có thể lôi kéo theo mình nhiều quốc gia có miễn cưỡng, không muốn ký kết hiệp ước giảm khí thải tại Paris.
Pháp từng lưu ý rằng Bắc Kinh có khả năng gây sức ép quan trọng trên các nước còn dè dặt đó vì với một thị trường to lớn, Trung Quốc đã trở thành một tác nhân đối thoại chính trị quan trọng cho nhiều nước đang vươn lên. Trung Quốc lại có một loạt công cụ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầngchâu Á, Ngân hàng BRIC ... để thuyết phục các nền kinh tế đang phát triển.
Ngay khi đặt chân xuống Trùng Khánh hôm qua 02/11, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh rằng : "Sự ủng hộ của Trung Quốc là điều cần thiết » để « đạt được một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng".
Mọi người đều còn nhớ là tại Hội nghị Copenhagen vào năm 2009, chính thái độ dè dặt của Bắc Kinh đã là cản lực là cho các cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ lớn nào.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, do việc phải đối mặt với các đòi hỏi bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ của xã hội dân sự Trung Quốc, Bắc Kinh đã phải thay đổi thái độ, và ngày càng chấp nhận các khuôn khổ đa phương, cho dù vẫn không quên thúc đẩy lá bài song phương.
Tổng thống Pháp cũng tìm nguồn đầu tư Trung Quốc
Cũng về chuyến công du của Tổng thống François Hollande, nếu Le Figaro và Le Monde nêu vấn đề khí hậu, thì Les Echos nhấn mạnh trên vấn đề đầu tư. Les Echos trích thành tựa câu nói của Tổng thống Pháp với các nhà đầu tư Trung Quốc : "Đừng sợ nước Pháp".
Hiện nay theo Les Echos, Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của nước Pháp, đầu tư của Trung Quốc vào Pháp đã gia tăng mạnh trong những năm qua : hơn 200 công ty đang hiện diện tại Pháp, sử dung 20.000 người. Pháp như thế là nước đứng thứ nhì ở Châu Âu đón đầu tư của Trung Quốc.
Đối với Les Echos lời nhắn nhủ của Tổng thống Pháp cũng dễ hiểu vì nếu so sánh thì đầu tư của Pháp ở Trung Quốc dĩ nhiên quan trọng hơn : 3000 công ty, sử dụng 570 000 người.
Hàng giả : Vết nhơ của Trung Quốc
Nhân dịp đề cập đến kinh tế Trung Quốc Les Echos nêu bật một khía cạnh mà tờ báo gọi là "vết nhơ" của Trung Quốc, đó là hàng giả, và ngay chính quyền cũng phải công nhận.
Theo số liệu năm 2014, 40% hàng mua trên mạng là hàng giả hay chất lượng tồi. Và đã có đến 78 000 đơn kiện. Tình hình càng đáng ngại theo Les Echos khi mà việc mua bán qua mạng không ngừng tăng lên và một phần rất đông dân chúng lại sử dịng phương thức này.
Hàn gắn quan hệ Nhật-Trung-Hàn
Chú ý đến Châu Á hôm nay, bên cạnh chủ đề Kinh tế Trung Quốc sa sút gây lo ngại cho kinh tế thế giới, Le Monde theo dõi hội nghị thượng đỉnh 3 quốc gia Đông Bắc Á : "Trung-Nhật-Hàn nối lại đối thoại ở Seoul", tựa lớn trang quốc tế.
Sau 3 năm ngưng trệ, hội nghị 3 bên lại nối lại. Ba lãnh đạo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cuối cùng đã đối diện với nhau tại Seoul.
Điều mà Le Monde nêu bật nhân sự kiện này là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật. Hai nhân vật này chưa từng gặp nhau riêng từ ngày lên nhậm chức. Tờ báo cũng chú ý đến không khí cuộc họp : nhã nhặn - các bên đều kềm chế.
Dĩ nhiên các tranh chấp lãnh thổ hay lịch sử vẫn chồng chất, nhưng cuộc họp lần này có tính chất "xây dựng". Tờ báo trích lời Tổng thống Hàn Quốc, tin tưởng nó sẽ khôi phục lại sự hợp tác giữa 3 quốc gia.
Le Monde cũng nêu bật là chính Tổng thống Hàn Quốc đã khởi xướng cuộc họp lại 3 bên. Đề nghị được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật và chủ tịch Trung Quốc vào tháng 11/2014. Bà Park Geun Hye muốn xích lại, vì e ngại không khéo Hàn Quốc bị bỏ bên lề.
Bí ẩn một vụ máy bay rơi
Về thời sự quốc tế, chiếc máy bay hàng không dân sự Nga bị rơi sáng thứ 7 tại vùng Sinai, Ai Cập vẫn tiếp tục gây thắc mắc : Le Monde ở trang nhất nói đến những bí ẩn chung quanh chiếc máy bay Nga, Le Figaro trong hàng tựa ghi nhận là Matxcơva không còn loại trừ hành vi khủng bố. Les Echos cũng trong hàng tựa cho biết theo một vệ tinh đã có tiếng nổ nhưng không thấy có hỏa tiễn.
Các báo trích lại các giả thuyết lúc ban đầu thì phía quốc tế đã thiên về sự cố kỹ thuật, nhưng bây giờ phía Nga không loại khả năng khủng bố, giới chuyên gia quốc tế cũng thế. Có cả giả thuyết ch là một quả bom đặt trong máy bay.
Tin mới
- Tiếng động bí hiểm trên chiếc máy bay xấu số rơi tại Ai Cập - 08/11/2015 11:30
- Truyền thông Pháp: Hộp đen cho thấy máy bay Nga bị đánh bom In - 07/11/2015 10:40
- Dự Luật Tôn Giáo của Việt Nam gây quan ngại - 07/11/2015 10:36
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Biển Đông, đổ lỗi TQ gây căng thẳng - 06/11/2015 10:22
- Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam, biểu tình bị giải tán - 06/11/2015 10:14
- Chủ tịch Trung Quốc sẽ được tiếp đón bằng nhiều cuộc biểu tình ở VN? - 05/11/2015 10:26
- Anh: Máy bay Nga có thể đã bị đánh bom - 05/11/2015 10:19
- Mỹ phát hiện đốm lóe nhiệt ở Sinai khi máy bay Nga rơi - 04/11/2015 10:36
- Hải quân Mỹ sẽ tuần tra 8 lần một năm ở Biển Đông - 04/11/2015 10:31
- Trước 10 ngàn giáo dân, linh mục Đặng Hữu Nam dõng dạc lên tiếng: "Đừng bao giờ tin cộng sản!" - 03/11/2015 22:09
Các tin khác
- Trung Quốc điều phản lực cơ chiến đấu ra đảo Phú Lâm - 03/11/2015 11:01
- ASEAN lo ngại tranh chấp biển Đông có thể vượt khỏi tầm kiểm soát - 03/11/2015 10:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-11-2015 - 02/11/2015 22:20
- Nga tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn rớt máy bay ở Ai Cập - 02/11/2015 11:21
- Hàn Quốc, TQ, Nhật Bản đồng ý khai thông các ách tắc ngoại giao - 02/11/2015 11:15
- Châu Âu đứng về phía Mỹ trong vụ tàu chiến tuần tra biển Đông - 01/11/2015 11:15
- Máy bay Nga rơi ở Ai Cập, 224 người e rằng đã thiệt mạng - 01/11/2015 11:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2015 - 01/11/2015 04:33
- Căng thẳng Biển Đông: Tàu Nhật sắp cập bến Cam Ranh - 31/10/2015 09:28
- Mỹ điều binh sĩ tác chiến đặc chủng tới Syria - 31/10/2015 09:22