Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vatican-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì hồ sơ Armenia

 
POPE-ARMENIA
 
Đức Giáo Hoàng Phanxico làm lễ kỷ niệm 100 năm vụ thảm sát Armenia tại Vatican ngày 12/04/2015.
REUTERS/Tony Gentile
 
 
Trong dòng thời sự quốc tế hôm nay, 14/04/2015, căng thẳng giữa Vatican và Thổ Nhĩ Kỳ về thảm sát người Armenia cách đây 100 năm là chủ đề chính. 
 
Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề nổi bật khác như quan hệ "mới" giữa Hoa Kỳ và các nước láng giềng phía Nam hay mối lo lắng về số phận hơn 200 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc ở Nigeria cách đây một năm mà vẫn không thấy tăm hơi.
 
Trong thánh lễ Chủ nhật 12/04/2015, tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia cùng với Thượng phụ Chính thống giáo Armenia và Tổng thống Armenia Serge Sarkissian, Đức Giáo hoàng Phanxico đã đề cập đến những vụ "diệt chủng"  trong 100 năm qua, từ vụ thảm sát người Armenia cho đến tội ác của Staline, Hitler, Pol Pot và gần đây nhất là ở Bosnia và Rwanda.
 
Về vụ thảm sát người Armenia năm 1915, người đứng đầu Tòa Thánh đã nói đến một cuộc " diệt chủng của thế kỷ XX ". 
Những lời nói này của Giáo hoàng đã làm Thổ Nhĩ Kỳ bất bình không ít và đã triệu hồi đại sứ của mình về nước.
 
Báo Pháp đã trở lại hồ sơ này và nêu bật thái độ bất bình của Ankara : " Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo cụm từ "diệt chủng" của Đức Giáo hoàng", tựa báo Công giáo La Croix, trong lúc Le Monde, ở trang Quốc tế nói đến "Khủng hoảng chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican". 
 
Riêng Le Figaro, cũng trên trang quốc tế, nhìn thấy : "Người Armenia hoan nghênh cử chỉ táo bạo của Đức Giáo hoàng". 
Theo nhật báo, cả 10 ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ 100 vụ thảm sát, Đức Giáo hoàng đã khai mạc sự kiện với một tiếng vang quốc tế.
 
Điều làm cho tờ báo, cũng như các đồng nghiệp, thắc mắc là phát biểu của Đức Thánh Cha rất đột ngột, không ai chờ đợi ngài mệnh danh là " diệt chủng"  vụ thảm sát cả triệu người Armenia năm 1915, mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn phủ nhận. 
 
Tờ báo nhắc lại là trong chuyến viếng Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái, Giáo hoàng Phanxicô, đã rất cẩn thận, tránh sử dụng từ này.
 
Không phải là một chủ trương mới của Vatican
 
Le Figaro trích nguồn tin ngoại giao từ Armenia, cho rằng đây không phải là một đường lối mới của Vatican, vì cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ Đệ nhị khi đến Armenia năm 2001, đã ký cùng với Thượng phụ Chính thống giáo Karekin II một bức thư trong đó nói rõ đấy là một vụ diệt chủng. 
 
Nhưng, theo tờ báo, thay đổi thái độ của Giáo hoàng Phanxicô đã mở lại với một tiếng vang lớn, hồ sơ vẫn chưa nguôi về vụ thảm sát hơn một triệu người Armenia, hay nói đúng hơn là thái độ luôn phủ nhận của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Le Figaro phân tích là nếu hồ sơ người Armenia bị thảm sát này vẫn là một thùng thuốc súng về mặt chính trị đối với Ankara, thì đứng trên khía cạnh lịch sử, thì nó đã được đóng lại rồi, vì không một sử gia nghiêm túc nào còn phủ nhận các sự kiện : Ngày 24/04/2015, trong lúc Thế chiến thứ nhất nổ ra, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh lưu đày người Armenia ở vùng Anatolie qua vùng sa mạc Syria, và 1 triệu rưỡi người đã mất tích.
 
Các sự kiện này đã thuộc về lịch sử. Ngay Thổ Nhĩ Kỳ đã phải công nhận thực tế này, cho dù về mặt chính thức, vẫn tương đối hóa hồ sơ mà họ gọi là "sự kiện 1915 ". 
Thổ Nhĩ Kỳ, theo Le Figaro đã tố ngược lại là người Armenia đã thảm sát người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ khi họ phục vụ trong hàng ngũ quân đội Nga hoàng thời ấy.
Theo Le Figaro, hồ sơ này nổi cộm lên trở lại không chỉ làm Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu, mà ngay cả một số quốc gia khác cũng lâm vào thế khó xử. 
 
Nhiều nước, đứng đầu là Mỹ, để không làm cho Ankara bất bình, đã tránh sử dụng từ "húy kỵ" diệt chủng Armenia. 
Tổng thống Obama trong lúc vận động tranh cử, từng nói sẽ sử dụng cụm từ này một khi được bầu, nhưng đã không làm để khỏi làm phật ý đồng minh.
 
Trước mắt nhân lễ kỷ niệm 100 năm, cho đến giờ này, chưa nguyên thủ quốc gia nào thông báo đến Armania dự lễ, ngoại trừ Tổng thống Pháp François Hollande và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.
 
Không thể tránh né từ " diệt chủng "
 
Trên mục Ý kiến, dưới tựa đề : "Tôn trọng lịch sử để xây dựng tương lai", Renaud Girard, một nhà phân tích của Le Figaro, nhắc lại các chi tiết theo đó không thể chối bỏ từ "diệt chủng" trong vụ Armenia.
 
Theo tác giả bài viết chính lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thời đó, Talaat Pacha đã ra lệnh giết người Armenia, kể cả phụ nữ, trẻ em, với lý do họ là đạo quân thứ 5 của đế chế Nga, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. 
 
Phải thảm sát hết, diệt cỏ tận gốc, để sau này không có người trả thù, như chính ông Pacha đã giải thích với đại sứ Mỹ thời đó Morgenthau. Và cuộc thảm sát hơn 1 triệu người đã thật sự diễn ra, 1915-1916.
 
Tác giả bài báo cho đây là một thực tế lịch sử mà không ai có thể thay đổi. Và chừng nào mà Thổ Nhĩ Kỳ không cố gắng nhìn thẳng vào lịch sử của mình, không công nhận đó là một vụ "diệt chủng" thì sẽ không bao giờ có thể hội nhập hoàn toàn vào vùng Châu Âu và Địa Trung Hải. 
 
Bài báo cho là người ta không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải hối cải, vả lại người khai sinh ra nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ngày nay, Mustafa Kemal không dính gì đến vụ thảm sát đó. Người ta chỉ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng lịch sử.
 
Bài báo lấy ví dụ của Đức đã nhìn thẳng vào lịch sử với đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái ngay gần một bunker của Hitler, hay cử chỉ của Thủ tướng Đức Willy Brandt ở Vacxava, năm 1970, qùy gối trước đài tưởng niệm nạn nhân. 
Đó là những cử chỉ mang lại sự kính phục đối với Đức. Nhưng ngược lại bài báo đã lấy ví dụ của Nhật, không công nhận lịch sử, cho nên không thể tạo được sự tin tưởng đối các láng giềng, đối với Bắc Kinh.
 
Phà Sewol : Nỗi tức giận không nguôi của gia đình nạn nhân
 
Nhìn về Châu Á, báo Le Monde ở trang "Điều tra" chú ý đến Hàn Quốc, đúng hơn là đến tai nạn phà Sewol, mà một năm sau vẫn còn nhiều ẩn khúc, ngay cả phà bị đắm trong hoàn cảnh nào cũng chưa rõ. 
 
 Tờ báo chạy tựa : "Những người bị quên lãng của chiếc Sewol". Chiếc phà Sewol bị nạn ngày 16/04/2014 : 295 người chết, phần đông là học sinh, và 9 người mất tích. 
Một năm sau trôi qua chính quyền đã không làm gì để tìm hiểu nguyên nhân và rút bài học.
Đặc phái viên Philippe Mesmer, tác giả bài viết, mở đầu bằng cảnh mô tả các chiếc lều vải trắng vẫn còn ở Gwanghwamun. 
 
Vẫn còn đấy bất kể thời tiết nóng bức mùa hè hay giá rét mùa đông, với các giải ruban vàng phất phới. Đây là màu được chọn vì gợi lên sự tang tóc, để tưởng niệm sự cố đau buồn. 
Không thể nào quên được thảm kịch giết chết con trai của mình, ông Cho Nam-Song, cho biết không còn thiết sống nữa. 
 
Một người cha khác Oh Young Suk, nhắc lại là hôm đó ông ăn sáng với con trai và còn chúc cậu đi chơi vui. 
Cả năm qua ông không ngơi nghỉ đòi chính quyền cho biết đầy đủ thông tin.
 
Thảm kịch càng đau đớn hơn khi các bậc cha mẹ cảm thấy mình bị phản bội. Ông Oh Young vẻ tuyệt vọng cho là đến bây giờ ông vẫn không biết tại sao con ông và con những người chung quanh đã chết. 
Ông đang đấu tranh để hiểu rõ điều này. Theo Le Monde, dần dà nhiều tin được tiết lộ lại trái với những gì được thông báo trước đây. 
 
Bối cảnh xẩy ra tai nạn không được rõ. Không chỉ thủy thủ đoàn sau này được biết không có kinh nghiệm, lại đi trên một vùng biển nguy hiểm.
Một số sự kiện khác đã làm cho các cha mẹ thêm tức giận đó là vấn đề cứu hộ : Các đài truyền thông cho là chính quyền đã phái 20 trực thăng đến cứu những người trên phà. 
 
Một bà mẹ cho biết khi phụ huynh được chở xe ca đến nơi, bà không hề thấy một trực thăng nào cả.
 Còn những thi hài đầu tiên được vớt lên không phải là do lực lượng tuần duyên hay hải quân, mà là do các thợ lặn tình nguyện. 
 
Các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thì không đưa ra được giải thích nào, hay trả lời thỏa đáng cậu hỏi gia đình nạn nhân. 
Điều làm cho họ bực tức thêm là chính phủ cho thấy không một chút thông cảm đối với gia đình mất đi con em.
 
Cuối cùng, tác giả cho hay trong bối cảnh này, gần đến ngày kỷ niệm một năm tai nạn, sự bực tức càng tăng lên, sự đối đầu giữa chính quyền và gia đình nạn nhân càng gay gắt hơn.
 
Truyền hình Pháp-Đức với hai phim tài liệu về Việt Nam
 
Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, dưới tựa đề « Việt Nam, cuộc chiến ba mươi năm », báo Le Monde giới thiệu hai bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh đã kết thúc cách nay bốn mươi năm. 
Phim được chiếu trên đài Pháp-Đức Arte vào hôm nay, 14/04/2015 lúc 20 giờ 50 và 22 giờ 35.
 
Đầu tiên, Le Monde giải thích lý do vì sao lại gọi cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một cuộc chiến 30 năm.
 Vì đây là « một cuộc xung đột rất dài mà người Pháp khởi sự tại Đông Dương sau Đệ nhị Thế chiến, dẫn đến thất bại của Điện Biên Phủ năm 1954, rồi sau đó đến lượt người Mỹ, dù có sức mạnh quân sự khổng lồ, cũng đã không thắng được sức kháng cự của đạo quân cách mạng nhỏ bé của Việt Nam ».
 
Đối với Le Monde, đây cũng là một cuộc "chiến tranh bẩn thỉu", trong đó Mỹ đã thử nghiệm tất cả các loại vũ khí hóa học, tiến hành tra tấn và tuyên truyền bằng cách nói dối. 
Le Monde đặc biệt nhấn mạnh vai trò của báo chí thế giới, bằng những tài liệu được công bố của mình, đã góp phần làm dấy lên các làn sóng phản đối trên toàn thế giới và giúp đánh bại quân đội Mỹ.
 
Nhật báo Pháp nhắc lại các bức ảnh chụp năm 1972, cho thấy một bé gái trần truồng và bị phỏng chạy khỏi một ngôi làng đang bốc cháy vì bom napalm. 
Bức hình, theo Le Monde, đã xoay chuyển dư luận thế giới và làm sống lại huyền thoại về ảnh báo chí và các phóng viên chiến trường.
 
Tư liệu lưu trữ chưa từng được công bố
 
Bộ phim thứ nhất được chiếu trên đài Arte mang tựa đề " Việt Nam, cuộc ‘chiến tranh bẩn thỉu’ " là một phim tài liệu dài 90 phút của Đức, do Christel Fromm thực hiện vào năm nay. 
 
Đạo diễn đã dành tiếng nói cho các cựu chiến binh Mỹ (536.000 người đã được gửi qua Việt Nam, 60.000 bị thiệt mạng) cũng như Việt Nam, (ở cả hai phía miền Nam và miền Bắc), các nhà hoạt động trong phong trào phản chiến và một số nhà báo.
 
Theo Le Monde, lời chứng của những người này khá rời rạc, nhưng lại được kèm theo nhiều tài liệu lưu trữ thường chưa từng được công bố, giúp khán giả có được một toàn cảnh, dù chỉ nhỏ bé, về cuộc chiến được đánh giá là một sự sỉ nhục lớn của nước Mỹ.
 
Bí mật về cuộc đàm phán Paris
 
Bộ phim thứ hai được Arte trình chiếu dài 55 phút, mang tựa chung chung là " Chiến tranh Việt Nam ", do đạo diễn Pháp Daniel Roussel thực hiện vào năm ngoái 2014.
 
Nhận xét chung của Le Monde rất rõ ràng : " Nếu bộ phim đầu tiên còn làm chúng ta thòm thèm, thì phim thứ hai là một tài liệu rất thú vị về cuộc đàm phán bí mật kéo dài ba năm ở vùng ngoại ô Paris giữa Henry Kissinger..., và Lê Đức Thọ ", bên lề cuộc đàm phán về Hiệp định Hòa bình Paris giữa Mỹ và Việt Nam, được ký ngày 27 tháng 1 năm 1973.
 
Theo Le Monde, với hàng trăm giờ thu âm ghi lại trong 45 cuộc họp bí mật và lời chứng của một số nhà đàm phán vẫn còn sống, Daniel Roussel đã dùng các đoạn âm thanh đó để dựng lại quá trình đàm phán, từ những hành động đe dọa, những hồi căng thẳng cho đến những mưu mô và thỏa hiệp.
 
Le Monde nêu bật lời ca ngợi của Henry Kissinger, năm nay đã 92 tuổi, về đối thủ Lê Đức Thọ, đã qua đời vào năm 1990 lúc 78 tuổi, theo đó Kissinger nói rằng ông " rất tôn trọng" cố lãnh đạo Việt Nam, vốn đã "làm chủ hoàn toàn hồ sơ thương thuyết ".
 
Switch mode views: