Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

« Thánh chiến tin học » : Đài Pháp TV5Monde bị tin tặc làm tê liệt

 
TV5Monde
 
 
Trụ sở đài truyền hình Pháp TV5Monde tại Paris.
REUTERS/Benoit Tessier
 
 
Ngày 09/04/2015, sau gần một ngày bị tin tặc tấn công, đài truyền hình tiếng Pháp TV5Monde mới hoạt động trở lại. 
 
Kể từ đầu năm đến nay, nhiều trang mạng của truyền thông Pháp liên tiếp bị hacker, tuy nhiên, việc một đài truyền hình lớn bị tấn công tin học như trên được nhiều nhà quan sát ghi nhận là chưa từng có, và tác giả của vụ này phải là những chuyên gia xuất sắc.
 
 Nghi ngờ hiện đổ dồn về tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.
 
Cuộc tấn công xảy ra vào lúc 20 giờ GMT, ngày thứ Tư 08/04. 
Toàn bộ 11 kênh của đài truyền hình Pháp TV5Monde đột ngột ngừng sóng.
 TV5Monde cũng mất quyền kiểm soát trang nhà, Facebook và Twitter : nhiều thông điệp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo xuất hiện trên các trang này. 
 
Chỉ đến 16 giờ GMT hôm qua, bản tin truyền hình của TV5 Monde mới được phát trực tiếp trở lại.
TV5Monde, được theo dõi tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là biểu tượng của truyền thông Pháp trên trường quốc tế. 
 
Tổng giám đốc TV5Monde, Yves Bigot, nhấn mạnh vụ tấn công này là « hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử truyền hình ». 
Đây cũng là nhận định của một nhà điều tra xin được giấu tên.
 
Hiện tại, chính quyền Pháp nghiêng về giả thuyết vụ tấn công do các lực lượng khủng bố chủ mưu, như tuyên bố nhận trách nhiệm của nhóm Nhà nước Hồi giáo Daesch.
 
Theo ông Daniel Martin, cựu thanh tra của cơ quan An ninh nội địa Pháp DST, đồng sáng lập Viện tội phạm mạng (Cybercrime Institute), để thực hiện một cuộc tấn công như vậy các thủ phạm phải có được « những phương tiện kỹ thuật đáng kể », đây hoàn toàn « không phải là những kẻ khủng bố bình thường ».
 
Truyền thông Pháp nói đến « cyber-jihadiste » (tạm dịch là Thánh chiến tin học).
 
 Theo ông Gilbert Ramsey, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị, Đại học Saint-Andrew, Scotland, vụ tấn công tin tặc nhắm vào đài truyền hình TV5Monde có một quy mô lớn hơn hẳn so với với các đợt hacker trước đây. 
 
Ông Ramsey giải thích « các đơn vị chiến binh tin học của những nhóm như Nhà nước Hồi giáo phối hợp hành động theo mạng lưới » và chúng « có thể hành động từ bất cứ nơi nào trên thế giới ».
 
Vẫn theo nhà sáng lập Viện tội phạm mạng Pháp, cuộc tấn công nói trên chắc chắn đã được chuẩn bị kỹ càng từ lâu, những kẻ chủ mưu rõ ràng phải tiến hành tuyển mộ « các chuyên gia tin học xuất sắc nhất », bởi các tổ chức như « Nhà nước Hồi giáo » không thiếu phương tiện.
 
 Cựu thanh tra An ninh nội địa Pháp nhắc lại những hoạt động tuyển mộ chuyên gia tin học cao cấp của nhóm Hồi giáo thánh chiến vũ trang tại Algeri đầu những năm 1990, hay những đơn vị chiến tranh tin học trong quân đội Trung Quốc hiện nay.
 
Về phần mình, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị đại học Scotland, phỏng đoán cuộc tấn công chưa từng có nói trên chưa chắc đã được đặt dưới sự điều phối của một bộ chỉ huy duy nhất. 
 
Điều có phần chắc chắn là, lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo muốn chứng tỏ đang ở thế tấn công, trên chiến trường, cũng như trên không gian mạng « sau thất bại tại Tikrit (Irak), điều có thể quan trọng đối với họ là thể hiện rằng họ có thể mở ra những mặt trận mới ».
 
Hôm thứ Tư, vài giờ trước cuộc tin tặc nhắm vào TV5Monde, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesch phát đi một đoạn video cho thấy năm chiến binh – được quay hình tại Raqqa, căn cứ địa của Daesch tại Syria – ca ngợi « các hiệp sĩ truyền thông », đang tiến hành cuộc thánh chiến tin học và kêu gọi những người này nỗ lực hơn.
 
Trong cuộc tấn công nói trên, các tin tặcđã đưa lên trang Facebook của TV5Monde nhiều tài liệu được giới thiệu như là giấy tờ và lý lịch của thân nhân quân nhân Pháp đang tham gia vào các chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông, trong một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu.
 Cùng với những thông tin trên là những lời đe dọa tính mạng.
 
 
 
Switch mode views: