Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bangkok bị cô lập, Nga chen chân vào Thái Lan

russie thailand

Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Nay Pyi Taw bên lề thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2014.
(Government House photo)

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ thăm chính thức Thái Lan trong hai ngày 07-08/04/2015.
 Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng chính phủ Nga từ khi Liên Xô phân rã vào năm 1991.

 Bang giao giữa Thái Lan và Nga không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng vào lúc mà phần lớn các nước phương Tây đã giới hạn quan hệ với Bangkok sau cuộc đảo chính tháng 05/2014, Nga có lẽ đã nhìn thấy một cơ hội tốt để cải thiện bang giao với một quốc gia có vai trò thiết yếu tại Đông Nam Á.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus trước hết phác họa bối cảnh quan hệ Nga-Thái Lan trước chuyến công du của Thủ tướng Nga Medvedev :

Arnaud Dubus :Nga không phải là một đối tác hàng đầu của Thái Lan, và cũng chưa bao giờ đóng được vai trò này.

 Trong lịch sử cận đại, Liên Xô là đồng minh chí cốt của miền Bắc Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1975, và bị coi là một nhà nước thù địch của Thái Lan, lúc đó là hậu cứ của quân đội Mỹ tham chiến ở Đông Dương.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, kể từ giữa những năm 1970, Thái Lan đã xây dựng chiến lược ngoại giao của mình trên cơ sở một quan hệ cân bằng với siêu cường quốc Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của mình, và với Trung Quốc, cường quốc không thể bỏ qua trong khu vực.

Nga không có mặt trong cục diện đó, nhất là khi mà Matxcơva không có nhiều lợi ích chiến lược trong vùng Đông Nam Á.
Thế mạnh của Nga là vũ khí, nhưng quân đội Thái Lan chưa bao giờ dùng đến thiết bị hoặc vũ khí của Nga, dù đó là Không quân, Lục quân hay Hải quân.

 Hợp tác quân sự giữa Nga và Thái Lan coi như không có gì.

Cũng cần nói thêm rằng trong những năm gần đây, có những xích mích đã nổi lên trong quan hệ giữa Bangkok và Matxcơva, đặc biệt sau vụ cảnh sát Thái Lan, cùng với các nhân viên FBI của Mỹ, đã bắt giữ trùm buôn vũ khí người Nga là Victor Bout, tại một khách sạn ở Bangkok vào năm 2008.

Bất chấp yêu cầu của Nga, đòi phải trả tự do cho công dân của mình, chính phủ của Thủ tướng Thái Lan lúc đó là Abhisit Vejjajiva, đã cho dẫn độ Victor Bout qua Mỹ.
Sự kiện đó đã làm cho quan hệ song phương Nga-Thái Lan giá lạnh trong một thời gian dài.

Thế nhưng, dĩ nhiên là kể từ sau cuộc đảo chính ở Bangkok vào năm ngoái, tình hình đã thay đổi đôi chút, và Thái Lan, bị phương Tây tẩy chay, đang rất muốn chứng tỏ rằng mình vẫn duy trì được quan hệ bình thường với các nước quan trọng.

RFI : Liệu có thể nói rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nga vào thượng tuần tháng Tư là một chuyến thăm quan trọng hay không ?

Arnaud Dubus : Vâng, trong bối cảnh gần như là đóng băng trong quan hệ giữa Thái Lan và các đối tác phương Tây truyền thống.

Hoa Kỳ đã duy trì một thái độ khá gay gắt về tình hình chính trị ở Thái Lan, nhất là nhân chuyến thăm vào tháng Giêng vừa qua của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước quan trọng đến thăm Thái Lan kể từ cuộc đảo chính tháng Năm năm ngoái, do đó chúng ta có thể chờ đợi là Bangkok sẽ trải thảm đỏ đón tiếp ông, và khai thác tối đa chuyến thăm đó để cho thế giới thấy rằng Thái Lan không đến nỗi bị cô lập như vậy.

Đối với người Nga, chuyến thăm cũng là một cơ hội tốt.
Trong cuộc đọ sức liên tục của Nga chống lại Mỹ và Châu Âu, việc ông Medvedev thâm nhập vào Thái Lan có ý nghĩa như là một hành động nhằm trêu chọc đối thủ.

Một số hiệp định kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nông phẩm sẽ được Thủ tướng Nga và người đồng cấp Thái Lan của ông là Tướng Prayut Chan-ocha ký kết, nhưng trước mắt chưa thấy sự kiện gì ngoạn mục lắm.

Một khía cạnh khác không thể bỏ qua là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng khách du lịch Nga qua Thái Lan, khoảng 1,7 triệu người trong năm 2014.
Nga hiện đứng thứ ba trong số nước cung cấp du khách cho Thái Lan, sau Trung Quốc và Malaysia.

RFI : Theo anh, Hoa Kỳ sẽ có thái độ ra sao về chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nga ?

Arnaud Dubus : Hoa Kỳ dĩ nhiên rất chú tâm theo dõi chuyến thăm này.
Nhưng cùng một lúc, quan hệ Nga-Thái Lan không khiến Mỹ lo lắng bằng tiến trình xích lại gần nhau giữa Bangkok và Bắc Kinh.

Hải quân Thái Lan muốn trang bị cho mình một hạm đội tàu ngầm, đặc biệt là để đối phó với Malaysia, nước đã mua tàu ngầm của Pháp.
Thế nhưng Hải quân Thái Lan không quan tâm đến tàu ngầm của Nga mà lại chú ý đến tàu ngầm Trung Quốc.

Tại Thái Lan hiện nay, người ta đang nêu bật quan hệ rất lâu đời giữa Thái Lan và Nga, có từ thời xa xưa khi Quốc vương Chulalongkorn của nước Xiêm (tên cũ của Thái Lan) đi đến tận St. Petersburg để thăm Sa hoàng Nicolas Đệ nhị.

Cho dù vậy, sự hiện diện của Mátxcơva ngày nay tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại vùng lục địa Đông Nam Á, vẫn còn quá yếu để Nga được coi là một đối tác hàng đầu của khu vực.


Switch mode views: