Điểm báo Pháp Quốc Ngày 31-03-2015
- Thứ Ba, 31 tháng Ba năm 2015 17:48
- Tác Giả: Anh Vũ
Truyền thông và vụ tai nạn máy bay Germanwings
Bia tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay Germanwings gặp nạn.REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Một sự kiện thời sự nóng trong tuần qua đang lắng xuống dần, nhưng vẫn để lại nhiều dư âm trên báo chí đó là vụ tai nạn của chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings.
Nhật báo Libération lần này quay lại nhìn vào khía cạnh thông tin trong sự kiện vụ máy bay Germanwings với bài viết nhắm vào nhật báo Đức Bild Zeitung.
Bài viết cho biết nhật báo Đức có số lượng phát hành lớn nhất châu Âu này trong sự kiện tai nạn máy bay vừa qua đã huy động các phương tiện khổng lồ để liên tục tung ra các tin giật gân xung quanh thảm họa xảy ra cách đây một tuần.
Ở Đức, dư luận đã thấy đây không phải là lần đầu tiên Bild bất chấp các quy tắc về đạo đức nghề báo để chạy theo lợi nhuận.
Libération cho biết ngay khi tin vụ tai nạn máy bay của Germanwings vừa rơi xuống thì gia đình 16 học sinh đi trên máy bay tới tấp nhận được các cú điện thoại đầu tiên từ ban biên tập của Bild Zeitung.
Tờ báo ngay từ những giờ phút đầu tiên đã triển khai phương tiện lớn đưa tin sự kiện. Khoảng hai chục phóng viên được giao nhiệm vụ lao vào cuộc điều tra, rình moi tin bài 24/24 giờ.
Từ một tuần qua, mỗi ngày nhật báo Đức này lại xì ra những chi tiết mới về quá khứ, thân phận của viên cơ phó chiếc máy bay lâm nạn hay về gia đình nạn nhân. Điều này khiến cho người ta có cảm giác tờ Bild Zeitung luôn đi trước các nhà điều tra.
Cảnh sát Đức cũng cảm thấy bị làm phiền vì những phóng viên điều tra của Bild Zeitung.
Theo Libération, từ năm 1986 đến nay, nhật báo Bild này đã phải nhận ¼ số lần khiển trách của cơ quan quản lý báo chí Đức, vì không tôn trọng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trong ban biên tập Bild, sự lựa chọn chủ đề, người phỏng vấn hay nhân chứng sự kiện chỉ tuân thủ một mục đích duy nhất là lái độc giả theo luận điểm mà ban biên tập bảo vệ.
Libération cho biết, Bild Zeitung ra mắt năm 1952, đến nay là nhật báo có số lượng ấn bản lớn nhất châu Âu với 2 triệu bản.
Từ hơn sáu chục năm qua, Bild luôn là tờ báo gây nhiều ảnh hưởng đối với chính trị ở Đức, cũng như đối với giới văn hóa, thể thao của nước này.
Tờ báo có thể tạo dựng cũng như phá hỏng sự nghiệp của nhiều người, đưa họ lên mây xanh cũng như kéo xuống địa ngục ngay được. Để thấy được vai trò ảnh hưởng của tờ báo, Libération dẫn lời cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder có lần đã nói : « Để lãnh đạo, người ta chỉ cần đến Bild và truyền hình ».
Trong quá khứ của mình Bild Zeitung đã không ít lần gây bức xúc trong dư luận bởi cách đưa tin theo kiểu giật gân câu khách. Hậu quả đâu chưa rõ nhưng kết quả là trong vụ tai nạn máy bay của Germanwings vừa qua, phiên bản internet của Bild Zeitung đã đạt con số gần 300 nghìn thuê bao.
Cùng chủ đề thông tin xung quanh vụ tai nạn máy bay của Germanwings, báo Libération có bài viết khác chạy tựa : « Các nhà điều tra bị theo đuôi truyền thông » , theo đó thì những phát hiện trên báo chí trong vụ tai nạn hàng không vừa rồi đã làm dấy lên các chỉ trích BEA , Văn phòng Điều tra và Phân tích tai nạn hàng không của Pháp, và những giới chức chính quyền khác.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước, tức 1 ngày sau vụ tai nạn, ông giám đốc BEA Rémi Jouty chỉ dám đưa ra những thông tin nhỏ giọt xung quanh hành trình bay của chiếc máy bay lâm nạn, cũng như ông không dám đưa ra một chi tiết nào trên khoang lái trước lúc máy bay lao đầu xuống núi.
Nhưng chỉ ít giờ sau đó, báo New York Times đã có nội dung ghi âm trên cabin máy bay mà BEA vừa có được từ hộp đen máy bay với độ chính xác tuyệt đối. BEA cho biết thực sự kinh ngạc trước sự việc thông tin bị lọt ra ngoài này.
Sự việc này khiến cho cơ quan này bị tố cáo là không minh bạch, có ý định o bế thông tin. Tuy nhiên Libération cho rằng BEA đã làm đúng quy trình phận sự của một cơ quan chuyên môn độc lập.
Trang nhất các báo Pháp : Dư chấn bầu cử địa phương
Hai ngày sau khi kết thúc cuộc bầu cử địa phương hội đồng cấp tỉnh của Pháp, với thắng lợi ồ ạt của đảng cánh hữu, báo chí Pháp hôm nay vẫn chưa muốn dừng mổ xẻ thất bại của cánh tả cầm quyền.
Các tờ báo, như Le Monde hay Le Figaro không chỉ tiếp tục đưa đề tài này lên trang nhất mà còn giành tới cả chục trang để phân tích đủ mọi khía cạnh từ nguyên nhân thất bại của phe này đến niềm hân hoan với thắng lợi của phe kia.
Tựu chung các báo vẫn cố gắng nhằm vào một hướng là chỉ trích chính sách của chính phủ cánh tả.
Tờ Le Figaro vốn được biết đến ở Pháp là một tờ báo có xu hướng thiên hữu, tỏ ra rất hăng hái khai thác sự kiện này. Le Figaro tập trung vào mối bất hòa trong nội bộ cánh tả về các lãnh đạo của chính phủ với tựa lớn trang nhất : « Cánh tả đòi tính sổ với Thủ tướng Manuel Valls ».
Bên cạnh đó tờ báo cũng không quên ca ngợi « thành công chiến lược của Nicolas Sarkozy » (cựu tổng thống, đương kim chủ tịch đảng đối lập UMP).
Khiêm tốn hơn, nhật báo Công giáo La Croix cũng giành tới 6 trang cho màn bầu cử vừa rồi. Tờ báo ghi nhận là Thủ tướng chưa chắc đã thay đổi đường lối sau thất bại này.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có cải tổ nội các và ông Manuel Valls khẳng định sự lựa chọn chính sách kinh tế hiện nay là đúng, đồng thời ông thông báo nhiều biện pháp mới thúc đẩy tạo công ăn việc làm và đầu tư.
La Croix nhận định, « dù thế nào đi chăng nữa thì chính phủ hiện nay phải bằng hành động cụ thể để chứng tỏ họ biết lắng nghe tiếng nói bất bình của người dân » thông qua lá phiếu bầu vừa qua.
Thiên đường của voi châu Á tại Thái Lan
Liên quan đến châu Á, báo la Croix có bài phóng sự về loài voi ở châu Á mang tiêu đề « Ở thiên đường của voi châu Á ».Tác giả bài phóng sự đưa độc giả về với khu bảo tồn loài voi ở Lampang, Thái Lan, được thành lập từ năm 1993, theo sáng kiến của Hoàng gia Thái.
La Croix ghi nhận, hiện tại chỉ còn từ 40 nghìn đến 50 nghìn con voi đang sống rải rác trong 12 quốc gia châu Á. Voi châu Á hiện cũng nằm trong danh sách các loài bị đe dọa và lãnh địa sống của loài động vật này đang không ngừng bị thu hẹp lại.
Được thuần hóa hay sống hoang dã, loài voi đang sống trong một vùng rộng lớn nằm ở nam Á.
Từ nhiều thế kỷ qua, số lượng voi châu Á đã giảm hơn 2/3. Rất nhiều nguyên nhân khiến cho số lượng voi ngày càng giảm, đó là do nạn phá rừng, bị săn bắt để lấy ngà, hay bị bắt đưa về vườn thú...
Ở Thái Lan theo tác giả bài viết, hiện nay do cấm khai thác gỗ phá rừng nên voi không còn được dùng để kéo gỗ nữa. Một số quản tượng chuyển hướng đưa voi sang hoạt động ở lĩnh vực du lịch, nhưng Thái Lan mới đây cũng đã cấm voi đi lại trên đường cũng như trong thành phố. Các chú voi nhà đó một lần nữa lại bị thất nghiệp.
Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều quản tượng không đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc cho con vật của mình giờ có thể đưa voi đến Trung tâm Lampang để chúng được sống trong quần thể tự nhiên, nhưng vẫn có sự chăm sóc của con người. Trung tâm Lampang cũng là nơi du khách có thể đến tham quan và làm quen với loài voi.
Thủ đô mới hoành tráng hay tham vọng ghi dấu ấn của lãnh đạo
Nhìn sang châu Phi, Libération đề cập đến dự án vừa được tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi thông báo, theo đó đến năm 2022, nước này sẽ cho xây dựng một đô thị hiện đại khổng lồ trong sa mạc để thay cho thủ đô thủ đô Cairo hiện nay.
Thủ đô mới sẽ được dựng lên trên diện tích 700 km2, nằm giữa thành phố Cairo và Suez. Đây là một đô thị hoàn toàn hiện đại với các các tòa nhà bê tông chọc trời. Theo nhiều quan chức chính quyền Ai Cập thì thủ đô mới sẽ ra mắt trong vòng 7 năm tới , trong khi các công trình dự trù trong 12 năm. Dự án này có giá khoảng 42,9 tỷ euro.
Theo Libération, « với chính quyền hiện nay, cần phải ghi dấu ấn bằng việc giới thiệu một dự án, càng khổng lồ bao nhiêu càng tốt ». Tuy nhiên đây cũng là một dự án phiêu lưu cả về kinh tế cũng như xã hội.
Nhân nói về dự án đô thị hóa khổng lồ này của Ai Cập, Libération cũng nhận thấy, không chỉ có Ai Cập mà hiện nay ở nhiều nước nhiều lãnh đạo muốn ghi lại dấu ấn của mình đã cho xây dựng nhiều thành phố mới đồ sộ làm thủ đô mới, nhưng theo tờ báo, những dự án như vậy đã để lại những hậu quả không hề nhỏ.
Điển hình như Brazil năm 1960 đã cho xây dựng Brasilia thành thủ đô mới thay thế cho Rio de Jianeiro chật hẹp. Ở châu Phi thì có Nigeria, Tanzania cũng đã thay đổi thủ đô đến nơi mới hiện đại hơn, rộng rãi hơn ; châu Á có Malaysia cũng đã chọn Kuala Lumpur làm thủ đô mới thay cho Putrajaya thủ đô hành chính nằm cách đó 25 km.
Lý do đưa ra thì nhiều, nhưng tựu chung lại theo các chuyên gia thì đều do các lãnh đạo đất nước muốn chứng tỏ quyền lực của họ có thể tác động lên thế giới qua việc tạo lập ra các thành phố mới. Thế nhưng hầu hết các dự án di dời thủ đô đó đều thất bại.
Tờ báo đưa ra ví dụ gần đây nhất là vào năm 2005, chính quyền Miến Điện cho rời thủ đô từ Rangoon về Naypyidaw. Được xây dựng bí mật trong vòng nhiều năm trời, thủ đô mới được khai trương tháng 11 năm 2005, thế nhưng từ đó đến nay thành phố này vẫn bị mang danh là « thành phố ma ».
Mặc dù các cơ quan hành chính, quyền lực của đất nước đã được chuyển về đây từ nhiều năm nay, nhưng thủ đô mới của Miến Điện vẫn không mang được hình hài của một đô thị, các trung tâm thương mại thì trống không, các trục giao thông thì thưa thớt, các tòa nhà vẫn vắng bóng người.
Tin mới
- Irak : Ân xá Quốc tế lo ngại các vụ trả thù ở Tikrit - 03/04/2015 22:31
- Biển đông là vấn đề quan trọng đối với Nga - 03/04/2015 12:59
- Giới chức Yemen: Phiến quân chiếm được dinh tổng thống - 03/04/2015 12:53
- Theo Liên Hiệp Quốc, Syria và Irak là nơi đào tạo quân thánh chiến - 01/04/2015 20:54
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 01-04-2015 - 01/04/2015 20:45
- Bangkok bị cô lập, Nga chen chân vào Thái Lan - 01/04/2015 19:51
- Ý kiến về cách chặt cây ở VN và Mỹ - 01/04/2015 18:44
- Hơn 90 ngàn công nhân Sài Gòn tiếp tục biểu tình - 31/03/2015 20:28
- Mỹ - Việt bàn chuyện hợp tác lực lượng tuần duyên - 31/03/2015 20:17
- Hồ sơ Iran : Ngày đàm phán cuối cùng - 31/03/2015 18:44
Các tin khác
- Đài Loan hạ thủy chiến hạm tàng hình tự chế đầu tiên - 31/03/2015 17:11
- Lính dù Mỹ huấn luyện quân đội Ukraina - 30/03/2015 17:49
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 30-03-2015 - 30/03/2015 17:27
- Thượng Viện Mỹ báo động về Biển Đông : Cơ hội cho Việt Nam - 30/03/2015 16:30
- Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Đại Tây Dương ? - 30/03/2015 16:16
- Sau 40 năm Quân đội Mỹ trở lại Việt Nam - 30/03/2015 03:38
- Tín đồ Ki-tô mừng Chủ nhật Lễ Lá - 30/03/2015 01:06
- Tunisia : Tuần hành quốc tế chống khủng bố - 30/03/2015 00:45
- Singapore cử hành tang lễ cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu - 29/03/2015 21:44
- Nam Phi : Trang bị súng máy để chống săn trộm - 28/03/2015 19:51